Ngày 4/8, TAND Hà Nội đưa bị cáo Trần Văn Toản (52 tuổi, ở huyện Phú Xuyên) ra xử tội Giết người. Nạn nhân là ông Vũ Khắc Thọ (quê ở Ninh Bình), từng là cán bộ công an.
Theo cáo trạng, Toản và ông Thọ cùng làm thuê cho một nhà hàng ở Đường Láng, quận Đống Đa. Trong thời gian làm việc, hai người thường xuyên xảy ra xô xát, ganh tỵ trong công việc.
Nhiều lần phải hòa giải đôi bên, ngày 9/1, quản lý nhà hàng cho người đàn ông nhà ở huyện Phú Xuyên nghỉ việc.
Bị cáo Toản tại tòa. Ảnh: Vân Thanh. |
Nhận tiền công, ông ta xin lại bộ hồ sơ để xin việc chỗ mới. Trong lúc đi tìm việc, Toản tình cờ gặp người bán dao dạo nên nảy sinh ý định trả thù ông Thọ.
Tài liệu điều tra thể hiện, chiều 9/1, ông ta quay lại chỗ làm cũ. Nhìn thấy người đồng nghiệp đã chèn ép, khiến mình mất việc quê ở Ninh Bình, Toản cầm dao đi đến, đâm một nhát vào mạng sườn khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong hung thủ bỏ trốn. Ngày 10/1, ông ta bị cơ quan chức năng bắt giữ theo lệnh truy nã.
Trong phiên xét xử hôm nay, bị cáo khai nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do thường xuyên bị nạn nhân chèn ép, thậm chí đánh đập nên nảy sinh ý định trả thù.
Do bị cáo có cha là liệt sỹ, sau khi nghị án, HĐXX TAND Hà Nội tuyên Toản chung thân về tội Giết người.
Vân Thanh
Chỉ vì ganh tị trong công việc, hậu quả một người từng là công an bị giết, người là con liệt sĩ phải tù chung thân. Hậu quả của lòng ganh tị thật khôn lường. Lòng ganh tị cũng không có chỗ trong “Vườn Nho Nước Trời”
Thứ Tư tuần 20 mùa Thường Niên
Mt 20,1-16a
1 "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?" 7 Họ đáp : "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ : "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !"
8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất." 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ : 12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt." 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?"
16a “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Vào thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15). Lương công nhật là một quan tiền (denarius), tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường. Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người và ông ra chợ nhiều lần trong ngày. Mỗi lần ra chợ ông lại thấy và mướn thêm một số người, dù những người thợ này đứng suốt ngày ngoài chợ nhưng lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu. Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng, còn những nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả công “hợp lẽ công bằng”.
Đến cuối ngày, khi nhận tiền công, những người thợ làm việc nhiều giờ nghĩ rằng mình phải được trả công nhiều, nhưng ông chủ lại không trả công theo việc làm mà trả công vì tình thương, kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Như những người Do thái xưa, chúng ta cũng nghĩ rằng người làm càng nhiều việc đạo đức, Chúa càng phải ban ơn cho nhiều. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha nhân từ, Ngài ban ơn cho ta không phải vì công lao của chúng ta mà vì tình thương của Ngài.
Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ 11, tôi sẽ thấy ông chủ vô cùng rộng lượng, nhưng nếu tôi là người làm từ giờ thứ nhất, có lẽ tôi thấy ông chủ thiếu công bằng. Những người ngoại giáo trở lại, những “chiên lạc” tìm về, hay những người đến khi hấp hối mới ăn năn tội… là những người thợ làm từ giờ thứ ba, thứ sáu thậm chí giờ thứ 11. Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương, Ngài có quyền rộng rãi thi ân cho những kẻ Ngài muốn. Chẳng ai có thể bắt Ngài phải đối xử công bằng theo kiểu con người, chẳng ai có quyền hạch hỏi Ngài vì Ngài quá khoan dung, độ lượng!
Thực ra, ông chủ không làm gì thiệt hại cho nhóm thợ làm sớm nhất, vì ông đã trả công cho họ đúng như đã thỏa thuận. Những việc chúng ta làm, những việc chúng ta cho là công phúc, có đáng là gì so với những điều chúng ta lỗi phạm mà đòi Chúa trả công! Nếu Chúa xử theo lẽ công bằng, không biết chúng ta sẽ ra sao?
Được làm con Chúa, trung thành theo Chúa là hạnh phúc lớn nhất của người con thảo. Thay vì ganh tị, hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ. Hãy thay đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Lạy Chúa, chúng con biết “nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!”. Xin cho chúng con lý thức được sự yếu hèn của bản thân và chính nhờ được Chúa đối xử bằng tình thương chứ không theo công bình, chúng con mới có thể đứng vững. Xin giúp chúng con cũng biết dùng tình thương để cư xử với mọi người. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét