Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Yêu mến và phục vụ

     Cũng như các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc ngày đầu tiên trong chuyến tông du Ba Lan của ngài với cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ từ Cửa Sổ Giáo Hoàng tại Krakow.


      Trong bài nói chuyện ngắn với các bạn trẻ Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

     Chào buổi tối! Tôi nồng nhiệt chào đón tất cả các bạn!

     Tôi chào mừng các bạn trong khi nhìn thấy bạn rất nhiệt tình và rất hân hoan. Nhưng bây giờ tôi phải nói với bạn điều gì đó phần nào sẽ buồn lòng con tim các bạn. Tôi xin các bạn ít phút im lặng. Đây là câu chuyện về cuộc đời của một người trong số các bạn. Maciek Simon Carpenter chưa quá 26 tuổi. Anh đã học về thiết kế đồ họa và bỏ công việc của mình để trở thành một tình nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Chính anh là người đã chuẩn bị tất cả các dự án, hình ảnh của những các thánh bảo trợ, phù hiệu của khách hành hương, mà bây giờ đang trang hoàng thành phố rất đẹp. Chính trong công việc này anh tìm thấy đức tin của mình. Hồi tháng mười một vừa qua, bác sĩ chẩn đoán ra anh mắc bệnh ung thư. Các bác sĩ không còn biết làm gì hơn là cắt bỏ chân anh. Anh muốn sống khi Đức Giáo Hoàng đến đây. Anh thậm chí đã có một vé dành riêng trên tàu điện Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển. Anh qua đời vào ngày mùng 2 vừa qua. Cái chết của anh làm rung động tất cả mọi người, vì tất cả những điều tốt lành anh đã thực hiện. Bây giờ, tất cả chúng ta hãy để mình chìm trong im lặng suy nghĩ về người bạn đã từ giã chúng ta, là người đã làm việc rất nhiều cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Và trong sự im lặng của tâm hồn, chúng ta hãy cùng cầu nguyện. Anh ấy đang hiện diện nơi đây với chúng ta” 

     Một số bạn có thể nghĩ rằng vị giáo hoàng này đang muốn kéo dài buổi tối của các bạn một chút. Nhưng sự thật là chúng ta nên làm quen với những trắc trở của đường đời. Cuộc sống là như thế, các bạn trẻ thân yêu của tôi. Nhưng có một điều chúng ta không bao giờ hoài nghi. Đức tin của cậu bé này, người bạn này của chúng ta, người đã làm việc rất nhiều cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Đức tin dẫn anh đến với Chúa Giêsu và bây giờ anh ta ở trên trời, nhìn xuống trên chúng ta. Và đây là một hồng ân lớn lao. Chúng ta cũng sẽ gặp anh ta một ngày.

    “Ồ, bạn đó à! Hân hạnh được gặp bạn! “

     Vấn đề duy nhất là chọn đường ngay nẻo chính trong cuộc sống.

     Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta những con người dũng cảm như thế. Đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người đã giúp chúng ta dấn bước trên đường đời. Và đừng sợ, đừng sợ! Thiên Chúa là Đấng tốt lành!

     “Ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau. Bây giờ tôi sẽ chào từ giã các bạn. Và bây giờ, hãy hân hoan và vui lên - đó là nhiệm vụ của chúng ta như là các môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng, đừng ồn quá trong đêm! Và bây giờ chúng ta hãy nhận phép lành của Thiên Chúa.

     Và, như chúng ta đã biết từ khi còn nhỏ, trước khi chia tay, chúng ta hãy hướng về mẹ mình - chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, mỗi người chúng ta hãy đọc Kinh Kính Mừng bằng tiếng của mình.

     Chúc ngủ ngon! Và xin cầu nguyện cho tôi!

     http://vietcatholic.net/News/Html/188193.htm

    Vì lòng yêu mến Giáo hội, Maciek Simon Carpenter đã bỏ công việc của mình để trở thành một tình nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Trong Tin Mừng hôm nay, cô Matta vì yêu mến Đức Giêsu đã tất bật, tận tình phục vụ Ngài và các môn đệ của Ngài.

     Lc 10, 38-42

    38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" 41 Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Matta là một người rất hiếu khách. Cô đã đón tiếp Đức Giêsu và các môn đệ rất nhiệt tình. Ngay sau khi đón Đức Giêsu và các môn đệ vào nhà, cô tất bật chuẩn bị cơm nước. Matta tỏ vẻ bất bình với em cô là Maria, khi cô em không chịu giúp chị mình trong việc bếp núc mà cứ ngồi bên chân Đức Giêsu nghe Ngài giảng nên cô đã xin Đức Giêsu can thiệp. Nhân cơ hội này, Đức Giêsu chỉ dạy và mời gọi Matta hướng một mối tương giao sâu xa hơn.

     Sự nhiệt tình, quá chú tâm phục vụ của Matta đã làm cho cô không còn chú ý đến điều gì khác, không biết điều gì là quan trọng nhất, mà cô chỉ nghĩ đến việc phục vụ sao cho tốt nhất, tươm tất nhất. 

     Đức Giêsu không chối từ sự phục vụ của Matta. Ngài đề cao tinh thần đó, nhưng điều đó chỉ là phần thứ yếu cho cuộc sống vật chất mà thôi. Ngài muốn Matta chọn cho mình một bữa ăn tinh thần, đó là việc lắng nghe Lời Chúa dạy với tâm hồn khiêm hạ.

    Tìm hiểu thêm trong Tin Mừng Gioan, chúng ta gặp được một cô Matta có một niềm tin mạnh mẽ vào quyền năng của Đức Giêsu về sự phục sinh khi trả lời câu hỏi của Ngài về cái chết của em mình là Ladarô, nhất là cô đã mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin: "Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." (Ga 11, 27). Cô Matta đã âm thầm phục vụ khi sau đó, Đức Giêsu trở lại Bêtania, nơi ba chị em cô sinh sống, người ta dọn bữa tối thết đãi Đức Giêsu, Ladarô ngồi dự tiệc, cô em Maria lấy dầu thơm xức chân Đức Giêsu, còn “cô Matta lo hầu bàn” (Ga 12,2).

     Gương sáng của thánh nữ Matta làm cho chúng ta rất cảm phục. Chúng ta thấy nơi thánh nữ một mẫu gương yêu mến Đức Giêsu cách đặc biệt, phục vụ Chúa và các môn đệ hết tình, hết mình. 

     Trong sinh hoạt đời thường, trong việc phục vụ giáo hội, phục vụ tha nhân... đã có khi nào chúng ta tự hỏi mình làm những việc đó vì lòng yêu mến Chúa hay chỉ làm cho tròn bổn phận được giao mà thôi? Trong những mối tương quan với Chúa và tha nhân, hay trong những quyết định... chúng ta có tìm ý Chúa hay vẫn muốn làm theo ý mình? Có khi nào chúng ta hỏi ý Chúa chưa? Chúng ta đã tế nhị thành thật khi được người khác sửa lỗi hay khi sửa lỗi cho người khác hay chưa?

     Lạy Chúa Giêsu, nhu cầu của cuộc sống hôm nay dễ làm chúng con bị công việc đè nặng. Xin cho chúng con biết dành giờ đến với Chúa mỗi ngày để gặp gỡ chính Chúa và làm việc của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương thánh nữ Matta, hết lòng yêu mến, trung thành phụng sự Chúa và Giáo hội, yêu mến và tận tình phục vụ tha nhân. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Cỏ lùng và lúa tốt

     Khi Nguyễn Đức Nghĩa cứa cổ người tình rồi chặt xác phi tang, người ta không thể ngờ được ẩn đằng sau cặp kính tưởng như tri thức ấy lại là một kẻ nhẫn tâm tàn bạo; nhưng khi Lê Văn Luyện giết 3 người trong một gia đình để cướp của, người ta lại ngỡ ngàng, hóa ra cái ác nó vẫn chưa đạt đến giới hạn của nó.

     Sau vụ 4 người trong một gia đình ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị giết chết chưa lâu, lại xảy ra vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước thì dư luận thêm một lần nữa sững sờ bởi sự dã man không tưởng của những kẻ thủ ác mỗi lúc một tăng.

     Vì sao những vụ án mạng kinh hoàng liên tiếp xảy ra? Vì sao con người ngày càng tàn ác? Phải làm gì để ngăn chặn cái ác? Đó là những câu hỏi nhức nhối không dễ tìm ra câu trả lời.

     Vụ thảm sát cả gia đình ở Chơn Thành, Bình Phước thật sự đã dấy lên một không khí đau thương, bàng hoàng trong xã hội. Đó không còn là nỗi đau của gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội, đó là tội ác tày trời khiến dư luận bàng hoàng đau xót.

     Ở đây, vấn đề không phải là số lượng người chết mà còn là phương thức gây án quá tàn bạo, hầu như chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử các vụ trọng án ở nước ta. Phải chăng chính vì sự bất an trong xã hội nên ngành công an mới huy động tới cả cấp cao nhất và cả lực lượng tinh nhuệ nhất để truy bắt các hung thủ?.

     Khi vụ án mới xảy ra, dư luận đoán già đoán non chắc là do mâu thuẫn trong làm ăn, chắc giết người cướp tài sản,… Khi 2 nghi phạm bị bắt giữ, cả xã hội cũng lại một phen rúng động, nhiều người còn hụt hẫng vì không nghĩ rằng 6 mạng người chết chỉ vì... một mối hận tình của tuổi trẻ.


     Sau vụ án ở Bình Phước còn xảy ra nhiều khá nhiều vụ án mạng những người thân trong gia đình giết hại nhau như chồng tẩm xăng đốt vợ, con giết cha chặt xác và đau đơn hơn nhiều người mẹ hận chồng bội bạc giết con rồi tự tử… vì sao cái ác, cái xấu cứ tồn tại? Chúng ta cùng đọc xem Đức Giêsu đã nói về sự song hành tồn tại này như thế nào?

     Mt 13, 24-30 

   24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác : "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?" 28 Ông đáp : "Kẻ thù đã làm đó !" Đầy tớ nói : "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?" 29 Ông đáp : "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ thực trạng Nước Trời ở trần gian có sự lẫn lộn giữa cỏ lùng và lúa, giữa người lành và kẻ dữ. Điều này lý giải tại sao nhiều kẻ xấu vẫn cứ được ung dung, bao người gian ác lại không bị Chúa trừng phạt. 

     Khác với trong dụ ngôn, người nông dân ngày nay khi trồng lúa họ nhổ cỏ rồi bón phân và rất nhiều người dùng thuốc diệt cỏ, thậm chí dùng nhiều lần để cây lúa có điều kiện phát triển tốt nhất. Thiên Chúa vẫn để người lành và kẻ dữ cùng tồn tại, vì nếu người xấu bị tai họa, kẻ gian ác bị trừng trị ngay tức khắc, lúc đó người ta sẽ sống tốt vì sợ hãi hơn là yêu mến. 

     Cỏ lùng chẳng thành lúa được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt. Chính vì thế, Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi con người sám hối, quay trở về với Ngài hầu được cứu độ. Ngài vẫn cứ chờ và sẽ còn chờ đợi cho đến tận thế. 

     Chúng ta phải nhìn nhận, trong cuộc sống trần thế này không hẳn có hai hạng người cỏ lùng và hạng lúa tốt tách bạch. Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người. Trong mỗi con người có sự đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan, vì ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi, nhiều lúc tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi. Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần, để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt. 

     Mỗi chúng ta cần biết chấp nhận sự khác biệt của những người quanh ta, biết đón nhận gian nan thử thách để được thanh luyện, đồng thời cũng cần biết cảm thông với những yếu đuối, bất toàn của anh chị em mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải biết canh chừng không để mình bị cỏ lùng bóp nghẹt. 

     Kitô hữu không dung túng sự dữ, họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương, họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân. Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù, vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu, tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng. 

    Lạy Chúa, chúng con nhìn nhận chính mình là cỏ lùng đã được Chúa cho tồn tại đến hôm nay. Xin cho chúng con biết chấp nhận người khác, cảm thông và chịu đựng lẫn nhau. Chúa bao dung và kiên nhẫn chờ đợi chúng con, xin cho chúng con cũng biết giúp nhau nhận ra tình thương của Chúa để cùng nhau quay trở về sum họp bên Ngài. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Yêu mến chân thành

     Sáng 22/7, Trung tá Nguyễn Trường Diệu - Phó phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Chiến sỹ Phan Văn Hưng đã bị cơ quan đình chỉ công tác vì đã tham gia đánh người yêu cũ là chị Phan Thị Diệu H. đang mang thai cùng chồng sắp cưới là anh Nguyễn Minh Đ (trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị thương phải nhập viện cấp cứu.

     "Hưng hiện đang là chiến sỹ nghĩa vụ, công tác có thời hạn tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Hà Tĩnh với hàm hạ sĩ. Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối với chiến sỹ Hưng đồng thời yêu cầu viết tường trình sự việc", Trung tá Diệu cho biết.

     Trước đó, chiều 21/7, Đại úy Hà Huy Hưng - Đội trưởng Cảnh sát hình sự (Công an huyện Cẩm Xuyên) cho biết, đã triệu tập chiến sỹ Hưng lên làm việc. Hưng chính là con trai của bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên.

     “Quan điểm chúng tôi là sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Sự việc giống như một vụ gây rối trật tự và cố ý gây thương tích”, đại úy Hưng nói.

Chị H. cùng chồng sắp cưới bị Hưng đánh ngất xỉu tại hiện trường.
Ảnh: người nhà nạn nhân cung cấp
     Như VTC News đã đưa tin, vào khoảng 17h30 ngày 20/7, khi chị H. cùng chồng sắp cưới là anh Đ. đi hát karaoke, trên đường về thì bị một nhóm đối tượng lạ mặt đánh ngất xỉu bên đường.

     Anh Phan Bá Lợi (người nhà chị H.) cho biết: “Hôm nay là lễ đính hôn của H. và Đ., tàn cuộc mọi người rủ nhau đi hát karaoke tại quán Đại Phát, nằm trên đường Thiên Cầm, thị trấn Cẩm Xuyên.

     Sau khi hát xong, vừa rời khỏi quán thì một nhóm đối tượng lạ mặt, khoảng 6 người cầm gậy gộc lao vào đánh Đ. chảy máu mũi, sau đó tiếp tục đánh H. ngất xỉu giữa đường.

     Mọi người chưa kịp phản ứng thì nhóm đối tượng đã đánh người và leo lên xe ôtô tẩu thoát. Sau đó, chúng tôi liền đưa H. và Đ. đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để cấp cứu”.

    Sau khi tỉnh lại, vẫn chưa hết hoang mang chị H. khóc kể: “Lúc vừa rời khỏi quán karaoke thì em và chồng sắp cưới bị một nhóm người lao vào đánh tới tấp. Lúc đó em chỉ nhìn rõ mặt tên Hưng (người yêu cũ), còn mấy người khác thì em không biết họ”.

     Theo chị H. thì Hưng là con trai của phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên. Trước đó H. và anh Hưng đã từng có thời gian yêu nhau nhưng do không hợp nên đã chia tay. Hưng đã nhiều lần nhắn tin đe dọa sẽ trả thù nếu chị H. yêu người khác.

      http://www.msn.com/vi-vn/

     Khi yêu người ta có thể làm bất cứ điều gì. Tình yêu vị kỷ đã khiến chiến sỹ nghĩa vụ Phan Văn Hưng, con một vị phó Chủ tịch huyện có hành động đáng xấu hổ. Ngược lại, với lòng yêu mến chân thành bà Maria thành Magđala đã trở thành một trong những chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Đức Giêsu và được phụng vụ mùa Phục sinh gọi là “Apostola Apostolorum” (Tông đồ của các Tông đồ).

      Ga 20, 1-2, 11-18 

     1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

    11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ' Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Theo các sách Tin Mừng, Maria trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là bà Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39), hay là bà Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3). Bà cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36). Bà Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê. Bà đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ, và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55). Bà đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25). Bà là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất. Không thấy xác Thầy, bà hốt hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác. Sau đó bà lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (Lm Antôn Nguyễn cao Siêu). 

     Đấng Phục sinh đến với bà Maria với dáng dấp của một ông làm vườn. Khi biết bà khóc vì không thấy xác Ngài, Đức Giêsu đã gọi tên của bà bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria ! Ngay lập tức bà nhận ra Thầy và kêu lên: Rabuni ! 
   
Maria Mađalêna
phác họa của Leonardo da Vinci
     Bà Maria Mađalêna sau khi được Thầy Giêsu trừ “bảy quỷ” đã kiên trì và trung thành theo Ngài, lấy nguồn lợi tức của riêng mình để chăm sóc cho Ngài và các môn đệ khác với tình chân thật và lòng quảng đại. Bà đã theo Thầy Giêsu cho đến khi Ngài chết trên thập giá, “tỉnh thức” để trông xem cuộc đóng đinh, rồi nán lại để “nhìn xem” xác Ngài được đặt ở đâu và ra mộ từ lúc sáng sớm ngày Phục Sinh để “trông chừng” ở đấy.

    Chính vì lòng yêu mến chân thành, trung thành và can đảm sống niềm tin của mình, bà Maria Mađalêna đã trở thành người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh và được Ngài sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ của mình, trở thành "Tông đồ của các Tông đồ".

     Trong đời sống đạo, mang thân phận yếu hèn, không ít lần chúng ta xa lìa Chúa, lạc mất Chúa. Hãy vững tin Đấng Phục Sinh vẫn luôn đi tìm những con chiên lạc để băng bó vết thương, vác chiên trên vai để đưa về đàn. Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như bà Maria thành Magđala, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Ngài cũng luôn đi tìm chúng ta. Vì yêu thương, Ngài vẫn sẽ ôm chúng ta vào lòng và đưa chúng ta lên cùng Cha của Ngài, cũng là Cha của chúng ta, Đấng giàu lòng thương xót.

    Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được phúc biết Chúa, làm con cái Chúa. Xin cho chúng con hằng biết noi gương thánh nữ Maria Mađalêna mau mắn ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh em chúng con. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Nghe được và hiểu được

     Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, hàng ngàn người tị nạn hồi giáo đến Âu châu đã trở lại đạo kitô giáo ở nhiều nước định cư khác nhau. Khi đến được các nước Âu châu, nhiều người hồi giáo Syria, Irak, Iran và Afghanistan khám phá trong kitô giáo, «Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu của lòng thương xót», có thể tha thứ đến vô tận cho những người ăn năn hối cải và họ thấy đây là «cách mạng”, ký giả người Liban Camille Eid, tùy viên của báo Ý Tempi ở Trung Đông cho biết như trên.



     Khám phá Thiên Chúa của Phúc Âm

    Trong một phỏng vấn gần đây của báo Ý Tempi, ký giả Eid đã triển khai quan điểm của ông: cách đây mười mấy năm, rất nhiều người hồi giáo sống chung với người kitô giáo ở xứ của họ, nhưng họ không đọc Thánh Kinh. Với việc khám phá Tin Mừng, họ tìm được câu trả lời ở nơi khác chứ không ở một hồi giáo càng ngày càng trấn áp. Được hỏi về nghịch lý, vì sao ở Phương Tây lại có những vụ trở lại hồi giáo, trong khi thống kê cho biết, có hàng ngàn người hồi giáo trở lại kitô giáo (công giáo và các giáo hội kitô khác), ông Camille Eid trả lời:

     «Đó là nghịch lý của hai chuyện: người Phương Tây bị lôi cuốn bởi ý thức hệ của sự chết, đến mức bỏ tất cả để đi chiến đấu bên cạnh những người hồi giáo cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, trong khi những người chịu đựng sự hung bạo của trào lưu chính thống hồi giáo và sự phục tùng mù quáng theo luật lệ của kinh Coran, thì lại thay đổi khi họ khám phá các điều răn của tình yêu. Nhưng chính xác là có rất nhiều người trở lại khởi đi từ kinh Coran. Quả vậy, khi nhận ra Giêsu không phải chỉ là một nhà tiên tri và được thúc đẩy bởi mong muốn tìm tòi học hỏi, họ khám phá ra “Chúa của Tin Mừng”. »

      Những con số 

      Như thế, ở địa phận Hambourg, nước Đức, vào dịp lễ Phục Sinh có 196 người rửa tội, ở Áo có 46. Ở Pháp, theo Hội đồng Giám mục cho biết, 4% số người lớn được rửa tội (trong số 5 000 người mỗi năm) là người hồi giáo.

      Cha Pierre Humblot, linh mục truyền giáo người Pháp ở Iran từ 45 năm nay khẳng định, dù có lệnh cấm đoán, có 300 000 người trở lại ở nước này. «Một hiện tượng không thể tưởng tượng!», cha vui mừng nói. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Interdisciplinary Journal of Research on Religion) cho biết, chỉ riêng ở Mỹ, hàng năm có khoảng 20 000 người hồi giáo rửa tội, họ tin vào Chúa Kitô. «Trong Hồi giáo, chúng tôi luôn sống trong hãi sợ: sợ Chúa, sợ tội, sợ hình phạt. Nhưng Chúa Kitô là Chúa của tình yêu», một cặp vợ chồng trẻ người Đức cho biết.

     Điều đáng nhấn mạnh, trong tất cả các nước có người tị nạn và di dân đến từ các nước có đa số người dân là hồi giáo, thì đều có các cuộc trở lại. Các nước Bắc Âu có truyền thống tôn giáo Luther cũng có hàng trăm vụ rửa tội. Theo báo Tribune de Genève cho biết, vào cuối năm ngoái, có cả trăm người Iran đã rửa tội ở Đan Mạch, ngoài ra có từ 250 đến 300 người chờ học xong giáo lý để được rửa tội. Còn ở Phần Lan, từ tháng 10 năm ngoái, có 235 người được rửa tội trong các giáo hội Luther và Hiện xuống….

      Cuối cùng được tự do chọn kitô giáo

     Rất nhiều người hồi giáo đến Pháp mong muốn biết kitô giáo, họ gần như hoàn toàn không biết gì về kitô giáo, vì ở nước họ, chỉ có duy nhất và độc nhất một đạo là đạo Hồi, vì thế họ không thể nào ra khỏi đạo... Một mục sư người Phần Lan lo cho người tị nạn cho biết, người hồi giáo đã quá ngán đạo Hồi. Bây giờ họ được ra nước ngoài, họ được tự do theo kitô giáo. Nhưng mục sư nói thêm, nếu có một vài gia đình chấp nhận việc trở lại của người thân trong gia đình, thì cũng có những gia đình ruồng bỏ người thân rửa tội của họ.

      Người ta không thể đưa ra hết tất cả các con số ở các nước khác: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta, Đảo Chypre, Roumania, Hongria, Bulgaria, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, vv. Các con số thống kê thường thường thiếu, vì các vụ rửa tội không nói «xuất xứ» tôn giáo của các tân tòng, hoặc vì các vụ rửa tội này không được ghi sổ. Trường hợp ở Đức và Áo, các nhà cầm quyền tôn giáo thường cẩn thận trước các vụ trở lại của người hồi giáo, vì những người này phải chứng thật họ thật lòng, chứ không phải một cách để họ hội nhập vào đất nước.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

http://phanxico.vn/2016/07/20/dieu-gi-thuc-day-hang-ngan-nguoi-ti-nan-hoi-giao-theo-kito-giao/

     Theo Đạo Hồi, các tin đồ đều đã được biết Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu họ biết chỉ là một vị tiên tri xuất hiện trước tiên tri Mahomet. Họ sống theo luật lệ của kinh Coran, họ được dạy phải phục tùng Thượng Đế một cách hoàn toàn tuyệt đối, không thắc mắc, không bàn cãi, vô điều kiện… Khi đọc Tin Mừng và khám phá “Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu của lòng thương xót”, họ đã trở lại. Như vậy, họ thuộc về những người được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng: 

     Mt 13, 10-17 

     Khi ấy, 10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng : "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?" 11 Người đáp : "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá : chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

    16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên án những kẻ nghe Lời Chúa nhưng không tin, đã chứng kiến những hành động và phép lạ của Ngài nhưng vẫn cứng lòng, vẫn không đón nhận sứ điệp Ngài truyền dạy. Họ “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu” vì lòng họ chai đá, không chịu mở ra đón nhận mầu nhiệm Nước Trời.

     Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”, không có nghĩa chỉ có các môn đệ được ơn hiểu biết, còn đám đông thì không. Nước Trời dành cho những người có tâm hồn đơn sơ, chân thành, có lòng ước ao muốn biết về chân lý của Chúa. Các môn đệ là những người đã mở lòng đáp lại tiếng gọi của Chúa, nên họ được ơn hiểu biết, ơn nắm bắt được mầu nhiệm Nước Trời, còn đám đông là những người từ chối thì khó lòng hiểu được.

     Khi nói: “Người đã có lại được cho thêm, còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”, Đức Giêsu cho chúng ta biết : những ai đã mở lòng đón nhận thì càng được Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết đức tin sâu xa hơn, còn những người đã khép lòng trí lại, thì về mặt thiêng liêng sẽ bị nghèo dần và mất đi.

    Đức Giêsu giảng cho đám đông dân chúng bằng những dụ ngôn đơn sơ, gần gũi. Dụ ngôn dễ hiểu đối với người mở lòng sẵn sàng học hỏi, mở tâm trí mình đón nhận và để Chúa biến đổi cuộc đời, nhưng lại khó hiểu đối với những khép kín, cố tình nhắm mắt, bịt tai, không mở lòng đón nhận.

     Con người ngày nay cũng đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm. Đó là một cản trở cho việc nghe Lời Chúa, thi hành Lời Chúa dạy và thực thi bác ái đối với anh chị em của mình. 

    Như các môn đệ xưa, các Kitô hữu cũng là người có phúc. Chúng ta được thấy, được nghe nhiều điều mà người khác không được nghe, được thấy. Ước gì chúng ta tìm được ngôn ngữ thích hợp để ai cũng có thể nghe được và hiểu được sứ điệp cứu độ của Chúa.

     Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người có phúc vì được nghe Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết đem ra thực hành Lời Chúa dạy, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và trổ sinh hoa trái là các việc lành phúc đức, và mang lại cho chúng con ơn cứu độ. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Hạt giống tốt gieo trên đất tốt

     Một cô bé 10 tuổi vừa trở thành một trong những người nhỏ tuổi nhất ở Anh có chỉ số IQ cao nhất: 162, cao hơn cả chỉ số IQ của Albert Einstein.

Cô bé Nishi Ảnh chụp màn hình Manchester Evenning News
     Theo Manchester Evenning News, cô bé Nishi Uggalle, 10 tuổi, trở thành một trong những người nhỏ nhất ở Anh có chỉ số IQ cao nhất là 162.

      Việc kiểm tra chỉ số IQ của Hiệp hội Mensa chỉ có thể thực hiện đối với trẻ trên 10 tuổi rưỡi và bao gồm 2 bài kiểm tra đánh giá trình độ riêng biệt.

     Một trong những biện pháp kiểm tra chủ yếu là kiểm tra kỹ năng lý luận bằng lời và các biện pháp kiểm tra khác, bao gồm việc đưa ra các biểu đồ, hình ảnh để đánh giá khả năng suy luận qua thị giác.

    Và Nishi, 10 tuổi, đến từ thị trấn Audenshaw, Tameside (Anh) đã đạt được chỉ số cao nhất trong bài kiểm tra đầu tiên là 162, được gọi là điểm số Cattell III B. 

     Cô bé đạt được 142 điểm ở phương pháp kiểm tra thứ 2, là bài trắc nghiệm công bằng giữa các nền văn hóa (Culture Fare Scale), và kết quả này đã đưa cô bé vào nhóm 1% những người có chỉ số IQ cao nhất nước Anh. 

     Các bài kiểm tra kéo dài trong 2 tiếng rưỡi. Bất cứ ai ghi được 100 điểm trong 2 bài kiểm tra bất kỳ của Hiệp hội Mensa thì trở thành thành viên của hiệp hội.

    Và theo lý thuyết, điểm số và chỉ số IQ của Nishi là 162 sẽ là chỉ số cao hơn so với nhà khoa học Einstein 2 mức (160 là chỉ số IQ của Einstein).

Bằng chứng nhận trở thành thành viên từ Hiệp hội Mensa của cô bé Nishi
- Ảnh chụp màn hình Manchester Evenning News
     Cô bé này là học sinh cũ của Trường tiểu học Poplar Street ở thị trấn Audenshaw (Anh) và cô bé sẽ bắt đầu học tại Trường Altrincham Grammar dành cho nữ vào tháng 9 này. Cô bé hiện sống với ba mẹ là Neelanga và Shiromi, họ chuyển đến sống ở Manchester (Anh) từ Srilanka vào năm 2001.

     Theo ba của Nishi là ông Neelanga, 44 tuổi, cô bé bắt đầu đọc và viết rất sớm và rất giỏi môn toán. 

     “Con bé mới 10 tuổi và nó cũng giống như những đứa trẻ 10 tuổi khác. Con bé thích đọc sách, đi bộ và lái xe đạp và chúng tôi tự hào về điều đó”, ông nói thêm. 

     Nishi đã tham dự kỳ thi IQ vào tháng trước ở Manchester, nói rằng cô bé hoàn thành bài thi đầu với 150 câu hỏi và vẫn còn thời gian, nhưng trang thứ 2 cô bé không làm hết các câu hỏi.

     Cô bé nói: “Bài thi không hề dễ nhưng nó cũng không quá khó. Ở bài kiểm tra đầu tiên cháu đã có đủ thời gian để xem lại sau khi làm xong”.

     “Cháu muốn trở thành một nhà khoa học, thời gian là chủ đề mà cháu rất thích thú để theo đuổi”, Nishi chia sẻ. 

      Hiện cô bé đã là thành viên của Hiệp hội Mensa (Hiệp hội của những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới). 

    Hiệp hội Mensa hiện có 110.000 thành viên trên toàn thế giới với 20.000 thành viên ở Anh và khoảng 1.300 thành viên dưới 18 tuổi.

Minh Quyên 
http://thanhnien.vn/giao-duc/co-be-10-tuoi-thong-minh-hon-einstein-701871.html

     Cô bé Nishi thông minh đặc biệt. Em có đủ những điều kiện thuận lợi và cần thiết để thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học. Nếu ở vào một hoàn cảnh khác, trí thông minh của em chắc cũng vẫn phát triển nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Phần nào đó giống với những hạt giống tốt được gieo vào những mảnh đất khác nhau như trong dụ ngôn sau:

     Mt 13, 1-9 

    1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói : "Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều ; nó mọc ngay, vì đất không sâu ; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Khi gieo trồng bao giờ người ta cũng cố gắng tìm những hạt giống tốt nhất để gieo, mong ước sau này cây lớn nhanh, xanh tốt và sinh nhiều hoa trái. Tuy nhiên, hạt giống, cây giống tốt có tiềm năng sinh trưởng và trổ sinh hoa quả tốt chưa đủ mà cần có những điều kiện khác. Trong điều kiện tự nhiên, cây phát triển được phụ thuộc nhiều vào mảnh đất chúng được gieo trồng. Giả như hạt giống tốt được gieo vào vùng đất sỏi đá khô cằn, đầy những bụi gai và cỏ dại chúng sẽ rất khó phát triển, thậm chí chúng khô héo dần và chết đi. Như vậy, để cây trồng sinh nhiều hoa trái, có hạt giống tốt chưa đủ mà còn phải có mảnh đất tốt. Hạt giống tốt và mảnh đất tốt luôn gắn bó, hỗ trợ nhau. Cả hai đều cần thiết để có mùa thu hoạch dồi dào. 

     Để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết trái, mảnh đất tâm hồn của mỗi người phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng đón nhận. Chỉ khi tâm hồn có lòng khao khát đón nhận, khiêm nhường lắng nghe và can đảm vượt qua những chướng ngại đời thường để thực hành Lời Chúa dạy, Lời Chúa mới có thể lớn lên, sinh nhiều bông hạt.

     Suy niệm Tin Mừng hôm nay, đòi mỗi người chúng ta xét lại thái độ nghe Lời Chúa và cải tạo lại mảnh đất lòng mình : Có biết bao thứ gai góc, đá sỏi là sự hời hợt, thơ ơ; sự biếng nhác, dễ chiều theo những sở thích, thú vui tầm thường hay tham vọng đổi đời đã cản trở tôi ? Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước ? Có hạt giống nào đã nảy mầm và sinh hoa kết trái trong mảnh đất tâm hồn tôi? 

     Hôm nay, Chúa cũng mời gọi tôi đi gieo hạt. Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. 

     Lạy Chúa, chúng con thường rất mau mắn và vui mừng khi nghe Lời Chúa, nhưng chúng con chưa vượt qua được gai góc, sỏi đá trong đời để sống Lời Chúa dạy, để được Chúa biến đổi. Xin giúp chúng con can đảm dọn dẹp mảnh đất đời mình, ra sức thực hành Lời Chúa dạy, ngõ hầu Lời Chúa được trổ sinh hoa trái nơi mỗi người chúng con. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Mẹ tôi và anh em tôi

     Sáng sớm 18/7, một người phụ nữ luống tuổi, gương mặt khắc khổ ngồi lọt thỏm giữa đám đông trong khuôn viên TAND cấp cao tại TP HCM. Bà liếc quanh đôi mắt u buồn vào dòng người đi lại, đứng ngồi trong sân tòa như đang tìm kiếm điều gì đó.

     Vài phút sau, một nhóm người mang theo nhiều di ảnh xuất hiện. Ngay lập tức, người phụ nữ ấy đứng dậy, quỳ sụp xuống chân nhóm người mới xuất hiện, cầu xin sự tha thứ. Nhưng họ lặng lẽ quay sang chỗ khác lau dòng nước mắt và không chấp nhận thành ý của người phụ nữ già nua trước mặt.

Bà Thi quỳ xuống xin được gia đình nạn nhân tha thứ. Ảnh: L.Phong.
    
     Cũng vài phút sau, tiếng còi bí bo từ xa vọng lại rồi 2 chiếc xe bít bùng màu trắng lao thẳng vào sân tòa. Ba thanh niên trên xe lần lượt được cảnh sát đưa xuống. Một người trong số đó liếc nhanh về phía người phụ nữ khắc khổ ấy. Hai ánh mắt chạm nhau, gã thanh niên cúi đầu xuống, còn người phụ nữ thì bật khóc nức nở.

     Người phụ nữ ấy là bà Vũ Thị Thi (56 tuổi), gã thanh niên kia là con trai bà – Vũ Văn Tiến (25 tuổi), một trong 2 kẻ sát nhân đã ra tay sát hại 6 người trong gia đình tại tỉnh Bình Phước. Còn nhóm người mang di ảnh kia là thân nhân của 6 nạn nhân xấu số. 

… 

     Bao nhiêu ngày Tiến bị bắt để điều tra cũng là bấy nhiêu đêm bà Thi khóc cạn nước mắt. Phiên tòa sơ thẩm, người mẹ ấy đến tòa, bà đeo khẩu trang, đội nón kín mít, hòa vào đám đông đi xem tòa xử lưu động. Vì sao bà bịt mặt, vì bà sợ không biết đối mặt thế nào với gia đình 6 nạn nhân, sợ bị dư luận dèm pha, đàm tiếu vì tội lỗi tày đình của đứa con trai. 

     Bà Thi đã khóc khi thấy Tiến xuất hiện tại tòa và khai những tội ác gây ra. Một số người nghi ngờ là người thân bị cáo, nhưng bà chối vì không muốn để lộ thân phận. Nhưng màn kịch vụng về của người mẹ ấy đã không kéo dài được lâu, Tiến bị tuyên tử hình, bà Thi khóc nấc lên rồi ngất xỉu trong vòng tay cô con gái đi cùng. 

    Trong thâm tâm, bà Thi biết tội ác của con mình lớn đến nhường nào. Nhưng bà giận mình đã không cho con ăn học đến nơi, đã không dạy đến chốn để rồi xảy ra hậu quả đau lòng. 

… 

     Trước phiên tòa, bà Thi nhiều lần tâm sự rằng, nếu Tiến được sống, bà sẽ lên chùa theo Phật để cầu cho 6 nạn nhân được an yên cõi niết bàn, đồng thời cũng là lời sám hối cho tội ác của Tiến. Nhưng điều ước của bà có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi lẽ, với tội ác đã gây ra, Tòa cấp cao đã bác toàn bộ kháng cáo, y án tử hình với Tiến. 

    Bản án tuyên xong, người mẹ ấy thẫn thờ đứng lên, tay vẫn chắp trước ngực và nước mắt vẫn rơi, vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì không rõ, bước vội ra khỏi phòng xét xử. 


     Từ muôn đời nay, lòng mẹ thương con vẫn không bến bờ. Con dù phạm tội tày đình, người mẹ vẫn nói con mình không đáng chết, con phạm tội là do lỗi của mình... 

     Vậy mà trong Tin Mừng, khi đang giảng dạy, nghe báo có mẹ và anh em đến tìm, Đức Giêsu lại hỏi: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” . Chúng ta phải hiểu câu hỏi ấy như thế nào? 

     Mt 12, 46-50 

     46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." 48 Người bảo kẻ ấy rằng : "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Câu trả lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dễ làm người mới nghe cảm thấy sốc. Dân chúng vây quanh nghe Ngài giảng khá đông đến mức mẹ và anh em Ngài không thể tiến lại gần để gặp Ngài. Có người đã báo với Ngài chuyện đó. Theo lẽ thường, Ngài sẽ ngưng giảng dạy để ra gặp mẹ và anh em minh, nhưng Ngài vẫn tiếp tục giảng và đặt câu hỏi rất lạ với người vừa báo tin cho Ngài: 

       "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" 

      Không đợi người được hỏi trả lời, Ngài giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: 

     "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." 

     Phải chăng Đức Giêsu xem nhẹ quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình ở trần gian? Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng ta thấy Đức Giêsu không hề phủ nhận mối tương quan với mẹ và anh em của Ngài. Là Con Thiên Chúa, Ngài tuyệt đối tuân giữ giới Luật Thiên Chúa đã truyền dạy qua Môisê. Trên thập giá, Ngài đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ Maria và trối Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19, 26-27). 

     Đối với Ngài, khái niệm gia đình không chỉ giới hạn trong mối quan hệ huyết thống. Đức Giêsu đã mở rộng mối tương quan đó trong một gia đình đích thực. Gia đình của Ngài là những ai “thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Mt 12, 50). Gia đình đó có chung một Cha trên trời (Mt 23, 9) và tất cả là anh em với nhau. Mẹ Maria và các môn đệ yêu quý của Ngài thuộc về gia đình này. Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ đã thi hành Ý muốn của Cha Ngài. 

     Là con cái trong gia đình của Chúa, chúng ta không thể thờ ơ với những người lao nhọc vất vả trong cuộc mưu sinh, với những người đang đau đớn vì bệnh tật thể xác và khổ đau trong tâm hồn. Hãy chia sẻ, đỡ nâng và chí ít hãy dành cho những người anh em ấy một cử chỉ yêu thương, nâng đỡ làm vơi đi gánh nặng họ đang mang… 

    Lạy Chúa Giêsu, không ít lần do vô tình, do cố ý hay sợ bị làm phiền, chúng con đã dửng dưng hoặc ngại gặp gỡ, ngại tiếp xúc với những với những người anh em nghèo khó, đau khổ sống gần bên. Xin cho chúng con hằng nhớ và thực hành Lời Chúa dạy, để chúng con xứng đáng được gọi Chúa là Cha. Amen.

Hai dấu lạ

     Khoảng 400 năm trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời, Thiên Chúa Giavê đã gọi ông Giona cộng tác vào công trình cứu rỗi của Ngài, và mạc khải tình thương của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê đang sống xúc phạm đến Thiên Chúa. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo Lời Chúa truyền. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng rồi rao giảng rằng: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy". Dân thành tin tưởng nơi Chúa, họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Nhà vua còn ra sắc lệnh buộc mọi người phải ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, từ bỏ con đường tội lỗi và những điều bất chính.

     Thiên Chúa thấy việc họ làm là từ bỏ đời sống xấu xa tội lỗi, nên đổi ý không phạt họ nữa. Giona tỏ vẻ bực tức trách Thiên Chúa không giữ lời hứa, và như thế làm cho ông bị mất mặt. Ông xin Thiên Chúa cho ông được chết đi còn hơn là thấy cảnh Ninivê ăn năn trở lại và được Thiên Chúa nhân từ yêu thương như trước.

     Vì thế, Thiên Chúa đã phải thực hiện việc lạ là cho cây thầu dầu mọc lên che mát chỗ ngồi của tiên tri Giona. Rồi ngay ngày hôm sau, cho con sâu chích cây thầu dầu làm cho nó héo đi. Giona lại trách Chúa vì cây thầu dầu bị héo không còn bóng mát cho ông nữa. Thiên Chúa Giavê thức tỉnh Giona vơí những lời lẽ như sau: "Ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không phải khó nhọc để trồng nó. Còn Ta, Ta lại không mủi lòng cho dân thành Ninivê, trong đó có hơn hai vạn người hay sao?"

     Thật ra, ông Giona không phải chỉ có thái độ trách Chúa, không chấp nhận việc hành xử nhân từ của Ngài, sau khi đã đến thành Ninivê mà thôi. Ông đã không tuân giữ Lời Chúa để đi đến thành Ninivê. Ông đã từ chối lời mời gọi lần thứ nhất, bỏ trốn xuống tàu đi Tasse thay vì đi Ninivê. Bảo táp nổi dậy và ông Giona trúng thăm phải bị ném xuống biển. Sau đó từ bụng cá lên bờ, ông Giona mới tuân hành lệnh Chúa đến Ninivê rao giảng điều Thiên Chúa muốn: "Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị thiên Chúa phá hủy".

https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/baigiang/giang46.htm

     Đức Giêsu đã nhắc đến sự kiện này khi có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu xin Ngài làm một dấu lạ…

     Mt 12: 38-42

     38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." 39 Người đáp : "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Những người kinh sư và Pharisêu đã được chứng kiến nhiều dấu lạ Đức Giêsu đã làm, nhưng vì cố chấp, cứng lòng, họ không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Messia. Họ đến với Ngài xin một dấu lạ, không phải họ chỉ muốn có bằng chứng rõ ràng để tin Người là Đấng Thiên Sai, mà sâu xa hơn, còn có ý khiêu khích, thách thức Ngài. Biết rõ lòng họ, Ngài đã trả lời dứt khoát: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna”

    Qua dấu lạ Giôna, Đức Giêsu muốn nói đến một dấu lạ lớn lao hơn nhiều, đó chính là dấu lạ Giêsu. Như Giôna nằm trong bụng cá ba ngày, ba đêm, Ngài cũng sẽ chết và nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Dấu lạ Giêsu dẫu lớn lao là vậy, nhưng cũng chẳng thể mở mắt các kinh sư và Pharisêu nổi, nên Đức Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

    Dù là dân ngoại, nhưng dân thành Ninivê khi thấy dấu lạ Giôna, họ đã tin vào lời rao giảng, dù là bất đắc dĩ, của Giôna mà sám hối, nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa của Israel. Và vì thế, trong cuộc phán xét, chính dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy kết án những kẻ cứng lòng, hèn tin.

    Ngày nay, Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng Ngài ban nhiều dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau và thua thiệt nữa.

    Đức tin của người Kitô hữu không dựa vào dấu lạ, nhưng là khám phá tình yêu của Thiên Chúa. Sự vĩ đại trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu không nằm trong chính sự kiện, mà nằm trong Tình yêu cho đến cùng của Ngài. Và, điều Ngài chờ đợi nơi con người là lòng sám hối, quay trở về với Thiên Chúa, lấy tình yêu đáp trả tình yêu.

    Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương, có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

     Vấn đề quan trọng là mỗi người chúng ta phải muốn đọc và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình, nơi những biến cố trong đời sống xã hội… Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi? 

     Lạy Chúa Giêsu, không ít lần chúng con cũng mong Chúa là dấu lạ để trừ diệt cái xấu, cái ác và ban hạnh phúc đời tạm này cho những người ngay lành. Xin Chúa cho chúng con luôn vững tin, phó thác mọi sự trong tay Chúa và biết đọc những dấu chỉ Chúa ban, mau mắn ra đi đáp trả tình Chúa yêu thương.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Thói nệ luật mù quáng

     Trưa 25/4, ông Trần Kiến Xương, Chánh văn phòng VKSND TPHCM cho biết, lãnh đạo Viện này đã chỉ đạo VKSND huyện Bình Chánh báo cáo, cung cấp tài liệu để tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ vụ án của ông Nguyễn Văn Bỉ (SN 1968, ngụ huyện Bình Chánh), người bị khởi tố vì dựng chòi lá nuôi vịt, đồng thời cho ông Tấn thuê đất làm quán cà phê Xin Chào. 
     Trước đó, ông Nguyễn Văn Bỉ bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố hình sự vì cho rằng đã vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Theo kết luận điều tra của Công an huyện Bình Chánh, ông Bỉ dựng chòi lá chứa vật tư nuôi trồng, với kết cấu là cột cây, vách lá, mái lá. Việc xây dựng chòi lần 2 cũng cột cây, vách lá, mái lá nhưng diện tích nhỏ hơn. Kết luận điều tra cho rằng hành vi của ông Bỉ là “nguy hiểm cho xã hội”, xâm phạm đến tình hình quản lý trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung. 

Đống gạch trong ảnh trên ông Bỉ mua về để xây tường rào. Ảnh: LỆ TRINH (PLO)
     Đến chiều 25/4, Công an TPHCM cũng đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo Công an huyện Bình Chánh rút lại kết luận điều tra, rút đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Bỉ về tội danh nêu trên. Qua kiểm tra, đánh giá, đơn vị này xác định hành vi của ông Bỉ không cấu thành tội phạm nên việc Công an huyện Bình Chánh khởi tố, đề nghị truy tố là không có căn cứ. “Công an TPHCM sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý những cá nhân có liên quan trong vụ việc này theo đúng quy định pháp luật”- Công an TPHCM thông tin.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/vu-quan-ca-phe-xin-chao-hang-loat-can-bo-bi-xu-ly-997052.tpo

      Thật khó có thể tin những người mở quán cà phê, dựng chòi vịt để làm ăn sinh sống lại có thể bị khởi tố hình sự với những tội danh họ không phạm. Sự việc xảy ra do một động cơ nào khác hay chỉ do áp dụng luật lệ một cách máy móc, cứng nhắc như những người biệt phái xưa? 

     Mt 12,1-8

    1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. - 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Sabát là ngày được thánh hiến dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chọn ngày này như là dấu hiệu giao ước của Người với dân Do thái. Việc giữ ngày sa-bat đối với người Do Thái rất quan trọng. 

     Theo luật của người Do thái ngày sa-bát, có 39 việc cấm làm :

     Cấm gặt hái, cấm đập lúa, cấm nấu nướng.

     Cấm mang gánh nặng tương đương với 2 trái vả khô.

     Cấm sinh hoạt việc vợ chồng.

     Cấm các dự định sẽ làm trong ngày sa-bát như dự định đi mua bán, kéo nước, đi du lịch, săn thú, săn chim, nhóm lửa cưỡi lừa, đi tàu ngoài biển, đánh giặc... Ai phạm luật sẽ phải chết.

     “Khi ngươi vào đồng lúa của kẻ lân cận, thì được phép lấy tay rứt gié lúa, nhưng chớ đặt lưỡi hái vào đồng lúa của kẻ lân cận.” (Đnl 23, 25)

     Một giáo sư Do Thái nói: “Bứt bông lúa là tội gặt lúa, chà bông lúa trong tay là tội đập lúa, tách hột lúa ra khỏi gié lúa là tội giê lúa, toàn bộ các diễn tiến đó là tội sửa soạn bữa ăn.”
(http://giaophannhatrang.org)

     Theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái, là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sa-bát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ lỗi luật ngày Sabát. 

     Người Biệt phái và kinh sư là những người hay nệ luật cách mù quáng và thụ động. Họ đặt nặng luật lệ mà quên đi điều quan trọng là luật sa-bát có nền tảng là ơn giải phóng, ơn ban sự sống của Thiên Chúa. 

     Chúa Giêsu đã bênh vực các môn đệ và giúp các Biệt phái và Kinh sư hiểu rằng ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, để giải thoát loài người chứ không phải để ràng buộc, dò xét hay lên án và phải lấy tình thương để giải quyết nhu cầu của con người hơn là khăng khăng giữ các luật lệ, vì lòng nhân từ thì được ưu tiên và đáng quý hơn cả lễ tế.

    Suy niệm Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm mình. Có thể chúng ta cũng đã có lúc hành động như những người Biệt phái xưa: khép mình với tha nhân, tự mãn trong những thói quen cố hữu của mình để không đưa tay ra giúp đỡ anh chị em những lúc họ cần đến sự trợ giúp của chúng ta. 

    Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng tình thương mà cư xử với nhau, biết giúp đỡ nhau giải quyết nhu cầu của con người, hơn là khăng khăng giữ các luật lệ, dùng luật để đàn áp và gây khó khăn cho nhau. Amen.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng

     Thảm án mẹ giết con rồi tự sát gần đây nhất xảy ra tại thôn Lễ Độ, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương chiều 19/4 đã làm bàng hoàng những người dân sống tại địa phương. Vụ việc xảy ra được cho là xuất phát từ việc tòa án chấp thuận xử ly hôn của đôi vợ chồng trẻ dẫn đến người vợ quẫn trí tìm cách giết cả 2 đứa con do mình rứt ruột đẻ ra rồi tự sát.

     Được biết, chị Trần Thị Huế (SN 1982) kết hôn cùng anh Nguyễn Văn Thế (SN 1983), sinh được hai con là Nguyễn Mạnh Huy (SN 2008) và cháu Nguyễn Mạnh Hoàng (SN 2011). Do mâu thuẫn gia đình nên vợ chồng quyết định ly hôn. Sau khi từ tòa án về nhà, trong lúc nghĩ quẩn, người mẹ đã pha thuốc diệt cỏ rồi ép hai con cùng uống. Do bé Hoàng không chịu uống nên chị Huế đã dùng dao đâm vào bụng con làm cháu Hoàng tử vong tại chỗ. Tiếp đó chị Huế ép bé Huy cùng uống thuốc diệt cỏ. Sau khi ngậm thuốc diệt cỏ trong miệng, bé Huy chạy vội ra vườn nhổ và nôn, kêu cứu. Thấy vậy, bà Phượng là mẹ chồng chị Huế từ ngoài vườn chạy vào và bàng hoàng khi chứng kiến sự việc.

    Do vết thương quá nặng, cháu Hoàng đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Chị Huế được gia đình chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và cũng không qua khỏi. Bé Huy đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

    Tương tự, do mâu thuẫn với chồng nên chị Lý Thị Dần (SN 1984, ngụ tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã uống thuốc diệt cỏ và ép hai con là Triệu Thị Thanh Nhung (SN 2009) và Triệu Văn Sỹ (SN 2011) cùng uống.

    Ngay sau đó, 3 mẹ con chị Dần được người thân phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên do ngộ độc quá nặng, 3 mẹ con chị Dần đã lần lượt tử vong.

    Cho đến thời điểm này, người dân xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn không thôi ám ảnh về hình ảnh thi thể hai mẹ con buộc vào nhau chết đuối tại nhánh sông qua cống Đồng, xã Quảng Bị.

    Hai thi thể này là 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1982) và con trai là Vũ Viết Huy (SN 2008). Hàng xóm cho biết, cuộc sống gia đình của chị Thắm không hạnh phúc. Vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Chiều 10/3, chị Thắm bế con bỏ đi, đến trưa 12/3 thì phát hiện thi thể mẹ con chị Thắm trên sông.

    Cũng mang tâm trạng ám ảnh, bàng hoàng, anh Lý Kỷ Luật trọ tại ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP HCM) không tin nổi ở mắt mình khi anh đi làm về và phát hiện vợ là Võ Thị Tuyết Nga và 2 con nhỏ Lý Nhã Yến (SN 2010), Lý Hiền Bảo (SN 2011) tử vong trong phòng trọ. Khám nghiệm hiện trường, công an xác định chị Nga siết cổ 2 con đến chết rồi dùng dao tự sát.

    Anh Luật cho biết, trước khi xảy ra vụ việc, biết vợ có chơi lô đề nên anh ra sức ngăn cản khiến cuộc sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.


http://eva.vn/tin-tuc/sau-nhung-vu-me-giet-con-roi-tu-sat-toi-ac-tay-dinh-vi-muon-tra-thu-chong-c73a264798.html

     Những người mẹ này đã phải mang gánh quá nặng trong đời sống hôn nhân gia đình. Ước mong những người đang sống trong hoàn cảnh tương tự nghe được lời lời mời gọi của Đức Giêsu và biết tìm nguồn an ủi nơi Ngài.

      Mt 11, 28-30 

     Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: 28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Trong cuộc sống, phàm là người ai cũng mong muốn kiếm tìm cho mình một đời sống hạnh phúc và bình an, nhưng đã sống làm người ở đời mấy ai tránh được gánh nặng. Chẳng phải chỉ những người nông dân, những người buôn gánh bán bưng hay những người làm nghề bốc vác mới mang gánh nặng. Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp; gánh nặng tuổi tác, bệnh hoạn, tật nguyền. Có gánh nặng buồn đau, gánh nặng lo âu, gánh nặng nóng giận, hờn ghen… Khó nhọc và gánh nặng đã gắn liến với thân phận của kiếp người. 

    Hầu hết mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình. Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác. Gánh nặng được san sẻ sẽ vơi đi rất nhiều. Biết tìm ai là người san sẻ, ủi an?

     Kể từ khi tổ tông loài người phạm tội, tội lỗi đã nhập vào thế gian, sức nặng của tội lỗi đè nặng trên con người, con người phải lo toan, vất vả mới có cơm ăn áo mặc, phải lo âu, khắc khoải tìm kiếm sự bình an cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cuộc sống đầy lo toan vất vả đời thường khiến con người không được nghỉ ngởi, không tìm được sự bình an thực sự. 

    Chúa Giêsu đến để tha thứ tội lỗi và giải thoát con người khỏi hậu quả của tội, Ngài mới gọi con người hãy đến với Ngài để được bồi dưỡng nghỉ ngơi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). 

    Thiên Chúa là nguồn bình an. Chỉ trong tình yêu thương của Ngài, con người mới tìm thấy bình an đích thực. Khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài con người sẽ tìm thấy hạnh phúc. Tình yêu Thiên Chúa ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng. 

     Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con đầy những lo toan vất vả cả về vật chất lẫn tinh thần; lo cho hiện tại và lo cả tương lai; lo cho mình, cho gia đình và lo cả cho tha nhân… Xin cho chúng con luôn biết phó thác cuộc đời mình vào trong tình yêu của Chúa để chúng con được bổ sức và nghỉ ngơi. Xin cho chúng con cũng biết san sẻ gánh nặng với tha nhân Amen.

Người khôn ngoan và kẻ bé mọn

     Chuyện kể rằng: Khi Socrates- một trong những nhà sáng lập ra trường phái Triết học phương Tây, đồng thời cũng là người nổi tiếng thông thái trên thế giới, khi nghe mọi người tán tụng: "Không ai trên mặt đất mà lại thông thái hơn Socrates”.

     Đáp lại, ông cho rằng điều đó có nghĩa hoặc là tất cả mọi người đều ngu ngốc như nhau, hoặc rằng là ông khôn ngoan hơn người khác vì ông là người duy nhất thấy được sư ngu ngốc của mình.

    “Tôi chỉ biết một điều là: Tôi chẳng biết gì cả”, Socrates nói.

Nguồn: internet

     Chuyện mới nghe ta thấy rất vô lý, nhưng suy nghĩ kỹ ta sẽ nhận ra ý nghĩa sâu xa đằng sau câu nói đó, vì chỉ khi ta nhận thấy mình không biết gì, ta mới có ý thức học hỏi và khám phá mọi thứ. Lời Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng làm chúng ta thấy khó hiểu.

     Mt 11, 25-27

     25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

    27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu. Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen Ngài dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ngài long trọng xưng tụng Cha là “Chúa tể trời đất”.

     Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha và dạy chúng ta cũng gọi Người như thế. Cha là Đấng Tạo hóa toàn năng, là Chủ tể vũ trụ. Ngoài Người, không có một Thiên Chúa nào khác. Chính Người điều khiển toàn thể vũ trụ rộng lớn này với muôn triệu tạo vật hiện hữu, từ nguyên tử nhỏ bé đến các vì tinh tú bao la. Mọi vật hiện hữu đều quy phục Người. Người là "Chúa" trời cao. . . là "Chủ" trái đất.

     Đức Giêsu ngợi khen Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. 

     Thiên Chúa không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai, nhưng những kẻ tự coi mình là khôn ngoan thông thái, tự hào, tự mãn với những hiểu biết của mình và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ, kẻ ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Những người nghèo khó, bé mọn, ít tri thức lại dễ dàng đón nhận hơn. Họ khiêm hạ, hồn nhiên đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

     Câu cuối trong bài Tin Mừng là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con. Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa: “Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con”. Như thể, muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải và muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải. Như vậy, Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha. Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể gặp cả Cha và Con.

      Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, chúng con xin chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Cha, vì Cha đã mặc khải cho chúng con mầu nhiệm Nước Trời. Xin cho chúng con biết khiêm hạ lắng nghe tiếng Chúa, để biết tôn thờ Chúa và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn, xứng đáng là công dân Nước Trời. Amen.

Tự phụ, kiêu ngạo sẽ đổ nhào

     Capharnaum là một làng đánh cá nằm về hướng Bắc Biển Galilê, cách Nazareth khoảng 40 km - có dân cư sinh sống từ thế kỷ II BC đến thế kỷ XI AD. Sau đó thị trấn này bị bỏ phế gần 1000 năm.

     Các cuộc khai quật gần đây cho thấy có 2 hội đường Do Thái xây cất chồng lên nhau. Vật liệu dùng cho ngôi hội đường cũ từ thời Đức Giêsu là đá núi lửa đen. 



     Vào thế kỷ IV, kiến trúc mới bằng bằng đá vôi trắng được xây dựng trên nền cũ. Hiện nay du khách đến Capharnaum sẽ thấy phế tích của hội đường này có tường màu trắng trên nền đá đen.


     Nền đá đen từ thời Chúa Giêsu


     Lớp đá đen: nền móng của hội đường vào thế kỷ II BC nơi Chúa Giêsu giảng dạy và làm phép lạ.

     Vài hình ảnh khu vực Capharnaum ngày nay:


    Hình trên- bên trái: nhà thờ Capharnaum và phế tích hội đường - bên phải: nhà thờ Chính Thống. Có thể dọc theo bải biển này bốn môn đệ đầu tiên đã được kêu gọi theo Chúa Giêsu?

     Chính giửa: hội đường và nhà thờ Capharnaum


     Cổng chánh vào khu vực Capharnaum ngày nay - buổi chiều đến giờ đóng cửa


     Nơi này ngày xưa là thị trấn của Chúa Giêsu - trung tâm mục vụ thế giới!

Hien Quang 
Trích: http://40giayloichua.net/Locations/Capharnaum.html

      Capharnaum là nơi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với việc thu nhận 4 môn đệ đầu tiên. Ngài đã làm nhiều phép lạ tại đây nhưng dân chúng không sám hối nên đãbị Ngài quở trách rất nặng.

       Mt 11, 20-24 

     20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối :

      21 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là ba thành phố nằm gần Biển hồ, là những nơi Đức Giêsu thường đến rao giảng và làm phép lạ. Các thành này được diễm phúc chứng kiến nhiều phép lạ Đức Giêsu đã làm, nhưng lại không tin và cũng không tỏ lòng ăn năn sám hối, riêng Capharnaum còn tự phụ, kiêu ngạo, "nhắc mình lên tận trời cao".

     Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người. Trong đó, Sôđôma và Gômôra là các thành hết sức tội lỗi, Thiên Chúa cho mưa sinh diêm và lửa từ trời xuống huỷ diệt cả thành (St 19, 15-26). Dân các thành này nhiều tội lỗi, nhưng nếu họ được chứng kiến các phép lạ như đã xảy ra như ở Corazain, Bethsaiđa và Capharnaum thì họ đã ăn năn sám hối chứ không cứng lòng như dân của ba thành có diễm phúc trên.

      Chúng ta tự nhận mình là những người có kiến thức, có hiểu biết; được học, được nghe Lời Chúa và được sống trong một gia đình hạnh phúc, trong bầu khí đạo đức, thánh thiện… Chúng ta bằng lòng, thậm chí tự hào với những điều chúng ta đang sống, rồi coi thường những Tyrô, Siđôn, Sôđôma và tự thấy không cần phải sám hối. Có thể chúng ta đang là một Capharnaum tự phụ, kiêu ngạo bị Chúa Giêsu quở trách.

     Dưới ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại đời sống đức tin của mình, thành tâm nhìn nhận những yếu đuối, thiếu sót và những lỗi phạm của bản thân, qua đó, cảm nghiệm tình Chúa yêu thương, khám phá những ơn lành của Chúa đã ban cho mình một cách nhưng không và hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa xét xử chúng ta dựa trên kết quả sinh lợi từ những nén bạc Chúa đã trao. Để từ đó, mỗi người hãy chọn cho mình một thái độ sống và cách hành xử sao cho phù hợp với giáo huấn của Chúa cũng như xứng đáng hơn với những ơn lành mà Chúa đã thương ban.

     Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để kêu gọi những người tội lỗi, xin cho chúng con luôn biết nhìn lại chính mình để cảm tạ về những hồng ân mà Chúa rộng ban và năng biết sửa lại những thiếu sót, những lầm lỗi của mình, để mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng con. Amen.