Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Sống lại từ cõi chết

     Một phương pháp hiện đại trong đó bao gồm việc thay máu của bệnh nhân bằng nước muối có thể đưa người đang ở bên bờ vực của cái chết quay trở lại.

    "Khi thân nhiệt của bạn là 10 độ C, não ngưng hoạt động, tim ngưng đập, không còn máu, có lẽ mọi người đều đồng ý là bạn đã chết," ông Peter Rhee tại Đại học Arizona, Tucson, nói.

     "Nhưng chúng tôi vẫn có thể đưa bạn quay trở lại".

    Rhee hoàn toàn không thổi phồng. Cùng với cộng sự Samuel Tisherman, từ Đại học Mary Land, College Park, ông đã chứng minh rằng điều này là có thể, nếu cơ thể bị làm ngưng hoạt động tạm thời.

     Toàn bộ quy trình này cho đến nay chỉ được thử trên động vật. Tuy nhiên đây là phương pháp y học hiện đại nhất từ trước đến nay, bao gồm việc rút toàn bộ máu ra khỏi cơ thể và giữ cơ thể ở nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt bình thường 20 độ C.

     Sau khi các vết thương đã được chữa trị, máu lại được bơm trở lại qua các mạch và cơ thể dần ấm lại.

     "Sau khi máu được bơm vào, cơ thể sẽ hồng hào trở lại ngay lập tức," Rhee nói.

     Tới một nhiệt độ nhất định, tim bắt đầu tự đập trở lại.

     "Một điều khá thú vị là ở 30 độ C, trái tim bắt đầu đập trở lại lần đầu tiên ... Và nó trở nên ổn định sau khi thân nhiệt dần ấm hơn."

     Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những động vật được thử nghiệm có rất ít triệu chứng bị rối loạn về sức khỏe sau khi tỉnh dậy.

     "Chúng có thể loạng choạng một chút, nhưng lại quay trở lại các hoạt động bình thường ngay trong ngày hôm sau," ông Tisherman nói.
      Tisherman đã thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí quốc tế khi công bố trong năm nay rằng nhóm của ông đã sẵn sàng thử nghiệm lên cơ thể con người.

      Các bệnh nhân đầu tiên sẽ là các đối tượng bị chấn thương nặng đến nỗi trái tim của họ đã ngừng đập, đồng nghĩa với việc phương pháp này là hy vọng cuối cùng của họ.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2014/11/141107_dead_back_to_life_vert_fut

      Bài viết này được đăng tải tại địa chỉ trên ngày 29 tháng 3 2015. Một năm đã qua, không rõ đến nay nhóm của ông Tisherman đã tiến hành thử nghiệm trên người chưa và kết quả ra sao nhưng cách đây gần hai ngàn năm, có một người đã chết, đã được an táng nhưng đến ngày thứ ba đã đến gặp các môn đệ của mình, làm các ông kinh hồn bạt vía vì tưởng là ma…

      Lc 24, 35-48

     35 Còn hai ông (Hai môn đệ Emmau - NV) thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
     36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
     44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sợ ma không phải chỉ là chuyện của ngày xưa mà ngày nay vẫn còn nhiều người sợ ma. Do vậy, việc các môn đệ của Đức Giêsu sợ ma cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi họ chưa hiểu hết những điều Kinh Thánh nói về Đấng Mêsia. 

      Đúng vào lúc họ đang hoang mang, nửa tin, nửa ngờ và đang nghe hai môn đệ Emmau kể lại những việc đã xảy ra dọc đường, Đức Giêsu bất ngờ hiện ra đứng giữa họ làm cho họ “kinh hồn bạt vía vì tưởng là thấy ma”.

     Ðức Giêsu phục sinh đã kiên nhẫn làm nhiều cách để chứng minh cho các môn đệ tin rằng Ngài đang sống. Trước hết, Ngài mời các ông xem và đụng đến tay chân Ngài, để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Thấy các môn đệ vẫn còn ngỡ ngàng, Ngài đã ăn một khúc cá nướng để họ tin Ngài là người thật. Ngài nhắc lại những điều Ngài đã báo trước khi còn ở với họ, giải thích Kinh Thánh, soi lòng mở trí cho các ông hiểu về cái chết và sự phục sinh của Ngài, yêu cầu các ông đi rao giảng và làm chứng nhân của Ngài.

      Nhiều lúc trong cuộc sống, gặp những người bị tai ương, khốn khó chúng ta nghĩ họ bị Chúa phạt; khi chính chúng ta gặp đau khổ, kêu xin Chúa, chúng ta dễ cảm thấy thất vọng vì không thấy Chúa đâu… Chúa không phải là bóng ma, là sự dữ đe doạ con người. Ngài sẽ đến vào những lúc chúng ta không ngờ. Hãy vững tin Ngài sẽ đến cứu giúp khi con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược và cả khi cánh cửa lòng ta khép kín vì buồn đau. Chúa vẫn đến vào lúc ta tưởng Ngài không đến.

      Ngài đến và mời gọi chúng ta làm chứng nhân của Ngài. Chứng nhân của niềm vui, của sự sống và niềm hi vọng. Hãy đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người vì Chúa phục sinh là tin vui cho loài người phải chết. Đức Kitô đã chiến thắng sự chết. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống. Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù, đau khổ sẽ bị thảm bại. Chúng ta hy vọng và tin tưởng những ai tin vào Ngài, cùng chết đi với Ngài, cũng sẽ được cùng sống và vui hưởng vinh quang với Đức Kitô phục sinh muôn đời.

     Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chết cho chúng con được sống. Xin xua tan bóng tối sự chết, phá tan xiềng xích tội lỗi đang trói buộc chúng con bởi sự ham mê thế tục. Xin dẫn chúng con đi trong bình an của Chúa, để chúng con cũng biết yêu thương, tha thứ và ra đi gieo niềm tin yêu, hy vọng khắp mọi nơi. Amen.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Người đồng hành tuyệt vời

     Một người đàn ông Nhật Bản mất 2 năm để trồng hàng ngàn cây hoa Chi anh (shibazakura), loài hoa có hương thơm và là biểu tượng của Nhật Bản, trong vườn để giúp người vợ thân yêu bị mù tận hưởng hương thơm và có được nụ cười hạnh phúc.

 
Ông bà Kuroki cười hạnh phúc bên khu vườn hoa Chi anh
(Ảnh: Metro)
    Cặp vợ chồng người Nhật Bản nêu trên chính là ông bà Kuroki sinh sống tại thị trấn Shintomi của Nhật Bản. Vốn cưới nhau vào năm 1956, họ có 2 con và một cuộc sống thật sự hạnh phúc. Tuy nhiên, 30 năm sau ngày cưới bà Kuroki đợt nhiên bị tiểu đường và bị biến chứng nên mắt bà đã bị mù lúc bà mới có 52 tuổi. Từ đó, bà sống một cuộc sống khép kín.

       Nhằm bày tỏ tình yêu với người vợ, ông Kuroki đã nảy ra ý định trồng cả một vườn hoa Chi anh, loài hoa không những có vẻ đẹp mê hồn mà còn có thương thơm quyến rũ trong khu vườn trước nhà, nơi vợ ông sinh sống.

       Ông mất 2 năm để phủ kín khu vườn bằng hàng ngàn cây hoa Chi anh. Hai năm cũng qua mau và kết quả lao động miệt mài và tình yêu dành cho người vợ mù được bù lại là cả một khu vườn hoa Chi anh đẹp rực rỡ.

       Tuy vậy, ông Kuroki vẫn chưa có ý định dừng công việc đầy ý nghĩa này. 10 năm sau
Khu vườn Chi anh trước nhà
đó trôi qua và bây giờ không phải là khu vườn mà cả một dải hoa Chi anh thơm ngát. Khu vườn của ông bà Kuroki thu hút nhiều du khách tới thăm từ các vùng lân cận mỗi khi mùa xuân đến và hoa Chi anh nở rộ. Có lúc khách đến thăm lên đến 7.000 người mỗi ngày.

        Một video đã ghi lại cảnh khu vườn hoa Chi anh rực rỡ cùng nhiều du khách tới thăm. Tuy nhiên, video cho thấy điều đặc biệt hơn chính là nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bà Kuroki, nhờ vào tình yêu chân thành từ người chồng. Hoa Chi anh là biểu tượng của "trái tim rụt rè, sự kiên nhẫn, và niềm hy vọng".
Vũ Duy
Theo Metro

http://dantri.com.vn/the-gioi/trong-hang-ngan-cay-hoa-de-tang-nguoi-vo-mu-20160218212814135.htm

      Bà Kuroki đã sống một cuộc sống khép kín từ khi bị mù mắt, nhưng nhờ vào tình yêu chân thành từ người chồng, người bạn đồng hành tuyệt vời, nụ cười hạnh phúc lại nở trên khuôn mặt bà. Tuy vậy, vẫn có hai người bộ hành lòng đầy thất vọng đang trên đường về lại làng mình, đã có được một người đồng hành trên cả tuyệt vời.

      Lc 24, 13-35

     13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
     18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19 Đức Giê-su hỏi : "Chuyện gì vậy ?" Họ thưa : "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy."
     25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : "Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
     28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?"
     33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ đang trên đường về làng Emmau. Không tin vào lời những người phụ nữ nói Thầy Giêsu đã sống lại, họ thất vọng, chán nản, bỏ cuộc quay về Emmau. 

      Đức Giêsu đến bên họ, đi cùng với họ, gợi chuyện cho họ nói để vơi nỗi buồn... Quá đau buồn thất vọng, nên dù gặp “người lạ”, nhưng được hỏi như được cởi tấm lòng, họ đã nói với người đồng hành tình cờ gặp trên đường tất cả nỗi lòng mình. Họ không e ngại nói lên chính kiến của mình: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”.

      Khi lắng nghe, Thầy Giêsu đã giải thích cho họ hiểu lời tất các các điều sách Thánh nói về Đức Kitô, vén mở cho họ hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ mà Ðức Kitô phải vượt qua để thực hiện chương trình cứu độ loài người và sẽ được vinh quang bất diệt.

      Lời của Thầy Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Khi Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem để an ủi, để chia sẻ niềm vui với các anh em và tất cả vỡ oà niềm vui Chúa Phục Sinh. Alleluia!

        Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của mỗi người chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ).

      Hôm nay Ðấng Phục Sinh vẫn đến với chúng ta qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Hãy biết lắng nghe, để tìm sự an ủi, để thêm tin yêu, hi vọng.
       Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau. Hãy học nơi Ðấng Phục Sinh, tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập lắng nghe, tập chia sẻ... 
       Và khi có Chúa ở bên, hãy học theo hai môn đệ Emmau, vui tươi và mau mắn đem Tin Mừng đến với mọi người. 

      Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, “trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” xin Người luôn đồng hành với chúng con trên hành trình về quê trời và xin cho chúng con luôn nhớ có Chúa ở bên, để chúng con luôn biết sống đẹp ý Người, vững bước tiến về quê hương vĩnh cửu Chúa dành cho những kẻ trung thành mến yêu Người. Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tình yêu thương chân thành

     Nằm khuất dưới những ngọn đồi xã Hòa Long (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là mái ấm bình yên của những mảnh đời bất hạnh: Trại phong Quả Cảm. Đúng với tên gọi, gắn liền với trại phong chính là những con người quả cảm nhất, và chị Nguyễn Thị Xuân, một trong những người phụ nữ “kỳ lạ” của vùng đất này đã dành gần 30 năm tuổi trẻ để chăm sóc cho những bệnh nhân phong ở nơi đây.
Chị Xuân bên những đôi giày dành cho bệnh nhân phong 
     Như bao người nông dân chân chất, chị sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Hòa (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), gắn liền với việc đồng áng mỗi ngày. Sau này, được mọi người khuyến khích, chị tham gia khóa học ở trường Đào tạo giáo viên mầm non huyện Quế Võ, sau đó vừa làm nông vừa làm giáo viên tại xã nhà.

     Những tưởng suốt cuộc đời sẽ gắn liền với nghề nhà giáo nhưng cái “duyên buồn”, từ lần chứng kiến đám táng của một cụ già vô danh được những người đồng bệnh phong đưa về với đất mẹ đã lấy hết nước mắt của người phụ nữ khi ấy vẫn chưa tròn 30 tuổi. Cái thời những người mắc bệnh phong luôn bị hắt hủi, kỳ thị, bị người thân và xã hội xa lánh thì có mấy ai tình nguyện chăm sóc họ. Những năm đó khu điều trị bệnh phong Quả Cảm có hơn 300 bệnh nhân.

     Chị Xuân đã dặn lòng nhất định sẽ quay lại thăm các cụ và những chuyến viếng thăm thường xuyên tại trại phong, chị Xuân không ngần ngại tắm rửa, bôi thuốc, xoa bóp cho những người bệnh. Từ lời động viên của bác sĩ trưởng khoa, chị Xuân đã quyết tâm học tập chuyên môn, trở thành y tá để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh tại vùng đất sống tách biệt này.


      Quyết tâm gắn bó với những mảnh đời nghiệt ngã, chị Xuân đã đưa ra hành động “kỳ lạ” trong mắt một số người khi chủ động khăn gói vào tận trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để học cách chăm sóc người bệnh. Ngoài ra chị còn mày mò sáng chế ra giày dép dành riêng cho bệnh nhân và hướng dẫn cho nhiều trại phong khác làm theo. Nhờ những sáng chế của chị, bệnh nhân có thể tự đi lại, không cần phải bò, lết như trước kia, nỗi đau về xác thịt của họ phần nào được vơi đi.

     Không dừng lại ở đó, chị còn tìm hiểu, cải tiến và chế ra các dụng cụ phục hồi chức năng chuyên biệt cho bệnh nhân như nạng, bút viết, bát, thìa… để họ dần thấy cuộc sống của mình bình thường trở lại.

     Gần 30 năm gắn bó, trại phong Quả Cảm nay đã trở thành Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh với hơn 90 người bệnh, đa số là người già neo đơn. Cùng với các bác sĩ và đồng nghiệp, chị Xuân luôn là người bạn tri âm thân thiết nhất của những câu chuyện đời, những tâm sự nhói lòng chẳng thể chia sẻ cùng ai của các bệnh nhân.

     Bước sang tuổi 59, chị Xuân đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định tiếp tục đồng hành, chia sẻ vui buồn cùng những bệnh nhân tại đây. Bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim của mình, chị Xuân hy vọng bệnh nhân phong cũng có quyền được hạnh phúc, mong mọi người không xa lánh, hắt hủi họ.

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/giai-thuong-phu-nu-tu-tin-tien-buoc/30-nam-dong-hanh-cung-nhung-canh-doi-bat-hanh-3329834.html

      Sự gặp gỡ, gắn bó của chị Xuân với những bệnh nhân phong ở Bắc Ninh xuất phát từ tình yêu thương chị dành cho những người mang căn bệnh luôn bị hắt hủi, kỳ thị, bị người thân và xã hội xa lánh… Có một sự gần gũi rất đặc biệt với sự việc Maria Mácđala vì lòng yêu mến, đã gắn bó với một người bị kết án, bị xử tử, chết treo trên thập tự giá…

      Ga 20, 11-18

     Khi ấy, 11 bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc ?" Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ' Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Cũng theo Tim Mừng của thánh Gioan, bà Maria Mácđala đã đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ, đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25) và vào lúc sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà đã đi đến mộ Thầy, thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, liền chạy về nói với hai ông Phêrô và Gioan : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." (Ga 20,1-2).

      Hôm nay, lại một lần nữa bà đến thăm mộ của Thầy với mục đích tìm lại xác Thầy. Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ cũng một câu tương tự khi nói với hai môn đệ Phêrô và Gioan : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” (Ga 20,13) .

      Bà đi tìm xác một người đã chết, nhưng lại được gặp Đấng Phục sinh. Lòng băn khoăn lo lắng làm sao tìm lại được xác Thầy, nên khi gặp Thầy đang sống, bà không nhận ra, nhưng khi nghe tiếng gọi thân thương, quen thuộc: “Maria”, bà nhận ra ngay là Thầy và reo lên: “Rabbouni!”

      Được Chúa sai đến với các môn đệ của Ngài, bà khẳng định Chúa đã sống lại bằng một câu đơn giản: “Tôi đã thấy Chúa!” và vui mừng kể cho các môn đệ những điều Chúa đã nói với bà.

    Thấy Chúa và nghe được Chúa nói là đó ước mơ của mỗi người chúng ta trong cầu nguyện. Để gặp được Chúa chúng ta phải yêu Ngài cách nồng nhiệt và phải can đảm, phải sẵn lòng chịu vất vả và cả đau khổ nữa để tìm kiếm Ngài. 

     Chị Nguyễn Thị Xuân trong câu chuyện trên, dù theo tôn giáo nào, chị cũng đã gặp chính Đức Giêsu nơi những bệnh nhân phong mà chị yêu bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim của mình.

     Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng con qua những người anh em đang sống trong vất vả, khổ đau và xin cho chúng con biết yêu thương họ bằng chính tình yêu Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Amen.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Phụ nữ được tín nhiệm

     Ngày 27/1, người đang dẫn đầu cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố tẩy chay buổi tranh luận quan trọng do kênh truyền hình Fox News tổ chức vào tối ngày 28/1.

Tỷ phú bất động sản Donald Trump 
và nữ nhà báo Megyn Kelly. Ảnh: Thewwrap
     Lý do đơn giản là người điều phối buổi tranh luận chính là nữ nhà báo nổi tiếng Megyn Kelly, người từng khiến ông trùm bất động sản "toát mồ hôi trên truyền hình". Donald Trump cho rằng nữ nhà báo này luôn đối xử bất công và thường bắt bí ông với những câu hỏi hóc búa, theo BFM TV.

     Các nhà quan sát cho rằng đây là động thái mạo hiểm, thể hiện sự e sợ của ông Donald Trump đối với nữ nhà báo này. Bởi cuộc đua vào vị trí ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa đang đi đến thời điểm quyết định, sự vắng mặt của tỷ phú 70 tuổi trong một buổi tranh luận quan trọng như vậy có thể ảnh hưởng bất lợi cho ông trong bối cảnh cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa diễn ra trong vài ngày tới.

    Megyn Kelly tên đầy đủ là Megyn Marie Kelly, là nhà báo kiêm bình luận chính trị của kênh truyền hình Fox News, kênh truyền hình ưa thích của các thành viên đảng Cộng hòa tại Mỹ.

    Sinh năm 1970, Megyn Kelly từng lấy bằng tiến sĩ luật và theo đuổi công việc trong lĩnh vực này suốt 9 năm. Trong thời gian làm luật, cô đã đăng ký tham gia những lớp đào tạo báo chí và bước vào làng báo với vai trò nhân viên thực tập tại WMAQ TV, một chi nhánh của NBC News ở Chicago. Trải qua một số đài địa phương, đến năm 2004, Megyn Kelly chính thức gia nhập Fox News.

    Với năng khiếu báo chí, Megyn Kelly nhanh chóng trở thành gương mặt sáng giá của kênh này và luôn được giao nhiều trọng trách. Từ năm 2007-2012 cô được giao nhiệm vụ dẫn chương trình đặc biệt chào năm mới All American New Year của Fox News.

     Nhờ vai trò một nhà bình luận chính trị nổi tiếng mà năm 2014 Megyn Kelly lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn.
...

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nu-nha-bao-khien-ty-phu-donald-trump-toat-mo-hoi-3349749.html

     Nữ nhà báo Megyn Kelly thật đáng nể phục, xứng đáng được đồng nghiệp khắp nơi tôn trọng. Đọc bản tin này, những người tin Đức Giêsu Phục sinh chắc đều nhớ, không phải các môn đệ, mà chính phụ nữ là những người đầu tiên được Ngài chọn để loan báo Tin Mừng Ngài đã sống lại. 

     Mt 28, 8-15 

    8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 

    9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : "Chào chị em !" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : "Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." 

    11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : "Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay. 
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê, các phụ nữ đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống. Các bà tin chắc ngôi mộ trống là bằng chứng Thầy Giêsu đã sống lại. 

     Tuy sợ hãi nhưng lại hết sức vui mừng, các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa được nghe nói. Nhưng thật bất ngờ, Người các bà gặp đầu tiên trên đường đi lại chính là Chúa Giêsu phục sinh. 

     Bằng trái tim yêu mến và khát khao hy vọng, các bà luôn là những người đầu tiên ra viếng mộ Thầy nên khi nghe Đức Giêsu nói: “Chào chị em”, các bà nhận ra ngay đây chính là vị Thầy đã chịu đóng đinh mà các bà đã đi theo từ Galilê. Không đắn đo, do dự, các bà tiến đến gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ 

     Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên và đã nhờ họ làm chứng, nhờ họ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình. Họ đã mau mắn lên đường loan Tin Mừng Chúa phục sinh. 

     Hôm nay, qua Tin Mừng chúng ta cũng đã được gặp Đức Giêsu phục sinh. Theo gương các phụ nữ, chúng ta hãy chia sẻ, loan báo tin vui mừng này cho những người anh em và cùng với họ đến “điểm hẹn Galilê” để gặp và thấy Đấng Phục Sinh. 

     Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con ơn biết đón nhận những biến cố xảy đến trong cuộc đời mình bằng đôi mắt đức tin và biết sống niềm tin của mình để có thể giúp những người anh em chúng con gặp gỡ cũng tin vào Đấng Phục Sinh và cùng với họ đến điểm hẹn Galilê gặp Ngài. Alleluia!

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Phản bội

    Chiều 11/3/2016, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Phạm Hữu Phát (cựu đội trưởng đội Đồng Nai) 6 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”; các bị cáo còn lại chịu mức án từ 2-3 năm tù treo.
Các bị cáo tại phiên tòa

     
    Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Phạm Hữu Phát (27 tuổi), Trần Văn Ba (30 tuổi), Nguyễn Phúc Thuận (33 tuổi), Trần Đình Hải (26 tuổi), Đỗ Hoàng Hà (28 tuổi), Nguyễn Thành Long Giang (ngụ Tiền Giang), Đinh Kiên Trung (26 tuổi), Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến và Nguyễn Văn Tương.

    Tại tòa, Phạm Hữu Phát cùng các bị cáo khác tỏ ra ăn năn và nói lời xin lỗi đến các cấp lãnh đạo, người hâm mộ, đồng nghiệp. Phát cùng các bị cáo khác đều khẩn khoản xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm đoàn tụ cùng gia đình.


    Tháng 4/2015, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cấm nhóm cầu thủ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý. Mỗi cầu thủ phải nộp phạt 20 triệu đồng, riêng Phát là 30 triệu đồng.

http://infonet.vn/vu-nhom-cau-thu-dong-nai-ban-do-an-phat-cao-nhat-6-nam-tu-post193216.info

     Các cầu thủ Đồng Nai khi bị xét xử đã tỏ ra ăn năn và nói lời xin lỗi những người đã tin yêu, ủng hộ mình. Dù sao họ vẫn còn có cơ hội sửa lỗi. Khác với trong Kinh Thánh, một môn đệ được Đức Giêsu tuyển chọn cũng đã phản bội tình yêu của Ngài, ông ân hận khi Thầy bị bắt và tự kết liễu đời mình.

     Mt 26,14-25

    14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

    17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?" 18 Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : "Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

     20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?" 23 Người đáp : "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !" 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?" Người trả lời : "Chính anh nói đó !"
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Không riêng gì những người tin theo Đức Giêsu, mà tất cả những ai nghe biết về Tin Mừng đều thắc mắc: Vì sao Giuđa phản bội tình yêu của Đức Giêsu?

    Giuđa là một người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận, được Đức Giêsu chọn gọi sau một đêm thức trắng cầu nguyện. Ông đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp... đi theo Ngài. Hơn nữa, ông được Ngài tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm. Ba năm theo Thầy, ông đã được nghe Thầy giảng, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ Thầy làm… Vậy mà ông đã bán Thầy mình với giá ba mươi đồng bạc. 

     Trong cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta đều thấy nói đến một động cơ là " tiền” (Ga 12:6 ; Mt 26,15; Lc 22, 5-6 ; Mc 14,11) nhưng nếu vì tiền, thì giá ba mươi đồng bạc sẽ làm chúng ta hết sức ngạc nhiên, khi so sánh với một quan tiền mà ông chủ trả cho những người làm vườn đến sớm nhất (Mt 20, 2) và so với cân dầu thơm cam tùng nguyên chất ba trăm quan tiền cô Maria đã đổ lên chân Đức Giêsu (Mc 14,5) - Giá bán một người Thầy đã giảng dạy như một Đấng có uy quyền, đã làm bao phép lạ... chỉ có vậy sao?

     Do vậy, đã có rất nhiều cách lý giải khác: Giuđa thất vọng và nóng ruột vì phải chờ đợi quá lâu ngày Thầy cứu Israel khỏi ách thống trị của quân Rôma; hoặc ông nộp Thầy cho các thượng tế, vi định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình; hoặc vì ông đã cảm thấy bị Chúa Giêsu phản bội, nên đã quyết định phản bội lại Ngài, vì ông muốn có một Đấng Messia bạo lưc, lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại người Roma...

     Dù thế nào, ông Giuđa cũng đã phản bội Thầy mình. Ông đã phản bội tình yêu của Thầy. Nhưng, khi thấy Thầy bị kết án, ông hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan". Khi nghe họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!”, ông đã ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ" (Mt 27:3-5). 

    Việc ông Giuđa phản bội nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta không biết sau khi ông treo cổ tự tử, ông sẽ đi về đâu. Đó là quyền của Chúa. Chỉ biết rằng, mỗi khi chúng ta không chu toàn bổn phận của mình, khi chúng ta lỗi phạm đến Chúa, đến anh em là chúng ta đã phản bội lại tình yêu của Chúa. 

     Ông Phêrô cũng đã từng phản bội tình yêu của Thầy. Ông hối hận sau khi chối Chúa. Giuđa cũng đã hối hận, đã trả lại ba mươi đồng bạc. Nhưng có một điều khác biệt: ông Phêrô là Thánh vì tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Kitô, còn ông Giuđa thì không! Như vậy, tội lỗi lớn nhất của ông Giuđa không phải là tội phản bội Chúa Kitô, nhưng là tội đã nghi ngờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

     Như những môn đệ khác hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?”, lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu: Có phải con là người đang phản bội Thầy không? 

     Lạy Chúa Giêsu, chúng con có phúc hơn ông Giuđa xưa vì chúng con được ơn biết Ngài là Con Thiên Chúa, đã chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ phản bội tình Chúa yêu thương, cũng đừng quá tự tin sẽ không vấp ngã, nhưng luôn biết cậy dựa vào lòng thương xót vô biên của Chúa và can đảm đi theo Chúa đến cùng. Amen.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Lòng yêu mến và sự phản bội

      Trên internet có câu chuyện về người học trò phản thầy như sau: 


     Chuyện rằng “Một người học trò học võ, sau khi đã được thầy truyền cho bí mật của nghề võ, hắn vẫn còn nghi ngờ là thầy giấu mình vài ngón đòn độc.

     Một hôm, hắn cầm thanh kiếm đón đường thầy và nói:

     – Nếu thầy không dạy cho tôi miếng võ bí truyền còn giữ lại, tôi sẽ chém thầy làm hai khúc.

     Võ sư lúc đó chỉ có cây gậy cầm tay đi đường, mà quả thật ông đã dạy hết các miếng rồi, liền nói:

     – Ta đã già rồi, sống được bao lâu nữa đâu, và ngươi sức còn trai trẻ, ta chẳng tiếc ngươi mà ngươi nỡ đối xử với ta như vậy ư ?

     Người học trò nhất quyết không nghe. Thầy phân trần cũng vô ích, ông thầy mới chống cây gậy xuống đất, bảo:

     – Xem tài nghệ của mày tới đâu, xem có chém đứt được cây gậy này ta mới dạy nốt những đòn bí truyền.

    Nghe nói vậy, hắn liền vung kiếm chém cây gậy của thầy.

    Kiếm vừa lướt qua, cây gậy bị chặt chéo làm đôi.

    Ông thầy nhanh chóng dùng khúc gậy còn lại trên tay vừa được vạt nhọn đầu do lưỡi kiếm của trò mà đâm ngay vào cổ họng hắn một đòn.

    Hắn chết ngay lập tức. ”

    internet

     Người thầy trong câu chuyện trên hẳn rất đau lòng khi bị học trò phản thầy, định giết chết thầy. Với sự nhanh trí và võ nghệ cao cường, người thầy đã giết chết học trò để giữ mạng sống của mình. Có một người Thấy biết một môn đệ sẽ phản bội, sẽ bán mình và biết trước mình sẽ phải chết, nhưng trước khi điều ấy xảy đến Thầy vẫn chỉ muốn dùng tình thương để cảm hoá người môn đệ phản bội.

     Ga 13, 21-33.36-38

Giuđa (bên phải) rời khỏi bữa ăn tối,
theo tranh của Carl Bloch vẽ cuối thế kỷ 19
     21 Khi ấy (nói xong), Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : "Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy." 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?" 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : "Thưa Thầy, ai vậy ?" 26 Đức Giê-su trả lời : "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : "Anh làm gì thì làm mau đi" 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : "Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

     31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

    33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 

    36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?" Đức Giê-su trả lời : "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo." 37 Ông Phê-rô thưa : "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !" 38 Đức Giê-su đáp : "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Trong bữa tối này, Đức Giêsu xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ. Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội, vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy.

     Biết Giuđa sẽ phản bội, nhưng Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với ông. Thầy rửa chân cho ông và cho ông tham dự bí tích Thánh Thể như các môn đệ khác (Mt 26, 27). Khi ông Phêrô đã làm hiệu cho ông Gioan là môn đệ được Thầy thương, nhờ hỏi xem đó là ai. Thầy Giêsu cũng đã không nói tên kẻ phản bội, chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” để môn đệ mình thương nhận biết kẻ phản bội.

    Tại sao Giuđa lại trở thành một kẻ phản bội? Hiện nay chúng ta thấy có nhiều cách lý giải cho hành động này, nhưng trong bốn sách Tin Mừng, chúng ta đều thấy nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bethany, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo, nhưng “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”(Ga 12:6). Chính ông đề nghị với các thượng tế: “Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc” (Mt 26,15). Khi ông đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Thầy Giêsu “Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ“ (Lc 22, 5-6) và “Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện". (Mc 14,11)

   Giuđa được Thầy tin tưởng giao cho làm thủ quỹ của nhóm, khi dự tiệc được nằm gần Thầy... Nhưng kế hoạch đã sắp đặt sẵn, dù được Thầy ưu ái, trao miếng bánh ân tình, Giuđa không hề động lòng, cân nhắc chọn lại. Không do dự, ông quyết ra đi thực hiện mưu đồ của mình.

   Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần. Thầy cũng chỉ nói sau khi ông Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng vì Thầy. Phêrô đã tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình, ông đã chối Thầy, nhưng khác với Giuđa, ánh mắt đầy yêu thương của Thầy đã làm ông ăn năn hối cải và sau đó đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Thầy. 

    Trong thời đại ngày nay, chúng ta không bị buộc phải bỏ đạo, phải “bước qua Thánh Giá” như các vị Tử Đạo xưa. Chúng ta vẫn đến nhà thờ, không làm hại ai, cũng chẳng thù ghét ai, thỉnh thoảng làm việc bác ái, đóng góp tiền của cho công việc chung… và như vậy đủ để ta an tâm rằng mình vẫn trung thành với Chúa. 

    Thực ra, khi chúng ta ưu tiên tìm kiếm công danh sự nghiệp, tiền tài, danh lợi… hơn ưu tiên chọn Chúa, chúng ta đã phản bội tình yêu của Ngài. Dù không dứt khoát bỏ đi như Giuđa, nhưng rồi ngày từng ngày, đời sống đạo khô khan, ngội lạnh dần; sẽ đến một ngày chúng ta dần xa hẳn tình yêu mến Chúa, xa Hội Thánh của Người. 

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con được phúc tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng những hấp lực trần gian vẫn có một sức mạnh đủ để lôi kéo chúng con xa lìa Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn nhận những yếu đuối của mình, cảm thông với Chúa khi bị môn đệ phản bội, để biết sống trung thành với Chúa, luôn biết cậy dựa vào lòng Chúa xót thương, sớm quay bước trở về với Ngài sau mỗi lần vấp ngã vì yếu đuối. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Hành động vì yêu thương

     Một kỳ tích tình yêu có thật ở Ấn Độ xoay quanh một người đàn ông đã dành ra 22 năm trong cuộc đời mình để xẻ núi, tạo thành một đường mòn xuyên núi, nhằm giúp những người bị đau ốm có thể nhanh chóng tới bệnh viện thay vì phải đi bằng đường vòng mất nhiều thời gian chỉ để tránh ngọn núi hiểm trở.

Ông Dashrath Manjhi 
     Tất cả những nỗ lực mà người đàn ông này thực hiện trong 22 năm xẻ núi đều là vì tình yêu dành cho người vợ đã khuất của mình. Câu chuyện về kỳ tích tình yêu nhưng nhuốm màu bi kịch này đã vừa được các nhà làm phim Ấn Độ chuyển thể thành phim điện ảnh.

     Dashrath Manjhi là một người đàn ông nghèo người Ấn Độ, khi vợ ông qua đời vì gặp tai nạn mà không được kịp thời cấp cứu, ông Manjhi đã quyết định biến tình yêu và nỗi niềm tiếc thương của mình trở thành hành động, tạo thành một đường mòn xuyên núi, sau này, con đường được coi như chứng tích tình yêu của ông dành cho vợ sau khi vợ ông qua đời năm 1959.

     Ở ngôi làng nơi ông Manjhi sinh sống, phải đi sang thị trấn bên cạnh mới có bệnh viện, muốn vậy, người ta lại phải đi vòng qua ngọn núi hiểm trở, hành trình này dài 55km, chính vì đường dài nên vợ ông Manjhi mới qua đời sau khi gặp phải một tai nạn.

    Ông không muốn bất cứ người nào trong làng phải chịu chung số phận như vợ mình nữa, vì vậy, ông đã dùng búa và đục để đẽo đá trên núi trong suốt 22 năm, tạo thành một lối mòn băng ngang ngọn núi.

     Trong suốt 22 năm đẽo đá làm đường, ông Manjhi đã không quản ngày đêm, cứ lúc nào rảnh tay là ông lại đem búa, đục ra ngọn núi gần làng Gehlour, phía đông bang Bihar để cặm cụi đục đẽo. Sau khi ông hoàn tất việc tạo thành lối mòn xuyên núi, quãng đường 55km đường vòng đã được giảm xuống chỉ còn 15km khi người ta đã có thể đi thẳng xuyên qua núi.

    Đến tận năm 1982, ông Manjhi mới hoàn tất công trình của cuộc đời mình, tạo thành một con đường mòn chạy dài 110m với chiều rộng ở một số đoạn lên tới hơn 9m.

    Cuối đời, ông Manjhi bị ung thư túi mật, sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương cho người dân bản địa. Sinh thời, ông từng chia sẻ rằng thoạt tiên, khi ông vác búa, đục ra đẽo đá trên núi, người dân bản địa đã nghĩ rằng ông bị điên do không chịu đựng nổi sự ra đi bất ngờ của vợ, nhưng sau đó, họ nhìn thấy ở ông sự nghiêm túc và kiên trì, họ không còn nói ông điên nữa.
    ...
http://dantri.com.vn/van-hoa/cau-chuyen-co-that-ve-nguoi-dan-ong-xe-nui-vi-tinh-yeu-20150825180020478.htm

     Vì tình yêu, con người có thể làm nên những điều kỳ diệu, lưu danh hậu thế. Trong kinh Thánh có một hành động xuất phát từ tình yêu vô hạn, thánh thiện của một người nữ dành cho Thầy Giêsu, một người đã yêu tha nhân đến thí mạng sống minh:

     Ga 12, 1-11

     1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : 5 "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?" 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói : "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."

       9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Hành động lấy dầu thơm cam tùng xức vào chân Đức Giê-su của cô Maria, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” 

      Trước mặt mọi người, hành động của cô Maria có vẻ khó hiểu. Hành động này đã làm cho một số người cảm thấy bực tức, rồi gắt gỏng với cô (xem Mc 14, 3-9). Nhưng đối với cô, điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu cô dành cho Thầy Giêsu. Hành động của cô diễn tả lòng yêu mến và ước ao trao tặng tất cả cho Thầy Giêsu. Chính tình yêu vô hạn ấy đã làm cô đồng cảm sâu xa với Thầy Giêsu và lấy dầu thơm cam tùng nguyên chất quý giá xức vào chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà lau. 

     Chúng ta được mời gọi đọc ra tình yêu vô hạn cô Maria đã dành cho Đức Giêsu. Hành động mang tính ngôn sứ của cô làm cho Thầy Giêsu cảm kích, Ngài đã yêu cầu để cô yên, rồi xác nhận đây là hành động “có ý dành cho ngày mai táng Thầy” và nói rõ thêm: “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." 

    Mấy ai còn có nhận thức, vào những giây phút cận kề với cái chết, có thể bình tâm đón nhận ? Mang thân phận con người, Đức Giêsu cũng bồi hồi, xao xuyến trong những ngày giờ cuối cùng, khi cận kề với cái chết đau thương, tủi nhục. Maria đã làm một việc rất có ý nghĩa để an ủi Thầy mình trong những ngày này. Thánh Gioan ghi nhận một chi tiết thật hiển nhiên, nhưng đầy ý nghĩa: “Cả nhà nực hương thơm”. Hương thơm này được tháp nhập vĩnh viễn vào Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và cả Sự Phục Sinh của Ngài - hương thơm của tình yêu và sự sống.

     Trong những ngày Tuần Thánh này, mỗi ngày chúng ta hãy dành những phút thinh lặng chiêm ngắm Chúa Giêsu những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình. Đồng cảm với những ưu tư, khắc khoải của Ngài, chúng ta sẽ hiểu được Ngài muốn nơi chúng ta điều gì ? Chính tình yêu, sự đồng cảm với Đức Giêsu chịu khổ hình sẽ giúp ta cố gắng hành động sao cho đẹp lòng Chúa.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được những ưu tư, khắc khoải của Chúa để biết an ủi, giúp đỡ những anh chị em chúng con đang ở trong hoàn cảnh đau khổ, bất hạnh như Chúa đã dạy. Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Sống tin yêu, phó thác

     Nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa được UNESCO công nhận là “Di sản của nhân loại”


     WHĐ (04.02.2016) – Chiều thứ Ba 02 tháng Hai, UNESCO đã chính thức công nhận Nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên bờ sông Jordan là “Di sản của nhân loại” trong một buổi lễ tại Paris.

    Tham gia buổi lễ này có một phái đoàn đến từ Vương quốc Jordan, trong đó có Bộ trưởng Bộ Du lịch Nayef H Al-Fayez và Đức Tổng giám mục Maroun Lahham, Đại diện Toà Thượng phụ Latinh Giêrusalem đặc trách Jordan. Trong bài phát biểu, Đức Tổng giám mục Maroun Lahham gọi nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là “nơi vẫn còn âm vang giọng nói của Chúa Kitô” trong một đất nước Jordan “yên bình và an toàn, giữa lòng một Trung Đông rực lửa”. Ngài ghi nhận: “Tin Mừng đã nói về nơi ấy hai ngàn năm trước, lòng sùng mộ bình dân đã luôn xác quyết, những nghiên cứu khảo cổ học cũng đã minh chứng, bốn vị giáo hoàng đã đến viếng thăm và ngày hôm nay cộng đồng quốc tế đã chính thức công nhận”.

     Đức Tổng giám mục nói thêm: “Từ nay chúng ta có thể lớn tiếng công bố rằng Jordan là Thánh Địa. Thánh Địa gồm chủ yếu là Jerusalem, Bethlehem và Nazareth nhưng về điều đó Jordan cũng không phải là kém thánh thiện hơn”.

(Agenzia Fides)
Minh Đức

      http://hdgmvietnam.org/

     Nơi ông Gioan làm Phép Rửa trên bờ sông Jordan, chính là nơi Đức Giê-su trở về, sau khi Ngài thoát khỏi tay người Do thái đang tìm cách bắt Ngài và ở lại đó. Cũng tại nơi đây nhiều người đến gặp Đức Giê-su và tin vào Ngài.

     Ga 10, 31-42 

    Khi ấy, 31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ : "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?" 33 Người Do-thái đáp : "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." 34 Đức Giê-su bảo họ : "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao : "Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh'" ? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : 'Ông nói phạm thượng !' vì tôi đã nói : ' Tôi là Con Thiên Chúa ' ? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

     40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su, nhưng thay vì lánh đi như lần trước đó, Ngài đã đối thoại trực tiếp với họ. Ngài đã hỏi họ trong những việc làm tốt đẹp Chúa Cha giao cho Ngài làm, vì việc nào mà họ ném đá Ngài?

     Một lần nữa, người Do thái lại kết tội Đức Giêsu đã nói lời phạm thượng : “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 

    Ngài đã giải thích cho họ: Ngài chính là Con Thiên Chúa, Ngài được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian, Ngài nói những lời đã nghe Cha nói và làm các việc của Chúa Cha. Cha và Ngài gắn bó mật thiết với nhau, hiệp nhất với nhau làm một : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.

    Người Do thái khát khao mong chờ Đấng Cứu Thế đến, nhưng Đức Giêsu đang đứng trước họ lại không đúng với khuôn mẫu họ tưởng tượng, chờ đợi. Đấng Cứu Thế họ mong đợi phải là một người lỗi lạc, siêu vượt, là con cháu vua Đavit; đến trong sự oai phong lẫm liệt, cứu giúp họ về vật chất, cứu họ bằng quyền lực, giúp họ phục hồi lại một đế quốc Israel hùng cường… 

    Đức Giêsu ra sức giải thích, thuyết phục, nhưng Người Do thái vẫn cứng lòng, không tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế. Ngài càng giải thích, họ lại càng tìm cách bắt Ngài.

    Giờ của Ngài vẫn chưa đến, Ngài đã thoát khỏi tay họ và trở về vùng bên kia sông Gio-đan, nơi trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa và một niềm an ủi lớn lao đến với Con Thiên Chúa: nhiều người đến gặp và đã tin vào Ngài.

    Giống như người Do thái xưa, nhiều khi chúng ta khi cầu nguyện với Đấng Hằng Hữu, xin Ngài ban cho điều này điều nọ và nài xin Ngài ban ơn cho ta theo ý ta cầu xin. Khi chưa được hay không được ơn như ý muốn, chúng ta thất vọng, chao đảo niềm tin…

     Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành trọn vẹn Thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng luôn biết sống đẹp lòng Chúa Cha và phó thác trọn vẹn đời mình cho sự quan phòng của Chúa. Amen.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Nói điều phải nói và làm điều phải làm

     Chiều 6/10/2014, Việt, Hiếu và Trung đi xe máy đến đường Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông) thì gặp Nguyễn Đức Mạnh. Do nghi ngờ Mạnh lấy trộm tiền của mình nên Trung đã đánh vào mặt nạn nhân.

Hồ nước nơi nạn nhân bị ném chết. 
      Mạnh sau đó đã bỏ chạy còn Trung, Việt, Hiếu quay về nhà Cường lấy dao và rủ Cường cùng đi tìm đánh Mạnh. 

      Khi nhóm đối tượng trên đến bờ hồ sinh thái gần Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thì gặp lại Mạnh đang đứng cùng hai cô gái ở đó. Trung, Việt, Cường liền đuổi đánh anh Mạnh. 

      Thấy nhóm truy sát cầm dao xông tới, Mạnh hoảng sợ nên nhảy xuống hồ mong thoát thân. Nhưng do nước sâu, Mạnh lại không biết bơi nên nạn nhân chới với dưới hồ nước. Mặc dù vậy, nhóm của Trung vẫn không buông tha. Chúng đứng trên bờ ném gạch, đá xuống hồ cho tới khi Mạnh chìm hẳn mới bỏ đi. 

      Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Nguyễn Đức Mạnh là do nạn nhân bị trúng một viên gạch vào đầu, dẫn đến vỡ hộp sọ. 

http://vtc.vn/ban-choi-voi-duoi-ho-nem-da-cho-chet-han-di-tu-cung-khong-hoi-han.7.510636.htm 

     Bị bị truy sát vì nghi ngờ ăn trộm tiền của bạn, hoảng sợ anh Mạnh đã nhảy xuống hồ mong thoát thân, chới với dưới hồ nước, anh bị ném gạch đá cho chết. Người Do thái xưa đã dùng hình phạt ném đá đến chết những người bị họ kết án phạm thượng, phạm tội ngoại tình… Vì sao Đức Giêsu bị họ ném đá ? 

     Ga 8, 51-59 

     Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng: 51 Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." 

     52 Người Do-thái liền nói : "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.' 

      53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?" 54 Đức Giê-su đáp : "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. 56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ." 

     57 Người Do-thái nói : "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !" 58 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !" 

     59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Những người Do thái lượm đá ném Đức Giêsu khi Ngài nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” 

     Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng. Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa? 

     Đối với người Do thái khi ấy và với cả chúng ta hôm nay, thật khó tin khi thấy một người chưa tới năm mươi tuổi, lại tuyên bố mình có trước Abraham, là người đã sống trước mình gần hai ngàn năm. 

     Khó tin nhưng vẫn có thể tin, nếu không cứng lòng, khi đã nghe Đức Giêsu giảng dạy và chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Chính người Do thái đã từng “kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền” (Mc 1,22); cũng chính họ đã đem đến với Ngài tất cả những người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn, những người bị quỷ ám để được Ngài chữa lành (x Lc 4, 40-41)… 

     Đức Giêsu không phạm thượng, vì Ngài chẳng tự tôn vinh mình, Ngài cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ. Ngài luôn xác định mình là con, là người được Cha sai đi. Ngài triệt để vâng phục Thiên Chúa Cha, Ngài chỉ nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8,26) và chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5,19). Ngài đòi những ai muốn sống đời đời phải tuân giữ lời Ngài vì đó chính là Lời của Thiên Chúa Cha, Đấng Hằng Hữu. 

      Khi nói với người Do thái: “Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu”, Đức Giêsu đã mặc khải cho nhân loại: Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18), trước khi được sinh ra đời làm người, Ngài đã hiện hữu rồi. Bởi đó, Ngài là Đấng có trước ông Abrahamm. 

      Dù bị chống đối, bị đe dọa giết chết, Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm. Ngài lánh đi và ra khỏi Đền Thờ khi bị ném đá, vì giờ của Ngài chưa đến. 

      Lạy Chúa, Chúa sai chúng con đi loan báo Tin Mừng cho hết mọi loài thụ tạo. Xin cho chúng con biết tận dụng hết những khả năng Chúa ban để giới thiệu Chúa cho anh em chúng con và xin cho chúng con có được sự can đảm, sự cương trực như Chúa, khi phải làm chứng cho Người.

Tự do và nô lệ

     12 Years A Slave (12 năm nô lệ), nguyên tác của bộ phim cùng tên đoạt giải lớn tại LHP Toronto năm nay, là cuốn sách có giá trị lịch sử và cá nhân nhưng lại không được biết đến trong suốt gần một thế kỷ qua.


    12 năm nô lệ là hồi ký của Solomon Northup, một nông dân tự do ở New York bị bắt cóc vào năm 1841 và bị ép làm nô lệ trong vòng 12 năm.

     Cùng thời với Túp lều bác Tôm và 100 năm quên lãng

     Cuốn 12 năm nô lệ phát hành năm 1853, chỉ một năm sau cuốn Uncle Tom's Cabin (Túp lều bác Tôm) của Harriet Beecher Stowe. 12 năm nô lệ bán được 30.000 bản, được coi là bán chạy.

     Khi mới phát hành, cuốn sách được coi là quả bom ném thẳng vào cuộc tranh luận quy mô quốc gia về chế độ nô lệ, một trong những lý do dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ và khiến dư luận nghiêng về ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ.

    Sau đó, trong thế kỷ 19, sách ra thêm vài phiên bản nữa rồi ngưng hẳn. Cuốn sách bị lãng quên trong vòng gần 100 năm, cho đến năm 1968 mới được sử gia tìm thấy và phát hành trở lại.

    Cuốn sách có một tiêu đề đơn giản tưởng như khái quái được tất cả nội dung, nhưng điều khiến 12 năm nô lệ là một cuốn sách khó quên nằm ở những chi tiết rất cụ thể và nghiệt ngã.

Solomon Northup
    Solomon Northup buộc độc giả phải nhìn thẳng vào quãng đời nô lệ bắt buộc của ông: Những trải nghiệm bị áp bức kinh hoàng, sự đảo lộn vai trò nghiệt ngã khi ông bị ép phải trừng phạt các nô lệ khác, và cuối cùng, cái giá của tự do.

    Một cốt truyện khái quát luôn là thứ dễ kể, nhưng những tác phẩm chân thực khiến người đọc rùng mình vì các chi tiết. Northup làm tất cả để thể hiện rõ mục tiêu của mình: Cung cấp một bức tranh đầy đủ về cuộc sống của một nô lệ, thu thập nhiều tài liệu gốc để tránh mọi hiểu lầm.

    "Cho đến lúc đó cuộc đời tôi không có gì bất thường - không có gì ngoài những hy vọng bình thường, tình yêu, lao động như một người đàn ông da màu tầm thường và góp những đóng góp khiêm tốn của mình cho thế giới" - Northup kể về giai đoạn trước khi bị bắt làm nô lệ.

     Lúc đó là tháng 3/1841, trước khi bước ngoặt cuộc đời ông ập đến.

     Nên được đặt ngang tầm với Nhật ký Anne Frank

     Cuốn sách được chính đạo diễn của bộ phim chuyển thể là Steve McQueen (cũng là một người da đen) khuyên công chúng nên tìm đọc.

      Theo đạo diễn, 12 Years A Slave nên được trân trọng như cuốn sách nổi tiếng The Diary Of Anne Frank (Nhật ký Anne Frank - hồi ký của một cô gái Do Thái thời Đức Quốc xã) và nên được đưa vào chương trình giáo khoa của Mỹ.

     "Đây là một Anne Frank khác, nhưng ra đời trước 100 năm. Tại sao tôi lại không biết về nó sớm hơn?" – đạo diễn McQueen hồi tưởng lại khi mới đọc cuốn sách. "Sau đó tôi phát hiện ra là rất hiếm người biết đến cuốn sách. Thực ra, tất cả những ai tôi hỏi đều không biết đến sự tồn tại của nó. Vì thế tôi quyết định sẽ làm phim".


     Qua câu chuyện của Solomon Northup, chúng ta thấy, dù được hưởng sự tự do, nhưng chúng ta vẫn có thể tự buộc mình trong vòng nô lệ của đồng tiền, của danh vọng địa vị, của thói tham lam độc đoán, của sự sợ hãi… Đó chính là "tội" mà Đức Giêsu nói với người Do thái: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. 

    Ga 8, 31-42

   31 Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người : "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." 33 Họ đáp : "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do ?" 34 Đức Giê-su trả lời : "Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi ; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói." 39 Họ đáp : "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Đức Giê-su nói : "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm." 

    Họ mới nói : "Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa !" 42 Đức Giê-su bảo họ : "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi. 43 Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi ? Là vì các ông không thể nghe lời tôi.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Khi Đức Giêsu nói với người Do thái đã tin Ngài: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”.

    Họ tin Ngài, nhưng họ tỏ ra rất tự phụ khi đáp lại: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”. Có lẽ họ luôn nghĩ mình thuộc dòng giống được được tuyển chọn, là dân riêng của Thiên Chúa nên họ có quyền đứng trên kẻ khác, không lệ thuộc bất cứ ai. 

    Đức Giêsu đã nói cho họ biết rằng: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”, con người chỉ thực sự là những người tự do khi được Con Thiên Chúa giải phóng khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự dữ.

   Đức Giêsu tiếp tục vạch trần sự giả tạo nơi người Do thái khi họ dựa vào tổ phụ Apraham, tự hào là con ông Ápraham, nhưng lại hành động ngược lại với những gì ông Apraham đã làm, khi họ tìm cách giết người đã nói cho họ nghe biết sự thật đã nghe biết từ Thiên Chúa. Có vẻ đuối lý, họ lại xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng họ lại đang tìm cách loại trừ chính Con Thiên Chúa đang ở giữa họ!

    Ngày nay, con người vẫn tưởng mình sống tự do, nhưng vẫn buộc mình trong nô lệ. Nô lệ của đồng tiền, của danh vọng địa vị, của thói tham lam độc đoán, của sự sợ hãi…

   Nhiều người tự xưng là Kitô hữu, là đạo gốc, nhưng những hành vi của họ trong cuộc sống lại ngược với những gì họ tự hào và tuyên xưng. Sở dĩ như vậy vì họ đã không để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn, lòng họ xa Chúa, họ chỉ kính thờ Người bằng môi miệng.

   Tôi là người tin Chúa nhưng tôi có phải là môn đệ của Đức Giêsu như Ngài muốn không?

   Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong Lời Chúa để chúng con luôn biết thắng vượt tội lỗi. Xin giải thoát chúng con khỏi tất cả mọi ràng buộc hay lệ thuộc ngoài Chúa, để chúng con được ở trong nhà Chúa muôn đời. Amen.