Con số 45 triệu nô lệ trên thế giới được đưa ra trong nghiên cứu Chỉ số Nô lệ Toàn cầu năm 2016 mới công bố ngày 31.5 của tổ chức Walk Free Foundation (WFF) do tỉ phú người Úc Andrew Forrest sáng lập, theo AFP.
WFF tổng hợp thông tin từ 167 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiến hành 42.000 cuộc phỏng vấn bằng 53 thứ tiếng để đưa ra con số trên; họ cũng tìm hiểu xem chính phủ các quốc gia đã có những động thái gì nhằm ngăn chặn vấn nạn nô lệ thời hiện đại.
Con số 45 triệu nô lệ này cao hơn 28% so với con số ước tính cách đây hai năm.
Nô lệ hiện đại là tình trạng bóc lột một cá nhân, khiến người này không thể thoát thân vì bị đe dọa, hành hạ, áp bức, theo WFF.
Một nô lệ được giải cứu ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Reuters
|
Ngoài ra, một người cũng được xem là nô lệ nếu họ bị bắt làm việc trên các tàu cá để trừ nợ và không được phép về nhà, hoặc bị bắt bán làm người giúp việc, bị ép làm gái mại dâm trong các nhà thổ.
Theo WFF, Ấn Độ có số người trở thành nô lệ cao nhất thế giới với 18,35 triệu người và đứng hàng đầu trong năm quốc gia châu Á có nhiều nô lệ trên thế giới. Sau Ấn Độ là Trung Quốc với 3,39 triệu nô lệ, Pakistan (2,13 triệu nô lệ), Bangladesh (1,53 triệu nô lệ) và Uzbekistan (1,23 triệu nô lệ).
Khoảng 124 quốc gia trên thế giới đã xem hành động buôn người là tội phạm hình sự, tuân thủ nghị định thư Liên Hiệp Quốc về chống buôn người, và 96 nước có kế hoạch hành động chống buôn người và nô lệ hiện đại.
WFF kêu gọi chính phủ các nước có những biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt nạn nô lệ hiện đại. Ông Forrest cho biết: “Tôi tin rằng các lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức dân sự trên thế giới đóng vai trò quan trong cuộc chiến chống nạn nô lệ thời hiện đại”.
WFF cho hay Croatia, Brazil và Philippines là ba quốc gia có nhiều động thái tích cực chống nô lệ hiện đại kể từ khi tổ chức này công bố nghiên cứu Chỉ số Nô lệ Toàn cầu 2014. WFF đồng thời lưu ý Ấn Độ cũng đang có nhiều bước tiến đáng kể trong cuộc chiến này.
Phúc Duy
Chế độ nô lệ đã được thi hành ở Israel. Rất đông những nô lệ là người nước ngoài : theo tập tục chung thời cổ đại, tù binh chiến tranh thì bị giáng xuống làm nô lệ (Đnl 21,10), hay những nô lệ được các nhà buôn đem bán (St 17,12). Người Do Thái cũng đã bị bán hay tự bán mình như những nô lệ (Xh 21,1-11 ; 22,2 ; 2 V 4,1).
Trong Kinh Thánh, cùng một từ mà đồng thời mô tả người phục vụ và kẻ nô lệ. Do đó, nói cách rõ ràng là Luật chấp nhận chế độ nô lệ như một tục lệ chắc chắn (Xh 21,21) ; tuy nhiên Luật lại luôn hướng đến việc giảm nhẹ tính cứng nhắc của tục lệ này cũng như xác nhận ý nghĩa đích thực của con người. Mặc dù chủ nhân là người sở hữu nô lệ của mình, nhưng không vì thế mà ông có quyền đối xử với nô lệ theo ý mình (Xh 21, 20.26). Nếu đó là người nô lệ Do thái thì Luật còn cho thấy những hạn chế hơn nữa. Trừ khi có sự đồng ý của người liên quan, bằng không thì Luật cấm việc nô lệ suốt đời. Luật của Giao Ước buộc phải giải phóng cho nô lệ cứ bảy năm một lần (Xh 21,2) ; sau này sách Nhị Luật đã ghép những việc giải phóng này với những sự chăm sóc liên đới (Đnl 15,13) ; về phía luật Lêvi thì đặt ra việc giải phóng chung vào năm đại xá, có lẽ để bổ sung vào những biện pháp trước đây chưa được áp dụng (Lv 25,39-55), vì con cái của Israel được Thiên Chúa chuộc khỏi sự nô lệ Ai Cập thì không thể là nô lệ nữa cho một người nào đó nữa.
(Xem: “Từ vựng thần học Thánh kinh: nô lệ” - http://gpbanmethuot.vn/content/)
So với các quốc gia khác, chế độ nô ở Ítraen bớt tàn nhẫn hơn, nhưng không vì thế mà người nô lệ, hay đầy tớ có quyền đòi hỏi ông chủ phải phục vụ mình. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói về tinh thần phục vụ của những kẻ tôn thờ Thiên Chúa
Thứ Ba Tuần thứ 32 Thường Niên C
Lc 17,7-10
7 "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", 8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy các môn đệ, cũng là dạy mỗi người chúng ta bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ, mà lại là một đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc phải làm.
Quả vậy, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, còn con người chỉ là loài thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, con người phải ý thức về thân phận của mình: con người hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa, tất cả những gì chúng ta có đều thuộc về Chúa, do Chúa ban cho, và những gì chúng ta làm được cũng là nhờ Chúa ban ơn, giúp sức; đừng tự hào, tự mãn, kể lể công trạng trước mặt Chúa và trước mặt người đời, nhưng hãy phục vụ trong khiêm nhường.
Khi tự xem mình là người đầy tớ, người phục vụ, chúng ta chỉ làm những điều, những việc chúng ta phải làm, việc phục sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng thực hiện hơn. Chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”.
Là Kitô hữu, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi đem hết khả năng, sức lực, tâm trí và cả con người để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, không đòi hỏi được thưởng công, vì so với những gì Chúa muốn và những ơn lành Chúa ban, việc chúng ta làm được cũng giống như việc những đầy tớ vô dụng đã làm, chỉ làm việc bổn phận chủ giao thôi.
Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần phục vụ trong khiêm tốn âm thầm. Xin cho chúng con biết phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách chân thành, vô vị lợi, chỉ vì đó là bổn phận chúng con phải làm. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét