Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Đời sống một goá phụ Do Thái xưa

      Theo sách Đệ nhị luật (Thánh kinh Cựu ước), ghi lại quy định mà dân Do Thái phải tuân thủ, nói rõ rằng việc từ chối bổn phận lấy chị/em dâu chưa có con trai của mình là sai trái. Trong trường hợp đó, người phụ nữ có quyền “khiếu nại” đến các bậc kỳ mục trong cộng đồng. Các kỳ mục sẽ gọi người anh em đó đến, thuyết phục anh ta. Và nếu trước mặt họ, người đàn ông vẫn công khai tuyên bố từ chối việc chu toàn bổn phận giúp chị/em dâu sinh cháu, người phụ nữ có quyền đến gần anh ta, giật một chiếc dép khỏi chân anh ta, nhổ vào mặt anh ta và mắng rằng: “Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải bị xử như thế đó”. Trong cộng đồng Israel, người đàn ông đó sẽ bị gọi là “kẻ bị rút dép” 

      Nếu như người đàn ông đã chết không có anh em ruột, nghĩa vụ giúp quả phụ mang thai thuộc về người bà con gần nhất, nhưng không bắt buộc. Với những quả phụ nhan sắc xinh đẹp, bổn phận này thực ra lại là quyền lợi. Chỉ khi người đàn ông có họ hàng gần nhất từ chối việc lấy quả phụ, người họ hàng tiếp theo mới được quyền lấy chị ta.

     Tại sao người Do Thái lại lấy làm quan trọng việc giúp phụ nữ góa chồng sinh nở như vậy? Theo các kinh sách của dân tộc này, đó là cách để tên của người đàn ông đã chết không bị xóa khỏi lịch sử gia tộc, khi dòng giống của anh ta vẫn tiếp tục sinh sôi trên mặt đất, bởi cho dù người đàn ông nào đã “đúc” ra đứa bé thì nó vẫn được coi là con của người quá cố, chứ không thuộc về người cha sinh học. Tại sao phải là anh em hoặc bà con gần? Đó là để đảm bảo tài sản của người quá cố không lọt ra ngoài, đứa bé sinh ra sẽ tiếp tục làm sinh sôi tài sản của người đã khuất, và nhất là, đứa bé ấy vẫn mang dòng máu của gia tộc, để gia đình họ không phải “nuôi con tu hú”.

     Mặt khác, với cuộc sống du mục và thường xuyên có chiến tranh giữa các bộ tộc để tranh giành vùng định cư, chỗ chăn thả… như người Do Thái ngày xưa, sinh ra những người đàn ông khỏe mạnh là chuyện sống còn, quyết định sự thịnh suy của bộ lạc. Phụ nữ được khuyến khích sinh đẻ càng nhiều càng tốt, càng nhiều con trai càng có công lớn, giúp có thêm lao động và chiến binh. Do đó, để những quả phụ trẻ măng không sinh đẻ là một chuyện cực kỳ lãng phí, có tội với cộng đồng.

     Tục giúp vợ góa của anh em mình mang thai, sinh nở cũng mang tính nhân văn đối với quả phụ, nó giúp người phụ nữ bất hạnh được hưởng niềm vui làm mẹ, có chỗ nương tựa lúc tuổi già.

http://kienthuc.net.vn/giai-ma/dan-ong-do-thai-va-nghia-vu-lam-gai-goa-co-thai-185230.html

     Với 84 tuổi đời, chồng chết sau 7 năm chung sống, chắc cụ Anna phải sống trong cảnh goá bụa trên 60 năm. Không rõ, cụ ở vào hoàn cảnh nào trong những trường hợp quy định được nêu trong Sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25, 5-10). Chỉ biết rằng, cụ đã sống trong Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa.

     Lc 2, 36-40

    36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

    39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm, không còn chỗ dựa nơi người chồng. Cụ Anna đã không rời bỏ Đền Thờ, cụ đã tìm chỗ dựa nơi Thiên Chúa, Đấng đêm ngày cụ thờ phượng. 

    Với những quy định được ghi trong Sách Đệ Nhị Luật, goá chồng khi còn rất trẻ, chắc rằng đời sống của cụ Anna khi đó không dễ dàng gì. Chính việc ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa đã giúp cụ làm chủ được bản thân và thắng cám dỗ. 

    Như cụ già Simêon, cụ bà Anna cũng đang trông chờ những lời Chúa hứa được thành tựu, chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Chính vì sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ trên tay của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ đã nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem

    Kinh Thánh cho chúng ta biết rất ít về thời gian Đức Giêsu sống ở Na-da-rét. Nhưng điều chắc chắn: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa đã chăm chỉ học làm người, đã phải lao động để nuôi sống bản thân, chia sẻ gánh nặng gia đình… 

    Chính vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã chia sẻ phận người long đong, vất vả với chúng ta, và đã hiến mạng để cứu chuộc chúng ta.

   Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, nơi gia đình Na-da-rét bài học chia sẻ, phục vụ, yêu thương và tha thứ...
   Xin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đừng bao giờ khép lại với chính mình, nhưng luôn biết nghĩ đến những người chung quanh, nhất là những người đang cần đến sự giúp đỡ, chia sẻ, ủi an. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét