Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Đời sống một goá phụ Do Thái xưa

      Theo sách Đệ nhị luật (Thánh kinh Cựu ước), ghi lại quy định mà dân Do Thái phải tuân thủ, nói rõ rằng việc từ chối bổn phận lấy chị/em dâu chưa có con trai của mình là sai trái. Trong trường hợp đó, người phụ nữ có quyền “khiếu nại” đến các bậc kỳ mục trong cộng đồng. Các kỳ mục sẽ gọi người anh em đó đến, thuyết phục anh ta. Và nếu trước mặt họ, người đàn ông vẫn công khai tuyên bố từ chối việc chu toàn bổn phận giúp chị/em dâu sinh cháu, người phụ nữ có quyền đến gần anh ta, giật một chiếc dép khỏi chân anh ta, nhổ vào mặt anh ta và mắng rằng: “Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải bị xử như thế đó”. Trong cộng đồng Israel, người đàn ông đó sẽ bị gọi là “kẻ bị rút dép” 

      Nếu như người đàn ông đã chết không có anh em ruột, nghĩa vụ giúp quả phụ mang thai thuộc về người bà con gần nhất, nhưng không bắt buộc. Với những quả phụ nhan sắc xinh đẹp, bổn phận này thực ra lại là quyền lợi. Chỉ khi người đàn ông có họ hàng gần nhất từ chối việc lấy quả phụ, người họ hàng tiếp theo mới được quyền lấy chị ta.

     Tại sao người Do Thái lại lấy làm quan trọng việc giúp phụ nữ góa chồng sinh nở như vậy? Theo các kinh sách của dân tộc này, đó là cách để tên của người đàn ông đã chết không bị xóa khỏi lịch sử gia tộc, khi dòng giống của anh ta vẫn tiếp tục sinh sôi trên mặt đất, bởi cho dù người đàn ông nào đã “đúc” ra đứa bé thì nó vẫn được coi là con của người quá cố, chứ không thuộc về người cha sinh học. Tại sao phải là anh em hoặc bà con gần? Đó là để đảm bảo tài sản của người quá cố không lọt ra ngoài, đứa bé sinh ra sẽ tiếp tục làm sinh sôi tài sản của người đã khuất, và nhất là, đứa bé ấy vẫn mang dòng máu của gia tộc, để gia đình họ không phải “nuôi con tu hú”.

     Mặt khác, với cuộc sống du mục và thường xuyên có chiến tranh giữa các bộ tộc để tranh giành vùng định cư, chỗ chăn thả… như người Do Thái ngày xưa, sinh ra những người đàn ông khỏe mạnh là chuyện sống còn, quyết định sự thịnh suy của bộ lạc. Phụ nữ được khuyến khích sinh đẻ càng nhiều càng tốt, càng nhiều con trai càng có công lớn, giúp có thêm lao động và chiến binh. Do đó, để những quả phụ trẻ măng không sinh đẻ là một chuyện cực kỳ lãng phí, có tội với cộng đồng.

     Tục giúp vợ góa của anh em mình mang thai, sinh nở cũng mang tính nhân văn đối với quả phụ, nó giúp người phụ nữ bất hạnh được hưởng niềm vui làm mẹ, có chỗ nương tựa lúc tuổi già.

http://kienthuc.net.vn/giai-ma/dan-ong-do-thai-va-nghia-vu-lam-gai-goa-co-thai-185230.html

     Với 84 tuổi đời, chồng chết sau 7 năm chung sống, chắc cụ Anna phải sống trong cảnh goá bụa trên 60 năm. Không rõ, cụ ở vào hoàn cảnh nào trong những trường hợp quy định được nêu trong Sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25, 5-10). Chỉ biết rằng, cụ đã sống trong Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa.

     Lc 2, 36-40

    36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

    39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm, không còn chỗ dựa nơi người chồng. Cụ Anna đã không rời bỏ Đền Thờ, cụ đã tìm chỗ dựa nơi Thiên Chúa, Đấng đêm ngày cụ thờ phượng. 

    Với những quy định được ghi trong Sách Đệ Nhị Luật, goá chồng khi còn rất trẻ, chắc rằng đời sống của cụ Anna khi đó không dễ dàng gì. Chính việc ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa đã giúp cụ làm chủ được bản thân và thắng cám dỗ. 

    Như cụ già Simêon, cụ bà Anna cũng đang trông chờ những lời Chúa hứa được thành tựu, chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Chính vì sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ trên tay của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ đã nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem

    Kinh Thánh cho chúng ta biết rất ít về thời gian Đức Giêsu sống ở Na-da-rét. Nhưng điều chắc chắn: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa đã chăm chỉ học làm người, đã phải lao động để nuôi sống bản thân, chia sẻ gánh nặng gia đình… 

    Chính vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã chia sẻ phận người long đong, vất vả với chúng ta, và đã hiến mạng để cứu chuộc chúng ta.

   Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, nơi gia đình Na-da-rét bài học chia sẻ, phục vụ, yêu thương và tha thứ...
   Xin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đừng bao giờ khép lại với chính mình, nhưng luôn biết nghĩ đến những người chung quanh, nhất là những người đang cần đến sự giúp đỡ, chia sẻ, ủi an. Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Tuân giữ lề luật

     Đầu năm 2015, tòa án ở Singapore đã tuyên phạt hai du khách trẻ người Đức 9 tháng tù giam và ba roi mỗi người vì đã xịt sơn vẽ bậy lên tàu điện của đảo quốc này. Hai du khách trẻ này là Andreas Von Knorre (22 tuổi) và Elton Hinz (21 tuổi).

     Họ đã đột nhập vào ga bảo dưỡng tàu điện ở Singapore hồi tháng 11-2014 và xịt sơn lên các toa tàu. Họ kịp thoát sang nước Malaysia láng giềng nhưng rồi vẫn bị bắt ngay tại sân bay Kuala Lumpur và bị dẫn độ về lại Singapore.

     Von Knorre đau đớn thừa nhận trước tòa: “Đây là khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, trong khi Hinz hứa với tòa sẽ không tái phạm. Mặc dù hai du khách trẻ đã nhận tội nhưng thẩm phán vẫn chấp nhận đề nghị của cơ quan công tố về mức phạt kể trên.


    Trước việc hai du khách trẻ người Đức bị tuyên án đánh roi, Tổ chức Theo dõi nhân quyền của Mỹ (HRW) đã chỉ trích kịch liệt Singapore, gọi việc đánh roi là hình thức tra tấn. Tuy nhiên, hôm 9-3 chính quyền Singapore đã lên tiếng bảo vệ bản án của tòa và bác bỏ những chỉ trích của HRW.

    AFP trích lời người phát ngôn cơ quan công tố Singapore: “Luật chống phá hoại của Singapore không phải lạ lẫm. Luật này áp dụng đối với bất kỳ ai vi phạm”. Người phát ngôn cũng nói thêm đánh roi không phải tra tấn. “Ở Singapore nó được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được bác sĩ theo dõi mọi lúc” - bà giải thích.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150311/cay-roi-may-giu-nghiem-luat-o-singapore/718913.html

    Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do. Khi vi phạm, bị xử phạt, người ta cảm thấy luật rất nặng nề. Khi tự giác, vui vẻ, không đòi sự miễn trừ… tuân giữ lề luật lại là cách thể hiện trách nhiệm và lòng yêu mến.

     Lc 2, 22-35

    22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng : 

     29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây 
          theo lời Ngài đã hứa, 
          xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
     30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
     31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
     32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, 
          là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."

      33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Theo Luật Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái qua ông Môsê: Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21), vì Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2), cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48). Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8), phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ. Bốn mươi ngày sau khi sinh con, bà cần làm lễ thanh tẩy. Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội. Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ… 

     Đôi vợ chồng nghèo Giuse và Maria, với người con mới hơn tháng tuổi đã vượt một quãng đường xa lên Giêrusalem, để tuân giữ luật này. Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào, dù Maria biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. Bởi với họ, giữ luật là cách để thể hiện tình yêu đối với Chúa. Ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng, vì muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). 

     Simêon là một người công chính và sùng đạo, ông được Thánh Thần nói cho biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời và chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này. Ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng, nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo. Ông bồng Hài Nhi Giêsu trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc, dâng lời chúc tụng Chúa và nói tiên tri về Hài nhi.

     Để nhận ra và để được gặp được Đức Kitô qua cuộc sống, chúng ta cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần. Thánh Thần sẽ soi sáng để chúng ta nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy. Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần, cần phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon. 

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấy được sự hiện diện của Chúa trong tấm bánh trên bàn thờ tế lễ, nơi những người con gặp gỡ hàng ngày và nơi mọi biến cố buồn vui của cuộc đời chúng con.
    Và xin cho lòng chúng con thật mềm mại để được Chúa cảm hoá và thành tâm tuân giữ Luật Yêu Thương Chúa truyền dạy. Amen.

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Bảo vệ trẻ thơ

     Chỉ còn hơn nửa năm nữa người dân Uganda sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử tại tất cả các bang và khu vực tự trị của nước này. Ngoài các công tác chuẩn bị thông thường, giới chức Uganda hiện còn phải lo đối phó với vấn nạn giết trẻ em để hiến tế do lo ngại nhiều chính trị gia cấp cao sẽ bất chấp thủ đoạn để có thể giữ được ghế nghị sỹ của mình.

     … Giới chức Uganda cho biết, hiến tế trẻ em không phải là một truyền thống mà hủ tục rùng rợn này xuất phát từ lòng tham của con người. Nhiều người ở nước này hiện vẫn cho rằng việc hiến tế một đứa trẻ sẽ giúp họ có được nhanh chóng trở nên giàu có, xua đuổi tà ma hay chỉ đơn giản là chữa chứng liệt dương hoặc tăng cường khả năng sinh sản. 

     Thông thường, vật hiến tế sẽ là máu của nạn nhân. Những thầy phù thủy ở Uganda cho rằng, máu của người hiến tế càng “sạch” thì pháp thuật càng có công năng cao, khiến cho những đứa trẻ vô tội thường trở thành mục tiêu tấn công. 

     Trong một số trường hợp khác, ngoài lấy máu, các thầy phù thủy còn lấy đi các bộ phận trên cơ thể của “vật hiến tế”. Các bộ phận này thường là trái tim, tai, gan và bộ phận sinh dục của trẻ nhỏ. 

     Việc thực hiện nghi lễ cắt xén các bộ phận trẻ bị hiến tế tàn bạo này thường được tiến hành khi những em bé vẫn còn sống và trải qua những đau đớn tột cùng này, chỉ có một số ít nạn nhân may mắn sống sót như Kanani.

     … Theo Ureport, hệ thống báo cáo được Quỹ nhi đồng của LHQ và tổ chức phi chính phủ BRAC tài trợ, có đến 10.317 người trẻ ở Uganda, cư trú tại tất cả các quận/huyện của nước này khi được hỏi cho biết chúng đã nghe được thông tin về một vụ trẻ em bị hiến tế trong cộng đồng mà chúng đang sinh sống. 

     Còn theo báo cáo được công bố hồi năm 2013 của tổ chức Humane Africa, trong suốt quá trình theo dõi kéo dài 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9/2012, trung bình mỗi tuần xảy ra 1 vụ hiến tế trẻ em tại 1 trong 25 cộng đồng mà họ tiến hành khảo sát.

     Trong năm 2013, cảnh sát Uganda ghi nhận 10 vụ trình báo về việc giết trẻ em để hiến tế còn báo cáo buôn người trong nước của nước này đưa ra con số 12 vụ việc. Tuy nhiên, Humane Africa qua khảo sát đã thống kê chi tiết 77 vụ. 

    Ông Moses Binoga – người đứng đầu Lực lượng chống buôn bán và chống hiến tế người do chính phủ Uganda lập nên để trấn áp vấn nạn trên – cho biết, trong năm 2014, lực lượng của ông đã nhận được 9 đơn trình báo về các vụ trẻ em bị sát hại làm vật hiến tế. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, nhóm của ông cũng đã nhận được thông tin về 5 vụ việc tương tự. 

     Song, các nhà hoạt động cho rằng, con số thực tế cao hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu của tổ chức KidsRights, những số liệu thống kê nói trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, chưa phản ánh được đầy đủ và thực chất phạm vi của vấn đề. 

     … Ông Binoga cho biết thêm rằng ông lo ngại số vụ giết trẻ em để hiến tế ở Uganda sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành bầu cử vào năm 2016. 

http://vtc.vn/ghe-ron-tro-giet-tre-em-de-hien-te-gianh-ghe-nghi-sy.394.561232.htm

     Việc vua Hêrôđê nổi giận, khi biết Hài Nhi Giêsu trốn thoát, sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, xảy ra cách nay trên 2000 năm, tưởng đã đi vào quá khứ. Thật không ngờ đến thế kỷ 21, vẫn còn nhiều chính trị gia cấp cao ở Uganda bất chấp thủ đoạn giết trẻ em hiến tế, để có thể giữ được ghế nghị sỹ của mình.

     Mt 2, 13-18

    Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.” 

    Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: 

    “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa...”

     Để bảo vệ ngôi báu, vua Hêrôđê đã giết nhiều người, trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông. Khi biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, không giết được Ngài, vua nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh giết các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận. từ hai tuổi trở xuống.

     Cái chết của các trẻ em này là cái chết đặc biệt, cái chết của những trẻ thơ bé bỏng, vô tội. Cái chết của những người hoàn toàn chưa biết Giêsu, chưa có lòng tin vào Giêsu, nhưng đây chính là cái chết của những bậc thánh nhân đã chết vì Đức Giêsu, là Các Thánh Anh Hài. 

     Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ bị giết chết. Có những em phải chết khi chưa được sinh ra, có những em chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật... Có những trẻ em đã và đang chết dần, chết mòn vì bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán hoặc bị bỏ rơi, bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng… Dù thế nào, nơi những trẻ em này, chúng ta vẫn thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ cần được che chở, bảo vệ trước những kẻ say mê quyền lực, bạc tiền, bất chấp đạo lý.

     Chúng ta cần làm gì và có thể làm gì để bảo vệ trẻ thơ ? Không làm được gì nhiều cho các em, chí ít hãy làm gương sáng và đừng bao giờ tiếp tay để kẻ xấu, cái xấu tấn công, huỷ hoại các em !

     Lạy Chúa Giêsu, xin cho hết mọi người biết quý trọng sự sống, không tiếp tục lấy đi nữa, mạng sống của những sinh linh bé bỏng Chúa đã tạo dựng. 
    Xin cho chúng con biết noi gương can đảm bảo vệ Hài Nhi Giêsu của Mẹ Maria và Thánh Giuse xưa, dám làm một điều gì đó cho các em nhỏ hôm nay đang bị thiệt thòi, hoặc bị huỷ hoại tinh thần, thể xác… Amen.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Quà tặng của Thiên Chúa

      Một cặp vợ chồng dù có yêu thương nhau đến mấy thì tình cảm đó cũng có lúc phai nhạt dần khi giữa họ thiếu đi chất gắn kết mang tên “đứa con”. Khi này, “tình yêu” giữa 2 người sẽ giảm đi rất nhanh cùng với sự nhạt phai của tình cảm nồng nàn, sức kết dính giữa 2 người suy giảm rõ rệt. Người phụ nữ vô sinh không những phải chịu sự đau đớn về mặt tâm hồn mà phải gánh chịu nhiều áp lực từ phía người chồng, gia đình nhà chồng cũng như dư luận xã hội. Có lẽ, với những người ngoài cuộc vô sinh là câu chuyện tầm phào mua vui nhưng với người trong cuộc, đó lại là nỗi đau lớn ám ảnh bản thân họ cho tới suốt cuộc đời.

http://tribenhphukhoa.vn/vo-sinh-hiem-muon/noi-kho-cua-phu-nu-vo-sinh.html

      Những người hiếm muộn từ xưa đến nay vẫn luôn phải chịu sự đau đớn về mặt tâm hồn như vậy. Chính vì thế, khi bà Elisabet thụ thai và nhất là khi Gioan ra đời, hai ông bà vui mừng biết là chừng nào, láng giềng và thân thích đều đến chia vui với ông bà.

      Lc 1, 57-66

     57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
     59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." 61 Họ bảo bà : "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?" Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Sinh con trai lúc đã cao niên, bà Êlisabét là người vui hơn cả. Thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa, bà khăng khăng đòi đặt tên cho con trẻ là Gioan, nghĩa là “Thiên Chúa Thi Ân” (hay “Thiên Chúa tặng ban”). Khi được hỏi ý kiến, ông Dacaria cũng đã vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan.

      Bà Êlisabét sinh Gioan trong lúc tuổi già, ông Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan, lập tức sau 9 tháng bị câm, miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa… Những sự việc lạ lùng ấy làm cho láng giềng phải kinh sợ, để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”

      Quả đúng là “có bàn tay Chúa phù hộ em”. Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường, ông không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa. Ông là vị ngôn sứ duy nhất đã chỉ cho nhân loại biết Đấng Cứu Thế là Đức Kitô, là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian và chính ông đã rửa tội cho Đức Giêsu trong dòng sông Giorđan. Sau cùng, chính Gioan Tẩy Giả đã chịu chết để minh chứng cho Đấng Kitô, Đấng cứu độ.

      Không chỉ riêng Gioan, mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương của Thiên Chúa. Tên của mỗi em do cha mẹ đặt cho, nhưng tên các em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa. Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta có bổn phận, có trách nhiệm nêu gương sáng, giúp các em lớn lên và trưởng thành để các em có thể sống trọn vẹn ơn gọi Thiên Chúa dành riêng cho từng em.

      Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sinh ra trên cõi đời này. Xin cho chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả luôn sẵn sàng và mau mắn thi hành sứ vụ mà Chúa trao phó cho từng người chúng con, để Danh Ngài được rạng sáng. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Nữ tỳ hèn mọn

     Người ta kể lại một câu chuyện về chuyến viếng thăm nhà tù của quận công Osola như sau:

     Trong một chuyến công tác, Ngài được dẫn đi thăm một nhà tù nổi dọc bờ sông, các tù nhân được tự do trao đổi cùng quận công. Ngài ân cần hỏi thăm lý do bị giam giữ của mỗi tù nhân và mỗi tù nhân được tự do trình bày sự lầm lẫn của guồng máy công lý và nhiều phạm nhân đã không nhận tội mình. Một người than là anh phải bị phạt vào đó chỉ vì ông quan tòa thích vậy, người khác nữa khăng khăng đổ tội cho lòng ganh tị của kẻ thù riêng. Nói chung không ai đáng tội cầm tù tại đó cả. Cuối cùng có một tù nhân thưa:

     - Thưa quận công, tôi đáng hình phạt vì tôi cần tiền, tôi đã ăn trộm và bị bắt.

     Ngài quận công rất là cảm động với lòng thành thật và khiêm nhường của tội nhân này. Giữa đoàn tù nhân xúm quanh, Ngài lớn tiếng tuyên bố:

     - Anh thật có tội, không xứng đáng ở chung với những người ở đây. Anh hãy rời khỏi nơi đây lập tức.

     Ngay tức thì, Ngài quận công tha bổng cho anh tù nhân khiêm tốn chân thành đó.

http://www.suyniemhangngay.org/sn/0302_KhiemTonChanThanh.php

     Lòng thật thà và tính khiêm tốn nhìn nhận tội mình đã mang lại sự tự do cho một tù nhân. Lòng khiêm nhường, tự hạ của Trinh Nữ Maria xứng là nơi cưu mang Con Thiên Chúa, Đấng Cứu độ nhân loại. 

Lc 1, 46-56

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : 
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng 
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, 
Người đoái thương nhìn tới; 
từ nay, hết mọi đời 
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi 
biết bao điều cao cả, 
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50 Đời nọ tới đời kia, 
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, 
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, 
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, 
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, 
vì Người nhớ lại lòng thương xót 
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham 
và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ’’ vì đang cưu mang trong lòng Đấng Cứu Tinh, lời ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Mẹ Maria. Mẹ nhìn nhận Đức Chúa là Đấng Cứu Độ của Mẹ và Mẹ chỉ là một nữ tỳ hèn mọn. Những điều cao cả Người làm cho Mẹ không phải do công của Mẹ, nhưng là ơn Người ban.

     Mẹ ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa với hết những ai hèn mọn, đói nghèo, biết kính sợ Người và Người sẽ giơ cánh tay biểu dương sức mạnh để dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi đi kẻ giàu sang.

     Mẹ Maria đã ở lại phục vụ bà Êlisabét độ ba tháng mới trở về nhà. Ba tháng đầu thai kỳ, hẳn không dễ dàng với Mẹ, nhưng Mẹ đã quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác…

    Lạy Chúa, thế giới hôm nay đầy dẫy bất an. Cái xấu, các ác lan tràn khắp nơi. Xin cho chúng con biết “hướng cái nhìn lên Lòng Thương Xót với một cách thức hoàn toàn đặc biệt” và biết cùng với Mẹ Maria, trở nên “chứng tá của Lòng Thương Xót cách mạnh mẽ và hữu hiệu hơn”. Amen.

Hai cuộc thăm viếng

      Nhân ngày Chủ nhật, và thường chỉ ngày Chủ nhật, đôi vợ chồng và con trai đánh ô tô về thăm ông bà ở ngoại ô thành phố. Đó là ngày hội trong tuần của hai ông bà già...

     Đứa cháu theo lệnh bố, khoanh tay chào hỏi, để yên cho ông bà hôn chụt vài cái vào má. Cả hai chưa kịp tận hưởng niềm vui cuối tuần thì thằng bé đã biến mất. Nó tìm đến cái phòng quen thuộc và tiếp tục với cái màn hình chiếc iPhone mẹ mới mua cho. Anh con trai, bố nó, đã đứng tuổi, tính tình vốn ít nói, hỏi han bố mẹ vài câu cho có lệ rồi cũng tìm một góc trong phòng khách mở cái iPad mới tinh của mình ra. Chỉ còn chị con dâu, được bà mẹ chồng già đưa xuống bếp. Bà lấy các thứ vật liệu đã được mua sẵn hôm qua đang cất trong tủ lạnh. Bà hí hửng nói: “Món lươn nấu mẻ này hồi nhỏ chồng con thích ăn lắm đấy. Mẹ bày con làm để thỉnh thoảng nấu cho nó ăn”. Nhưng không ngờ, cô con dâu cười rõ to: “Ông bà già rồi, nấu nướng làm gì cho vất vả. Con đã mua sẵn hết mọi thứ rồi đây, tý nữa đặt nồi cơm là xong mẹ ơi!”. Và chị bày lên mặt bếp nào gà luộc, cua rang me, sò huyết sốt chua ngọt và cả một hộp canh chua to tướng.

     Ông lão ngồi buồn thiu không biết con trai và cháu biến đi đâu. Bà lão thất vọng vì món “lươn nấu chuối” không được hưởng ứng nhiệt tình. Chị con dâu cũng đã đặt xong nồi cơm, ngả lưng lên cái võng ở góc nhà, cũng mở iPhone ra, chị đang chơi Facebook, đang cố nghĩ một cái status mới thật ấn tượng để câu like. Bạn của chị trên “phây” đã lên tới 2.500 người rồi, chị đang add thêm nữa.

     Buổi sáng Chủ nhật đột nhiên bị đóng băng. Không chỉ ông bà nội mà mọi người đều buồn chán. Một ngày Chủ nhật buồn chán.

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/da-den-luc-nhin-lai.html


      Cuộc thăm viếng trên nặng tính hình thức này khác hoàn toàn với cuộc thăm viếng của người phụ nữ mang niềm vui của chia sẻ, của yêu thương phục vụ đến cho gia đình người thân 

      Lc 1, 39-45

     39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Được Sứ thần báo tin người chị họ cao niên Êlisabét đã mang thai, người phụ nữ trẻ Maria vừa thụ thai vội vã băng qua những vùng đồi núi trập trùng xứ Giuđê đến thăm và phục vụ chị mình trong những ngày gần sinh nở.

      Niềm vui bất ngờ đến với bà Êlisabét sau lời chào của cô em Maria. Bà ngây ngất trước hồng ân mà cô em mình đã nhận được. Bà tràn ngập hạnh phúc vì được Thân Mẫu Chúa đến thăm và bà cảm thấy đứa con trong dạ cũng nhảy mừng vì được mẹ Ðấng ban Tin Mừng cứu độ đến viếng thăm. 

     Đức Maria đã “xin vâng”, đón nhận Chúa vào lòng. Sau khi lòng đầy tràn Chúa, Mẹ đã đem Chúa đến cho tha nhân, chia sẻ và phục vụ tha nhân. Hãy theo gương Mẹ quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, ta dễ sống bác ái, quảng đại với tha nhân.

     Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã cùng với Mẹ Maria mang niềm vui của chia sẻ, của yêu thương phục vụ đến với gia đình Giacaira. Xin Chúa cùng đồng hành với chúng con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho chúng con một tâm hồn vui tươi và quảng đại như Mẹ Maria để có thể mang niềm vui của phục vụ đến cho tha nhân.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Dấu chỉ niềm vui ơn cứu độ

Gia phả là cuốn sách biên chép lịch sử các thế hệ của gia đình, họ tộc. Xưa nay gia phả vẫn được coi là "gia bảo". Đọc gia phả giúp các lớp hậu thế hiểu rõ nguồn cội và quan hệ huyết thống của mình, qua đó tăng thêm niềm tự hào đối với Tổ tiên, dòng tộc cũng như đối với đất nước, quê hương..

http://ngotoc.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/Tong-hop-kien-thuc-co-ban-ve-gia-pha-19.html

      Đức Giêsu xuống thế mặc lấy thân phận con người. Ngài cũng có gia phả như mọi người, nhưng gia phả của Ngài là một sự chuẩn bị của Thiên Chúa để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.

       Mt 1, 1-17

      1 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :

     2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.

     Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

      12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

       17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
 (Nhóm phiên dịch CGKPV)

      Đọc gia phả của Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy được sự chuẩn bị của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người, mà đỉnh điểm là Đức Giêsu Kitô.

     Gia phả của Đấng Cứu thế làm người là “con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Ngài cũng là con cháu của những người phụ nữ dân ngoại, có những hoàn cảnh khác thường.

     Đọc và suy niệm, chúng ta cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Và, khi nhìn lại lịch sử đời mình, lịch sử đời người, ta cũng sẽ thấy được từng giây phút trong đời đều là thời gian ân sủng.

     Thiên Chúa yêu thương ta và Người đã định liệu mọi sự để mọi biến cố trong cuộc sống trong cuộc đời từng con người đều là dấu chỉ niềm vui ơn cứu độ.


     Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra chương trình của Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc sống. Xin cho chúng con thấy được nơi mỗi con người chúng con gặp gỡ đều là bước chuẩn bị của Ngài dành cho chúng con, để chúng con biết yêu đời, yêu người nhiều hơn. Amen.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Lời giới thiệu đặc biệt về bản thân

       Khi gặp người mới quen, ai cũng đều phải trải qua quá trình giới thiệu bản thân. Chúng ta nói bất cứ gì mình thích, miễn sao việc tự giới thiệu ấy đáp ứng được yêu cầu giao tiếp trong hoàn cảnh đó, đồng thời không làm người kia cảm thấy khó chịu hay không có thiện cảm.

       Đối với những cuộc gặp gỡ mang tính chất xã giao hay giao lưu đơn thuần, yêu cầu của phần giới thiệu bản thân cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh trang trọng hơn, nghiêm túc hơn, lời giới thiệu buộc phải rõ ràng, mạch lạc

        Đơn cử như trong trường hợp phỏng vấn xin việc, trong một cuộc đàm thoại làm ăn, thư công việc hoặc trong hoàn cảnh mang tính chất ngoại giao, lời giới thiệu cần rõ ràng, đầy đủ thông tin và phải tuân theo một số yêu cầu, chuẩn mực của một bài giới thiệu bản thân.

http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/cach-viet-thu-gioi-thieu-ban-than-3241776.html

       Lời giới thiệu về bản thân dù để xã giao, giao lưu hay trong cuộc phỏng vấn xin việc làm đều rất quan trọng. Đức Giêsu có một cách tự giới thiệu mình rất đặc biệt:

       Lc 7, 19 – 23

      19 Ông Gio-an sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: "Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22 Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Hai môn đệ của Gioan đến phỏng vấn Chúa Giêsu theo lời ông chỉ dạy: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn đợi ai khác?” Đấng phải đến ấy, theo niềm tin của người Do thái, chính là Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế, Đấng họ hằng mong đợi.

       Đức Giêsu bảo các môn đệ của Gioan: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt các ngươi đã thấy, tai các ngươi đã nghe”. Những điều mắt thấy tai nghe đó cũng chính là những lời ngôn sứ Isaia đã nói về Đấng Mêsia : “Người mù được thấy, người điếc được nghe, người chết được sống lại, người nghèo khó được nghe giảng Tin Mừng” (Is 26, 17 – 19).

        Là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, chắc chắn Gioan không sai các môn đệ hỏi cho mình, mà là một cách ông giới thiệu Đấng Cứu Thế cho các môn đệ của mình. Ông muốn họ tận mắt thấy việc Chúa Giêsu làm, chính tai họ nghe lời Chúa Giêsu nói, và chính họ nhận thật Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

       Chúng ta không được tận mắt chứng kiến những việc Đức Giêsu làm như các môn đệ của Gioan, nhưng chúng ta có những lời chứng rất chân thật trong các Sách Tin Mừng. Đọc kỹ Tin Mừng và nhìn những việc các môn đệ chân chính của Đức Giêsu đã và đang làm chúng ta cũng sẽ tin vào Ngài như các môn đệ Gioan đã tin.

      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học biết cách giới thiệu Ngài cho những người anh em của chúng con, những người đang khao khát khao kiếm tìm chân lý giữa thế giới tục hoá hôm nay. Xin cho họ cảm nhận được tình Chúa Xót Thương trong Tin Mừng Ngài rao giảng và tin vào Ngài, để tất cả chúng con đều được hưởng ơn Cứu Độ Chúa hứa ban cho những kẻ tin. Amen.

Làm vườn nho cho Cha


      Bỏ lại vợ đẹp con ngoan, lao vào đỏ đen cờ bạc, nghiện ngập hút chích, sau đó là những tháng ngày đẫm máu giang hồ như bảo kê, chém giết, đòi nợ thuê... thậm chí khi thất thế còn dẫn đàn em đi cướp giật để có tiền hút chích qua ngày. Với từng ấy “chiến tích” bất hảo, cuộc đời người đàn ông này tưởng như đã bị bóng tối bao trùm và không ai nghĩ rằng có một ngày anh ta có thể bước ra chỗ sáng để làm lại cuộc đời.

     Người đàn ông ấy là Nguyễn Đình Hội (SN 1967), ở xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. 

     Nhà đông anh em, được học hành tử tế, thi trượt đại học, đi học nghề sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng riêng ở quê. Năm 1989, anh kết hôn cùng cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Hiệp (SN 1970). Sau khi lấy vợ, công việc sửa chữa xe máy của Nguyễn Đình Hội rất phát đạt. Tuy nhiên, do ham mê đỏ đen nên cửa hàng dần mất khách, mất cả cơ nghiệp, Hội đưa vợ con chuyển đến Buôn Ma Thuột thuê nhà trọ, vợ đi làm thuê, chồng chạy xe “ôm” lấy tiền sinh sống qua ngày. 

    Ở miền đất mới, không chỉ “ngựa quen đường cũ” mà Hội còn dính vào ma túy. Năm 1994, sau những lần khuyên giải chồng không thành, người vợ ôm bụng bầu, bế 2 con nhỏ đứa 1 tuổi, đứa 4 tuổi về nhà ông bà ngoại sinh sống.

     Như con ngựa đứt cương, Hội ngược ra Nha Trang, Bình Định, Phú Yên... Nơi nào có tụ điểm bài bạc, hút chích là Hội tìm đến để học hỏi mánh khóe. Khi đã hội tụ đầy đủ bản lĩnh, những trò bịp bợm để giăng bẫy các con bạc, Hội chọn TP.HCM làm miền đất thể hiện các “ngón nghề”. Nhờ đó, Nguyễn Đình Hội kiếm được bộn tiền nhưng hút hít ma túy cũng nhiều hơn, cao điểm anh ta “nướng” hết hơn 2 triệu đồng/ngày cho ma túy. 

     Nguyễn Đình Hội lê bước “oanh tạc” khắp các chiếu bạc ở TP.HCM và được không ít kẻ xu nịnh tán tụng là Hội “casino”, Hội “thần bạc”, Hội “đốt bạc”… Sau khi có chút tiếng tăm trong giới giang hồ, Hội còn làm bảo kê, đòi nợ thuê cho một số tụ điểm ăn chơi, nhà hàng, quán xá ở một số quận trong TP.HCM. Gặp thời, Hội làm “đại ca”, dưới trướng luôn có trên dưới 15 đàn em ưa máu me, chém giết. Khi việc “làm ăn” ở chiếu bạc và bảo kê ở quán xá gặp khó khăn, không có tiền đốt thuốc, Hội đã dẫn đàn em đi cướp giật để lấy tiền ăn chơi... “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, sau hàng loạt các vụ cướp giật trót lọt, cuối cùng Hội cũng bị bắt giữ. Ra tòa, với vai trò là chủ mưu nhưng khai báo thành khẩn nên chỉ bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội cướp tài sản.

     Trong trại giam, nhận được lá thư của cô con gái cả với những lời lẽ thân tình, đẫm nước mắt, Hội đã khóc rất nhiều… Và rồi chính nỗi nhớ về vợ con cùng với tình cảm trong sáng thánh thiện của con gái đã giúp Hội tự xây dựng ước mơ trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Từ đó, Hội cố gắng cải tạo, lao động thật tốt, anh được khoan hồng, ra tù trước thời hạn.

     Cuối năm 2003, Hội được trả tự do. Không muốn mình gây thêm bất cứ gánh nặng, khổ đau nào cho vợ con nữa, anh đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát, biết mình hoàn toàn khỏe mạnh, Hội về quê với vợ con.

    Được vợ tha thứ, may mắn được một người bạn thân bên Mỹ biết được hoàn cảnh cho vay 2.000 USD và được bố giao cho một mảnh rẫy rộng 1 ha. Có vốn và có đất, Hội lập trang trại, trồng 100 trụ tiêu, nuôi 20 con lợn, trong đó có 2 con lợn nái, diện tích đất còn lại trồng hoa màu... 

    Quyết tâm làm lại cuộc đời của Hội khiến cho nhiều người dân cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Dù được gia đình đón nhận, vợ con tha thứ nhưng để hòa nhập được với cộng đồng thì đó là điều không dễ dàng chút nào đối với một kẻ vào tù ra tội như Hội. Nhận ra sự khinh bỉ trong con mắt của nhiều người, Hội càng chăm chỉ, cần mẫn làm lụng mong mọi người sẽ nhìn vào đó mà nhanh chóng thay đổi định kiến. Mấy năm sau, trang trại của Hội đã cho lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Dần dà, một số người dân địa phương bắt đầu tìm đến giao lưu với Hội để học hỏi kinh nghiệm. Anh không giấu giếm “bí kíp” nghề nghiệp mà còn chỉ dẫn nhiệt tình cho họ. Vì thế, chẳng bao lâu anh đã chiếm được cảm tình của bà con. Anh còn nhận được giải xuất sắc trong kỳ thi nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.

     Nghe tin Hội trở về nhà đã làm ăn lương thiện, phát đạt nên một số đàn em trong giang hồ năm xưa đã tìm đến trang trại của anh nhờ giúp đỡ. Không ngần ngại, Hội đã giúp họ có công ăn việc làm hoặc bày cho họ cách làm trang trại hiệu quả. Có những lúc, trang trại của Hội tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân. Hiện tại, con gái lớn của Hội đã tốt nghiệp một trường cao đẳng và đi làm, con gái thứ hai cũng học đại học trong TP.HCM. Sau đó vợ anh sinh thêm cho anh một bé trai kháu khỉnh và thông minh. Nguyễn Đình Hội cảm thấy hạnh phúc vì các con anh rất ngoan ngoãn và học giỏi. 

     Vậy là, sau biết bao tháng ngày “lang bạt kỳ hồ” vùi dập đời mình bên chiếu bạc, khói thuốc ma túy, Hội đã tìm thấy cuộc sống hạnh phúc đích thực của một công dân lương thiện…

     Theo Tự Long

     Cuộc đời tưởng như bỏ đi của một người đầy những “chiến tích” bất hảo, nhờ tình cảm chân thành của vợ con và sự nâng đỡ của người thân đã hối cải, trở lại làm một công dân lương thiện, được những người xung quanh yêu quý. Những người thu thuế và những cô gái điếm nghe lời Gioan chỉ đường đã tin và hối cải, họ được vào Nước Thiên Chúa trước.

      Mt 21, 28-32

     Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, sau đó các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

       Các thượng tế và kỳ mục chính là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong nhưng không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Trái ngược với họ, những kẻ thu thuế và các cô gái điếm – những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời. 

      Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho, có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại. Chấp nhận tin là chấp nhận đi theo đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc. 

      Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai. Tin vào Gioan sẽ dẫn đến niềm tin vào Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận hy sinh, mất mát. Không dám hy sinh, mất mát thì cũng chẳng dám tin.

      Nhiều Kitô hữu hôm nay đang gặp khó khăn khi sống đức tin. Danh vọng, tiền tài, địa vị và cả đời sống tiện nghi, lối sống thực dụng và sự biếng nhác, cố chấp... đã cản trở họ.
     Và cả con nữa, không ít lần nghe Cha gọi, con ngập ngừng, không muốn nhận lời đi làm vườn nho cho Cha…

      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám chấp nhận thua thiệt, sẵn sàng đi làm vườn nho cho Chúa. Xin đừng để những đam mê thế trần cản bước chúng con, khiến chúng con trở thành những người nhận mình là Kitô hữu nhưng chẳng dám thực hành Lời Chúa dạy. Amen.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Sự thật luôn tồn tại

Trên An ninh thủ đô, ngày 16/9/2015, có câu chuyện Sự thật không thể che giấu (Lan Tử, Theo Inspire21) rất hay. Chuyện như sau:

Chủ nhật, cậu bé George vui sướng được bố cho đi câu cá ở hồ nước lớn trong rừng thông. 

Tới nơi, bố George chỉ cho cậu tấm biển quy định về giờ câu cá từ 9h sáng tới 4h chiều bảo con trai hãy đọc thật kỹ và tuân thủ. Hai bố con thả câu mãi mà không có con cá nào cắn câu, toàn bị cá ăn mất mồi rồi bơi đi. Đến khoảng 3h50, George phát hiện cần câu bị uốn cong và kéo đi.

Đó là một con cá rất lớn, George la lên gọi bố và hai bố con cùng nhau kéo lựa một hồi cũng giật được con cá nặng khoảng 8kg lên bờ. Thở dốc nhưng cậu bé George rất sung sướng, cậu cứ ôm con cá, ngắm nghía mãi, nhưng bố George nhìn đồng hồ và nghiêm mặt: “Con trai, con nhìn đồng hồ xem, bây giờ đã là 4h12 rồi, quy định chỉ được câu đến 4h, vì vậy, chúng ta phải thả con cá này xuống hồ thôi”.

George nhìn đồng hồ, rồi nhìn biển quy định nói với bố: “Quy định là 4h nhưng lúc chúng ta câu được con cá này chưa đến 4h nên chúng ta vẫn có thể mang về nhà được”. Bố George lắc đầu, nghiêm mặt bảo: “Cho dù lúc con cá mắc câu chưa tới 4h nhưng khi ta kéo được nó lên đã là hơn 4h. Quy định là quy định, chúng ta không thể vi phạm”. George năn nỉ bố: “Đây là lần đầu tiên con câu được con cá to như thế, mẹ chắc sẽ rất vui, mà ở đây có ai trông thấy chúng ta đâu, bố cho con mang về nhà nhé”.

Bố George trả lời dứt khoát: “Không được, không ai nhìn thấy không có nghĩa chúng ta được phép vi phạm quy định”. Nói xong hai bố con thả con cá xuống hồ, George nước mắt ngắn nước mắt dài thu dọn đồ câu ra về.  15 năm sau cậu bé George trở thành một luật sư nổi tiếng của thành phố New York với tính tình cương trực và thẳng thắn - luật sư George Hamilton.

Trong phòng làm việc của anh có treo một tấm biển ghi: “Sự thật luôn tồn tại cho dù có nhân chứng hay không” và anh luôn nói với những người tới cầu cứu anh bào chữa cho họ rằng: Nếu như tôi phát hiện ra bạn dối trá, không thành thật hoặc che giấu tình tiết vụ án tôi lập tức sẽ dừng biện hộ cho bạn. Tôi sẽ không bao giờ bào chữa cho người không thành thật, đó chính là lương tri của con người tôi.


       "Sự thật luôn tồn tại dù có nhân chứng hay không". Dù "Chúng tôi không biết", sự thật vẫn là sự thật!

       Mt 21, 23-27

      Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Các thượng tế và kỳ mục dư biết phép rửa của Gio-an là bởi trời, nhưng sợ khi nhìn nhận vai trò của Gioan Tẩy Giả, họ phải nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà Gioan đã đã làm chứng. Và nếu nhìn nhận như vậy họ sợ phải thay đổi tất cả, từ niềm tin đến nếp sống và họ phải hoán cải theo lời mời gọi Gioan Tẩy Giả (Mt 3,2) và của Đức Giêsu: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4, 17). Do vậy, họ đã quanh co, tránh né sự thật và chọn câu trả lời: “Chúng tôi không biết”.
Nói sự thật, Gioan tẩy Giả đã phải chết (Mt 14,10). Nhờ bài học từ người cha trung thực, Luật sư George Hamilton đã tôn trọng sự thật, từ chối biện hộ cho những người không thành thật… Không phải ai cũng có thể chấp nhận cái chết hoặc từ chối công việc sinh lợi, nhất là trong thời đại ngày nay khi sự dối trá đang tràn lan khắp nơi.
Để nói sự thật và làm chứng cho sự thật không hề dễ dàng và cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, đó là sự thiệt thòi, hy sinh, từ bỏ, sửa đổi…. Nhiều lúc để được yên thân, ta chọn thái độ sống “ba không: không thấy, không nghe, không biết” hoặc “im lặng là vàng”.
Nhớ lời Đức Giêsu: “Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37). Để xứng với phẩm giá làm người và làm con cái Thiên Chúa, phải can đảm nói thật, sống thật để làm chứng cho Sự Thật.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin dắt chúng con đi trên Con Đường của Ngài, để chúng con luôn can đảm nói thật và sống thật, làm chứng nhân cho Ngài giữa đời, để mai ngày được hưởng sự sống đời đời như lời Ngài hứa ban. Amen.