Bỏ lại vợ đẹp con ngoan, lao vào đỏ đen cờ bạc, nghiện ngập hút chích, sau đó là những tháng ngày đẫm máu giang hồ như bảo kê, chém giết, đòi nợ thuê... thậm chí khi thất thế còn dẫn đàn em đi cướp giật để có tiền hút chích qua ngày. Với từng ấy “chiến tích” bất hảo, cuộc đời người đàn ông này tưởng như đã bị bóng tối bao trùm và không ai nghĩ rằng có một ngày anh ta có thể bước ra chỗ sáng để làm lại cuộc đời.
Người đàn ông ấy là Nguyễn Đình Hội (SN 1967), ở xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nhà đông anh em, được học hành tử tế, thi trượt đại học, đi học nghề sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng riêng ở quê. Năm 1989, anh kết hôn cùng cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Hiệp (SN 1970). Sau khi lấy vợ, công việc sửa chữa xe máy của Nguyễn Đình Hội rất phát đạt. Tuy nhiên, do ham mê đỏ đen nên cửa hàng dần mất khách, mất cả cơ nghiệp, Hội đưa vợ con chuyển đến Buôn Ma Thuột thuê nhà trọ, vợ đi làm thuê, chồng chạy xe “ôm” lấy tiền sinh sống qua ngày.
Ở miền đất mới, không chỉ “ngựa quen đường cũ” mà Hội còn dính vào ma túy. Năm 1994, sau những lần khuyên giải chồng không thành, người vợ ôm bụng bầu, bế 2 con nhỏ đứa 1 tuổi, đứa 4 tuổi về nhà ông bà ngoại sinh sống.
Như con ngựa đứt cương, Hội ngược ra Nha Trang, Bình Định, Phú Yên... Nơi nào có tụ điểm bài bạc, hút chích là Hội tìm đến để học hỏi mánh khóe. Khi đã hội tụ đầy đủ bản lĩnh, những trò bịp bợm để giăng bẫy các con bạc, Hội chọn TP.HCM làm miền đất thể hiện các “ngón nghề”. Nhờ đó, Nguyễn Đình Hội kiếm được bộn tiền nhưng hút hít ma túy cũng nhiều hơn, cao điểm anh ta “nướng” hết hơn 2 triệu đồng/ngày cho ma túy.
Nguyễn Đình Hội lê bước “oanh tạc” khắp các chiếu bạc ở TP.HCM và được không ít kẻ xu nịnh tán tụng là Hội “casino”, Hội “thần bạc”, Hội “đốt bạc”… Sau khi có chút tiếng tăm trong giới giang hồ, Hội còn làm bảo kê, đòi nợ thuê cho một số tụ điểm ăn chơi, nhà hàng, quán xá ở một số quận trong TP.HCM. Gặp thời, Hội làm “đại ca”, dưới trướng luôn có trên dưới 15 đàn em ưa máu me, chém giết. Khi việc “làm ăn” ở chiếu bạc và bảo kê ở quán xá gặp khó khăn, không có tiền đốt thuốc, Hội đã dẫn đàn em đi cướp giật để lấy tiền ăn chơi... “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, sau hàng loạt các vụ cướp giật trót lọt, cuối cùng Hội cũng bị bắt giữ. Ra tòa, với vai trò là chủ mưu nhưng khai báo thành khẩn nên chỉ bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội cướp tài sản.
Trong trại giam, nhận được lá thư của cô con gái cả với những lời lẽ thân tình, đẫm nước mắt, Hội đã khóc rất nhiều… Và rồi chính nỗi nhớ về vợ con cùng với tình cảm trong sáng thánh thiện của con gái đã giúp Hội tự xây dựng ước mơ trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Từ đó, Hội cố gắng cải tạo, lao động thật tốt, anh được khoan hồng, ra tù trước thời hạn.
Cuối năm 2003, Hội được trả tự do. Không muốn mình gây thêm bất cứ gánh nặng, khổ đau nào cho vợ con nữa, anh đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát, biết mình hoàn toàn khỏe mạnh, Hội về quê với vợ con.
Được vợ tha thứ, may mắn được một người bạn thân bên Mỹ biết được hoàn cảnh cho vay 2.000 USD và được bố giao cho một mảnh rẫy rộng 1 ha. Có vốn và có đất, Hội lập trang trại, trồng 100 trụ tiêu, nuôi 20 con lợn, trong đó có 2 con lợn nái, diện tích đất còn lại trồng hoa màu...
Quyết tâm làm lại cuộc đời của Hội khiến cho nhiều người dân cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Dù được gia đình đón nhận, vợ con tha thứ nhưng để hòa nhập được với cộng đồng thì đó là điều không dễ dàng chút nào đối với một kẻ vào tù ra tội như Hội. Nhận ra sự khinh bỉ trong con mắt của nhiều người, Hội càng chăm chỉ, cần mẫn làm lụng mong mọi người sẽ nhìn vào đó mà nhanh chóng thay đổi định kiến. Mấy năm sau, trang trại của Hội đã cho lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Dần dà, một số người dân địa phương bắt đầu tìm đến giao lưu với Hội để học hỏi kinh nghiệm. Anh không giấu giếm “bí kíp” nghề nghiệp mà còn chỉ dẫn nhiệt tình cho họ. Vì thế, chẳng bao lâu anh đã chiếm được cảm tình của bà con. Anh còn nhận được giải xuất sắc trong kỳ thi nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Nghe tin Hội trở về nhà đã làm ăn lương thiện, phát đạt nên một số đàn em trong giang hồ năm xưa đã tìm đến trang trại của anh nhờ giúp đỡ. Không ngần ngại, Hội đã giúp họ có công ăn việc làm hoặc bày cho họ cách làm trang trại hiệu quả. Có những lúc, trang trại của Hội tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân. Hiện tại, con gái lớn của Hội đã tốt nghiệp một trường cao đẳng và đi làm, con gái thứ hai cũng học đại học trong TP.HCM. Sau đó vợ anh sinh thêm cho anh một bé trai kháu khỉnh và thông minh. Nguyễn Đình Hội cảm thấy hạnh phúc vì các con anh rất ngoan ngoãn và học giỏi.
Vậy là, sau biết bao tháng ngày “lang bạt kỳ hồ” vùi dập đời mình bên chiếu bạc, khói thuốc ma túy, Hội đã tìm thấy cuộc sống hạnh phúc đích thực của một công dân lương thiện…
Theo Tự Long
Cuộc đời tưởng như bỏ đi của một người đầy những “chiến tích” bất hảo, nhờ tình cảm chân thành của vợ con và sự nâng đỡ của người thân đã hối cải, trở lại làm một công dân lương thiện, được những người xung quanh yêu quý. Những người thu thuế và những cô gái điếm nghe lời Gioan chỉ đường đã tin và hối cải, họ được vào Nước Thiên Chúa trước.
Mt 21, 28-32
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, sau đó các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
Các thượng tế và kỳ mục chính là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong nhưng không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Trái ngược với họ, những kẻ thu thuế và các cô gái điếm – những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời.
Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho, có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại. Chấp nhận tin là chấp nhận đi theo đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai. Tin vào Gioan sẽ dẫn đến niềm tin vào Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận hy sinh, mất mát. Không dám hy sinh, mất mát thì cũng chẳng dám tin.
Nhiều Kitô hữu hôm nay đang gặp khó khăn khi sống đức tin. Danh vọng, tiền tài, địa vị và cả đời sống tiện nghi, lối sống thực dụng và sự biếng nhác, cố chấp... đã cản trở họ.
Và cả con nữa, không ít lần nghe Cha gọi, con ngập ngừng, không muốn nhận lời đi làm vườn nho cho Cha…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám chấp nhận thua thiệt, sẵn sàng đi làm vườn nho cho Chúa. Xin đừng để những đam mê thế trần cản bước chúng con, khiến chúng con trở thành những người nhận mình là Kitô hữu nhưng chẳng dám thực hành Lời Chúa dạy. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét