Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Đánh đổi

      Câu chuyện đầy cảm động của chú chim cánh cụt và người ân nhân cứu mạng sẽ khiến bạn tin rằng tình yêu thương không chỉ thuộc về mỗi con người.


     Họ gặp nhau trên bãi biển của Brazil năm 2011, khi chú chim cánh cụt Magellanic Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza (71 tuổi) đã mang nó về, lau sạch và cho nó ăn uống.

    Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên sau 11 tháng, nó quyết định trở về biển cả. Một năm sau, De Souza đã bất ngờ khi thấy nó xuất hiện rồi cứ thế trở về thăm ông đều đặn trong 4 năm qua. Và để đến gặp ân nhân cứu mạng, chú chim cánh cụt đáng yêu này đã vượt quãng đường dài khoảng 8000km. Nó thường đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm.

Chu_chim_canh_cut_boi_8000_km_gap_an_nhan
    Ông De Souza nói với Globo TV “Tôi yêu nó như con của mình và tôi tin rằng nó cũng yêu tôi. Ngoài tôi ra không ai được phép chạm vào nó. Nó sà vào lòng tôi, để cho tôi tắm cho nó và thơm tôi như thể một người bạn”.

    Giáo sư, nhà sinh vật học Joao Paulo Krajewski cho biết “Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào như thế này. Tôi nghĩ con chim cánh cụt tin ông Joao là một phần của gia đình nó. Khi nhìn thấy ông ấy, nó lúc lắc cái đuôi như con chó mừng chủ và kêu lên đầy thích thú”. Điều ước vô hình của ông lão và chú chim cánh cụt không hiện hữu bằng vật chất, thay vào đó là một mỗi liên hệ vô hình làm rung động hàng triệu con người.

http://songmoi.vn/the-gioi-bon-phuong/boi-8000km-moi-nam-de-tham-an-nhan-cuu-mang

    Không phải là con người, nhưng chim cánh cụt Dindim không quên ơn cứu mạng, hàng năm vượt chặng đường xa đến thăm vị ân nhân của mình. Khác hoàn toàn với các tá điền đối xử với ân nhân của mình trong dụ ngôn sau:

    Mc 12, 1-12

   1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng : "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : "Chúng sẽ nể con ta." 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !

     12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

    Thật khó chấp nhận được sự độc ác của những tá điền, họ lại đánh đập, lần lượt đánh dập, làm nhục hai người đầy tớ ông chủ sai đến thu hoa lợi. Người thứ ba và nhiều người khác nữa được sai đến, kẻ họ đánh, kẻ họ giết. Cuối cùng, khi ông chủ sai người con yêu dấu của mình đến họ cũng giết chết và quăng xác ra ngoài vườn nho mong hòng chiếm lấy gia sản của ông.

    Sự độc ác tàn ác của các tá điền đã là điều khó hiểu, sự cam chịu kiên trì đến mức ngây thơ lạ lùng của ông chủ càng làm chúng ta khó hiểu hơn ! Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ đầu để tránh cho những người đầy tớ và chính người con yêu dấu của mình phải chết?

    Ta thấy rõ dụ ngôn này Đức Giêsu kể nhắm vào các nhà lãnh đạo Do thái giáo là những thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27; 12,12). Các đầy tớ trong dụ ngôn là những ngôn sứ đã được sai đến với dân Israel. Các tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Israel từ bao đời và Người con yêu dấu chính là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa.

   Ngày nay, vẫn còn rất nhiều người vô ơn bội nghĩa, chỉ vì lười biếng hay là tham một tí tiền, một tí quyền, một tí danh… mà sẵn sàng đánh đổi đi tài năng, thời giờ quý báu Chúa ban, đánh đổi đi tình máu mủ ruột thịt, nghĩa vợ chồng, tình bằng hữu và có thể là cả khối tình người…

   Ngay chính chúng ta, nhiều khi chỉ vì một chút tự ái hay vì sự hơn thua danh, lợi, thú… mà ganh ghét, thù hằn, nói xấu nhau, hại nhau. Đáng buồn hơn, đôi khi ngay cả trong một cộng đoàn làm việc tông đồ vẫn có những người tự đề cao mình, cho mình là hơn, là “số một” dẫn đến bất phục, chia rẽ, bất hòa…

   Thiên Chúa là Đấng công chính và nhân từ, Người ban cho chúng ta tự do và muốn chúng ta dùng tự do mà sử dụng những quà tặng Người ban để sinh lợi cho bản thân và tha nhân. Ngài kiên trì chờ đợi, sẵn lòng tha thứ, chỉ mong chúng ta dùng quà tặng Người ban cho nên, sinh được nhiều hoa trái và hoa trái ấy tồn tại.

    Nếu chúng ta vẫn muốn tiếp tục lãnh nhận quà tặng nhưng lại không chịu làm việc để sinh lợi hoặc tệ hơn là chỉ sinh những quả hư, quả xấu… Chắc chắn, như ông chủ vườn nho, Người cũng sẽ đến tiêu diệt cái xấu, lấy đi những gì Người đã ban mà đem cho những người khác.

   Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao giá trị của đồng tiền và đam mê chạy theo danh, lợi, thú… xin cho chúng con luôn nhớ đến cùng đích của cuộc đời để vượt lên những toan tính nhỏ nhen về những lợi lộc thấp hèn. Xin ban cho chúng con luôn biết sử dụng khả năng Chúa ban để mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho bản thân và cho tha nhân. Amen.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Chúng tôi không biết

     Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama đã khép lại nhưng cách người Việt đối xử với nhau trong những ngày qua đã gợi ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. 
     Có thể thấy, trong đêm 22/5 vừa qua, tất cả các kênh thông tin từ báo điện tử đến mạng xã hội đều xôn xao về việc Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam. Tuy nhiên, sức hút của người đàn ông quyền lực nhất thế giới có lẽ cũng chưa đủ để cư dân mạng bỏ qua cô gái nhỏ bé được vinh dự tặng hoa cho ngài ở sân bay. 

     Đương nhiên, một khi cư dân mạng đã ra tay thì “gạo cũng xay ra cám”. Chỉ sau vài tiếng bức ảnh cô tặng hoa cho Tổng thống được công khai trên mạng, thông tin cá nhân, thành tích học tập... của cô gái đều được mang ra mổ xẻ. Nhưng điều đó cũng không đáng bàn bằng cách mà chính những người Việt soi xét, chỉ trích cô. 

Nữ sinh Trần Mỹ Linh vinh dự khi được tiếp đón Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Reuters.
     Chỉ qua một bức ảnh – một lát cắt khoảnh khắc mà những “nhà ngoại giao”, “nhà đạo đức học”, “nhà tâm lý học”... trên mạng đã “mổ xẻ” cô không thương tiếc. Từ chuyện ngoại hình, đến phong thái, tác phong của cô khi đón vị Tổng thống quyền lực nhất thế giới. Thậm chí, cả bó hoa cô cầm cũng bất đắc dĩ trở thành “đối tượng” bị chỉ trích trong những “bài tế” không hồi kết của họ.

     Cứ tưởng sau vài ngày mọi chuyện sẽ lắng xuống, cô sinh viên đó sẽ thoát khỏi búa rìu dư luận. Nhưng không, chỉ cần có đối cực để so sánh thì cô lại được “nhấc” lên bàn cân và “chặt chém” bất cứ lúc nào. 

     Điều đó lại lần nữa xảy ra khi ở đầu cầu miền Nam, một cô gái có vẻ ngoài khả ái, duyên dáng, chín chắn hơn được vinh dự làm nhiệm vụ mà Trần Mỹ Linh đã từng đảm nhiệm: Tiếp đón, tặng hoa Tổng thống Mỹ. Vấn đề ngoại hình, về việc ai xứng đáng hơn ai lại lần nữa được “khơi” lên và cô nữ sinh Mỹ Linh lại được một phen bị “ném đá” không thương tiếc. 

    Thiết nghĩ, có thể cô nữ sinh được tặng hoa cho Tổng thống không có ngoại hình như hoa hậu, không có thần thái như những nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhưng em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em đã đem sức trẻ, sự tự tin cũng như chất hồn hậu, tươi tắn của người con gái Việt Nam để tiếp đón Tổng thống. 
Bảo Trang 

http://www.nguoiduatin.vn/tong-thong-obama-tham-viet-nam-nguoi-viet-con-ac-voi-nhau-qua-a242402.html

     Người ta soi xét, chỉ trích Mỹ Linh có phải do cô đã được làm điều họ không được làm ? Có phải họ cũng giống các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do thái xưa khi đối diện với một người có quyền năng hơn mình đã tránh né, không dám nhìn nhận sự thật ?

      Mc 11, 27-33 

     Khi ấy, 27 Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : 28 "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?" 29 Đức Giê-su đáp : "Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi !" 31 Họ bàn với nhau : "Nếu mình nói : "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại : "Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?" 32 Nhưng chẳng lẽ mình nói : "Do người ta" ?" Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su : "Chúng tôi không biết." Đức Giê-su liền bảo họ : "Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục trong bài Tin Mừng hôm nay đã chọn lựa cách lẩn tránh khi gặp phải câu hỏi của Đức Giêsu: “Phép rửa của ông Gioan là do trời hay do người ta ?” 

     Việc Đức Giêsu đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ đã đụng chạm trực tiếp đến những khoản lợi nhuận và cả lòng tự ái của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục nên họ đã chất vấn Ngài. Bất ngờ trước câu hỏi của Đức Giêsu, họ phải bàn bạc với nhau để tìm câu trả lời. Chắc chắn họ không thể phủ nhận Gioan thật là một ngôn sứ và họ cũng đã thấy rõ những những việc Đức Giêsu làm vượt xa những việc ông Gioan đã làm, nên cả hai câu trả lời “Do trời” hay “Do người ta” đưa họ vào thế bất lợi. Do vậy, họ đã chọn câu trả lời: “Chúng tôi không biết”. 

    Trong xã hội Do thái, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục là những người được trọng vọng, họ luôn tự hào về bản thân và tầm ảnh hưởng của mình. Vì thế, khi đối diện với sự thật, khi thấy sự thật có thể gây bất lợi cho mình, họ đã cố tình không đón nhận, không sửa sai. Ngược lại, họ cố chấp, tìm cách lẩn tránh. Chính vì tự ái, ngoan cố không nhìn nhận sự thật đã làm cho lòng trí họ ra tăm tối, đui mù.

    Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ rơi vào trường hợp giống như các nhà lãnh đạo Do thái giáo trong bài Tin Mừng hôm nay. Biết rõ mình làm sai nhưng không dám nhận sai; biết rõ điều này là đúng, nhưng vì sợ “mất uy tín”, sợ nó ảnh hưởng đến những lợi ích của bản thân nên đã tìm cách phủ nhận nó và khi được người có thành ý nhắc nhở, lại xem là xúc phạm và phản ứng một cách mạnh mẽ… 

    Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối, thiếu sót của bản thân và biết mở rộng lòng mình để đón nhận những sự giúp đỡ của mọi người để ngày càng nên tốt hơn. Xin cho chúng con cũng biết quan tâm đến những người xung quanh, không làm ngơ trước những sai lầm của họ nhưng chân thành giúp nhau sống tốt hơn. Amen.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Cây vả

     Vả là cây mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi. Vả thường mọc bên cạnh các khe suối, nơi ẩm ướt. Là loại cây thuộc họ dâu tằm, người Tày gọi với tên mác ngoa. Cây vả cũng hay được trồng ven bờ ao làm cây che mát. Mùa vả xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm. Quả, rễ, lá vả đều được sử dụng làm thuốc hay thức ăn.


     Đông y cho rằng quả vả có vị ngọt tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu. Trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm tiêu chảy. Thích hợp sử dụng cho người phế nhiệt, khản tiếng, tỳ vị hư yếu, tiêu hóa kém, trẻ em tiêu chảy lâu ngày, táo bón. Các nghiên cứu cho biết quả vả có khả năng chống ung thư. Rễ vả lá vả có tác dụng tiêu thũng giảm độc, tiêu viêm và chỉ thống. 

BS TUẤN LONG

     Chúng ta có thể tìm hiểu thêm cách trị bệnh từ quả vả tại địa chỉ sau:

     http://nld.com.vn/suc-khoe/qua-va-chua-ngo-doc-20140813181249731.htm

     Trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu thấy đói. Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn. Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả. Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận, và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”. Hôm sau Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả thấy nó đã “chết khô tận rễ”. Thật khó hiểu vì sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết ?

     Mc 11, 11-26

     11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.

     12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14 Người lên tiếng bảo cây vả : "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa !" Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

     15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với họ : "Nào đã chẳng có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao ? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !" 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.

     20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su : "Kìa Thầy xem : cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi !" 22 Đức Giê-su nói với các ông : "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23 Thầy bảo thật anh em : nếu có ai nói với núi này : 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển !', mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24 Vì thế, Thầy nói với anh em : tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. 26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em)."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

    Chúng ta thật khó hiểu chuyện cây vả bị rủa theo nghĩa đen. Cây vả đâu có lỗi gì khi chưa đến mùa có trái.

     Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả, giúp chúng ta có thể hiểu được phần nào điều Chúa dạy: 

    Hình ảnh cây vả được sánh ví với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, với cả dân tộc Israel. Cây vả với cành lá xum xuê tươi tốt nhưng không đơm hoa kết trái, như các nhà lãnh đạo Do Thái giáo “giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23,27); dân tộc Israel đầy sự tráng lệ bên ngoài qua vẻ nguy nga của Đền thờ, nhưng bên trong là một sự chai cứng và xuống dốc niềm tin. Họ đã đánh mất ý nghĩa của việc phụng tự đích thực, chỉ còn lại là sự giả hình, là những nghi lễ rườm rà bên ngoài, lo xây đắp và tìm kiếm những lợi lộc trần thế thấp hèn mà sao nhãng giá trị cốt lõi là lòng kính sợ và mến yêu Thiên Chúa.

     Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể rơi vào hoàn cảnh của giới lãnh đạo Do thái giáo, của dân Israel xưa nếu không nỗ lực để Lời Chúa thánh hóa bản thân. Họ sẽ phải chịu số phận như cây vả héo khô.

     Đời sống đạo đức của những Kitô hữu đích thực không chỉ dừng lại ở việc tuân giữ lề luật và các nghi thức bên ngoài, nhưng còn phải làm cho chất men của Tin Mừng thấm nhuần vào đời sống bản thân và lan toả đến cộng đoàn, xã hội.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con vui vẻ đón nhận những sự trái ý, khó chịu khi vâng phục bề trên hay khi phục vụ tha nhân. Xin giúp chúng con luôn biết sẵn sàng dấn thân cho Chúa mỗi khi Người cần đến chúng con.Amen.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Người mù được chữa lành

     Louis Braille, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1809 – mất ngày 6 tháng 01 năm 1852, là người phát minh ra kiểu chữ Braille dành cho người mù và người khiếm thị.

Tượng bán thân về Louis Braille
của Étienne Leroux
tại Thư viện Quốc gia Pháp
     Cha ông, ông Simon-René Braille, là thợ sản xuất yên và cương ngựa. Năm lên ba tuổi, Louis bị thương ở mắt trái do bị dùi đâm phải. Vết thương bị nhiễm trùng và lây sang mắt phải, khiến Braille bị mù hoàn toàn. Vào năm mười tuổi, ông giành được học bổng đi học tại Học viện Hoàng gia dành cho Thanh niên mù (ngày nay là Học viện Quốc gia dành cho Thanh niên mù) tại Paris. Ở trường, những đứa trẻ được học đọc các ký tự in nổi nhưng không thể học viết do các ký tự được tạo thành do những trang giấy ép lên sợi dây đồng.

     Đến năm 13 tuổi, ông phát minh ra hệ thống các dấu chấm nổi, nhờ ý tưởng qua cuộc viếng thăm của ông Đại úy về hưu Charles Barbier của Serre, người đã phát triển một hệ thống chữ viết cho phép người ta trao đổi mệnh lệnh quân đội trong đêm tối. Hệ thống này dựa trên mười hai chấm, do đó nó khá phức tạp, còn hệ thống của Braille chỉ sử dụng sáu chấm. Braille còn cải tiến hệ thống của mình để viết được cả ký hiệu toán học và nhạc lý.

     Braille chết vì lao phổi. Thi thể ông đã được chuyển đến an táng tại Điện Panthéon Paris, nơi an nghỉ của các danh nhân nước Pháp.
...
https://vi.wikipedia.org/wiki/Louis_Braille

     Bị mù mắt, thật là khổ. Cả thế giới như khép lại trong toàn một màu đen. Tuy vậy, thế giới người mù cũng không bị hoàn toàn đóng kín nếu họ biết tận dụng khả năng của mình, nỗ lực vươn lên. Louis Braille không chỉ phát huy được năng lực của bản thân mà còn giúp ích cho rất nhiều người. Lòng tin của anh mù Báctimê đã giúp anh vượt qua những cản trở, cố gắng kêu lên thật to để Đức Giêsu nghe thấy và chữa cho anh được thấy.

     Mc 10, 46-52 

     46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : "Gọi anh ta lại đây !" Người ta gọi anh mù và bảo : "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh mù đáp : "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói : "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

    Đôi mắt là tài sản vô cùng quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Nếu thiếu đôi mắt, ta sẽ không thấy được mọi thứ, không thấy được những khuôn mặt những người thân yêu, quen biết. 

    Anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay thật bất hạnh. Anh thiếu đi ánh sáng của đôi mắt, nên anh phải kiếm sống bằng cách ngồi ăn xin bên vệ đường. Có lẽ đối với anh, khao khát lớn nhất bây giờ không phải giàu sang phú quý, không phải cơm no áo ấm, mà là được thấy. 

    Niềm khao khát của anh được thể hiện qua tiếng kêu da diết, lớn dần: “Lạy Con Vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi”. Bị ngăn cản, nạt nộ anh lại càng kêu to hơn. Tiếng kêu của anh Đức Giêsu đã nghe thấy và Ngài nhờ người ta gọi anh. Biết được lòng tin của anh Đức Giêsu đã cho anh được thấy. 

   Xã hội ngày nay có rất nhiều người bị mù. Có người mù đôi mắt thể xác, nhưng cũng không thiếu người mù đôi mắt tâm linh. Với các kitô hữu, không ít người cũng đang rơi vào tình trạng mù đôi mắt đức tin. Họ nghe nói về Chúa nhưng không nhìn nhận Chúa trong cuộc đời. Họ theo Chúa nhưng tâm hồn họ chưa thực sự thuộc về Chúa. Họ khao khát được thấy Chúa nhưng lại bị chi phối bởi quá nhiều điều trong cuộc sống hiện tại. 

   Và, dưới góc độ nào đó, chính chúng ta cũng là những người mù. Có khi ta biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh mù tối như Báctimê. Nhưng có khi ta mù mà không biết, nên vẫn vô tư ở lại trong cảnh mù: một định kiến có thể khiến ta khép lại trước một sự thật; một đam mê, dục vọng cũng có thể làm chúng ta bị mù, không muốn sáng mắt vì sợ phải từ bỏ điều mình gắn bó… 

   Hãy xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta có thể kêu lên với Chúa Giêsu, hầu được chữa lành như anh mù bên vệ đường trong bài Tin Mừng hôm nay.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấy được những yếu đuối, khuyết điểm của bản thân và xin ban cho chúng con đôi mắt đức tin để chúng con nhìn thấy Chúa, cảm nhận được lòng Chúa thương xót mà vững tin bước theo Ngài. Amen

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Yêu thương và phục vụ

      Đây chính là bức điêu khắc được đặt tên là “Homeless Jesus” nghĩa là “Chúa Giêsu vô gia cư”. Tác phẩm có kích thước như người thật được tạo nên bởi nhà điêu khắc nổi tiếng người Canada Timothy P. Schmalz. Ông đã dành tặng bức tượng cho Tòa Thánh để đánh dấu Tuần Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Bức tượng bằng đồng này mới được Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm phép. Trong suốt Năm Thánh, tác phẩm sẽ được đặt trong khuôn viên sân Sant’Egidio ở Vatican, ngay cạnh Văn phòng Bác ái của Đức Giáo Hoàng để dành tặng cho những người nghèo trong khu vực. Ông Timothy nói điều thôi thúc ông thực hiện tác phẩm chính là người vô gia cư mà ông từng thấy, đang nằm ngủ trên một chiếc ghế đá trong dịp lễ Giáng Sinh. Mô tả lại hình tượng Chúa Giêsu một cách đơn sơ, tác giả muốn chuyển tải một thông điệp về cách chúng ta đón nhận Chúa đến trong cuộc sống cũng như cách đón nhận những người nhỏ bé nhất trong xã hội. Bức tượng được tác giả sáng tạo thành nhiều phiên bản, xuất phát từ phiên bản gốc đầu tiên được tạo ra vào năm 2013, đặt ở Phân khoa thần học Dòng Tên của trường đại học Regis ở thành phố Toronto, Canada. Các phiên bản khác cũng đã được gởi đến khắp các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Cuba, Nam Phi, Tây Ban Nha…

Người qua đường sẽ không nhận ra khuôn mặt của người đàn ông này, 
vì ông nằm trên băng ghế đá, quấn toàn bộ cơ thể trong chiếc chăn mỏng, 
che kín cả khuôn mặt.

    Tháng 4.2014, tượng được đưa đến đặt trước nhà thờ Thánh Alban ở thành phố Davidson, Bắc Carolina, Hoa Kỳ đã tạo ra nhiều tò mò cho người qua lại. Một lần, cảnh sát của bang nhận được trình báo của một phụ nữ vì bà lo lắng đó là một người bằng xương bằng thịt vô gia cư đang nằm trên băng ghế nhiều ngày liền.

      Tuy nhiên, đó không phải là bức điêu khắc duy nhất phản ánh những hình ảnh, bối cảnh hay chủ đề mạnh mẽ có liên quan đến Tin Mừng của người nghệ sĩ tài hoa. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc siêu thực độc đáo khác như tác phẩm “Chúa Giêsu hành khất” được đặt ở Bệnh viện Roma Santo Spirito gần Vatican.

Tường Lam
http://www.cgvdt.vn/van-hoa-nghe-thuat/chua-giesu-vo-gia-cu_a3042

      Nhà điêu khắc Timothy P. Schmalz đã hiện tại hoá khi dùng hình tượng “Chúa Giêsu vô gia cư”, những người nghèo khổ, bé mọn trong thời đại ngày nay để chuyển tải Lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ đến với chúng ta:

      Mc 9, 30 - 37 

     30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

     33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Thật đáng buồn, khi Thầy Giêsu vừa loan báo lần thứ hai về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình, các môn đệ không hiểu và sợ không dám hỏi lại Thầy, nhưng lại tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả khi Thầy khôi phục vương quốc Israel.

     Thực ra, đó cũng là điều rất bình thường trong cuộc sống. Thông thường, làm người sống trên đời, ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn. Nhưng Đức Giêsu lại dạy các môn đệ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."

     Đức Giêsu không dạy chúng ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực. Ngài cũng không đòi chúng ta bỏ ước mơ làm lớn. Ngài dạy chúng ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa. Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống: “Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).

     Trong xã hội thực dụng ngày nay, quan hệ giữa con người với nhau nặng về trao đổi, mua bán nhiều hơn là yêu thương, phục vụ. Và vì vậy, những con người hèn mọn bần cùng, những con người không có gì để trao đổi, mua bán hiển nhiên không có mấy giá trị trong mắt người đời. 

     Em bé được đề cập đến trong trình thuật Tin Mừng hôm nay là hình ảnh đại diện cho lớp người hèn mọn đó. Trong khi các môn đệ xua đuổi em bé (x.Mt 19, 13), Đức Giêsu lại ôm em vào lòng, rồi giải thích cho hành động ấy, người khẳng khái nói: “Ai tiếp đón em bé như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." 

    Tiếp đón những người bé mọn đồng nghĩa với việc yêu thương và phục vụ một cách vô vị lợi, không mong hồi đáp. Chính khi chúng ta phục vụ cho những người bé mọn thấp kém trong xã hội, cũng là lúc ta đang yêu thương và phục vụ chính Thiên Chúa. Đây là sứ điệp Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ với các môn đệ, cũng là với tất cả mỗi người chúng ta.

    Lạy Chúa! Trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc là chính Chúa, chúng con đã gặp rất nhiều hoàn cảnh sầu khổ của tha nhân và cũng nhiều lần chúng con cảm thông, chia sẻ với họ một chút chúng con có. Xin cho chúng con biết thương xót như Chúa, để chúng con làm nhiều hơn nữa những việc có thể làm để phục vụ và đỡ nâng anh chị em con trên hành trình dương thế này. Amen.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Quỷ ám

     Sau khi mở tủ lấy 1 chai nước lạnh, người đàn ông bất ngờ bị co giật dữ dội cho đến khi nằm vật xuống đất bất tỉnh. Những hình ảnh cuối clip khiến nhiều người cho rằng anh ta bị "quỷ ám".

 
    Hình ảnh từ clip cho thấy, sau khi lấy một chai nước lạnh trong tủ, người đàn ông bắt đầu lắc dữ dội, ném chai nước xuống sàn. Cảm giác các chi của người đàn ông này bị co cứng. Anh ta cố nắm áo thun để giật và kêu ú ớ.

    Khi một nữ nhân viên cửa hàng xuất hiện, anh này đã chỉ tay về phía những cuộn giấy vệ sinh trước khi cố đứng dậy rồi ngã gục xuống sàn bất tỉnh.

    Hình ảnh được ghi lại ở một siêu thị ở Malaysia và đăng tải lên YouTube đã thu hút hàng nghìn lượt xem. Nhiều ý kiến bình luận cho rằng người đàn ông bị lên cơn động kinh, trong khi số khác khẳng định người này bị "quỷ ám". 

   Rất khó lý giải những hình ảnh một bóng người lạ xuất hiện trên cửa tủ lạnh và những cuộn giấy vệ sinh rơi từ kệ ở cuối clip trong khi không có ai ở gần đó.

H.N (theo Mirror)

http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/cong-dong-mang/303465/nguoi-dan-ong-bi-quy-am-trong-sieu-thi.html

     Không rõ người đàn ông trong đoạn clip trên bị lên cơn động kinh, hay bị "quỷ ám". Trong Tin Mừng thánh Marcô, Đức Giêsu một em bé cũng mang triệu chứng của bệnh động kinh. Nhưng thực ra em bị quỷ ám, tên quỷ mà các môn đệ bất lực không trị được.

     Mc 9,14-29 

    14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16 Người hỏi các môn đệ : "Anh em tranh luận gì với họ thế ?" 17 Một người trong đám đông trả lời : "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy ; cháu bị quỷ câm ám . 18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi." 19 Người đáp : "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin ! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem nó lại đây cho tôi." 20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21 Người hỏi cha nó : "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?" Ông ấy đáp : "Thưa từ thuở bé. 22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi." 23 Đức Giê-su nói với ông ta : "Sao lại nói : nếu Thầy có thể ? Mọi sự đều có thể đối với người tin." 24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên : "Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !" 25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ : "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi : ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa !" 26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói : "Nó chết rồi !" 27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người : "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?" 29 Người đáp : "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Một đám người rất đông đang vây quanh các môn đệ của Đức Giêsu và các kinh sư tranh luận với các ông vì các môn đệ của Ngài đã bất lực trong việc cứu chữa người bị quỷ ám. 

     Chứng kiến cảnh tượng này, Đức Giêsu đã thốt lên: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ?" 

    Cuối bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho các môn đệ biết : "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi." Như vậy, các môn đệ dù đã theo Thầy, được Thầy ban cho quyền trừ quỷ nhưng các ông cầu nguyện chưa đủ, quá tự tin vào sức mình nên chưa trừ được quỷ ấy. 

    Đức Giêsu cũng muốn lưu ý đoàn dân đang vây quanh các môn đệ, háo hức muốn xem các ông trừ quỷ chỉ để thỏa mãn sự tò mò, tính hiếu kỳ của họ. 

    Chúa cũng có ý phê phán thái độ của những luật sĩ, biệt phái bảo thủ, khư khư với cách sống đạo truyền thống của mình, lại chỉ tìm cách bắt bẻ, chỉ trích Chúa. 

     Và Chúa cũng nhắc nhở người cha của cậu bé, chỉ lo vấn đề sinh tử phần xác của đứa con mà quên đi phần rỗi của linh hồn; ông chạy đến kêu xin Chúa nhưng lại thiếu lòng tin vào Chúa.

     Nhìn lại đời sống của chính chúng ta, nhiều lúc chúng ta cũng tự hào với sự hiểu biết, với đời sống đạo đức của mình, hay phê phán, chỉ trích người khác và như người cha của đứa bé trong bài Tin Mừng, lo lắng tìm cách lo liệu cho cuộc sống tiện nghi vật chất nhiều hơn cho đời sống thiêng liêng, chạy đến với Chúa nhưng lòng chưa vững tin.

     Ý thức được thân phận mỏng dòn của kiếp người, chúng ta hãy chạy đến với Chúa, tin tưởng và phó thác nơi Ngài để Ngài bồi dưỡng và gia tăng sức mạnh cho ta.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối của bản thân, một lòng cậy trông vào Chúa để có đủ sức mạnh vượt thắng sự cám dỗ của xác thịt, của quỷ ma. Xin ban thêm đức tin, giúp chúng con tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Hãy yêu thương nhau

     Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

     Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

    Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.

    Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

    Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

    - Giời ôi!

    Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

    Chồng hỏi vợ:

    - Mình liệu bơi được đến bờ không?

    Vợ quả quyết:

    - Được!

    - Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

    - Được! Mặc em!

     Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

    - Thế nào?

    - Được! Mặc em!

    Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

     - Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

     Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

    - Có bơi được nữa không?

    - Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

    - Em buông ra cho mình vào nhé?

    Chồng cười:

    - Không! Cùng chết cả.

    Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

    - Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

    - Không!... Sao?

    - Không. Thôi đành chết cả đôi.

    Bỗng Lạc run run khẽ nói:

    - Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

    Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

Trích “Anh phải sống” của Khái Hưng

    Biết không thể cùng sống và cũng không thể chết cả hai để các con nhỏ mồ côi, không người dưỡng dục, người vợ đã lẳng lặng buông tay ra, chấp nhận chết để chồng đủ sức bơi vào bờ. Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã hiến mạng để loài người được ơn cứu độ.

     Ga 15, 9-17 

     9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

    12 Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

    16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Thánh Gioan đã mang đến một sứ điệp tổng quát về tình yêu : "Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy" (1 Ga 4:16). 

     Tình yêu Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay là tình yêu đến tận cùng, yêu đến thí mạng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

    Chúa Giêsu nói với các môn đệ và với mỗi người chúng ta về một tình yêu cao cả nhất. Chúa đã lấy sự hy sinh làm thước đo tầm mức lớn lao của tình yêu: sự hy sinh càng lớn, tình yêu càng sâu đậm, cao cả.

    Chính Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu cao cả ấy khi mặc lấy thân phận con người, tự nguyện vác lấy thập giá và hy sinh chính mạng sống mình để cứu độ loài người chỉ vì yêu thương. 

    Tình yêu hiến mạng đã hàm chứa “thập giá”, nhưng nếu chỉ có thập giá thôi thì không thể có niềm vui trọn vẹn như Chúa đã hứa. Nếu như tình yêu kết thúc ở thập giá thì đó một tình yêu vô lý và vô nghĩa. Cùng đích của tình yêu phải là niềm vui và sự sống. Chúa Giêsu đã không đón nhận tất cả đau khổ và cái chết chỉ để chết. Người đã sống lại và đem đến ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Như vậy, tình yêu đích thực là tình yêu bước qua thập giá để đi đến phục sinh.

    Và, tình yêu đích thực ấy đã được thông truyền: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. Đáp lại tình yêu cao quý của Thiên Chúa, chúng ta phải biết thông truyền tình yêu ấy đến với mọi người bằng việc thực hiện điều Thầy Giêsu truyền dạy: “anh em là hãy yêu thương nhau”, để tình yêu chân chính sinh nhiều hoa trái và để hoa trái ấy tồn tại.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nhận sâu sắc tình yêu Chúa dành cho mỗi người chúng con để trong mỗi việc và tất cả mọi việc chúng con làm, cũng như trong tất cả cuộc sống, chúng con biết lấy tình yêu làm động lực, thập giá làm phương tiện để đời sống chúng con sinh nhiều hoa trái và ngày sau hết được hưởng niềm vui bất tận trong Nước Ngài. Amen.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Sức mạnh của Tình Yêu

     Bill Gates cưới Melinda vào 01/01/1994. Hôn lễ được tổ chức tại bãi biển Lanai của Hawai… 

      Melinda đã phải vượt qua rất nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp ngay khi nhận lời yêu Bill Gate cho tới khi lấy vị tỷ phú này làm chồng. Cô không muốn mọi người cho rằng việc lấy sếp lớn sẽ quyết định tới thành quả của công việc, dù từ trước tới giờ chẳng ai có thể phủ nhận được năng lực tuyệt vời của cô. Đó cũng có thể là lý do mà vì sao ngay sau khi kết hôn, Melinda đã quyết rời khỏi Microsoft để hoạt động từ thiện.
 
Gia đình Bill Gates
    Ngay từ khi bắt đầu lập quỹ, Melinda đã quán xuyến công việc quản lý. Mục đích hoạt động của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates bây giờ là nâng cao chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu, giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến tại Hoa Kỳ.

    Dưới ảnh hưởng của Melinda, Quỹ Bill & Melinda Gates đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực phòng chống AIDS, bệnh sốt rét... và sáng lập Công ty Vaccine HIV là công ty liên kết các nhà nghiên cứu với ngân sách 400 triệu USD.

    Quỹ Bill & Melinda Gates hiện là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với tài sản lên tới 29,1 tỉ USD và luôn đi đầu trong chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng trên quy mô quốc tế. Mỗi năm quỹ này nhận được khoảng 6.000 thư xin được trợ giúp ở khắp nơi trên thế giới. Bill và Melinda sẽ tự mình phê duyệt với tổng số tiền trên 40 triệu USD.

   Sau đó cũng không ai ngờ rằng, Bill Gates đã thành lập một quỹ từ thiện mang tên Quỹ William H. Gates (tên cha của Bill) với số tiền ban đầu là 94 triệu USD bởi trước đây ông chẳng hề nghĩ tới việc làm từ thiện, thậm chí truyền thông còn đặt cho ông biệt dang là "tỷ phú hà tiện".

    Nhiều người đã nói, nhờ có Melinda mà Bill Gates mới bắt đầu hăng hái làm việc từ thiện như thế, và bà đã giúp ông trở thành một người cởi mở hơn, kiên nhẫn hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn rất nhiều so với một Bill Gates sống quá thiên về lý trí như trước.

    Sau này Bill Gates cũng đã chính thức rời khỏi Microsoft để hoàn toàn tập trung cho công việc từ thiện. Chính ông cũng phải thừa nhận rằng là nhờ có vợ mà ông đã chuyển đổi vai trò sang công tác từ thiện dễ dàng và thoải mái hơn, và nếu một mình thì ông sẽ không dành nhiều thời giờ cho công viêc từ thiện đến như vậy.


    Ngay sau khi cưới, vợ chồng Bill Gates đã thỏa thuận với nhau: Khi về già, họ cam kết, ngoài một phần tiền chiếm tỉ lệ không đáng kể dành cho các con, họ sẽ hiến tặng 95% tài sản khổng lồ của mình.

   Với những đóng góp to lớn và thiết thực đối với cộng đồng, năm 2005, hai vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã được báo Time bình chọn là Nhân vật của năm và cá nhân Melinda thì được tạp chí Forbes xếp vào danh sách một trong 10 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.


     Từ một “tỷ phú hà tiện”, nhờ có tình yêu thương chân thành của người vợ giàu năng lực và nhiệt huyết, Bill Gates đã hăng hái làm việc từ thiện, cởi mở hơn, kiên nhẫn hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn. Từ một người nóng nảy, bộc trực, ba lần chối Chúa, nhưng được Chúa yêu thương tha thứ, thánh Phê rô đã yêu mến Chúa Giêsu nhiều và được Chúa đã trao quyền tối thượng. 

     Ga 21, 15-19 

    15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông : "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." 16 Người lại hỏi : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói : "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." 17 Người hỏi lần thứ ba : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : "Anh có yêu mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo : "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : "Hãy theo Thầy."

  (Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Hai tuần sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ mới lấy lại tinh thần, bớt sợ người Do thái, trở về vùng Galilê sinh sống bằng nghề lưới cá như lúc trước khi theo Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng. 

   Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ Galilê (cũng còn gọi là hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát). Lúc sáng sớm, trên hồ này các môn đệ đã đánh được mẻ cá lớn, nhờ một người lạ đứng trên bờ mà sau đó các ông mới nhận ra chính là Thầy của mình.

   Chờ các môn đệ trên bờ, Thầy Giêsu chuẩn bị sẵn cho họ một bữa ăn thật chu đáo. 
   Còn hạnh phúc nào hơn khi được gặp lại Thầy sau một đêm vất vả, cực nhọc, được Thầy chăm lo ! 

    Sau bữa ăn, trong bầu khí ấm tình thầy – trò, Thầy Giêsu đã trìu mến hỏi thánh Phêrô ba lần với cùng một nội dung: “Anh có yếu mến Thầy không?”. Ba lần thánh Phêrô trả lời “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” và ba lần Thầy Giêsu nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. 

    Như vậy, yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng Mục tử. 

   Ngoài Chúa, không ai trong chúng ta có thể cân đo, đong đếm một cách chính xác tình yêu của chính mình hay của người khác dành cho Chúa. Bởi, tình yêu, đó là một đáp trả riêng biệt của mỗi cá nhân đối với Thiên Chúa. Mỗi người cảm nhận và sống tình yêu ấy theo cách thức mình lãnh nhận từ Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã từng nói: người được tha nhiều thì yêu mến nhiều, kẻ được tha ít thì yêu mến ít (x Lc 7, 47). 

    Hôm nay Chúa cũng hỏi chúng ta câu Ngài đã hỏi thánh Phêrô: “Này con, con có yêu mến Thầy không?”. Hãy khiêm tốn và chân thành nhìn lại cuộc sống của mình, để cảm nhận tình Chúa yêu thương và cũng như thánh Phêrô, chúng ta hãy thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” và xin Chúa ban ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.

    Lạy Chúa, Chúa yêu chúng con bằng mối tình muôn thuở, và mong chúng con đáp lại bằng mối tình tín trung. Xin cho chúng con được trung thành yêu Chúa đến trọn đời và biết dấn thân phục vụ vì hạnh phúc của tha nhân. Amen.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Tất cả nên một

Cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt con cái
     Trong bữa cơm gia đình, bé làm biếng không chịu ăn hết phần cơm của mình. Trong khi chị Trang ép con phải ăn cho hết phần cơm thì bố lại bênh vực: “Con ăn được bao nhiều thì ăn, đừng có ép quá mà nó ói ra hết giờ”. Chị vợ thấy vậy cũng cãi lại: “Không bắt ép ăn, nó đói bụng, đau ốm thì ai chịu trách nhiệm hả, anh lúc nào cũng bênh vực con, không biết thì cứ để yên cho em dạy con”. Vậy là hai vợ chồng lại nói qua nói lại dẫn đến bất hòa, xung đột với nhau. Hay như gia đình anh Thanh Tùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Gia đình anh có con sắp bước vào lớp 1 nên vợ anh lo lắng tìm thầy, tìm cô cho con học chữ kẻo sợ “thua bạn thua bè”. Thấy con còn nhỏ mà bắt học ngày học đêm, xót quá anh ngăn cản: “Con còn nhỏ sao em cứ bắt con phải học nhiều vậy, cứ để cho nó chơi, chờ đến khi lên lớp 1 rồi học vẫn chưa muộn”. Vợ anh liền lớn tiếng: “Lúc đó là quá muộn thì có, anh không thấy con nhà họ chừng đó tuổi đã biết đọc biết viết rồi hả, anh cứ để yên cho em dạy con”. 


   Đó cũng là tình trạng của nhiều cặp vợ chồng hiện nay. Việc mâu thuẫn, xung đột xoay quanh đứa trẻ cứ lặp đi lặp lại khiến cả hai vợ chồng đều thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chính điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ sau này. 

http://wass.edu.vn/cau-chuyen-giao-duc/goc-phu-huynh/cha-me-nen-thong-nhat-trong-cach-day-con.html


     Việc "đồng tâm nhất trí" trong một gia đình, thậm chí giữa hai vợ chồng đã là khó, huống gì đối với tất cả những người tin theo Đức Kitô. Vì vậy, Đức Giêsu trước khi về trời đã dâng lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho những ai tin vào Ngài được "tất cả nên một".

     Ga 17, 20-26

    Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: 20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

    24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc lời cầu nguyện hiến tế Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trước khi Ngài lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa Giêsu cầu nguyện không chỉ cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ nhưng còn cho tất cả chúng ta, những người tin vào Đức Giêsu, qua lời rao giảng của các môn đệ và những người kế vị các ngài. 

    "Xin cho chúng nên một" là lời nguyện khẩn thiết Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ và cho chúng ta là những kẻ đã tin vào Ngài. Trong Lời nguyện này, chúng ta thấy có một tương quan ba chiều giữa Cha, Con và các môn đệ: “Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”, “Con ở trong họ và Cha ở trong con”, “tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”. Như vậy hiệp nhất nên một như Chúa muốn, là có sự ở lại trong nhau thật sự giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.

    Các tín hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất là sự ở trong nhau giữa Cha và Con. Chính tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là nền tảng cho sự hiệp nhất yêu thương giữa mọi tín hữu trong cộng đoàn và Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất ấy. 

    Một cộng đoàn lấy tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa làm sức sống không những sẽ đứng vững trong thế gian mà còn làm cho “thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” và “thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con”. 

   Mỗi chúng ta có trách nhiệm góp phần xây dựng sự hiệp nhất yêu thương trong Hội Thánh, qua việc xây đắp tình hiệp nhất yêu thương nơi cộng đoàn chúng ta đang sống. Cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ thường là nguyên nhân gây chia rẽ trong cộng đoàn. Chúng ta cần để Chúa Thánh Thần soi sáng để chân nhận sự yếu đuối, bất toàn nơi mỗi người chúng ta và tự nguyện sống trong ân sủng của Người, để cuộc sống chúng ta trổ sinh hoa trái thánh thiện, góp phần xây dựng tình hiệp nhất yêu thương nơi môi trường chúng ta sinh sống; để qua đó, mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu.

    Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa trên chúng con, giúp chúng con can đảm từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của bản thân; biết tôn trọng hết những người chúng con gặp gỡ, tiếp xúc trong cuộc sống, để chúng con góp chút phần bé nhỏ vào việc xây dựng sự hiệp nhất, yêu thương trong môi trường chúng con sinh sống. Amen.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Sống giữa thế gian

TTO - Ít  nhất 65 người chết và hơn 300 người khác bị thương trong một vụ đánh bom liều chết nhắm vào người Công giáo ngày 27-3 tại thành phố Lahore, tỉnh Punjab (Pakistan).

    Theo Reuters ngày 27-3, kẻ tấn công đã cho nổ bom tại bãi đậu xe của công viên Gulshan-e-Iqbal, vốn là địa điểm gặp gỡ của cộng đồng người Công giáo ở Lahore.

    Thời điểm xảy ra vụ tấn công, có rất nhiều người theo đạo Công giáo đang tập trung ở công viên nhân ngày lễ Phục sinh. Phần lớn trong số những người thiệt mạng là trẻ em và phụ nữ.

Lực lượng an ninh Pakistan tại hiện trường
vụ nổ - Ảnh: Reuters
    Reuters dẫn lời nhiều nhân chứng kể lại sức công phá của vụ nổ mạnh đến nỗi họ thấy các thi thể nạn nhân bị bắn lên không trung. Một số người còn cho biết, sau vụ nổ, các bộ phận cơ thể người nằm rải rác khắp bãi đậu xe.

    Anh Hasan Imran, một cư dân địa phương có mặt ở công viên kể lại: “Lúc xảy ra vụ nổ, ngọn lửa bùng lên cao hơn cả các ngọn cây, tôi thậm chí còn thấy nhiều thi thể bị bắn lên trời”

   Nhóm Jamaat-ul-Ahrar thân Taliban ngay sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.

   Ehsanullah Ehsan, “phát ngôn viên” của nhóm này tuyên bố: “Mục tiêu là những người theo đạo Công giáo. Thông điệp chúng tao muốn gửi tới Thủ tướng Nawaz Sharif là chúng tao đã tới Lahore. Ông ta có thể làm bất kỳ điều gì ông ta muốn nhưng sẽ không thể chặn được chúng tao. Những kẻ đánh bom liều chết của chúng tao sẽ còn thực hiện nhiều vụ tấn công như vậy”
DUY LINH
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160328/danh-bom-lieu-chet-vo-nguoi-cong-giao-65-nguoi-chet-300-bi-thuong/1074904.html

     Nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao các Kitô hữu bị ghét và bị giết chết ? Tại sao Thiên Chúa lại để họ phải chịu đau khổ như vậy? Nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ thân yêu, chúng ta sẽ hiểu được ý Thiên Chúa.

    Ga 17, 11b-19

    Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Bài Tin Mừng hôm nay ghi tiếp lời Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài. Đức Giêsu đã cầu nguyện, xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong đức tin, che chở họ khỏi những điều xấu xa, tội lỗi và thánh hiến họ trong sự thật.

    Lời Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, cũng là lời Ngài cầu nguyện cho chúng ta hôm nay. Lời cầu ấy có sức khích lệ, an ủi chúng ta rất nhiều. Đức Giêsu về với Chúa Cha, để hưởng vinh quang Cha ban cho Ngài, nhưng Ngài không bỏ mặc chúng ta, không quên chúng ta. Trái lại, Ngài lo cho tương lai của các môn đệ và lo cho số phận của chúng ta còn ở lại trần gian.

   Thân phận của người môn đệ Chúa ở giữa thế gian quả là một nghịch lý. Chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống ở giữa đời nhưng không được sống hòan tòan như người đời. Không giống thế gian nên chúng ta bị thế gian ghét bỏ. Không về hùa với thế gian nên chúng ta bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian nên chúng ta phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian.

    Trong cuộc sống hằng ngày, dù gặp gian nan, khốn khó; dù phải chịu đau khổ, bách hại, chúng ta hãy tin tưởng, phó thác nơi Chúa và trung thành bước theo Chúa. Trái tim chúng ta đã thuộc về Chúa, hãy tin rằng tình yêu và ơn thánh của Chúa sẽ giữ gìn chúng ta và giúp chúng ta chiến thắng.

    Chúa đã Cha sai Con Một của Ngài vào thế gian, sống giữa thế gian, chịu mọi cực hình để cứu độ chúng ta. Vì thế, Chúa không cất chúng ta khỏi thế gian. Ngài cũng không muốn chúng ta chạy trốn thế gian. Ngược lại, Chúa muốn chúng ta ở lại thế gian, sống giữa thể gian, để yêu thương, phục vụ anh em và làm chứng nhân cho Ngài.

    Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống tinh thần Tin Mừng trong thế giới đầy đau khổ do những bất công, hận thù và chia rẽ. Xin Chúa giữ gìn chúng con trong chân lý của Chúa và xin giúp cho chúng con biết sống Lời Chúa để được thánh hóa nên giống Chúa. Amen.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Tình yêu đáp trả tình yêu

     Bức ảnh một giáo viên ở Quảng Nam cầm đèn dầu dạy học được học trò chụp bằng điện thoại đã gây xúc động mạnh mẽ trên mạng xã hội. Trong khi đó, thầy giáo trẻ tâm sự: nếu tận tâm với nghề, sẽ có niềm vui…

     Trên tài khoản Facebook của giáo viên Phạm Nguyễn Quốc Nguyên, một học trò đã chia sẻ bức ảnh anh Nguyên cầm đèn dạy học với lời bình luận: “Tâm sáng hơn đèn. Ngưỡng mộ thầy!”. Hàng trăm lượt chia sẻ khác (chủ yếu là học trò) cũng dành những lời khen ngợi, chúc mừng thầy: “Thầy ơi bức hình đẹp quá!”, “Tiếc gì 1 like cho người thầy tâm huyết ngày nào”…

     Bức ảnh được chụp tại khóa ôn thi đại học do Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước) tổ chức hôm 24.4, khi đó thầy giáo Nguyên đứng lớp suất dạy từ 17 giờ 30 đến 19 giờ tối. Đến khoảng 18 giờ 15, khi đang giảng bài tập hình học thì bất ngờ bị cúp điện.

     “Thấy tôi đang giảng lỡ dở bài toán, một cô ở căn tin cho mượn đèn dầu rọi trên bảng. Ý định của tôi chỉ là nói luôn cho dứt bài giảng”, anh nhớ lại.

     Trong lúc thầy giáo trên bục giảng tranh thủ giảng bài bằng đèn dầu, ở bên dưới lớp học một học sinh thấy cảnh rất thú vị liền lấy điện thoại ra chụp ảnh. “Chắc là học trò thấy cảnh vui vui nên ghi lại. Tôi nghĩ ngẫu nhiên vậy thôi”, anh nói thêm.

      Tuy nhiên, “hình ảnh ngẫu nhiên” này khi đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến rất nhiều người thích thú, trong đó có giới trẻ.

     Trả lời PV Thanh Niên trước giờ lên lớp sáng qua (27.4), thầy giáo Phạm Nguyễn Quốc Nguyên cho hay anh khá bất ngờ khi nhiều bạn trẻ quan tâm đến bức ảnh mang tính ngẫu nhiên kia.

     Chỉ tranh thủ dạy thêm một vài phút chứ không cố ý kéo dài bài giảng dưới ánh đèn dầu, nhưng dù sao bức ảnh cũng “gói ghém” một thông điệp quý. “Rất ngạc nhiên và thấy cũng hay hay. Đó là một khoảnh khắc đẹp và thú vị. Có thể hình ảnh này gợi mở về sự quyết tâm từ cả hai phía: học trò gắng học, giáo viên tận tình dạy”, anh tâm sự.
http://thanhnien.vn/giao-duc/thay-giao-cam-den-dau-day-hoc-duoc-hoc-sinh-yeu-men-696588.html

     Những người thầy tận tâm luôn sống hết mình vì học trò. Thầy Giêsu đã yêu thương đến cùng những kẻ thuộc về Ngài. Trước khi giã biệt, Ngài đã làm nhiều việc để các môn đệ ở trong thế gian được bình an.

     Ga 17,1-11a

     1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện : "Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

    4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

    9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha. 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Trước khi giã biệt các môn đệ về cùng Thiên Chúa Cha, sau khi ân cần nói cho họ biết trước nhiều điều để họ được bình an khi ở lại “trong thế gian”, Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho họ.

     Mở đầu lời cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói về sự "vinh hiển".

     Vinh hiển của Chúa Cha là con người nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và đón nhận được Tin mừng Cứu độ. Điều làm cho Thiên Chúa vinh hiển là tình yêu thương của Người được tỏ lộ và con người đáp trả tình yêu tình yêu ấy để được sống đời đời.

    Đức Giêsu “xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha”. Vinh hiển của Ngài là chu toàn công việc mà Chúa Cha đã trao phó : Ngài đến trần gian mặc khải về tình yêu thương vô hạn của Thiên Chúa dành cho loài người và dùng chính cái chết của mình để minh chứng cho tình yêu ấy, Tình yêu Cứu độ. 

    Cái chết tự hạ của Đức Giêsu là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Chúa Con, cử chỉ cao quý nhất của Con để tôn vinh Cha. Và Cha đã tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển.

    Các môn đệ của Đức Giêsu thuộc về Chúa Cha, được chính Chúa Cha chọn từ thế gian mà ban cho Ngài. Qua Đức Giêsu, các môn đệ được biết danh Cha, được nghe lời Cha và đã tuân giữ lời Cha, vì tin rằng Chúa Cha đã sai Ngài. 

    Trong giây phút sắp đến cùng Cha, Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện cho các môn đệ vì sau cuộc khổ và phục sinh vinh hiển, Ngài sẽ về cùng Cha để hưởng vinh quang mà Ngài vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian, trong khi các môn đệ thân yêu, những người thuộc về Ngài và Cha vẫn ở trong thế gian. 

    Cảm tạ Chúa vì đã yêu thương tạo dựng và cứu độ chúng ta. Hãy đáp lại tình yêu thương của Người, noi gương Chúa Giêsu, làm vinh danh Chúa Cha bằng cách vâng phục và thực thi ý muốn của Thiên Chúa, nhất là bày tỏ tình yêu, lòng thương xót của Người cho những người xung quanh chúng ta.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa và biết đáp lại tình yêu thương vô bờ ấy bằng một đời sống bác ái yêu thương tha nhân. Amen.