Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Can đảm làm chứng cho sự thật

     Bị khởi tố từ tháng 5-1998, ông Huỳnh Văn Nén đã bị tạm giam hơn 17 năm. Ngày 23-10-2015 vừa qua, ông được Viện KSND tỉnh Bình Thuận cho tại ngoại và đến ngày 28-11-2015, ông chính thức nhận được quyết định đình chỉ điều tra.


     Sáng 28-11, sau khi đọc quyết định đình chỉ điều tra ông Huỳnh Văn Nén, đại tá Phạm Thật - phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cũng trao kết luận do chính ông ký ngày 27-11 về vụ án giết bà Lê Thị Bông mà ông Nén bị buộc tội giết người, cướp tài sản.

     Đại tá Phạm Thật khẳng định sau khi điều tra lại, công an đã kết luận không đủ cơ sở buộc tội ông Nén trong vụ án mạng này.

     Tình tiết đáng chú ý trong kết luận này là trong quá trình điều tra lại, ông Nén khai bị điều tra viên Cao Văn Hùng mớm cung, nhục hình nên mới khai nhận giết bà Lê Thị Bông, thực sự ông Nén không giết bà Bông và cũng không biết gì về vụ án mạng này.

     Theo kết luận điều tra, giữa lời khai nhận tội của ông Nén và các tình tiết trong vụ án có nhiều mâu thuẫn. Vị trí giết bà Bông ông Nén khai không thống nhất, cách thức giết bà Bông có nhiều điểm mâu thuẫn.

     Về tài sản của bà Bông, ông Nén khi thì khai hoảng sợ bỏ chạy không lấy gì, lúc khác lại khai có lấy được nhẫn vàng.

     Tại hiện trường, ở mặt ghế sa lon bọc da tại nhà chính phát hiện 3 dấu chân không dép có kích thước 22x8,5cm và gót rộng 4cm; cách phía hiên nhà chính hướng tây nam 1,5m có dấu do bàn chân phải để lại in hằn trên cát và có kích thước 23x9cm, gót rộng 4,5cm.

     Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Thuận xác định không đủ yếu tố đặc điểm riêng để truy nguyên đường vân nên Cơ quan CSĐT không tiến hành trưng cầu giám định đường vân. Do vậy không đủ cơ sở kết luận bàn chân của đối tượng.

     Nhiều tình tiết khác về lời khai của nhân chứng, việc tự khai thời gian của ông Huỳnh Văn Nén trước, trong và sau khi giết bà Bông cũng có nhiều mâu thuẫn.

     Quá trình điều tra lại, ông Nén khai bị mớm cung, bức cung nên không thể điều tra để làm rõ những mâu thuẫn trên.

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151128/vi-sao-17-nam-ong-huynh-van-nen-chiu-noi-oan-giet-nguoi/1011175.html

     Chưa rõ ông Nén bị kết oán oan vì bịnh thành tích, vì sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của những người có nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử ông hay còn một lý do nào khác nữa? Dù thế nào, án oan này cũng làm chúng ta cảm nhận sâu hơn án oan Con Thiên Chúa vì tội lỗi chúng ta phải chịu!.

     Ga 7, 40-53

    40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói : "Ông này thật là vị ngôn sứ." 41 Kẻ khác rằng : "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói : "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?" 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
   45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?" 46 Các vệ binh trả lời : "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !" 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng : "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !" 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su ; ông nói với họ : 51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?" 52 Họ đáp : "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."
   53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Trong số những người đang nghe Đức Giêsu giảng tại Đền thờ Giêrusalem, có một số người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo, có người cho Ngài là Đấng Kitô nhưng có nhiều người không đồng ý như thế, vì với họ Đức Giêsu xuất thân từ Galilê, còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít. 

    Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu, nhưng những người này đã không tuân lệnh, họ dám nói lên sự thật: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Các vệ binh đã can đảm làm chứng cho sự thật mà họ đã nhận được từ Đức Giêsu, họ chấp nhận bị sỉ nhục : “bị mê hoặc, là dân đen, quân bị nguyền rủa, là thứ người không biết Lề Luật”...

    Một sự an ủi lớn lao cho Con Thiên Chúa làm người, khi trong số các thủ lãnh có một người tên Nicôđêmô, một thành viên Thượng Hội đồng tối cao Do thái, là bậc thầy trong dân, trước đó đã đến gặp Ngài ban đêm, nay dám lên tiếng bênh vực Ngài. Ông đã trưng dẫn Lề Luật để biện hộ cho Ngài.

    Tiếc rằng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được người Pharisêu nghe theo. Bất chấp địa vị của ông, họ chế nhạo ông: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” 

    Tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế là một ơn huệ Thiên Chúa ban. Nhưng muốn nhận được ơn huệ này, bạn phải mở lòng mình ra và sẵn lòng đón nhận như những người vệ binh; đừng cứng lòng, cũng đừng tự mãn là ‘thông luật” như những thượng tế và người Pharisêu xưa.

     Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con xác tín Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con can đảm, sẵn sàng làm chứng cho Ngài, cho dù vì thế chúng con phải chịu thiệt thòi, bị chế giễu, bị “trù dập”. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét