Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Người quản gia bất lương khôn khéo

     Ở Việt Nam, nghề quản gia vẫn còn khá mới mẻ và ngành đào tạo quản gia cao cấp vẫn chưa được chú trọng. Nhưng tại sứ xở sương mù, đây được xem là một trong những ngành học “hot” nhất với mức thu nhập cao ngất ngưởng.


     Theo thống kê, có đến hơn 50% quản gia cao cấp sau khi hoàn thành các khóa học ở Anh được làm việc ở nước ngoài. Những quản gia có kinh nghiệm và giỏi tay nghề nhận được mức lương xấp xỉ 150.000 USD một năm và rất được trọng vọng. Nếu lựa chọn ngành quản gia để du học, các ứng viên sẽ có cơ hội được tham gia nhiều khóa học hấp dẫn và có cơ hội được phục vụ trong những gia đình thượng lưu trên khắp thế giới với mức lương tương xứng.

      Mỗi năm, Anh đào tạo chuyên sâu khoảng 400 quản gia cao cấp. Đa phần trong số họ đều sẽ đến phục vụ trong gia đình của những tầng lớp trung lưu, thượng lưu, Hoàng gia, Tộc trưởng ở Trung Quốc, Trung Đông nhất là tại các quốc gia dầu mỏ thịnh vượng ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trung bình “chủ nhân” của họ đều sở hữu khối tài sản khổng lồ ít nhất là 3 ngôi biệt thự, nhiều xe hạng sang thậm chí cả phi cơ riêng. Các quản gia sẽ quản lý việc gia đình và điều hành khoảng 15 nhân viên phục vụ.
   

     Mức lương trung bình mà một quản gia hạng trung tại Anh nhận được mỗi năm dao động vào khoảng 57.000 USD đến 70.000 USD. Nếu làm việc tại vùng Vịnh thì mức thu nhập nhỉnh hơn trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 100.000 USD. Các siêu quản gia cấp cao giàu kinh nghiệm sẽ nhận được mức lương “khủng” khoảng 140.000 – 160.000 USD mỗi năm.

     Hiện nhu cầu thuê quản gia trên toàn cầu đang tăng với tốc độ chóng mặt. Kéo theo ngành công nghiệp đào tạo quản gia cũng nở rộ tại Anh. Độ tuổi hành nghề trung bình của các quản gia là 41 tuổi. Có khoảng 40% số quản gia là nữ. Theo các chuyên gia, hầu hết các gia đình vẫn ưa chuộng thuê quản gia nam giới hơn.

     Các quản gia được đào tạo rất nhiều kỹ năng như khống chế cháy nổ, kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu, phương pháp bảo quản các vật dụng bằng các chất liệu khác nhau như đồ da, đồ gỗ, len, cotton… chế biến đồ ăn, nếm rượu, nếm thức ăn, phục vụ món ăn theo chuẩn từng nước, cắt may, thực hành các nghi lễ, nghi thức từ cơ bản đến long trọng, cách quản lý tài sản, cách chi tiêu, cách điều hành nhân viên…

     Hiện nhu cầu quản gia ở Việt Nam cũng đang khởi sắc ở các thành phố lớn. Mức lương dao động khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo thống kê, mỗi năm tại Thành phố Hồ Chí Minh nhu càu thuê quản gia khoảng 800 lao động, nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Hầu hết quản gia ở Việt Nam không được đào tạo bài bản, chủ yếu là do tự phát.

     Đa phần quản gia ở nước ta là những lao động lớn tuổi, không xem đây là một nghề, mà chỉ là một công việc chân tay để “kiếm cơm” qua ngày, không được trọng vọng như các quản gia ở nước ngoài. Nhiều gia đình Việt Nam phải bỏ cả ngàn đô mỗi tháng để thuê quản gia nước ngoài khi nguồn cung ở trong nước quá khan hiếm và không chuyên nghiệp.

http://hoc.vtc.vn/quan-gia-nganh-hoc-hai-ra-tien-o-anh-9114.html

     Quản gia trong xã hội hiện đại đòi hỏi có nhiều kỹ năng, bù lại họ được hưởng lương cao, nên chắc họ sẽ không có hành động “bất lương” như người quản gia trong bài Tin Mừng sau: 

04.11.2016 - Thứ Sáu Tuần thứ 31 Thường Niên C 
Lc 16, 1-8 

     1 Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! 5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.” 8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)


      Tại Palestine có nhiều địa chủ vắng mặt ở lãnh địa của mình nên tất cả công việc của ông được trao vào tay người quản gia của ông. Theo luật Do thái, người quản gia không phải là một nhân viên được trả công, nhưng toàn quyền thay mặt chủ và chủ phải tôn trọng những dịch vụ buôn bán của người quản gia.


      Trong trường hợp người quản gia bất trung phung phí của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt buộc ông phải hoàn lại của đã mất, chỉ có cách là sa thải. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia phải tính sổ liệt kê tài sản, việc này cần một thời gian chuẩn bị. Trong thời gian này ông vẫn là người đại diện của chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ. 

      Trong bài Tin Mừng này, người quản gia bị ông chủ là nhà phú hộ khiển trách và sa thải, vì đã phung phí của chủ. Khi biết mình sẽ bị sa thải, người quản gia bất lương nhưng khôn ngoan và nhiều sáng kiến đã biết cách xoay sở. Ông dùng thời gian ngắn ngủi khi còn là quản lý để tính toán cho tương lai chưa chắc chắn của ông. Giảm bớt món nợ cho con nợ, tận dụng những điều kiện mình đang có để chinh phục lòng người là những việc làm mang lại nhiều hiệu quả cho ông mai này.

     Đám con nợ và người quản gia bất lương đồng lõa với nhau giữ kín bí mật. Đám con nợ sẵn lòng đồng tình để được hưởng một vụ làm ăn quá lời, còn người quản gia thì an tâm “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.

    Thọat nghe Đức Giêsu lên tiếng khen người quản lý bất lương đã hành động cách khôn khéo chúng ta có thể lầm tưởng Ngài đồng tình với hành động này, nhưng thực ra Ngài đã khéo dùng hình ảnh người quản gia khôn khéo làm dụ ngôn để dạy chúng ta biết cách sử dụng tiền của để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời, vì tiền bạc, của cải chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ và đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. 

     Như người quản gia đã biết lo xa cho tương lai, chúng ta cũng phải tập biết lo lắng cho đời sống mai sau của mình, bằng cách học lấy sự khôn khéo của “con cái đời này” là biết cho đi, biết sử dụng của cải tạm ở đời này và tận dụng tối đa những điều kiện mình đang có làm phương tiện đi đến đời sống vĩnh cửu khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.

      Lạy Chúa, xin cho chúng con khôn ngoan, biết dùng của cải Chúa trao ở đời này để mua lấy hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét