Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Hai dấu lạ

     Khoảng 400 năm trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời, Thiên Chúa Giavê đã gọi ông Giona cộng tác vào công trình cứu rỗi của Ngài, và mạc khải tình thương của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê đang sống xúc phạm đến Thiên Chúa. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo Lời Chúa truyền. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng rồi rao giảng rằng: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy". Dân thành tin tưởng nơi Chúa, họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Nhà vua còn ra sắc lệnh buộc mọi người phải ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, từ bỏ con đường tội lỗi và những điều bất chính.

     Thiên Chúa thấy việc họ làm là từ bỏ đời sống xấu xa tội lỗi, nên đổi ý không phạt họ nữa. Giona tỏ vẻ bực tức trách Thiên Chúa không giữ lời hứa, và như thế làm cho ông bị mất mặt. Ông xin Thiên Chúa cho ông được chết đi còn hơn là thấy cảnh Ninivê ăn năn trở lại và được Thiên Chúa nhân từ yêu thương như trước.

     Vì thế, Thiên Chúa đã phải thực hiện việc lạ là cho cây thầu dầu mọc lên che mát chỗ ngồi của tiên tri Giona. Rồi ngay ngày hôm sau, cho con sâu chích cây thầu dầu làm cho nó héo đi. Giona lại trách Chúa vì cây thầu dầu bị héo không còn bóng mát cho ông nữa. Thiên Chúa Giavê thức tỉnh Giona vơí những lời lẽ như sau: "Ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không phải khó nhọc để trồng nó. Còn Ta, Ta lại không mủi lòng cho dân thành Ninivê, trong đó có hơn hai vạn người hay sao?"

     Thật ra, ông Giona không phải chỉ có thái độ trách Chúa, không chấp nhận việc hành xử nhân từ của Ngài, sau khi đã đến thành Ninivê mà thôi. Ông đã không tuân giữ Lời Chúa để đi đến thành Ninivê. Ông đã từ chối lời mời gọi lần thứ nhất, bỏ trốn xuống tàu đi Tasse thay vì đi Ninivê. Bảo táp nổi dậy và ông Giona trúng thăm phải bị ném xuống biển. Sau đó từ bụng cá lên bờ, ông Giona mới tuân hành lệnh Chúa đến Ninivê rao giảng điều Thiên Chúa muốn: "Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị thiên Chúa phá hủy".

https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/baigiang/giang46.htm

     Đức Giêsu đã nhắc đến sự kiện này khi có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu xin Ngài làm một dấu lạ…

     Mt 12: 38-42

     38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." 39 Người đáp : "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Những người kinh sư và Pharisêu đã được chứng kiến nhiều dấu lạ Đức Giêsu đã làm, nhưng vì cố chấp, cứng lòng, họ không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Messia. Họ đến với Ngài xin một dấu lạ, không phải họ chỉ muốn có bằng chứng rõ ràng để tin Người là Đấng Thiên Sai, mà sâu xa hơn, còn có ý khiêu khích, thách thức Ngài. Biết rõ lòng họ, Ngài đã trả lời dứt khoát: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna”

    Qua dấu lạ Giôna, Đức Giêsu muốn nói đến một dấu lạ lớn lao hơn nhiều, đó chính là dấu lạ Giêsu. Như Giôna nằm trong bụng cá ba ngày, ba đêm, Ngài cũng sẽ chết và nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Dấu lạ Giêsu dẫu lớn lao là vậy, nhưng cũng chẳng thể mở mắt các kinh sư và Pharisêu nổi, nên Đức Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

    Dù là dân ngoại, nhưng dân thành Ninivê khi thấy dấu lạ Giôna, họ đã tin vào lời rao giảng, dù là bất đắc dĩ, của Giôna mà sám hối, nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa của Israel. Và vì thế, trong cuộc phán xét, chính dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy kết án những kẻ cứng lòng, hèn tin.

    Ngày nay, Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng Ngài ban nhiều dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau và thua thiệt nữa.

    Đức tin của người Kitô hữu không dựa vào dấu lạ, nhưng là khám phá tình yêu của Thiên Chúa. Sự vĩ đại trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu không nằm trong chính sự kiện, mà nằm trong Tình yêu cho đến cùng của Ngài. Và, điều Ngài chờ đợi nơi con người là lòng sám hối, quay trở về với Thiên Chúa, lấy tình yêu đáp trả tình yêu.

    Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương, có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

     Vấn đề quan trọng là mỗi người chúng ta phải muốn đọc và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình, nơi những biến cố trong đời sống xã hội… Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi? 

     Lạy Chúa Giêsu, không ít lần chúng con cũng mong Chúa là dấu lạ để trừ diệt cái xấu, cái ác và ban hạnh phúc đời tạm này cho những người ngay lành. Xin Chúa cho chúng con luôn vững tin, phó thác mọi sự trong tay Chúa và biết đọc những dấu chỉ Chúa ban, mau mắn ra đi đáp trả tình Chúa yêu thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét