GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết, rất nhiều tình huống sốc phản vệ ngoài cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến thức ăn, không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nên những cái chết tức tưởi cho người bệnh, cái chết không được báo trước, thường rơi vào những người đang khỏe mạnh bình thường.
“Không chỉ trong bệnh viện (do sốc phản vệ với thuốc), mà các tình huống phản vệ quá nhiều trong cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến thức ăn hàng ngày. Có người dị ứng với trứng, cua... nhẹ nhàng nhất là đau bụng, đi ngoài nhưng thậm chí cũng có người chết luôn bởi cơ thể phản ứng quá mạnh với tác nhân dị ứng. Hay có người dị ứng, sốc, tử vong dù chỉ ăn một hạt lạc”, bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Bình cũng cho biết thêm: “Gần đây nhất, chúng tôi gặp trường hợp dị ứng dọc mùng rất đau thương. Cô gái hơn 20 tuổi này trong lần đầu tiên ăn bún dọc mùng chỉ thấy ngứa ngứa ở miệng. Đến ăn lần hai, ngay sau khi ăn xong, cô gái lên cơn khó thở không chịu nổi, bà bán hàng vội nhờ ông xe ôm chở đến bệnh viện. Tuy nhiên, do dị ứng gây co thắt như hen nặng đã khiến người bệnh ngạt thở, ngừng tim trên đường đến bệnh viện. Khi vào viện, dù các bác sĩ cấp cứu làm tim bệnh nhân đập lại nhưng cô gái mãi mãi không hồi tỉnh bởi não đã bị tổn thương”, GS Bình nói.
Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ
|
GS Bình cũng lấy ví dụ thêm: “Hay mới đây nhất, sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam đi Hàn Quốc hôm 6/4, một người đàn ông 54 tuổi sau bữa ăn đêm có món rau trộn salat đã ngay lập tức thấy mẩn ngứa toàn thân và chỉ khoảng hơn một phút sau bắt đầu xuất hiện hiện tượng buồn nôn, rồi nôn, người bệnh khó thở, thở rít, tím môi, đầu chi… Trên chuyến bay ấy, có hơn 10 bác sĩ đi cùng nhận diện ngay ra nạn nhân bị dị ứng thức ăn, rơi vào tình trạng sốc phản vệ. Bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi (dù có bác sĩ ở đó), nếu không có thuốc cấp cứu sốc phản vệ kịp thời”.
Còn trường hợp một bác sĩ nội trú chuyên ngành lao tử vong vì sốc phản vệ luôn khiến GS Bình tiếc nuối. Người bác sĩ này bị lây truyền lao từ bệnh nhân nên được chỉ định dùng thuốc lao. Và ngay trong mũi tiêm Streptomycin đầu tiên (dù trước tiêm vài phút bệnh nhân đã được test không có vấn đề gì), điều dưỡng đi tiêm cho các bệnh nhân khác, chỉ vài phút sau quay lại người bác sĩ này đã ngừng tim, cấp cứu không có tác dụng.
http://tuoitrethudo.vn/suc-khoe/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhung-cai-chet-khong-bao-truoc-vi-soc-phan-ve-30981-110.html
Dù được cấp cứu kịp thời, dù có đến hơn 10 bác sĩ đi cùng nhưng cũng không thể cứu được mạng sống những người vốn đang khoẻ mạnhbị sốc phản vệ. Do vậy: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào.”
Thứ Sáu tuần 21 mùa Thường Niên
Mt 25,1-13
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: 1 "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.
6 Nửa đêm, có tiếng la lên : "Chú rể kia rồi, ra đón đi !" 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng : "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi !" 9 Các cô khôn đáp : "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : "Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !" 12 Nhưng Người đáp : "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !" 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
"Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể”.
Ngay câu đầu tiên, thánh sử Matthêu đã cho ta biết đây là dụ ngôn về Nước Trời. Như vậy Nước trời vẫn được ví như một tiệc cưới.
Theo phong tục Do Thái thời bấy giờ, tiệc cưới thường tổ chức vào ban đêm, chú rể sẽ đến nhà cô dâu để tổ chức tiệc mừng, và nhà gái sẽ cắt cử một số người đi đón chàng rể từ xa.
Vì chàng rể đến chậm, cả mười trinh nữ đều thiếp đi và ngủ cả. 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, nhưng lại được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng các cô đã chuẩn bị những thứ sẵn sàng cần thiết. Như vậy, tỉnh thức không hẳn lúc nào cũng vất vả, lo toan công việc mà là chu toàn trách nhiệm trước lúc nghỉ ngơi.
Kitô hữu tỉnh thức là để đòn chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang và phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết giờ nào Đức Kitô đến. Tỉnh thức là thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến với mỗi người và từng người.
Trong dụ ngôn, các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu. Theo lẽ thường, họ quá ích kỷ nhưng đây lại không phải là chuyện dầu đèn bình thường mà là hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó mang một ý nghĩa khác. Như người nghèo khó Ladarô không thể nhúng đầu ngón tay vào nước mà nhỏ trên lưỡi ông nhà giàu cho mát (x. Lc 16,24), trong ngày Đức Kitô lại đến, công đức và tội lỗi của mỗi người, không ai có thể chia cho ai và không ai có thể xin ai được, nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời. Mỗi người sẽ phải tự gánh lấy trách nhiệm về cuộc đời mình.
Hãy tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến trong tình yêu thương. Hãy chuẩn bị chu đáo để đón Ngài như người mẹ chuẩn bị tất cả những gì cần thiết chờ đợi đứa con sắp chào đời, như khi chúng ta chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đón người thân đi xa lâu ngày trở về.
Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Nếu chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng, ngày Chúa đến sẽ là một cuộc viếng thăm thân tình Chúa dành cho những người khôn ngoan và hết lòng trung tín.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết luôn tỉnh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi chúng con. Amen.