Trong thâm tâm bà mẹ người Mỹ hiểu rằng bản thân đang làm chuyện đúng đắn, nhưng không tự tin liệu con gái có tha thứ cho mình không.
"Đó là 3h sáng. Tôi bước vào phòng, đánh thức con bé dậy, nói rằng tôi yêu nó còn nó sắp đi xa một chuyến. Con bé đang lơ mơ vì tác dụng của thuốc ngủ tôi cho vào nước uống trước đó vài giờ. Sau đó, hai người xa lạ mà tôi thuê bước vào phòng, bế nó đi, con bé cố lấy túi và đồ trang điểm", Ray Johnson, một bà mẹ người Mỹ kể lại, theo Guardian.
"'Nơi cô tới không cần mang theo đồ gì cả', họ nói với con bé. Tôi đứng ngoài cửa, run rẩy. Làm như thế này liệu tôi có mất con bé mãi mãi không?"
Bà Ray Johnson. Ảnh: Guardian |
Sau khi chia tay với chồng, Johnson từ bỏ sự nghiệp tài chính thành công, đưa con trai và con gái tới sinh sống ở Florida với hy vọng sẽ gần gũi hai con hơn. Cô rất yêu thương và kỳ vọng vào hai đứa con.
Tuy nhiên đến năm 17 tuổi, con gái của Johnson bắt đầu giao du với người xa lạ. Thành tích học tập luôn ở điểm A nay tụt dốc, bắt đầu tỏ ra chống đối, không muốn đi học.
"Ngay cả mẹ có đưa con đến trường đi nữa, mẹ cũng không bắt con vào học được", cô bé nói với mẹ, tuyên bố muốn bỏ học và trở thành thợ làm tóc, muốn mẹ trả tiền cho đi học trường tạo mẫu tóc.
Johnson vô cùng quẫn trí. Mong muốn trở thành thợ làm tóc của con gái không sai, nhưng bà muốn cô được trải nghiệm đại học, sau đó tự quyết định đời mình.
Cùng thời gian đó, cảnh sát đã hai lần bắt được cậu con trai 14 tuổi của Johnson trong người có ma túy. Bà quyết định gửi con tới một trường nội trú quản giáo nghiêm ngặt ở một tiểu bang khác. Một thời gian sau, cậu bé thay đổi tích cực, và Johnson nhận thấy có lẽ con gái cũng sẽ thay đổi như thế, nếu trải qua khóa huấn luyện nghiêm khắc.
Cô tìm hiểu về một trại huấn luyện trẻ thích gây rối ở Utah, bang miền tây nước Mỹ, quyết định thuê dịch vụ vận tải tư hộ tống con gái tới đó, vào đêm trước khi cô bé vào học trường làm đẹp.
"Họ đưa con bé tới sa mạc Utah, còn tôi thì rất buồn. Trong thâm tâm, tôi biết mình đã làm đúng, nhưng không tự tin liệu nó có tha thứ cho tôi không: Tôi phải chuẩn bị tâm lý sẽ mất con bé chỉ vì muốn giúp đỡ nó. Bạn bè nó gọi điện hỏi, tôi trả lời nó đang đi du lịch. 'Bạn ấy đi đâu? Bao giờ thì về?" Tôi trả lời không biết", bà Johnson nhớ lại.
Bà đã phải trả 116.000 USD cho 7 tuần thử thách về thể chất và tinh thần mệt mỏi. Những đứa trẻ tham gia khóa huấn luyện đều đang trong tình trạng tuyệt vọng: nghiện ma túy, phạm tội, một số đã từng tự tử không thành. Chúng buộc phải trải qua cuộc sống của người tiền sử: không chăn êm nệm ấm, tự phải tìm chỗ vệ sinh, học kỹ năng sống và lao động chân tay, một số còn tự cắt tóc vì không có chỗ tắm rửa.
Hàng ngày, chúng đều được tư vấn tâm lý và phải viết thư cho cha mẹ. Con gái viết thư xin lỗi Johnson, tỏ ra vô cùng hối hận: "Con sai rồi, con xin mẹ tha thứ, con yêu mẹ". Lúc đầu, cô bé tức giận vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng qua vài ngày, cô bé nhanh chóng hiểu ra lý do mẹ gửi mình tới đó và cảm thấy xấu hổ.
Vào cuối khóa huấn luyện, phụ huynh tới sa mạc đón con.
"Chúng tôi nhìn thấy lũ trẻ đang tiến về phía mình khoảng một dặm phía trước. Tôi rất sợ, không biết con gái sẽ phản ứng thế nào. Sau đó tôi nhìn thấy con bé, trông nó khỏe mạnh nhưng bẩn thỉu. Chúng tôi ôm nhau khóc. Đứa con gái ngoan ngoãn trước đây của tôi đã trở lại", Johnson nói.
Cô bé tốt nghiệp cấp ba với toàn điểm A, lên đại học, và hoàn thành chương trình thạc sĩ. Hiện con gái bà Johnson làm việc trong ngành tư pháp.
"Cả hai đứa con đều hay đùa rằng tôi là một bà mẹ thích ngược đãi, nhưng chúng tha thứ cho tôi và vẫn gần gũi với mẹ. Đó là quyết định khó khăn nhất tôi từng làm", bà Johnson nói. "Liệu chúng có được như ngày nay mà không trải qua những điều khắc nghiệt kia không? Có lẽ có, nhưng tôi không dám liều thử".
"Tôi tin rằng càng trải qua nhiều khó khăn, con người càng trưởng thành. Giờ đây tôi có hai đứa con mạnh mẽ, tuyệt vời, và tôi sẵn sàng làm lại điều đó".
Hồng Hạnh
Bà Ray Johnson đã tìm lại được sự bình an cho con cái, cho gia đình sau một việc làm hết sức can đảm, dứt khoát. Sự bình an này rất đáng quý, rất đáng trân trọng, nhưng có một thứ bình an đích thực, vững bền mà mọi người luôn khao khát tìm kiếm.
Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ' Thầy ra đi và đến cùng anh em '. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)
Bình an là điều con người mọi thời luôn tìm kiếm. Dường như khi khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người lại càng thấy bất an. Bất an vì các loại vũ khi tối tân do chính con người tạo ra có thể huỷ diệt cả nhân loại; bất an vì khủng bố xảy ra khắp nơi; vì thiên tai, dịch bệnh; bất an vì khủng hoảng kinh tế, vì thất nghiệp, vì mất niềm tin…
Vì không có bình an, nhiều người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc, nhiều người luôn cảm thấy căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử… Người bình tĩnh hơn thì đi tìm bình an nơi những giáo phái, những liệu pháp tâm lý…
Liệu con người có tìm được sự bình an thật sự trong tâm hồn ?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi, Đức Giêsu đã nói với họ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
Bình an là quà tặng cao quý Đức Giêsu trao cho các môn đệ và cũng là trao cho mỗi người chúng ta. Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu. Chỉ trong Chúa chúng ta mới tìm được sự bình an đích thực và vĩnh cửu.
Bình an trong đời sống của các Kitô hữu không phải là không gặp sóng gió, nhưng là bình an giữa những sóng gió. “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Đức Giêsu không những đem bình an đến cho chúng ta mà Người còn chính là sự bình an. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta sống xa Chúa, xa nguồn bình an và sẽ phải sống trong dằn vặt, lo âu. Bao lâu còn sống xa Chúa, bấy lâu lòng chúng ta còn cảm thấy bất an. Hãy trở về bên Chúa, sống trong ân nghĩa Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự bình an.
Sự bình an đích thực và trường cửu mà Chúa hứa ban, phát xuất từ chính tâm hồn con người. Khi chúng ta biết quay về làm hòa với Chúa và với tha nhân, tuân giữ Luật Chúa, thực sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân, không những chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn mà còn góp phần vào việc xây dựng nền công lý và hòa bình mà tất cả mọi người trên thế giới đều khao khát, kiếm tìm.
"Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin Chúa đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa". Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét