Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Mẹ tôi và anh em tôi

     Sáng sớm 18/7, một người phụ nữ luống tuổi, gương mặt khắc khổ ngồi lọt thỏm giữa đám đông trong khuôn viên TAND cấp cao tại TP HCM. Bà liếc quanh đôi mắt u buồn vào dòng người đi lại, đứng ngồi trong sân tòa như đang tìm kiếm điều gì đó.

     Vài phút sau, một nhóm người mang theo nhiều di ảnh xuất hiện. Ngay lập tức, người phụ nữ ấy đứng dậy, quỳ sụp xuống chân nhóm người mới xuất hiện, cầu xin sự tha thứ. Nhưng họ lặng lẽ quay sang chỗ khác lau dòng nước mắt và không chấp nhận thành ý của người phụ nữ già nua trước mặt.

Bà Thi quỳ xuống xin được gia đình nạn nhân tha thứ. Ảnh: L.Phong.
    
     Cũng vài phút sau, tiếng còi bí bo từ xa vọng lại rồi 2 chiếc xe bít bùng màu trắng lao thẳng vào sân tòa. Ba thanh niên trên xe lần lượt được cảnh sát đưa xuống. Một người trong số đó liếc nhanh về phía người phụ nữ khắc khổ ấy. Hai ánh mắt chạm nhau, gã thanh niên cúi đầu xuống, còn người phụ nữ thì bật khóc nức nở.

     Người phụ nữ ấy là bà Vũ Thị Thi (56 tuổi), gã thanh niên kia là con trai bà – Vũ Văn Tiến (25 tuổi), một trong 2 kẻ sát nhân đã ra tay sát hại 6 người trong gia đình tại tỉnh Bình Phước. Còn nhóm người mang di ảnh kia là thân nhân của 6 nạn nhân xấu số. 

… 

     Bao nhiêu ngày Tiến bị bắt để điều tra cũng là bấy nhiêu đêm bà Thi khóc cạn nước mắt. Phiên tòa sơ thẩm, người mẹ ấy đến tòa, bà đeo khẩu trang, đội nón kín mít, hòa vào đám đông đi xem tòa xử lưu động. Vì sao bà bịt mặt, vì bà sợ không biết đối mặt thế nào với gia đình 6 nạn nhân, sợ bị dư luận dèm pha, đàm tiếu vì tội lỗi tày đình của đứa con trai. 

     Bà Thi đã khóc khi thấy Tiến xuất hiện tại tòa và khai những tội ác gây ra. Một số người nghi ngờ là người thân bị cáo, nhưng bà chối vì không muốn để lộ thân phận. Nhưng màn kịch vụng về của người mẹ ấy đã không kéo dài được lâu, Tiến bị tuyên tử hình, bà Thi khóc nấc lên rồi ngất xỉu trong vòng tay cô con gái đi cùng. 

    Trong thâm tâm, bà Thi biết tội ác của con mình lớn đến nhường nào. Nhưng bà giận mình đã không cho con ăn học đến nơi, đã không dạy đến chốn để rồi xảy ra hậu quả đau lòng. 

… 

     Trước phiên tòa, bà Thi nhiều lần tâm sự rằng, nếu Tiến được sống, bà sẽ lên chùa theo Phật để cầu cho 6 nạn nhân được an yên cõi niết bàn, đồng thời cũng là lời sám hối cho tội ác của Tiến. Nhưng điều ước của bà có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi lẽ, với tội ác đã gây ra, Tòa cấp cao đã bác toàn bộ kháng cáo, y án tử hình với Tiến. 

    Bản án tuyên xong, người mẹ ấy thẫn thờ đứng lên, tay vẫn chắp trước ngực và nước mắt vẫn rơi, vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì không rõ, bước vội ra khỏi phòng xét xử. 


     Từ muôn đời nay, lòng mẹ thương con vẫn không bến bờ. Con dù phạm tội tày đình, người mẹ vẫn nói con mình không đáng chết, con phạm tội là do lỗi của mình... 

     Vậy mà trong Tin Mừng, khi đang giảng dạy, nghe báo có mẹ và anh em đến tìm, Đức Giêsu lại hỏi: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” . Chúng ta phải hiểu câu hỏi ấy như thế nào? 

     Mt 12, 46-50 

     46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." 48 Người bảo kẻ ấy rằng : "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Câu trả lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dễ làm người mới nghe cảm thấy sốc. Dân chúng vây quanh nghe Ngài giảng khá đông đến mức mẹ và anh em Ngài không thể tiến lại gần để gặp Ngài. Có người đã báo với Ngài chuyện đó. Theo lẽ thường, Ngài sẽ ngưng giảng dạy để ra gặp mẹ và anh em minh, nhưng Ngài vẫn tiếp tục giảng và đặt câu hỏi rất lạ với người vừa báo tin cho Ngài: 

       "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" 

      Không đợi người được hỏi trả lời, Ngài giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: 

     "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." 

     Phải chăng Đức Giêsu xem nhẹ quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình ở trần gian? Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng ta thấy Đức Giêsu không hề phủ nhận mối tương quan với mẹ và anh em của Ngài. Là Con Thiên Chúa, Ngài tuyệt đối tuân giữ giới Luật Thiên Chúa đã truyền dạy qua Môisê. Trên thập giá, Ngài đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ Maria và trối Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19, 26-27). 

     Đối với Ngài, khái niệm gia đình không chỉ giới hạn trong mối quan hệ huyết thống. Đức Giêsu đã mở rộng mối tương quan đó trong một gia đình đích thực. Gia đình của Ngài là những ai “thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Mt 12, 50). Gia đình đó có chung một Cha trên trời (Mt 23, 9) và tất cả là anh em với nhau. Mẹ Maria và các môn đệ yêu quý của Ngài thuộc về gia đình này. Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ đã thi hành Ý muốn của Cha Ngài. 

     Là con cái trong gia đình của Chúa, chúng ta không thể thờ ơ với những người lao nhọc vất vả trong cuộc mưu sinh, với những người đang đau đớn vì bệnh tật thể xác và khổ đau trong tâm hồn. Hãy chia sẻ, đỡ nâng và chí ít hãy dành cho những người anh em ấy một cử chỉ yêu thương, nâng đỡ làm vơi đi gánh nặng họ đang mang… 

    Lạy Chúa Giêsu, không ít lần do vô tình, do cố ý hay sợ bị làm phiền, chúng con đã dửng dưng hoặc ngại gặp gỡ, ngại tiếp xúc với những với những người anh em nghèo khó, đau khổ sống gần bên. Xin cho chúng con hằng nhớ và thực hành Lời Chúa dạy, để chúng con xứng đáng được gọi Chúa là Cha. Amen.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn về bài viết! Hôm nay con mới nhớ và ngồi đọc qua những bài anh em TT viết và chia sẻ.

    Trả lờiXóa