Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Hãy nhìn lên để được cứu

     Biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy và con rắn quấn quanh cái ly rất quen thuộc với nhiều người, nhưng nguồn gốc của các biểu tượng này là điều không phải ai cũng biết.

    Nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc là tại sao biểu tượng trong ngành Y - Dược lại là con rắn mà không phải là một con gì hay vật gì khác. Khi thì thấy hai con, khi thì một con quấn quanh một cây gậy; có khi thì cái ly hay cốc (hay gặp trong ngành Dược).

   
Thần Esculape - ông tổ của ngành Y Dược
Theo thần thoại Hy Lạp, một lần, thần Esculape đến thăm một người bạn bị bệnh, ông trông thấy một con rắn độc đang bò vào nhà và đã đánh chết nó. Ngay sau đó, một con rắn khác lại tiến vào và trên miệng ngậm một lá cỏ đến mớm cho đồng loại vừa mới bị đánh chết. Kỳ lạ thay, con rắn chết bỗng hồi sinh. Esculape tình cờ biết được thứ cỏ lạ đấy, nghiên cứu và tìm hiểu thêm, từ đó trở thành một thần y chữa bệnh cứu sống rất nhiều người.

    Trên thiên đình, thần vương Jupiter thấy thế, sợ tài năng của Esculape sẽ làm cho loài người thoát khỏi luật sinh tử, nên đã sai độc nhãn quỷ Cyclope tạo ra sét và đánh chết vị y sư. Cũng nhờ có cha là thần Apollon xin, nên được thần vương Jupiter cho lên ở lại chùm sao Nhân Mã (Sagittaire
…. Từ đó, Esculape được tôn vinh như vị thần y khoa, và thường lấy hình ảnh hai con rắn quấn quanh cái gậy của người làm biểu tượng cho ngành y. Ngày nay, tại thành phố cổ Epidaure vẫn còn di tích ngôi đền thờ thần Esculape.

    Sử cổ La Mã chép truyện về Andro Machus, y sư của Catus Claudius, một vị tướng nổi tiếng thành Rome. Ông đã tìm ra thuốc trị rắn cắn bằng chính nọc độc của chúng, nhờ đó quân La Mã thoát chết bởi đoàn rắn độc của tướng Hung nô Annibal.

    Năm 290 trước công nguyên, La Mã bị dịch, người bệnh phải dâng ly rượu cúng thần Esculape mong tai qua nạn khỏi. Vì thế, về sau người ta vẽ thêm một cái ly bên cạnh con rắn, biểu tượng cho ngành dược.

    Đối với Tây y, rắn chiếm vị trí khiêm nhường trong số khổng lồ các phương thuốc trị liệu nhưng lại có vinh dự trở thành biểu tượng có tính chất truyền thống của cả ngành Y và ngành Dược. Biểu tượng ngành Y là hình con rắn quấn quanh cây gậy. Còn biểu tượng ngành Dược là con rắn có đuôi quấn quanh chân một cái ly đựng thuốc và thân của nó vòng qua miệng ly để đầu chúi xuống, thả lưỡi nếm thuốc. Biểu tượng ngành Dược thường gọi nhiều tên như: “Cái ly con rắn”, “Cái cốc con rắn” hoặc “Chén thuốc Hygeia”.

    Kể từ năm 1796, chén thuốc Hygeia được Pháp chính thức xem là biểu tượng ngành Dược và Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành biểu tượng được đúc bằng đồng hình cái ly và con rắn. Khi Pháp xâm chiếm và phổ biến nền Y - Dược phương Tây vào đất nước ta nên mặc nhiên chúng ta cũng thừa nhận biểu tượng ngành Dược này của Pháp.

     Các nhà thuốc tây ở ta trước đây luôn treo bảng hiệu có dấu thập xanh lá cây và hình cái ly con rắn. Còn ở Mỹ, Hội Dược sĩ Hoa Kỳ (APhA) chính thức công nhận chén thuốc Hygeia là biểu tượng ngành Dược từ năm 1964.

      Ngoài biểu tượng con rắn và cây gậy của Asclepius, nhiều khi một y hiệu có hai con rắn cuốn một cây gậy, và hai bên có đôi cánh cũng được dùng làm biểu hiệu cho ngành y hay y sĩ. Biểu tượng có hai con rắn cuốn trên một cây gậy có cánh thường được gọi là Caduceus. Chữ Caduceus gốc Hy Lạp có nghĩa là "Đũa thần của sứ giả". Ngành Quân Y của Mỹ dùng biểu tượng này từ năm 1856 làm biểu tượng riêng của họ, khác với biểu tượng chính thức của ngành Y từ trước đó với một con rắn quấn trên một cây gậy

L.Trang (tổng hợp)
http://petrotimes.vn/vi-sao-ran-duoc-chon-lam-bieu-tuong-cho-nganh-y-duoc-91177.html

      Trong kinh thánh, con rắn cũng là biểu tượng của sự chữa lành (Ds 21, 4b-9) Và Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói về ý nghĩa cái chết của Ngài trên Thập tự giá.

       Ga 8, 21-30

      21 Đức Giê-su lại nói với họ : "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được." 22 Người Do-thái mới nói: "Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói : ' Nơi tôi đi, các ông không thể đến được ' ?" 23 Người bảo họ : "Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết." 25 Họ liền hỏi Người : "Ông là ai ?" Đức Giê-su đáp : "Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói." 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ : "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Khi xưa, trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

     Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo, như Ngài đã nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14). 

     Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài nói: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28).

     Thực hiện chương trình cứu độ trần gian, vâng theo Thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu chấp nhận được giương cao trên Thập tự giá, làm giá cứu chuộc muôn người. Thập giá giương cao Con Thiên Chúa trở thành Thánh Giá với sức mạnh phi thường: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). 

    Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết nhìn lên Thánh giá, tin vào Đấng Hằng Hữu để được sống.

     Hãy nhìn lên Thánh Giá để cảm nhận được những đau khổ Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta. Nhìn lên Thánh Giá để cảm nhận được tình yêu thương Chúa dành cho chúng ta. Nhìn lên Thánh Giá để thấy tội lỗi của mình, để xin Chúa chữa lành những vết thương trong lòng và đưa chúng ta trở về với Cha. 

    Nhìn lên Thánh giá, cảm nhận tình Chúa yêu thương, chúng ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hậu luôn chờ đợi, sẵn sàng đón nhận và tha thứ tội lỗi cho những đứa con hoang đàng, sám hối trở về. 

    Nhìn lên Thánh giá, để được Đấng Hằng Hữu nâng lên với Ngài. Ánh sáng từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa chúng ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng và chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

    Mỗi khi gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc sống chúng ta hãy biết nhìn lên Thánh Giá để được an ủi, chữa lành. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Ngài.

     Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để thấy tội trần gian, thấy tội của chính chúng con và xin cho chúng con luôn biết nhìn lên Thánh Giá để cầu xin ơn tha thứ và chữa lành cho tâm hồn chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét