Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tình yêu thương chân thành

     Nằm khuất dưới những ngọn đồi xã Hòa Long (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là mái ấm bình yên của những mảnh đời bất hạnh: Trại phong Quả Cảm. Đúng với tên gọi, gắn liền với trại phong chính là những con người quả cảm nhất, và chị Nguyễn Thị Xuân, một trong những người phụ nữ “kỳ lạ” của vùng đất này đã dành gần 30 năm tuổi trẻ để chăm sóc cho những bệnh nhân phong ở nơi đây.
Chị Xuân bên những đôi giày dành cho bệnh nhân phong 
     Như bao người nông dân chân chất, chị sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Hòa (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), gắn liền với việc đồng áng mỗi ngày. Sau này, được mọi người khuyến khích, chị tham gia khóa học ở trường Đào tạo giáo viên mầm non huyện Quế Võ, sau đó vừa làm nông vừa làm giáo viên tại xã nhà.

     Những tưởng suốt cuộc đời sẽ gắn liền với nghề nhà giáo nhưng cái “duyên buồn”, từ lần chứng kiến đám táng của một cụ già vô danh được những người đồng bệnh phong đưa về với đất mẹ đã lấy hết nước mắt của người phụ nữ khi ấy vẫn chưa tròn 30 tuổi. Cái thời những người mắc bệnh phong luôn bị hắt hủi, kỳ thị, bị người thân và xã hội xa lánh thì có mấy ai tình nguyện chăm sóc họ. Những năm đó khu điều trị bệnh phong Quả Cảm có hơn 300 bệnh nhân.

     Chị Xuân đã dặn lòng nhất định sẽ quay lại thăm các cụ và những chuyến viếng thăm thường xuyên tại trại phong, chị Xuân không ngần ngại tắm rửa, bôi thuốc, xoa bóp cho những người bệnh. Từ lời động viên của bác sĩ trưởng khoa, chị Xuân đã quyết tâm học tập chuyên môn, trở thành y tá để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh tại vùng đất sống tách biệt này.


      Quyết tâm gắn bó với những mảnh đời nghiệt ngã, chị Xuân đã đưa ra hành động “kỳ lạ” trong mắt một số người khi chủ động khăn gói vào tận trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để học cách chăm sóc người bệnh. Ngoài ra chị còn mày mò sáng chế ra giày dép dành riêng cho bệnh nhân và hướng dẫn cho nhiều trại phong khác làm theo. Nhờ những sáng chế của chị, bệnh nhân có thể tự đi lại, không cần phải bò, lết như trước kia, nỗi đau về xác thịt của họ phần nào được vơi đi.

     Không dừng lại ở đó, chị còn tìm hiểu, cải tiến và chế ra các dụng cụ phục hồi chức năng chuyên biệt cho bệnh nhân như nạng, bút viết, bát, thìa… để họ dần thấy cuộc sống của mình bình thường trở lại.

     Gần 30 năm gắn bó, trại phong Quả Cảm nay đã trở thành Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh với hơn 90 người bệnh, đa số là người già neo đơn. Cùng với các bác sĩ và đồng nghiệp, chị Xuân luôn là người bạn tri âm thân thiết nhất của những câu chuyện đời, những tâm sự nhói lòng chẳng thể chia sẻ cùng ai của các bệnh nhân.

     Bước sang tuổi 59, chị Xuân đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định tiếp tục đồng hành, chia sẻ vui buồn cùng những bệnh nhân tại đây. Bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim của mình, chị Xuân hy vọng bệnh nhân phong cũng có quyền được hạnh phúc, mong mọi người không xa lánh, hắt hủi họ.

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/giai-thuong-phu-nu-tu-tin-tien-buoc/30-nam-dong-hanh-cung-nhung-canh-doi-bat-hanh-3329834.html

      Sự gặp gỡ, gắn bó của chị Xuân với những bệnh nhân phong ở Bắc Ninh xuất phát từ tình yêu thương chị dành cho những người mang căn bệnh luôn bị hắt hủi, kỳ thị, bị người thân và xã hội xa lánh… Có một sự gần gũi rất đặc biệt với sự việc Maria Mácđala vì lòng yêu mến, đã gắn bó với một người bị kết án, bị xử tử, chết treo trên thập tự giá…

      Ga 20, 11-18

     Khi ấy, 11 bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc ?" Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ' Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Cũng theo Tim Mừng của thánh Gioan, bà Maria Mácđala đã đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ, đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25) và vào lúc sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà đã đi đến mộ Thầy, thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, liền chạy về nói với hai ông Phêrô và Gioan : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." (Ga 20,1-2).

      Hôm nay, lại một lần nữa bà đến thăm mộ của Thầy với mục đích tìm lại xác Thầy. Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ cũng một câu tương tự khi nói với hai môn đệ Phêrô và Gioan : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” (Ga 20,13) .

      Bà đi tìm xác một người đã chết, nhưng lại được gặp Đấng Phục sinh. Lòng băn khoăn lo lắng làm sao tìm lại được xác Thầy, nên khi gặp Thầy đang sống, bà không nhận ra, nhưng khi nghe tiếng gọi thân thương, quen thuộc: “Maria”, bà nhận ra ngay là Thầy và reo lên: “Rabbouni!”

      Được Chúa sai đến với các môn đệ của Ngài, bà khẳng định Chúa đã sống lại bằng một câu đơn giản: “Tôi đã thấy Chúa!” và vui mừng kể cho các môn đệ những điều Chúa đã nói với bà.

    Thấy Chúa và nghe được Chúa nói là đó ước mơ của mỗi người chúng ta trong cầu nguyện. Để gặp được Chúa chúng ta phải yêu Ngài cách nồng nhiệt và phải can đảm, phải sẵn lòng chịu vất vả và cả đau khổ nữa để tìm kiếm Ngài. 

     Chị Nguyễn Thị Xuân trong câu chuyện trên, dù theo tôn giáo nào, chị cũng đã gặp chính Đức Giêsu nơi những bệnh nhân phong mà chị yêu bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim của mình.

     Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng con qua những người anh em đang sống trong vất vả, khổ đau và xin cho chúng con biết yêu thương họ bằng chính tình yêu Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét