Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Lòng tin và sóng gió cuộc đời


     Hồ Galilee còn có tên là Hồ Genezareth hoặc là Hồ Tiberias là một hồ nước ngọt lấy nước từ những con suối ở phía Bắc vùng Ðồi Golan trước kia là đất của Syria mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Hồ Galilee nằm dưới mực nước biển 209 mét là hồ nước ngọt nằm thấp nhất trên địa cầu trong khi Biển Chết (Dead Sea) cũng thuộc Israel là hồ nước mặn nằm thấp nhất địa cầu. Diện tích của hồ Galilee là 166 km vuông, chiều dài nhất 13 miles (21 km), chiều rộng nhất 8 miles (13 km) và nơi sâu nhất là 141 ft. (43 m).

     Hồ Galilee được Thánh kinh Tân Ước nói đến rất nhiều là nơi Chúa Giêsu rao giảng và làm nhiều phép lạ, cũng là nơi Thánh Phêrô (Peter) cùng các môn đệ hành nghề chài lưới và cùng theo Chúa trong hành trình rao giảng tin mừng khai sáng đạo Thiên Chúa Giáo. Do đó từ thời đế quốc Byzantine vốn theo đạo Thiên Chúa, hồ Galilee được xem là nơi Chúa sinh sống, là thánh địa thu hút rất đông tín đồ đến hành hương.

http://www.dongphuongthoibao.com/?newsid=7572

      Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt, tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước. Chính trên hồ nước này Đức Giêsu đã làm lặng sóng lúc biển động, củng cố niềm tin của các môn đệ Người.

Mc 4,35-41

    35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?" 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : "Im đi ! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : "Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau : "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?"

 (Nhóm Phiên dịch CGKPV)

Dù là những ngư phủ lành nghề và đang có Chúa Giêsu ở cùng trên thuyền, nhưng các môn đệ đã sợ hãi khi đối diện với sóng gió, bão táp. Các ông sợ vì thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu. Chứng kiến bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm nhưng các ông lại thiếu niềm tin vào quyền năng của Người. Vì thế, sau khi dẹp yên sóng biển, Người đã quở trách các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"

       Đời con người, mấy ai tránh được sóng gió bất chợt. Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình, trong xã hội chúng ta đang sống và ngay cả trong Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền. Sóng gió làm chúng ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh; khiến chúng ta sợ hãi, hoảng loạn. Khi gặp sóng gió, chúng ta cần Chúa ra tay nâng đỡ, nhưng Người vắng mặt, thinh lặng. Dù đã có bài học từ các môn đệ xưa, chúng ta vẫn hòai nghi…

những Kitô hữu, những người tin vào Chúa, nhưng đôi khi chúng ta không dám phó thác hoàn toàn cuộc đời mình cho Chúa. Khi làm việc gì, chúng ta thường hay tính toán hơn thua, được mất và rất ít khi, hoặc không nghĩ chúng ta phải phó thác mọi sự trong tay Chúa. Khi sóng gió bất chợt ập đến, khi khó khăn thử thách vây bủa, như những môn đệ trên thuyền hôm ấy, biết Chúa có quyền năng nhưng chúng ta lại nghi ngờ quyền năng Chúa.

Hãy phó thác trọn cuộc đời cho Chúa. Hãy tin rằng Ngài sẽ quan phòng và chăm sóc cho chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối và hèn tin. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con xác tín chỉ có Chúa mới có thể đem lại bình an và hạnh phúc cho chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối, nhưng giàu lòng xót thương, luôn yêu thương, gìn giữ những ai cậy trông, tín thác nơi Người. Amen.

Sức sống mãnh liệt của thực vật


     Từ những mảnh đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều loài cây vẫn vươn lên với sức sống mãnh liệt, đơm hoa, kết trái.

 
Ảnh của David Poe
    


      Nhìn những bông hoa mọc trên kẽ hở của tấm bê tông, nhiếp ảnh gia Ari C đã thốt lên: "Đúng là sức mạnh của thiên nhiên".


Ảnh của James Jackson

     Lam Thu
     Ảnh: boredpanda
     
      Xem thêm hình ảnh tại:
      http://giaitri.vnexpress.net/photo/my-thuat/suc-song-manh-liet-cua-thuc-vat-3060037.html
     Hạt giống khi được gieo vãi xuống đất, nó sẽ nảy mầm và mọc lên. Ngay cả trong môi trường khắc nghiệt, những mầm cây vẫn có thể vươn lên, nở hoa. Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn về sự tăng trưởng của thực vật để nói về Nước Thiên Chúa

     Mc 4, 26-34
     26 Người nói : "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
     30 Rồi Người lại nói : "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
     33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Giảng dạy cho dân chúng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã ví Nước Thiên Chúa như hạt giống mọc lên cách âm thầm, như hạt cải ban dầu nhỏ bé nhưng khi mọc lên thành cây to lớn đến nỗi chim trời có thể núp bóng được.
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc. Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi.
Trong cuộc sống, có nhiều việc xảy đến trái ý chúng ta, những khó khăn thử thách tưởng như quá sức chịu đựng của chúng ta. Khi rơi vào hoàn cảnh đau khổ, tuyệt vọng, chúng ta dễ than trách Chúa, so sánh với những người “tội lỗi” nhưng may mắn, hạnh phúc hơn ta…
Đừng vì những bất toàn của Hội Thánh lữ hành, đừng vì những khó khăn thử thách mà nản lòng, mất niềm tin vào Chúa.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng, hạt lúa nảy mầm, đơm bông, kết hạt; từ hạt cải nhỏ bé nay thành cây to, chim trời có thể nương náu… Hãy tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người. Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.

 Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, giúp chúng con vững tin vào Chúa, tích cực loan báo Tin Mừng và hiệp thông xây dựng nền văn minh tình thương, để ngày sau hết chúng con được cùng nhau sum họp trong Nước Người. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Ngọn đèn và ánh sáng



     Văn hào Mỹ, Henry David Thoreau đã từng viết một câu bất hủ rằng: “Người nào làm được chiếc bẫy chuột tốt thì dầu cho người ấy có ở trong một túp lều heo hút nơi rừng thẳm, mọi người cũng sẽ đắp đường, khai lối để tìm đến tận cửa nhà anh ta”. Câu nói này có một thời đã là chỉ nam hoạt động của nhiều doanh nghiệp phương Tây. Tuy nhiên, có lẽ chỉ trong khoảng thời gian từ những ngày đầu của cuộc cách mạng kỹ nghệ cho đến sau đệ nhị Thế chiến, là lúc mà phương châm này của Thoreau tỏ ra thích hợp nhất với hoàn cảnh kinh tế lúc ấy. Thật vậy, sau Thế chiến thì hầu hết cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng tại các nước hoặc đều bị tàn phá hoặc xuống dốc thê thảm. Hòa bình trở lại, mọi người bắt đầu xây dựng cuộc sống mới và đổ tiền ra mua sắm. Thị trường thế giới lúc bấy giờ hoàn toàn thiếu thốn những sản phẩm tiêu dùng nên hàng gì làm ra cũng đều bán được. Đây quả là thời kỳ vàng son của hoạt động sản xuất và “hữu xạ” thực sự đã nhanh chóng đưa đến “tự nhiên hương”. Tương tự như thế, trong những năm đầu đổi mới ở Việt Nam, thị trường trong nước còn khan hiếm hàng tiêu dùng và khách hàng vẫn còn bỡ ngỡ thì hầu như bất cứ sản phẩm nhập hoặc hàng trong nước nào có tiêu chuẩn kha khá cũng đều bán được.

      Tuy nhiên, ngày nay thì thế cờ đã khác hẳn. Chỉ trong vòng mấy thập niên qua, thị trường thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Những biến chuyển rộng lớn về mọi mặt, những phát triển mới mẻ về mặt truyền thông song song với khuynh hướng toàn cầu hóa, tất cả đã đưa đến một sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường. Trong nước thì khách hàng ngày nay không còn “dễ tính” như trước và đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ có tiêu chuẩn cao không kém các nước tiên tiến. Động lực thúc đẩy người tiêu dùng đã chuyển từ “cần thiết” sang “ham muốn”. Người ta không “cần” mua một cái tivi màn hình phẳng, nhưng chỉ vì thấy những mẫu quảng cáo đập vào mắt mỗi ngày và nhất là thấy anh hàng xóm vừa có cái tivi mới, nên muốn mình cũng phải có.

      Thoreau thốt ra câu nói bất hủ trên vào năm 1854 và thế giới đã thay đổi quá nhiều suốt 160 năm qua. Ngày nay dù có làm cho được cái bẫy chuột tốt cách mấy đi nữa mà âm thầm mang ra ngay giữa chợ Sài Gòn để bán thì chắc cũng chẳng ai để ý đến….

 http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/huu-xa-tu-nhien-huong-3011188.html

      Quảng cáo đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh, buôn bán trong thời đại ngày nay. Nó giúp "hữu xạ" toả "hương". Ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay

      Mc 4, 21-25


      21 Người nói với các ông : "Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao ? 22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. 23 Ai có tai nghe thì nghe !"

      24 Người nói với các ông : "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. 25 Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất."


(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày. Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà. Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên, rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường. Cứ sự thường, phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự.

     Ngọn đèn mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài, và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài. Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi, nhưng phải được quảng bá và rao giảng. Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn, nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy (Lm.Antôn Nguyễn cao Siêu).

    Vâng nghe Thầy Giêsu, mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống tốt và hãy làm cho những điều tốt đẹp quanh ta ngày càng lan toả, để góp phần, dù nhỏ bé, xây dựng một xã hội công bằng, một nền văn minh tình thương. Hãy tránh xa những cái xấu, cái ác vì dù có che giấu thế nào, đến một lúc nào đó chúng cũng sẽ bị lộ ra.

    Là một Kitô hữu, bạn hãy làm những việc có thể, để Ánh sáng Tin Mừng của Chúa chiếu toả, để những người chung quanh nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu thế. Ánh sáng ấy sẽ bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa; đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ. Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.

    Thiên Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn ta và Người cũng ngàn lần quảng đại hơn ta. Hãy vững tin vào lòng Chúa xót thương. Đấu ta đong, Người không chỉ đong lại, mà sẽ đong dư tràn.

     Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con, xin lay chuyển chúng con, xin đừng bao giờ để chúng con lấy những lợi ích thế tục che giấu đi Ánh sáng Tin Mừng Cứu độ. Xin giúp chúng con can đảm sống trong Ánh sáng của Chúa và làm cho Ánh sáng ấy chiếu toả đến những người chung quanh. Amen.


Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Có phải Người mất trí ?

     Vị vua của xứ Syracuse lệnh làm một chiếc vương miện bằng vàng nguyên chất. Khi vương miện làm xong và đưa đến, vua nghi ngờ rằng có thể pha lẫn bạc, bèn hỏi Acsimet cách nào nhận biết đó có đúng là vàng nguyên chất không ?

      Acsimet suy nghĩ rất lâu và chưa tìm đáp án khi ngày trả lời vua đến gần.

     Bỗng một hôm, khi đang tắm ở một nhà tắm công cộng, Acsimet bỗng nhận thấy rằng mực nước dâng cao lên khi ông nhảy vào nước. Và bất ngờ ông phát hiện ra một phương pháp giải quyết bài toán về chiếc vương miện. Phương pháp đó chính là nguyên lý về sức đẩy Acsimet mang tên ông, nó có thể sử dụng để xác định trọng lượng các vật thể, từ đó suy ra chất liệu làm nên vật thể đó, như xác định chiếc vương mịên của vua có phải vàng nguyên chất hay không.

     Nhưng điều làm cho mọi người cười ra nước mắt là: Acsimet quá phấn khởi, vội vàng nhảy ra khỏi bể tắm và vừa chạy trần truồng như nhộng trước mắt nhiều người, vừa hét tướng lên: "Eureka! ( tức đã tìm ra rồi!).

http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/108866/huyen-thoai-bac-hoc-acsimet.html

     Nhiệt tâm với công việc, nhà bác học Acsimet (284 – 212 TCN) khi tìm ra nguyên lý về sức đẩy Acsimet, đã có một hành động đãng trí có một không hai, làm mọi người cười ra nước mắt. Hơn hai trăm năm sau ông, Đức Giêsu cũng vì nhiệt tâm với công việc, không có giờ ăn uống, bị thân nhân cho là mất trí.

     Mc 3, 20-21

    20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Chỉ có hai câu ngắn ngủi, nhưng bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều.

     Vì quá bận rộn với việc rao giảng, chữa bệnh và trừ quỷ, Thầy Giêsu và các môn đệ không có giờ để nghỉ ngơi, ăn uống. Khi hay tin ấy, thân nhân của Người hốt hoảng, họ nghĩ Ngài bị mất trí nên đi bắt Người về lại quê nhà.

     Có thể vì Đức Giêsu có cuộc sống không bình thường. Người không lập gia đình, đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây, chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là những người đánh cá, giao du với những hạng người bị xem là tội lỗi trong xã hội. Người đã dám công khai đụng độ với các kinh sư, bây giờ lại đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Người, bỏ cả ăn uống nên thân nhân của Ngài mới cho là Người mất trí và tìm cách bắt Người về nhà.

     Đặt chúng ta vào hoàn cảnh này, rất có thể nhiều người trong chúng ta cũng nghĩ như thân nhân của Đức Giêsu. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ, nhớ lại những việc Người đã làm: trừ quỷ, chữa bệnh và giảng dạy như một Đấng có uy quyền (x Mc 1,22-27), chúng ta sẽ khó có thể trả lời: làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế ?

     Được làm con cái Chúa là một Hồng ân cao cả Chúa thương ban. Chúa thương yêu hết mọi người Chúa đã dựng nên, nhưng nếu ta không mở lòng đón nhận, Ơn Chúa chẳng thể đến được với ta và ta sẽ chẳng thể hiểu được sứ vụ của Đức Giêsu để tin vào Ngài, để được hưởng nhờ công ơn Người cứu chuộc. 

    Lạy Chúa Giêsu, nhiều người không tin Chúa là Thiên Chúa, chỉ vì Chúa sống như một con người.
   Ngay chúng con đây, trước những đau thương nhân loại đang phải gánh chịu do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và trước những đau khổ của phận người trong thời đại chúng con đang sống, như thân nhân của Người đã hoài nghi, niềm tin của chúng con cũng có lúc chao đảo…
     Xin ban thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con thấy được Người đang tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống, để chúng con vững tin vào lòng Chúa xót thương mà vui bước trong bình an của Chúa. Amen.

Chọn cộng sự

   Trong bài: Bí quyết chọn cộng sự khởi nghiệp làm ăn của Nguyễn Bá Quá trên vnexpress.net có đoạn như sau:

      Một người cộng sự tốt có thể không phải là người nói nhiều, có thể không phải là người có vè ngoài chuyên nghiệp, cũng có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng anh ta nhất định phải là người có cùng chí hướng với bạn! 

     Việc tìm hiểu xem chí hướng của anh ta là gì, anh ta mong muốn có một tương lai như thế nào là cực kì cần thiết. Bởi vì nếu bạn muốn tương lai công ty của bạn là một công ty phi lợi nhuận, giúp đỡ càng nhiều người nghèo biết đọc chữ càng tốt (tiền sẽ đến sau khi bạn làm được điều đó), thì bạn không thể cộng tác với một người luôn ấp ủ ước mơ làm triệu phú trước 30 tuổi được!

      Bạn cần phải thật sự hiểu về người mà bạn đang xem xét là điều kiện tiếp theo. Anh ta có đang vướng bận chuyện gia đình không? Anh có dám gõ cửa từng nhà giới thiệu về công ty của bạn không? Anh ta có sẵn sàng dậy lúc 3 giờ sáng để làm quen với một khách hàng quan trọng không? 

      Quan trọng hơn nữa, khi bạn càng hiểu anh ta, bạn sẽ tự động biết điều chỉnh tính cách của bạn để hoà hợp được với tính cách của người đó. Và việc mối quan hệ cộng tác này diễn ra bao lâu là hoàn toàn có thể kiểm soát được. 

     Cách tốt nhất và nhanh nhất để hiểu một người là hãy âm thầm quan sát anh ta hành động. Con người anh ta như thế nào sẽ được hiển hiện rõ ràng nhất qua những việc anh ta làm, phương pháp anh ta làm việc, và kết quả của công việc đó. Và hãy chắc chắn rằng đó là khả năng thật sự của anh ta, chứ không phải là đang diễn xuất cho bạn xem.

http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/bi-quyet-chon-cong-su-khoi-nghiep-lam-an-2238784.html

     Theo bài báo, việc chọn cộng sự có nhiều tiêu chí, nhưng quan trọng nhất là phải chọn được người có cùng chí hướng. Để thực hiện chương trình Cứu độ nhân loại, Đức Giêsu đã chọn gọi 12 môn đệ. Ngài chọn họ như thế nào?

      Mc 3, 13-19

    13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, 17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Nhóm Phiên dịch CGKPV

     Thông thường ở xã hội Do-thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo. Còn Đức Giêsu lại đi “gọi” học trò. Người đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn.

    Như vậy, việc trở nên học trò ruột của Đức Giêsu hoàn toàn không do kế hoạch phấn đấu hoặc do ước nguyện của những kẻ được gọi, mà do ý muốn của Thiên Chúa. Được Chúa chọn và gọi là một ơn trọng đại, một hồng ân cao cả Chúa dành riêng cho những người Chúa chọn.

     Được Đức Giêsu chọn gọi, một Nhóm Mười Hai người đã mau mắn đáp lời, đến với Đức Giêsu đang ở trên núi. Họ đến và ở lại với Người, trở thành môn đệ thân tín của Người, để rồi sẽ được Người sai đi rao giảng Tin Mừng với quyền trừ quỷ.

    Hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi mỗi người chúng ta, bất kể chúng ta đang ở vị thế nào trong xã hội. Người gọi chúng ta ra khỏi những ồn ào náo nhiệt, những bon chen, bận rộn, lắng lo hàng ngày… Hãy ở lại với Người trong thinh lặng, suy tư về mục đích sống của đời minh. Không được trở nên những học trò thân tín của Thầy Giêsu như Nhóm Mười Hai, nhưng chúng ta vẫn là những người được sai đi. Hãy ra đi đến với anh chị em; nhất là với những người nghèo khổ, thất học, thua thiệt; những người đang đau khổ, thất vọng…

    Có điều gì cản trở, khiến mỗi người chúng ta không thể nhận ra hoặc không thể đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu ?

    Lạy Chúa Giêsu, suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng con hiểu rằng mình cũng đang được Chúa gọi mời. Xin cho chúng con dám vượt qua những e ngại về khả năng và những lắng lo, cản trở trong cuộc sống đời thường; can đảm, nhiệt tình đến và ở lại với Chúa, để được Chúa sai đi như lòng Chúa muốn nơi mỗi người chúng con. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Học sống cảm thông và chia sẻ

     Trung Tâm MAI HÒA được thành lập ngày 03.07.2001. Đây là một cơ sở công giáo đầu tiên được thành lập tại Việt Nam nhờ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo tôn giáo, chính quyền và nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước.


    Trung Tâm MAI HÒA được thành lập để đáp lại tiếng kêu của những người nhiễm HIV giai đoạn cuối sống lang thang trên vỉa hè vì bị gia đình từ bỏ. Họ sống trong sự thiếu thốn tột cùng và cuộc sống chung đụng này là nguy cơ lây nhiễm một cách trầm trọng.

     Trung Tâm MAI HÒA nằm trong một khu đất yên tĩnh, rộng hơn 10.000m² do Tu Hội NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN thành lập và quản lý, với sự cộng tác của các bác sĩ thiện nguyện chuyên khoa về lao, nội khoa, phẫu thuật, mắt, vật lý, trị liệu... Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật.

     Trung Tâm MAI HÒA có mục đích: 

     1. Nuôi dưỡng miễn phí bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, không nơi nương tưạ. 

    2. Giúp bệnh nhân hòa giải với bản thân, gia đình và xã hội để tâm hồn được bình an trong những ngày cuối đời. 

     3. Tạo cơ hội để bệnh nhân cộng tác vào việc tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV / AIDS cho các nhóm học sinh, sinh viên, công nhân... Bằng chính kinh nghiệm sống của mình nhờ vậy các bệnh nhân thấy mình còn hữu dụng.


Trung Tâm MAI HÒA
Nuôi Dưỡng Bệnh Nhân AIDS Giai Đoạn Cuối Không Nơi Nương Tựa
Tel: (848) 8926135
Địa chỉ : Lô 6 - Xã An Nhơn Tây Huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

http://www.thuongvevietnam.org/webseiten/aidsmaihoa/html/maihoa_01.html

     Trung tâm Mai Hoà do Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn thành lập để giúp những bệnh nhân AIDS sống trong nhân phẩm trong những ngày cuối đời. Nơi đây, các bệnh nhân này gặp được Đức Giêsu. Nơi đây, họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài.

       Mc 3, 7-12

     7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên : "Ông là Con Thiên Chúa !" 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Dân chúng lũ lượt đến với Đức Giêsu vì nghe biết những gì Ngài đã làm. Ngài chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để được sờ vào Ngài. Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ, chính họ chủ động chen lấn để sờ được vào Ngài. Sờ được vào Đức Giêsu, chạm được vào con người nhân hậu của Ngài, là được chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa, chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.

      Đau khổ là dịp để Thiên Chúa mời gọi mỗi người biết sống cảm thông và học cho biết sống quan tâm đến người khác. Chúa để cho có sự đau khổ, bệnh tật là để mỗi người có cơ hội phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không chỉ bằng một vài lần thăm viếng, tặng quà, nhưng bằng việc đón nhận nhau trong yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh chị em bằng sự gần gũi, cảm thông… Điều mà những người bị hắt hủi, bị bỏ rơi cần hơn những thứ khác.

      Lạy Chúa, từ bỏ tất cả, hy sinh phục vụ anh em như các nữ tu đã làm là điều chúng con khó có thể làm được. Chúng con xin Chúa cho mỗi người chúng con biết lắng nghe, biết cảm thông và chia sẻ với anh chị em chung quanh để cho cuộc sống có thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Đừng để thói nệ luật trói buộc

      Sau khi đóng cửa với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ, Ả Rập Xê-út đã hòa nhập với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, có vẻ như một số truyền thống và niềm tin đã bị ăn sâu vào tư tưởng người dân mà không thể giải thoát.

      Vương quốc này tồn tại một số luật lệ xã hội chặt chẽ nhất thế giới, mà đa số là áp dụng với phụ nữ. Họ không được phép lái xe, không được bắt gặp ở nơi công cộng với một người đàn ông không phải là người thân, phải mặc quần áo càng "kín như bưng" càng tốt. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị bắt bởi cảnh sát tôn giáo.

     Đối với đàn ông, họ không được phép tụ tập hoặc mặc quần áo của người khác phái. Hành động uống rượu từ cả hai giới cũng không được khuyến khích.

     Truy cập Internet cũng bị hạn chế trên nhiều trang web mà không có lý do rõ ràng, chỉ đơn thuần là nó “bị cấm”, thế thôi. Bất kỳ phương tiện truyền thông chỉ trích chính phủ ngay lập tức được triệu tập thông qua…lệnh bắt giữ.

http://newsen.vn/top-10/doi-song/10-quoc-gia-voi-nhung-luat-le-ngat-ngheo-gay-choa-ng-nhat-the-gioi-4527.html

      Luật lệ ở Ả Rập Xê-út có những điều cấm xuất phát từ truyền thống và niềm tin tôn giáo, nhưng có những điều cấm chỉ đơn thuần là nó “bị cấm”. Luật giữ ngày Sabát của người Do thái cũng rất chi li, nghiêm ngặt. Hành động bứt vài bông lúa bên đường, vò ăn cũng bị xem là phạm luật… 

       Mc 2:23-28

      23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !" 25 Người đáp : "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."

     27 Người nói tiếp : "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

     Vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa và người Pharisêu đã tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát. 

     Có tất cả 39 luật về ngày Sabát ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). 

     Sự tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta ngao ngán, nhưng đối với các Rabbi Do thái, nó liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết. Vì vậy, họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu và chờ Chúa sửa phạt các môn đệ. Thay vì sửa phạt, Đức Giêsu đã bảo vệ các môn đệ của Ngài, bằng cách dẫn ra trường hợp vua Đavit khi đói bụng đã vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ cùng ăn.

     Đức Giêsu đã thiết lập một qui luật chung về ngày Sabát: : "Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát."

     Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabát là để bảo vệ con người. Thân xác con người cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần. Trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền được sống, con người có thể vi phạm luật này.

     Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Vì lòng thương xót, Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Vì thế, hãy tuân giữ Luật Chúa vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân; không để thói nệ luật trói buộc chúng ta, biến chúng ta thành nạn nhân, thành nô lệ của luật lệ.

      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn các việc anh em mình làm bằng cách Chúa nhìn, để cảm thông và chia sẻ thay cho sự phê bình, chê trách... Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.



Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Rượu mới, bầu da mới

     Hiếm ở nơi đâu quyền “thượng đế” của khách hàng được thực thi trọn vẹn như ở Israel: để chiều lòng những người Do Thái ăn kiêng khó tính, McDonald"s đã phải sửa đổi biểu tượng thương mại truyền thống - chuyện hi hữu xảy ra với thương hiệu của các tập đoàn lớn.

     Dưới áp lực của nhà lãnh tụ người Do Thái thành phố Tel Aviv, tất cả các cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald"s ở đây buộc phải sửa lại logo nhằm thể hiện đây là quán ăn chuyên phục vụ các món chay tịnh.

     Thứ nhất, chữ “McDonald"s” màu đỏ bên dưới hai vòm cung biểu tượng phải thay bằng màu xanh da trời. “Màu xanh là màu của bầu trời, là màu của quốc kỳ Israel, và quan trọng là nó không giống màu máu” – lãnh tụ Meir Lau giải thích. 

    Tiếp nữa, trên logo mới nhất thiết phải có chữ “kosher” (chay tịnh), bằng tiếng Anh và tiếng Hebrew - ngôn ngữ chính của người Do Thái.

     Hơn 111 cửa hàng McDonald"s tại Israel đều phục vụ các món có thịt và bơ sữa (mặc dù đã đảm bảo tính chay tịnh), và đều mở cửa vào các ngày lễ Xa-ba (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa theo đạo Do Thái) cũng như các ngày nghỉ tôn giáo khác. Điều này là trái luật của người Do Thái.

     Lau nói ông tin tưởng rằng McDonald"s sẽ dần thực thi đúng những quy định khe khắt về thức ăn chay tịnh cũng như họat động theo đúng lịch làm việc quy định.

     Còn về phía McDonald"s, tập đòan này hy vọng “sự hy sinh” của mình sẽ mở đường cho một loạt các nhà hàng chay tịnh khác xuất hiện trên đất nước này.

Thùy Vân - Theo Reuters

http://pda.vietbao.vn/Kinh-te/Chieu-nguoi-Do-Thai-McDonald-s-san-sang-hy-sinh-thuong-hieu/30104587/87/

    Đến tận ngày nay, người Do thái vẫn giữ luật chay tịnh rất nghiêm ngặt. Tập đoàn McDonald nổi tiếng trên thế giới muốn phát triển được ở dây cũng phải thay đổi theo yêu cầu của họ. Điều này phần nào giúp ta hiểu được tại sao cha ông họ lại căn vặn Đức Giêsu khi môn đệ của Ngài không ăn chay.

      Mc 2, 18-22
     18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?" 19 Đức Giê-su trả lời : "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !"
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Các môn đệ Ðức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và các người Pharisêu.

     Ðức Giêsu hiểu rõ sự quan trọng của việc chay tịnh trong đời sống đạo và trong tập tục truyền thống của người Do thái. Nhưng Ngài lại dùng hình ảnh tiệc cưới - một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa để trả lời họ: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”.

    Đám cưới là một biến cố mừng vui của đôi hôn phối, của gia đình, bạn bè và cả xóm làng. Làm sao có thể hiểu được chuyện một người đi ăn cưới với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay ?

     Đức Giêsu nói rõ thêm: “Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

     Chính điều này, giúp ta hiểu Đức Giêsu không thực thi sứ vụ theo khuôn mẫu cũ của Do thái giáo. 

    Sống trong thời đại mới, thời đại của Tân Ước, con người phải sống theo thời kỳ mới, sống theo tinh thần mới, trong niềm vui Ơn Cứu Ðộ.

    Hãy sống đạo phù hợp với Tin Mừng của Chúa, là sống đạo yêu thương. Hãy tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Tôi có nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi không?

     Hãy chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những anh chị xung quanh bằng những hành động cụ thể và hãy tích cực tham gia công tác tông đồ trong giáo xứ, giáo phận; để nhờ đó, nhiều người đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

     Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết tự vấn sau mỗi ngày sống của chúng con và ngày mai cố gắng sống tốt hơn hôm nay, để có thể đem Tin mừng của Chúa đến với những người xung quanh và trở nên những chứng nhân đích thực của Ngài. Amen.

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Người tội lỗi

     Trong tập truyện “Vang bóng một thời”, của nhà văn Nguyễn Tuân có truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Truyện ngắn này được tóm lược như sau:

    Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nên bị kết án tử hình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Khi trát gửi đến nhà tù, biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho thầy thơ lại bảo người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. 

     Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt viên quản ngục, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi ông bị xử chém. 

     Trong đêm cho chữ, ông Huấn cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quán ngục và thầy thơ lại thì khúm núm bên cạnh. Sau khi cho chữ, ông Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho “thiên lương” trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông Huấn Cao một cách kính cẩn “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

http://hoc.vtc.vn/tom-tat-truyen-ngan-chu-nguoi-tu-tu-cua-nha-van-nguyen-tuan-2830.html

     Viên quản ngục vì quý trọng tử tù Huấn Cao, đã bất chấp quy định luật pháp quốc gia, biệt đãi ông để xin chữ. Huấn Cao lúc đầu khinh miệt viên quản ngục, sau hiểu được tấm lòng của người này đã quyết định cho chữ. Lêvi làm nghề thu thuế, bị người Do thái liệt vào phường tội lỗi, nhưng Đức Giêsu cần ông. Ngài đã chọn ông, ông đã mau mắn đáp lại.

Mc 2,13-17
     13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : "Anh hãy theo tôi !" Ông đứng dậy đi theo Người.

     15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ : con số họ đông và họ đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người : "Sao ! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi !" 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Lêvi đang làm việc tại một trạm thu thuế. Đức Giêsu đi ngang qua và ngỏ với ông một lời mời ngắn gọn nhưng rõ ràng: “Anh hãy theo tôi”. Ngay lập tức, ông đứng dậy đi theo Người.

     Những người làm nghề thu thuế thời Đức Giêsu được hưởng lợi tức cao, nhưng đối với người Do thái, họ là những gương mù cần phải tránh xa, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc và mang tiếng tham lam, bóc lột, có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. 

    Đức Giêsu đã kêu gọi Lêvi, chọn ông làm Tông đồ, vì đối với Ngài: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi". 

    Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác; có người còn đang bị ràng buộc trong bóng tối, trong sự lỗi; sống xa Chúa, xa Hội Thánh và đâu đó, cũng còn có những người bị loại trừ khỏi cộng đoàn, sống lạc lõng trong hoàn cảnh của riêng mình…

     Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống chân thực, đừng bao giờ coi khinh, xa lánh những người vì hoàn cảnh riêng đang sống trong bóng tối, trong sự lỗi nhưng dám gần gũi, dám làm bạn với họ và cùng với họ, dám đứng lên bước theo Ngài, bỏ lại nếp sống tối tăm trước đây của đời mình.