Trưa 25/4, ông Trần Kiến Xương, Chánh văn phòng VKSND TPHCM cho biết, lãnh đạo Viện này đã chỉ đạo VKSND huyện Bình Chánh báo cáo, cung cấp tài liệu để tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ vụ án của ông Nguyễn Văn Bỉ (SN 1968, ngụ huyện Bình Chánh), người bị khởi tố vì dựng chòi lá nuôi vịt, đồng thời cho ông Tấn thuê đất làm quán cà phê Xin Chào.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Bỉ bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố hình sự vì cho rằng đã vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Theo kết luận điều tra của Công an huyện Bình Chánh, ông Bỉ dựng chòi lá chứa vật tư nuôi trồng, với kết cấu là cột cây, vách lá, mái lá. Việc xây dựng chòi lần 2 cũng cột cây, vách lá, mái lá nhưng diện tích nhỏ hơn. Kết luận điều tra cho rằng hành vi của ông Bỉ là “nguy hiểm cho xã hội”, xâm phạm đến tình hình quản lý trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung.
Đống gạch trong ảnh trên ông Bỉ mua về để xây tường rào. Ảnh: LỆ TRINH (PLO)
|
Đến chiều 25/4, Công an TPHCM cũng đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo Công an huyện Bình Chánh rút lại kết luận điều tra, rút đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Bỉ về tội danh nêu trên. Qua kiểm tra, đánh giá, đơn vị này xác định hành vi của ông Bỉ không cấu thành tội phạm nên việc Công an huyện Bình Chánh khởi tố, đề nghị truy tố là không có căn cứ. “Công an TPHCM sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý những cá nhân có liên quan trong vụ việc này theo đúng quy định pháp luật”- Công an TPHCM thông tin.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/vu-quan-ca-phe-xin-chao-hang-loat-can-bo-bi-xu-ly-997052.tpo
Thật khó có thể tin những người mở quán cà phê, dựng chòi vịt để làm ăn sinh sống lại có thể bị khởi tố hình sự với những tội danh họ không phạm. Sự việc xảy ra do một động cơ nào khác hay chỉ do áp dụng luật lệ một cách máy móc, cứng nhắc như những người biệt phái xưa?
Mt 12,1-8
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. - 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Sabát là ngày được thánh hiến dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chọn ngày này như là dấu hiệu giao ước của Người với dân Do thái. Việc giữ ngày sa-bat đối với người Do Thái rất quan trọng.
Theo luật của người Do thái ngày sa-bát, có 39 việc cấm làm :
Cấm gặt hái, cấm đập lúa, cấm nấu nướng.
Cấm mang gánh nặng tương đương với 2 trái vả khô.
Cấm sinh hoạt việc vợ chồng.
Cấm các dự định sẽ làm trong ngày sa-bát như dự định đi mua bán, kéo nước, đi du lịch, săn thú, săn chim, nhóm lửa cưỡi lừa, đi tàu ngoài biển, đánh giặc... Ai phạm luật sẽ phải chết.
“Khi ngươi vào đồng lúa của kẻ lân cận, thì được phép lấy tay rứt gié lúa, nhưng chớ đặt lưỡi hái vào đồng lúa của kẻ lân cận.” (Đnl 23, 25)
Một giáo sư Do Thái nói: “Bứt bông lúa là tội gặt lúa, chà bông lúa trong tay là tội đập lúa, tách hột lúa ra khỏi gié lúa là tội giê lúa, toàn bộ các diễn tiến đó là tội sửa soạn bữa ăn.”
(http://giaophannhatrang.org)
Theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái, là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sa-bát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ lỗi luật ngày Sabát.
Người Biệt phái và kinh sư là những người hay nệ luật cách mù quáng và thụ động. Họ đặt nặng luật lệ mà quên đi điều quan trọng là luật sa-bát có nền tảng là ơn giải phóng, ơn ban sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã bênh vực các môn đệ và giúp các Biệt phái và Kinh sư hiểu rằng ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, để giải thoát loài người chứ không phải để ràng buộc, dò xét hay lên án và phải lấy tình thương để giải quyết nhu cầu của con người hơn là khăng khăng giữ các luật lệ, vì lòng nhân từ thì được ưu tiên và đáng quý hơn cả lễ tế.
Suy niệm Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm mình. Có thể chúng ta cũng đã có lúc hành động như những người Biệt phái xưa: khép mình với tha nhân, tự mãn trong những thói quen cố hữu của mình để không đưa tay ra giúp đỡ anh chị em những lúc họ cần đến sự trợ giúp của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng tình thương mà cư xử với nhau, biết giúp đỡ nhau giải quyết nhu cầu của con người, hơn là khăng khăng giữ các luật lệ, dùng luật để đàn áp và gây khó khăn cho nhau. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét