Gặp gỡ người phụ nữ Sudan đối diện với cái chết vì không chịu từ bỏ đức tin Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn Meriam Ibrahim vì đã kiên định làm chứng cho Đức Kitô.
Ảnh: Catholic News Service/Osservatore Romano/Reuters |
Đức Thánh Cha đã dành 30 phút với Ibrahim, chồng và hai con nhỏ vào ngày 24 tháng 7, chỉ vài giờ sau khi cô đến Ý an toàn sau thử thách gian khổ trong tù với án tử hình vì chối đạo ở Sudan.
Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, nói với các nhà báo rằng cuộc gặp gỡ tại nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha diễn ra trong “thân tình”, “rất nhẹ nhàng và vui tươi.”
Ngài cho biết họ đã có “một cuộc trò chuyện thật đẹp”, Đức Thánh Cha cám ơn Ibrahim vì “đã kiên định giữ vững đức tin.” Ibrahim cám ơn Đức Thánh Cha vì lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của Giáo hội cho hoàn cảnh của cô.
Phát ngôn viên của Vatican cho biết cuộc gặp gỡ là một dấu hiệu của “sự gần gũi, liên đới và hiện diện với tất cả những người chịu đau khổ vì đức tin” của Đức Giáo Hoàng, và nói thêm rằng thử thách của Ibrahim diễn tả những thử thách lớn lao mà nhiều người phải đối mặt trong đời sống đức tin của họ.
Cha Lombardi nói cuộc đối thoại không chính thức này cũng đề cập đến những dự định của gia đình Ibrahim mà giờ đây Ibrahim đã được tự do. Đức Thánh Cha đã tặng gia đình cô một vài món quà nhỏ, bao gồm những chuỗi tràng hạt giáo hoàng.
Ibrahim, một phụ nữ Công giáo 26 tuổi lúc đầu bị kết án tử hình vì kết hôn với một Kitô hữu, đã được phóng thích ngày 23 tháng Sáu ở Sudan, sau những áp lực mạnh mẽ từ quốc tế.
Nhưng cô bị bắt giữ một lần nữa vào ngày hôm sau tại sân bay Khartoum với chồng là công dân Mỹ, và con trai gần 2 tuổi và con gái 2 tháng tuổi sinh ở trong tù ngay sau bản án tử hình.
Bị buộc tội làm giấy tờ du lịch giả, Ibrahim không được phép rời khỏi Sudan, nhưng cô đã được thả và lưu trú ở Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum mấy tháng sau đó.
Bộ Ngoại giao Ý đàm phán với Khartoum cho cô được phép rời khỏi Sudan đến Ý. “Cô ấy đến Rôma ngày 24 tháng Bảy trên một chiếc máy bay của chính phủ Ý cùng với gia đình và thứ trưởng ngoại giao Ý, Lapo Pistelli, người đứng đầu các cuộc đàm phán cho phép cô rời khỏi Sudan.
Pistelli nói với phóng viên tại sân bay Ciampino Rôma rằng họ rời Khartoum lúc 3:30 sáng và hầu như ngủ suốt chuyến bay. Tuy nhiên, ông cho biết, khi tỉnh táo, Martin, 2 tuổi, “như tháo tung cả máy bay”.
Người đứng đầu nhóm người Ý ở Darfur, Antonella Napoli, đã giúp tổ chức chuyến thăm của Ibrahim với Đức Giáo Hoàng. Napoli đã đưa lên twiter của mình trước khi cuộc gặp gỡ của Ibrahim với Đức Giáo Hoàng rằng “Meriam sẽ đạt được ước mơ của mình và sẽ gặp được Đức Giáo Hoàng. Tôi đã hứa với cô ấy khi chúng tôi gặp nhau.”
Ibrahim gia nhập Giáo hội Công giáo ngay trước khi cô kết hôn với Daniel Bicensio Wani năm 2011. Sau đó cô bị kết tội bội giáo với án tử hình bằng cách treo cổ. Bộ luật hình sự của Sudan kết tội người chuyển đổi từ Hồi giáo sang các tôn giáo khác, sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
Theo Tổng Giáo Phận Khartoum, trường hợp của cô, cho biết Ibrahim không bao giờ là người Hồi giáo vì bố của cô là người Hồi giáo đã bỏ gia đình khi cô 5 tuổi, và cô lớn lên theo đức tin của mẹ là Chính Thống giáo.
Bất chấp áp lực chối bỏ Kitô giáo để được tự do, Ibrahim đã từ chối điều đó. Giáo hội ở Sudan cho biết các cáo buộc chống lại Ibrahim là sai lầm và kêu gọi chính phủ Sudan thả tự do cho cô. Ibrahim dự kiến sẽ ở lại Rôma một vài ngày trước khi đến New York với gia đình.
Nguồn: Catholic News Service
Chấp nhận bị tù đày, bị kết án tử Meriam Ibrahim kiên định làm chứng cho Đức Kitô. Đây chính là chứng nhân đích thực của Chúa Kitô trong thời đại ngày nay, là cách hữu hiệu thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời.
Mc 16,15-20
15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Thánh Marcô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa Giêsu về trời, ngài theo thánh Phêrô sang giảng đạo tại La Mã. Ngài đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách đặc biệt do lòng hăng say rao truyền đạo Chúa. Số người trở lại càng ngày càng tăng mà không có tài liệu nào để họ học hỏi. Ðồng thời họ cũng ao ước được một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Vì những lý do đó, thánh Marcô đã ghi chép mạch lạc thành những chương mục về cuộc sống của Chúa Giêsu, dựa theo những lời giảng dạy của thánh Phêrô. Chính thánh Phêrô đã duyệt y và cho phép dùng trong giáo đoàn.
Sau đó, ngài được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.
Bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25-04-67.
Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên chép vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.
http://hdgmvietnam.org/ngay-25-thang-tu-thanh-marco-thanh-su-67/1704.119.12.aspx
Thánh Marcô đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Ngài đã đi truyền giáo với Thánh Phaolô, Thánh Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô.
Mừng lễ Thánh Marcô, mỗi người chúng ta hãy noi gương Ngài, tìm cách đóng góp phần mình cho công cuộc loan báo Tin mừng. Vì đây chính là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo Hội và của mỗi người kitô hữu.
Tuỳ vào khả năng và địa vị của mình, chúng ta hãy cộng tác tích cực với giáo xứ, với cộng đoàn nơi mình đang sống, sẵn sàng chu toàn bổn phận Giáo Hội, cộng đoàn Giáo xứ trao phó và hãy giúp đỡ cách thiết thực tinh thần và vật chất cho công cuộc truyền giáo.
Hãy tận dụng khả năng Chúa ban, sử dụng internet, các trang mạng xã hội để chia sẻ Tin Mừng, phổ biến giáo huấn của Giáo hội và những điều tốt đẹp trong Giáo hội, trong cuộc sống… Hãy can đảm viết và phổ biến những gì mình biết và tin
Hãy cố gắng rao giảng Tin mừng khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Phải can đảm loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
Và hãy sống Tin Mừng, để cuộc đời mỗi chúng ta trở thành cuốn Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải loan báo Tin Mừng. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận ấy bằng cách đóng góp khả năng của mình trong việc xây dựng giáo xứ, xây dựng cộng đoàn nơi chúng con đang sống. Đồng thời, biết dùng các phương tiện hiện đại đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Nhất là năng đọc, suy gẫm và sống Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét