Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Đền thờ thiêng liêng

      Muốn hiểu lịch sử đền thờ Giêrusalem, cần phân biệt 3 giai đoạn khác nhau:



     1 Đền thờ do vua Salomon xây:

    Suốt thời kỳ lưu lạc trên rừng và thời kỳ tranh đấu để chiếm đất Hứa, Hòm Bia (tượng trưng sự hiện diện của Giavê giữa dân Israel ) chỉ được đặt trong Nhà Tạm, trong Lều. Chiếm đất Hứa xong và tạm ổn định bờ cõi. Sau này, Vua David đã có ý tưởng đầu tiên xây một đền thờ xứng đáng để Thiên Chúa Giavê ngự. Vua đã mua đất trên đỉnh núi Moriah (2 Vua. 24, 1525). Nhưng Giavê, qua tiên tri Nathan đã nói với Vua: không phải vua được xây, nhưng con vua là vua Salomon sẽ xây đền thờ (2 V 7,13; I SK.17,12), vì tay vua đã dính quá nhiều máu (l SK.22,7 10)

     Salomon bắt tay vào việc năm -1011,và hoàn tất sau 7 năm. Tiên tri Ezechiel đã tả đền thờ này khá tỉ mỉ (xem Ez. 40, 5 4,20). Đền thờ này bị quân Chaldéa phá cùng với thành Giêrusalem năm 587. Đền thờ đã đứng vững được 417 năm. 

     2. Đền thờ do vua Zorobabel xây:

     Sau thời bị lưu đầy, Đế quốc Babylone sụp đổ, nhường chỗ cho đế quốc Iran (Ba Tư). Cyrus. Hoàng đế Batư ra sắc chỉ cho phép dân Israel trở về quê tổ, vào năm - 536. 

     Zorobabel dẫn đợt đầu về có 42 ngàn 360 người, và năm sau (năm -525) khởi công xây lại đền thờ, với sự cổ võ của tiên tri Zacharia (8. 913) và Agiê với lời tiên tri rằng : "Đấng các dân trông đợi sẽ vào đền thờ này, làm cho nó nên sang trọng hơn đền thờ trước (xem Agiê 2, 510 ). Đó là nói trước Đức Mẹ và Thánh Giuse sẽ đem Chúa Cứu thế Hài nhi dâng trong đền thờ (Lc 2. 22-27).

     Theo nhà sử học Hécatée đồng thời với Alexander đại đế thì kích thước đền thờ này như sau : dài 147m85, rộng 44m36, có 2 cửa. Một bàn thờ vuông mỗi chiều 8m 87, cao 4m43. 

     Năm 63, quân Roma đô hộ Do Thái và phong vương cho Herode làm vua Israel năm -39. Chống lại Antigone, con của Aristobule. Năm 37 ông trở về nước, sau 5 tháng chiếm được đền thờ với sự yểm trợ của lính Roma. Đền thờ bị hại nhiều. Nhưng kiến trúc căn bản vẫn còn nguyên.

       Đền thờ do Zorobalel xây cất đứng vững được 499 năm.

      3. Đền thờ do vua Herode sửa lại:

     Năm 17, Herode bắt đầu sửa lại đền thờ do Zorobalel đã bị phá. Herode cho nới rộng chu vi tường chung quanh chừng l.544m. Xây lại pháo đài cũ về góc tây bắc. Đổi thành pháo đài Antonia, để ghi ơn hoàng đế La mã Antonio. Chính đền thờ, vua để các tư tế xây lấy, chỗ mà chỉ có họ vào được, dài 45m và cao 54m. Đền thờ (nhỏ) này ghép bằng đá hoa trắng, mỗi phiến dài 11m25, rộng 5m 40. cao 3m60. 

     Đại để, có bức tường ngoài cùng, xây các cửa vào đền thờ. Bên trong bức tường có sân dành cho dân ngoại. 

     Rồi đến bức tường vòng thứ hai. Bên trong tường hai này có sân dành cho phụ nữ, sân dành cho nam giới, rồi tới sân tư tế. 

    Đi từ đông tiến về tây, có đền thờ chính gồm : tiền đường, nơi thánh, nơi cực thánh. 

    (Theo Trần Văn Hiến Minh, Cuộc Đời Đức Kitô, Ra khơi, Sàigòn, 1974, tr. 13-15)

http://www.xuanha.net/KINHTHANH/20denthogierusalemxua.htm

(Hình: http://tvqn.info/index.php/la-san-vi-nhan/bai-vo/3329-killing-jesus--ky-3)
     Đền Thờ Giêrusalem tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn được bao quanh bởi những hàng hiên. Khi bước qua những dãy hàng hiên, người ta vào trong tiền sảnh được gọi “tiền sảnh dân ngoại”, vì lương dân được phép đến đây để cầu nguyện với Thiên Chúa của dân Do thái. Tiếng Hy lạp: “hieron”, được sử dụng ở đây phải được hiểu là “nơi thánh” hay “thánh địa” chứ không phải “naos” (nơi cực thánh) ở bên trong Đền Thờ. Tiếp đó, phạm vi thánh, nơi được dành riêng cho dân Do thái, được phân chia thành những tiền đình riêng biệt, tiền đình dành cho nữ giới và tiền đình dành cho nam giới, và cuối cùng tiền đình dành cho các tư tế.

     Chính ở nơi “tiền sảnh dân ngoại” mà những người buôn bán súc vật dùng cho các hy lễ. Công việc buôn bán rất thịnh đạt. Có nhiều lý do để nghĩ rằng những vị tư tế cao cấp – đứng đầu là thượng tế - đã hưởng nhiều lợi nhuận ở đây. Những người đổi tiền cũng ở trên tiền sảnh nầy đáp ứng nhu cầu mộ đạo của các tín hữu, vì người Do thái không được phép dâng hiến cho Đền Thờ những hiện kim được xem đồng tiền “ô uế” do có đúc hình vị hoàng đế hay vị thần ngoại giáo nào đó (Mt 22: 15-21). Những người đổi tiền hưởng huê hồng. Phải nhận ra rằng sự hiện diện của những người buôn bán súc vật và những người đổi tiền đáp ứng nhu cầu cần thiết của khách hành hương từ xa lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem dâng hy lễ hay cúng tiền bạc cho Đẻn Thờ, đặc biệt vào những ngày đại lễ.

http://tgpsaigon.net/suy-niem/

Ga 2, 13-22 

     13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. 18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?" 19 Đức Giê-su đáp : "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." 20 Người Do-thái nói : "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?" 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

       Đối với người Do thái giáo, đền thờ Giêrusalem có vị trí tối thượng vì là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. 

      Cũng như các ngôn sứ, Đức Giêsu đã tỏ lòng tôn kính sâu đậm với Đền Thờ vì Đền Thờ là nhà của Cha Người, nhà để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Gần đến lễ Vượt Qua Ngài lên Giêrusalem, chứng kiến cảnh mua bán nơi Đền Thờ, Ngài nổi giận, lấy dây bện làm roi mà xua đuổi những người buôn bán, lật nhào bàn ghế, đổ tung tất cả tiền bạc của họ và giải thích hành động của mình: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. 

     Bằng hành động có tính cách ngôn sứ, Đức Giêsu đã thanh tẩy để trả lại ý nghĩa đích thực cho Đền Thờ. Người Do thái đòi hỏi dấu lạ, chứng tỏ Đức Giêsu có quyền làm như thế, Ngài đã loan báo một đền thờ mới sẽ là thân thể của Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, ám chỉ đến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài và Đền Thờ ấy chính thân thể Người. Nhờ vậy, khi Ngài từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại điều Ngài đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Ngài đã nói.

     Ngày lễ cung hiến thánh đường Latêranô mời gọi chúng ta hướng lòng về “ngôi thánh đường Mẹ” nơi có đặt ngai tòa của Đức Giáo hoàng, người kế vị thánh Phêrô để sống tinh thần hiệp thông trong Giáo hội cùng với lòng vâng phục và kính mến các vị chủ chăn.

     Đồng thời, chúng ta ý thức tâm hồn mỗi người tín hữu là Ngôi đền thờ thiêng liêng Thiên Chúa ngự. Ngôi đền thờ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí tích Rửa Tội. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6, 19). Vì vậy, ngoài việc góp phần gìn giữ Ngôi Nhà thờ vật chất của giáo xứ, chúng ta phải biết quan tâm gìn giữ đền thờ tâm hồn nơi mỗi con người chúng ta.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng thân xác chúng con là đền thờ của Chúa và xin giúp chúng con luôn biết gìn giữ tâm hồn trong trắng để làm nơi xứng đáng cho Chúa ngự. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét