Sáng 1/3, tại nhà tang lễ Bệnh
viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), gia đình, người thân tổ chức đưa
ông Trần Viết Tiến (64 tuổi) và cháu nội Trần Gia Hân (7 tuổi) về nơi an nghỉ.
Cạnh những bông cúc trắng, cúc vàng, di ảnh cô học trò lớp 1 với gương mặt non
nớt, nụ cười rạng rỡ khiến nhiều người rơi nước mắt xót thương. Quanh nhà
tang lễ, đứa em gái hơn 2 tuổi của Hân đeo khăn tang trắng vẫn nô đùa, chưa
hiểu được nỗi đau và mất mát của người lớn.
Đến giờ làm lễ truy điệu,
người thân đi quanh linh cữu chào hai ông cháu lần cuối. Hai quả phụ Trần Thị
Ngọc Dung (vợ ông Tiến) và chị Nguyễn Thị Thi (mẹ cháu Hân) đeo khăn tang liên
tục ôm mặt khóc nức nở.
"Sao tai họa liên tục
ập lên gia đình tôi thế này. Mọi người lần lượt ra đi", chị Thi khóc và
liên tục gọi tên con gái. Cách đây gần 2 năm, chồng chị qua đời vì tai nạn giao
thông. Nỗi đau này chưa nguôi thì bố chồng và con gái chị cùng qua đời bởi tai
nạn sáng 29/2.
Người mẹ trẻ nhớ lại sáng
qua hai ông cháu còn vui vẻ khi rời nhà. Một lúc sau, chị bủn rủn khi nghe điện
thoại từ cô giáo chủ nhiệm của bé Hân thông báo về vụ tai nạn. Đến hiện trường,
chị không tin vào mắt và ngã khụy tại chỗ.
…
Trước đó, 7h30 sáng 29/2,
xe Camry chạy tốc độ cao trên đường Ái Mộ (Long Biên) tông vào xe máy của ông
Trần Viết Tiến đang chở cháu Trần Gia Hân đi học, rồi đâm vào bà Nguyễn Thị
Trúc khiến bà văng xa chục mét. Tai nạn làm hai người lớn tử vong tại chỗ, cháu
bé chết trên đường đi cấp cứu.
Sau tai nạn, hai người
trên xe (một nam, một nữ) rời khỏi hiện trường và chiều cùng ngày mới đến công
an quận Long Biên trình diện. Nhà chức trách xác định người cầm lái là nam tài xế
Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi, ở Thượng Thanh, Long Biên).
Vinh khai làm ở một gara
gần đó, chưa có bằng lái và uống rượu trước khi gây tai nạn. Sáng cùng ngày,
một khách hàng mang chiếc Camry đến gara rửa và để lại chìa khoá. Vinh cùng
cháu gái ngồi vào xe thấy màn hình điều khiển báo đèn đỏ thì cho rằng xe có vấn
đề nên mang đi sửa.
Tài xế khai gây tai nạn do
"bị cuống nên đạp nhầm chân phanh sang chân ga" khiến xe vọt đi.
Nguyễn Quang Vinh đã bị công an quận Long Biên khởi tố.
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/
Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng
trong đời sống xã hội. Anh Vinh đã không tuân thủ quy định của pháp luật,
điều khiển xe ôtô khi không có bằng lái, không biết lái xe, lại vừa uống rượu…
gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hoàn toàn khác với anh Vinh, Đức Giêsu bị những người
Do thái xưa tố
cáo vi phạm luật pháp Cựu ước và lời các
Tiên tri vì họ không hiểu hết những điều Ngài nói và sứ vụ của Ngài.
Mt 5,17-19
17
"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18
Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết
trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19
Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta
làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và
dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Đức Giêsu không hề chủ trương bãi bỏ Lề Luật hoặc bất tuân Lề Luật. Ngài nói với các môn đệ: "Anh em đừng
tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải
là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.
“Luật pháp hay lời các ngôn sứ” được hiểu là những lề luật có trước ở
trong Kinh Thánh Cựu Ước. Có vẻ như Đức Giêsu không tuân giữ
các luật này khi Ngài đón tiếp bệnh nhân và chữa bệnh cho họ vào ngày Sabat, Ngài không rửa tay trước khi ăn, Ngài bênh vực các
môn đệ khi họ bứt lúa ăn trong ngày Sabat vì đói bụng…
Vào thời
Đức Giêsu, các thầy biệt phái và luật sĩ tuân
giữ cặn kẽ “luật truyền khẩu”, các nghi thức tôn giáo dần dần biến thành một hoạt
động đơn thuần chỉ là chu toàn những nghi thức bên ngoài. Theo họ, tuân giữ nghi thức bên ngoài là đẹp lòng
Chúa, bằng không thì phạm tội và những kẻ tuân giữ được coi là người đạo đức
(http://gpcantho.com
- Các bài suy niệm CN 22 TN – B). Như vậy, vì quá câu nệ, quá hình thức, họ đã đi đến chỗ nô lệ cho chính những quy định chi tiết do họ đặt ra.
Đức Giêsu tuân giữ lề luật của Do Thái giáo, nhưng
khác với thầy biệt phái và
luật sĩ chỉ biết bám
vào hình thức, Đức Giêsu đã mặc cho lề luật một tinh thần mới.
Ngài không chấp nhận
sống gò bó vào nghĩa đen của lề luật,
không chấp nhận
óc nệ luật, coi trọng hình thức hơn nội dung, chú ý cái bên ngoài nhiều
hơn là cái bên trong. Ngài “kiện toàn lề luật”, khi đặt lại giá trị của tinh thần lề luật. Luật của Chúa phải
bắt đầu từ trong lòng, trong lương tâm. Chúa sửa lại những luật lệ về ăn chay, cầu nguyện và bố
thí (Mt 6), về lời thề (Mt 5,33). Chúa kiện toàn luật công bằng của
người xưa bằng luật yêu thương. Chúa lập luật bất khả phân ly trong hôn nhân (Mc
10,2), Chúa dạy cách giữ ngày Sabat bằng
lòng nhân, bằng việc thực thi bác ái… và Chúa quả quyết luật của Chúa là ách êm ái,
là gánh nhẹ nhàng.
Lề luật giống như đường ray giữ cho xe lửa chạy an toàn,
hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc phải sống và
làm trong khuôn khổ của lề luật, con người sẽ cảm thấy khó chịu, muốn tìm cách cưỡng lại
hay “lách luật”, thoát ra. Chỉ
khi hiểu được mục đích của
luật và lợi ích đem lại khi tuân giữ luật lệ,
ta sẽ dễ dàng tự giác vâng theo, và hơn nữa, nếu giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Lạy
Chúa Giêsu,
xin cho chúng con biết sống luật của Chúa và luật của Giáo hội theo tinh thần Chúa dạy.
Xin cho việc tuân giữ lề luật của chúng con xuất phát từ lòng yêu mến Chúa, muốn thực hiện Lời
Chúa dạy để trở thành những người con thảo của Cha trên trời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét