Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Yêu đến hiến mạng

     Khi thấy những tên khủng bố chĩa súng vào người yêu, ông bố 39 tuổi lập tức nhảy lên hứng đạn thay cô.

     Yannick Minvielle, 39 tuổi, đã hy sinh mạng sống của mình để cứu người yêu trong cuộc thảm sát tại nhà hát Batcalan đêm thứ 6 tuần trước. 

Yannick Minvielle đã hy sinh mạng sống
để đỡ đạn cho người yêu.
nh: Standard
    Anh Minvielle, giám đốc sáng tạo tại một công ty quảng cáo, đã có một cậu con trai 7 tuổi. Hôm xảy ra vụ khủng bố tại Paris, anh đang ngồi tại quầy bar ở sảnh nhà hát khi các tay súng bắn đạn. Thấy họng súng chĩa vào người yêu, anh lập tức đứng lên hứng đạn thay cô.

    Hiện bạn gái anh quá rối bời, không cất được nên lời, nhưng bạn cô, Maud Lavissiere, cho biết trong làn nước mắt: "Anh ấy đã cố gắng bảo vệ người yêu. Anh đứng chắn cho cô ấy rồi ngã gục xuống. Viên đạn xuyên thẳng qua đầu khiến anh ấy chết ngay lúc đó".

     Cô gái 28 tuổi làm trong ngành thời trang này nói rằng, anh Minvielle là người "hết lòng vì bạn bè, gia đình, luôn vui vẻ, thích đồ ăn và ham sống". "Anh ấy sắp tổ chức sinh nhật lần thứ 40. Minvielle thích các bữa tiệc và những lần chung vui. Anh ấy rất yêu cuộc sống. Bạn gái anh ấy đang rất đau buồn, suy sụp. Cô ấy bị sang chấn tâm lý. Anh ấy là nguồn sống của cô. Chuyện này sẽ ám ảnh cô ấy suốt đời", cô nói. 

Vương Linh (Theo Standard)

Ngày 25.11.2015 
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/nguoi-dan-ong-hy-sinh-mang-song-cuu-ban-gai-trong-vu-tham-sat-o-paris-3313963.html

      Chết cho bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu. Minvielle đã hy sinh tính mạng để cứu người mình yêu thương. Đây là tình yêu thương Đức Giêsu đề cao.

     Ga 15, 12-17

     Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 12 Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

     16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” là lệnh truyền của Thầy Giêsu cho các môn đệ.

     Lệnh truyền ấy không dừng lại ở chỗ “Anh em hãy yêu thương nhau”, mà phải “yêu thương nhau “như Thầy đã yêu thương anh em”.

     Đây là tình yêu của Thầy: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” và Thầy đã chết trên thập giá để minh chứng tình yêu cao quý ấy, tình yêu hiến mạng.

      Thầy truyền cho các môn đệ của minh cũng phải yêu nhau như vậy và đây cũng chính là lệnh truyền cho các Kitô hữu mọi thời đại: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” 

    Tình yêu cao quý này xuất phát từ Thiên Chúa Cha: “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy”. Một dòng suối tình yêu tuôn chảy từ Cha đến Thầy Giêsu và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.

    Tình yêu ấy đã gắn kết Thầy – Trò. Thầy không gọi môn đệ là tôi tớ mà gọi môn đệ là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các môn đệ biết.

    "Yêu thương nhau" và “ở lại trong tình yêu của Thầy” chính là để cho dòng suối tình yêu đó tiếp tục chảy tràn giữa các môn đệ, để họ gắn kết với nhau, gắn kết với Thầy Giêsu qua tình bạn hữu, để dám sống cho nhau, dám chết cho nhau, dám chết vì Danh Thầy Giêsu.

     Trong đời thường, việc hy sinh mạng sống cho nhau chỉ xảy ra trong những trường hợp thật đặc biệt, nhưng cơ hội để hy sinh cho nhau những điều đáng quý khác như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng… lại đến với chúng ta hằng ngày. Nhưng có lẽ, đã không ít lần chúng ta đắn đo, cân nhắc, tính toán và rồi cũng đã có lần chúng ta nhắm mắt để sự việc trôi đi…

     Ước mong các Kitô hữu biết yêu nhau để nhìn vào dấu chỉ ấy, mọi người biết chúng ta là môn đệ Đức Giêsu.

    Lạy Chúa Giêsu, yêu thương nhau và yêu thương đến hiến mạng như lời Chúa truyền dạy, thật là một điều rất khó với chúng con. Xin giúp chúng con dám hy sinh cái tôi của mình, mỗi ngày biết dành cho nhau một ít yêu thương và xin cho tình yêu thương ấy lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Amen.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Cần cắt tỉa để cây nho cho nhiều trái ngon

     Đặc điểm cây nho là cần leo giàn, vì vậy sau khi trồng cần làm giàn chon nho, độ cao của giàn khoảng 1,8-2m để tiện cho việc đi lại, chăm sóc. Mỗi cây nho cần cắm một cọc để nho leo, chọn ngọn nho khỏe nhất buộc vào cọc cho nho leo lên giàn, các ngọn hoặc cành còn lại cần cắt bỏ. Khi ngọn của thân chính đã leo cao khỏi giàn 20-30cm, tiến hành cắt bỏ thân chính ở mặt dưới giàn, cây nho sẽ mọc nhiều cành mới - cành cấp 1. Mỗi cây nho chỉ để lại 2-4 cành cấp 1 tùy giống và điều kiện chăm sóc, các cành này bố trí sao cho phân bố đều về các hướng, buộc chặt các cành cấp 1 này vào dây của giàn. Khi cành cấp 1 dài khoảng 0,8-1m, tiến hành cắt ngọn để cành mọc ra các cành cấp hai - cành quả hay còn gọi là cành xương cá, mỗi cành cấp 1 để 10-20 cành cấp 2 tùy giống và mật độ trồng. Các cành cấp 2 cũng cần được buộc chặt vào giàn tránh làm gió lay làm rách lá, rụng mắt và tránh để cành đè lẫn lên nhau. Dây để buộc cố định cành vào giàn sử dụng những loại có khả năng tự phân hủy như dây đay, bẹ chuối... 


     Khoảng 10-12 tháng sau trồng, khi các cành cấp 2 đã hóa gỗ, màu nâu, mắt đã nổi rõ thì tiến hành để trái bằng cách cắt hết cành lá đã có, chỉ để lại cành quả, mầm dự trữ ở chân cành quả (cành quả vụ sau). Những cành to khỏe dài hơn 1m thì cắt ở vị trí mắt thứ 6-8, các cành nhỏ, ngắn cắt ở vị trí mắt thứ 1-2 để tạo cành dinh dưỡng cho vụ thu hoạch sau. Sau cắt cành khoảng 20 ngày cây bắt đầu ra hoa, 25-30 ngày đậu trái. Mỗi dây chỉ để 2-3 chùm, trên các chùm cần tỉa bỏ các trái bị dị tật, méo mó, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. …

http://binhdien.com/dong-hanh-cung-nha-nong/ban-tin-binh-dien/ky-thuat-trong-va-cham-soc-nho-15112007.html

     Trồng nho nếu không đúng kỹ thuật, cây nho sẽ chẳng sinh hoa kết trái. Ngoài việc chọn địa điểm phù hợp, chọn giống, làm đất, làm giàn leo, bón phân… người trồng nho còn phải biết cắt tỉa để cây sinh nhiều trái. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.

     Ga 15, 1-8

     Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

    5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Cây, cành gắn liền với nhau. Cây phát triển sinh nhiều cành lá, hoa trái. Cành muốn sống được, sinh trái được phải gắn liền với cây.

     Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Thầy và các môn đệ vì cây nho rất quen thuộc ở xứ Palestin. Hơn nữa, cây nho muốn phát triển và sinh trái phải được cắt cành, tỉa lá, tỉa bỏ cả trái nhỏ, trái xấu để có được những chùm nho ngon.

    “Thầy là cây nho, anh em là cành.” Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây. Cành nào không gắn liền với thân cây chắc chắn nó sẽ bị khô héo và tàn lụi. Người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy.

    “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Thầy Giêsu tha thiết mời gọi các môn đệ đáp trả tình yêu Thầy dành cho họ. 

    Khác với cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại với cây, con người có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối “ở lại trong Thầy”. 

   Ở lại trong Thầy, như cành nho gắn chặt với thân cây nho, chúng ta sẽ kín múc được muôn ơn lành từ nguồn mạch sự sống là chính Chúa. Ngược lại "Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi." (Ga 15,6). 

    Cây nho Giêsu được Chúa Cha vun trồng chăm bón. Các cành nho không sinh trái, Cha sẽ chặt đi. Các cành đã sinh trái, được Cha cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn. 

    Như cành nho muốn sinh được nhiều trái ngon, phải gắn kết với cây và phải được cắt tỉa, muốn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng chúng ta phải ở lại trong cây nho Giêsu và cũng phải chịu để Thiên Chúa cắt tỉa. Những cành Thiên Chúa cắt tỉa vì không sinh hoa trái chính là những tội lỗi, thiếu sót, yếu hèn của chúng ta, là sự ích kỷ, kiêu ngạo, hận thù, bất hòa; là sự nóng giận, ganh tị, tranh chấp, chia rẽ, bè phái; là những đam mê lạc thú, danh vị… Khi chịu cắt tỉa, chúng ta phải chịu đau đớn, đó là những hy sinh, chịu đựng, gian truân, thử thách... Hãy bám chặt vào cây nho Giêsu để vượt qua, để được phục sinh với Ngài. 

   Hãy gắn kết chặt chẽ với cây nho Giêsu: sống như Giêsu, sống cho Giêsu và sống trong Giêsu, để thực hiện điều Chúa Giêsu mong ước, chờ đợi nơi chúng ta: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”

   Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn gắn kết với Chúa và sẵn lòng chịu cắt tỉa để chúng con sinh nhiều hoa trái cho Nước Trời. Amen.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Bình an trong tâm hồn

     Trong thâm tâm bà mẹ người Mỹ hiểu rằng bản thân đang làm chuyện đúng đắn, nhưng không tự tin liệu con gái có tha thứ cho mình không.

    "Đó là 3h sáng. Tôi bước vào phòng, đánh thức con bé dậy, nói rằng tôi yêu nó còn nó sắp đi xa một chuyến. Con bé đang lơ mơ vì tác dụng của thuốc ngủ tôi cho vào nước uống trước đó vài giờ. Sau đó, hai người xa lạ mà tôi thuê bước vào phòng, bế nó đi, con bé cố lấy túi và đồ trang điểm", Ray Johnson, một bà mẹ người Mỹ kể lại, theo Guardian.

     "'Nơi cô tới không cần mang theo đồ gì cả', họ nói với con bé. Tôi đứng ngoài cửa, run rẩy. Làm như thế này liệu tôi có mất con bé mãi mãi không?"

Bà Ray Johnson. Ảnh: Guardian
     Sau khi chia tay với chồng, Johnson từ bỏ sự nghiệp tài chính thành công, đưa con trai và con gái tới sinh sống ở Florida với hy vọng sẽ gần gũi hai con hơn. Cô rất yêu thương và kỳ vọng vào hai đứa con.

     Tuy nhiên đến năm 17 tuổi, con gái của Johnson bắt đầu giao du với người xa lạ. Thành tích học tập luôn ở điểm A nay tụt dốc, bắt đầu tỏ ra chống đối, không muốn đi học.

     "Ngay cả mẹ có đưa con đến trường đi nữa, mẹ cũng không bắt con vào học được", cô bé nói với mẹ, tuyên bố muốn bỏ học và trở thành thợ làm tóc, muốn mẹ trả tiền cho đi học trường tạo mẫu tóc. 

    Johnson vô cùng quẫn trí. Mong muốn trở thành thợ làm tóc của con gái không sai, nhưng bà muốn cô được trải nghiệm đại học, sau đó tự quyết định đời mình.

     Cùng thời gian đó, cảnh sát đã hai lần bắt được cậu con trai 14 tuổi của Johnson trong người có ma túy. Bà quyết định gửi con tới một trường nội trú quản giáo nghiêm ngặt ở một tiểu bang khác. Một thời gian sau, cậu bé thay đổi tích cực, và Johnson nhận thấy có lẽ con gái cũng sẽ thay đổi như thế, nếu trải qua khóa huấn luyện nghiêm khắc.

     Cô tìm hiểu về một trại huấn luyện trẻ thích gây rối ở Utah, bang miền tây nước Mỹ, quyết định thuê dịch vụ vận tải tư hộ tống con gái tới đó, vào đêm trước khi cô bé vào học trường làm đẹp. 

     "Họ đưa con bé tới sa mạc Utah, còn tôi thì rất buồn. Trong thâm tâm, tôi biết mình đã làm đúng, nhưng không tự tin liệu nó có tha thứ cho tôi không: Tôi phải chuẩn bị tâm lý sẽ mất con bé chỉ vì muốn giúp đỡ nó. Bạn bè nó gọi điện hỏi, tôi trả lời nó đang đi du lịch. 'Bạn ấy đi đâu? Bao giờ thì về?" Tôi trả lời không biết", bà Johnson nhớ lại.

     Bà đã phải trả 116.000 USD cho 7 tuần thử thách về thể chất và tinh thần mệt mỏi. Những đứa trẻ tham gia khóa huấn luyện đều đang trong tình trạng tuyệt vọng: nghiện ma túy, phạm tội, một số đã từng tự tử không thành. Chúng buộc phải trải qua cuộc sống của người tiền sử: không chăn êm nệm ấm, tự phải tìm chỗ vệ sinh, học kỹ năng sống và lao động chân tay, một số còn tự cắt tóc vì không có chỗ tắm rửa.

     Hàng ngày, chúng đều được tư vấn tâm lý và phải viết thư cho cha mẹ. Con gái viết thư xin lỗi Johnson, tỏ ra vô cùng hối hận: "Con sai rồi, con xin mẹ tha thứ, con yêu mẹ". Lúc đầu, cô bé tức giận vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng qua vài ngày, cô bé nhanh chóng hiểu ra lý do mẹ gửi mình tới đó và cảm thấy xấu hổ.

     Vào cuối khóa huấn luyện, phụ huynh tới sa mạc đón con.

    "Chúng tôi nhìn thấy lũ trẻ đang tiến về phía mình khoảng một dặm phía trước. Tôi rất sợ, không biết con gái sẽ phản ứng thế nào. Sau đó tôi nhìn thấy con bé, trông nó khỏe mạnh nhưng bẩn thỉu. Chúng tôi ôm nhau khóc. Đứa con gái ngoan ngoãn trước đây của tôi đã trở lại", Johnson nói.

    Cô bé tốt nghiệp cấp ba với toàn điểm A, lên đại học, và hoàn thành chương trình thạc sĩ. Hiện con gái bà Johnson làm việc trong ngành tư pháp. 

     "Cả hai đứa con đều hay đùa rằng tôi là một bà mẹ thích ngược đãi, nhưng chúng tha thứ cho tôi và vẫn gần gũi với mẹ. Đó là quyết định khó khăn nhất tôi từng làm", bà Johnson nói. "Liệu chúng có được như ngày nay mà không trải qua những điều khắc nghiệt kia không? Có lẽ có, nhưng tôi không dám liều thử".

     "Tôi tin rằng càng trải qua nhiều khó khăn, con người càng trưởng thành. Giờ đây tôi có hai đứa con mạnh mẽ, tuyệt vời, và tôi sẵn sàng làm lại điều đó".

Hồng Hạnh


    Bà Ray Johnson đã tìm lại được sự bình an cho con cái, cho gia đình sau một việc làm hết sức can đảm, dứt khoát. Sự bình an này rất đáng quý, rất đáng trân trọng, nhưng có một thứ bình an đích thực, vững bền mà mọi người luôn khao khát tìm kiếm.

    Ga 14, 27-31a

     Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ' Thầy ra đi và đến cùng anh em '. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

    30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Bình an là điều con người mọi thời luôn tìm kiếm. Dường như khi khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người lại càng thấy bất an. Bất an vì các loại vũ khi tối tân do chính con người tạo ra có thể huỷ diệt cả nhân loại; bất an vì khủng bố xảy ra khắp nơi; vì thiên tai, dịch bệnh; bất an vì khủng hoảng kinh tế, vì thất nghiệp, vì mất niềm tin…

     Vì không có bình an, nhiều người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc, nhiều người luôn cảm thấy căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử… Người bình tĩnh hơn thì đi tìm bình an nơi những giáo phái, những liệu pháp tâm lý… 

    Liệu con người có tìm được sự bình an thật sự trong tâm hồn ?

    Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi, Đức Giêsu đã nói với họ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.

   Bình an là quà tặng cao quý Đức Giêsu trao cho các môn đệ và cũng là trao cho mỗi người chúng ta. Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu. Chỉ trong Chúa chúng ta mới tìm được sự bình an đích thực và vĩnh cửu.

    Bình an trong đời sống của các Kitô hữu không phải là không gặp sóng gió, nhưng là bình an giữa những sóng gió. “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

    Đức Giêsu không những đem bình an đến cho chúng ta mà Người còn chính là sự bình an. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta sống xa Chúa, xa nguồn bình an và sẽ phải sống trong dằn vặt, lo âu. Bao lâu còn sống xa Chúa, bấy lâu lòng chúng ta còn cảm thấy bất an. Hãy trở về bên Chúa, sống trong ân nghĩa Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự bình an.

    Sự bình an đích thực và trường cửu mà Chúa hứa ban, phát xuất từ chính tâm hồn con người. Khi chúng ta biết quay về làm hòa với Chúa và với tha nhân, tuân giữ Luật Chúa, thực sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân, không những chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn mà còn góp phần vào việc xây dựng nền công lý và hòa bình mà tất cả mọi người trên thế giới đều khao khát, kiếm tìm.

     "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin Chúa đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa". Amen.

Chứng nhân đích thực

     Gặp gỡ người phụ nữ Sudan đối diện với cái chết vì không chịu từ bỏ đức tin Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn Meriam Ibrahim vì đã kiên định làm chứng cho Đức Kitô.


Ảnh: Catholic News Service/Osservatore Romano/Reuters
     Đức Thánh Cha đã dành 30 phút với Ibrahim, chồng và hai con nhỏ vào ngày 24 tháng 7, chỉ vài giờ sau khi cô đến Ý an toàn sau thử thách gian khổ trong tù với án tử hình vì chối đạo ở Sudan.

     Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, nói với các nhà báo rằng cuộc gặp gỡ tại nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha diễn ra trong “thân tình”, “rất nhẹ nhàng và vui tươi.”

     Ngài cho biết họ đã có “một cuộc trò chuyện thật đẹp”, Đức Thánh Cha cám ơn Ibrahim vì “đã kiên định giữ vững đức tin.” Ibrahim cám ơn Đức Thánh Cha vì lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của Giáo hội cho hoàn cảnh của cô.

     Phát ngôn viên của Vatican cho biết cuộc gặp gỡ là một dấu hiệu của “sự gần gũi, liên đới và hiện diện với tất cả những người chịu đau khổ vì đức tin” của Đức Giáo Hoàng, và nói thêm rằng thử thách của Ibrahim diễn tả những thử thách lớn lao mà nhiều người phải đối mặt trong đời sống đức tin của họ.

     Cha Lombardi nói cuộc đối thoại không chính thức này cũng đề cập đến những dự định của gia đình Ibrahim mà giờ đây Ibrahim đã được tự do. Đức Thánh Cha đã tặng gia đình cô một vài món quà nhỏ, bao gồm những chuỗi tràng hạt giáo hoàng.

     Ibrahim, một phụ nữ Công giáo 26 tuổi lúc đầu bị kết án tử hình vì kết hôn với một Kitô hữu, đã được phóng thích ngày 23 tháng Sáu ở Sudan, sau những áp lực mạnh mẽ từ quốc tế.

     Nhưng cô bị bắt giữ một lần nữa vào ngày hôm sau tại sân bay Khartoum với chồng là công dân Mỹ, và con trai gần 2 tuổi và con gái 2 tháng tuổi sinh ở trong tù ngay sau bản án tử hình.

     Bị buộc tội làm giấy tờ du lịch giả, Ibrahim không được phép rời khỏi Sudan, nhưng cô đã được thả và lưu trú ở Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum mấy tháng sau đó.

     Bộ Ngoại giao Ý đàm phán với Khartoum cho cô được phép rời khỏi Sudan đến Ý. “Cô ấy đến Rôma ngày 24 tháng Bảy trên một chiếc máy bay của chính phủ Ý cùng với gia đình và thứ trưởng ngoại giao Ý, Lapo Pistelli, người đứng đầu các cuộc đàm phán cho phép cô rời khỏi Sudan.

    Pistelli nói với phóng viên tại sân bay Ciampino Rôma rằng họ rời Khartoum lúc 3:30 sáng và hầu như ngủ suốt chuyến bay. Tuy nhiên, ông cho biết, khi tỉnh táo, Martin, 2 tuổi, “như tháo tung cả máy bay”.

     Người đứng đầu nhóm người Ý ở Darfur, Antonella Napoli, đã giúp tổ chức chuyến thăm của Ibrahim với Đức Giáo Hoàng. Napoli đã đưa lên twiter của mình trước khi cuộc gặp gỡ của Ibrahim với Đức Giáo Hoàng rằng “Meriam sẽ đạt được ước mơ của mình và sẽ gặp được Đức Giáo Hoàng. Tôi đã hứa với cô ấy khi chúng tôi gặp nhau.”

     Ibrahim gia nhập Giáo hội Công giáo ngay trước khi cô kết hôn với Daniel Bicensio Wani năm 2011. Sau đó cô bị kết tội bội giáo với án tử hình bằng cách treo cổ. Bộ luật hình sự của Sudan kết tội người chuyển đổi từ Hồi giáo sang các tôn giáo khác, sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.

    Theo Tổng Giáo Phận Khartoum, trường hợp của cô, cho biết Ibrahim không bao giờ là người Hồi giáo vì bố của cô là người Hồi giáo đã bỏ gia đình khi cô 5 tuổi, và cô lớn lên theo đức tin của mẹ là Chính Thống giáo.

    Bất chấp áp lực chối bỏ Kitô giáo để được tự do, Ibrahim đã từ chối điều đó. Giáo hội ở Sudan cho biết các cáo buộc chống lại Ibrahim là sai lầm và kêu gọi chính phủ Sudan thả tự do cho cô. Ibrahim dự kiến ​​sẽ ở lại Rôma một vài ngày trước khi đến New York với gia đình.


     Chấp nhận bị tù đày, bị kết án tử Meriam Ibrahim kiên định làm chứng cho Đức Kitô. Đây chính là chứng nhân đích thực của Chúa Kitô trong thời đại ngày nay, là cách hữu hiệu thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời. 

     Mc 16,15-20

    15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

   19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Thánh Marcô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa Giêsu về trời, ngài theo thánh Phêrô sang giảng đạo tại La Mã. Ngài đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách đặc biệt do lòng hăng say rao truyền đạo Chúa. Số người trở lại càng ngày càng tăng mà không có tài liệu nào để họ học hỏi. Ðồng thời họ cũng ao ước được một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Vì những lý do đó, thánh Marcô đã ghi chép mạch lạc thành những chương mục về cuộc sống của Chúa Giêsu, dựa theo những lời giảng dạy của thánh Phêrô. Chính thánh Phêrô đã duyệt y và cho phép dùng trong giáo đoàn. 

    Sau đó, ngài được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.

    Bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25-04-67.

   Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên chép vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.

http://hdgmvietnam.org/ngay-25-thang-tu-thanh-marco-thanh-su-67/1704.119.12.aspx

    Thánh Marcô đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. 

    Ngài đã đi truyền giáo với Thánh Phaolô, Thánh Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô.

    Mừng lễ Thánh Marcô, mỗi người chúng ta hãy noi gương Ngài, tìm cách đóng góp phần mình cho công cuộc loan báo Tin mừng. Vì đây chính là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo Hội và của mỗi người kitô hữu.

   Tuỳ vào khả năng và địa vị của mình, chúng ta hãy cộng tác tích cực với giáo xứ, với cộng đoàn nơi mình đang sống, sẵn sàng chu toàn bổn phận Giáo Hội, cộng đoàn Giáo xứ trao phó và hãy giúp đỡ cách thiết thực tinh thần và vật chất cho công cuộc truyền giáo.

    Hãy tận dụng khả năng Chúa ban, sử dụng internet, các trang mạng xã hội để chia sẻ Tin Mừng, phổ biến giáo huấn của Giáo hội và những điều tốt đẹp trong Giáo hội, trong cuộc sống… Hãy can đảm viết và phổ biến những gì mình biết và tin

   Hãy cố gắng rao giảng Tin mừng khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Phải can đảm loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

   Và hãy sống Tin Mừng, để cuộc đời mỗi chúng ta trở thành cuốn Tin Mừng.

   Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải loan báo Tin Mừng. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận ấy bằng cách đóng góp khả năng của mình trong việc xây dựng giáo xứ, xây dựng cộng đoàn nơi chúng con đang sống. Đồng thời, biết dùng các phương tiện hiện đại đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Nhất là năng đọc, suy gẫm và sống Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Yêu đến quên mình

     Nhiều người nói phải yêu bản thân mình trước. Muốn ăn cứ ăn, muốn chơi cứ chơi, muốn gì thì cứ làm nấy, mắc mớ gì phải yêu đến quên mình như vậy?

      Mấy cô bạn đồng nghiệp của tôi hôm qua có một cuộc tranh luận khá gay gắt mà đến khi "tản hàng" vẫn chưa có kết luận: Khi yêu một ai đó, có nhất thiết phải yêu hết mình, yêu đến quên cả bản thân hay không?

     Mọi tranh luận xuất phát từ câu chuyện về một người phụ nữ đã hết lòng, hết sức yêu thương, chăm lo cho gia đình mình nhưng đến khi chị vô phúc qua đời thì chỉ nửa năm sau anh chồng đã cưới người đàn bà khác!

     Ý kiến thứ nhất chiếm đa số: Mắc mớ gì phải yêu đến quên mình như vậy? Tốt nhất là phải yêu bản thân trước. Muốn ăn cứ ăn, muốn chơi cứ chơi, muốn gì thì cứ làm nấy đi vì một khi chết đi thì chẳng mang theo được gì bởi "quan tài không có túi". Khi ấy, "chồng mình nó xài, con mình nó sai", chỉ thiệt thân mình đã vất vả cả đời nhưng kết cục chỉ nhận lại con số không!

     Luồng ý kiến thứ hai có vẻ dung hòa hơn: Phải cân đối giữa bản thân và gia đình. Nghĩa là vẫn chăm sóc chồng con, những người thân của mình 50%, đồng thời phải dành 50% để chăm sóc bản thân vì những người thân yêu đâu muốn thấy mình bầy hầy, bê bối quá.

     Lúc mọi người tranh luận, tôi không tham gia ý kiến bởi nếu nói ra, tôi chắc sẽ bị ném đá. Bởi, tôi cũng giống chị vợ kia. Tất cả những thứ tốt đẹp nhất, tôi đều dành cho chồng con. Mỗi ngày tôi có thể làm việc 15 tiếng, chưa kể thời gian dọn dẹp nhà cửa, vào bếp, giặt giũ...

    Thế nhưng, tôi hoàn toàn không thấy áp lực vì khi làm những điều đó, trong tôi có một niềm vui tràn ngập. Tôi vừa làm vừa hát hoặc suy nghĩ về công việc của mình. Rất nhiều lần, những ý tưởng mới trong công việc của tôi đã phát sinh trong khi tôi nấu cơm, lau nhà...

     Mọi người sẽ hỏi, lúc đó chồng con tôi làm gì? Các con tôi thì đi học, còn ông xã, nếu có ở nhà thì sẽ phụ lặt vài cọng hành, giã tỏi ớt làm nước mắm, dọn chén đĩa... Cơm nước xong, tôi rửa chén, còn anh lau bàn.

     Tôi đã sống như thế 20 năm và thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Hiện tại, tôi không có gì phải lấn cấn trong việc mình có phải là người phụ nữ mà ông xã yêu thương nhiều nhất hay không? Tôi tin đó là sự thật. Anh yêu tôi bằng tình yêu thương, sự biết ơn, trách nhiệm đối với các con.

     Có thể ngoài kia, bên anh có nhiều người phụ nữ trẻ hơn, đẹp hơn, thành đạt hơn và nhiều khi anh cũng thú thật là mình "choáng váng" trước một nhan sắc nào đó. Thế nhưng, anh không mơ tưởng xa vời, không ham muốn sở hữu những hào nhoáng ấy và bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình bởi anh nghĩ "cái mình đang có là cái quý nhất".

     Tuy nhiên, có một điều mà chính anh cũng thừa nhận và tôi cũng đã nghĩ đến. Có lần tôi hỏi anh, một cách rất nghiêm túc: "Nếu em chết bất tử thì anh có cưới vợ khác không?". Anh suy nghĩ giây lâu rồi gật đầu: "Chắc là có. Còn em?". Ý anh muốn hỏi nếu anh mất đi thì tôi có đi bước nữa hay không? Tôi trả lời ngay: "Không!".

     Thú thật là tôi bị sốc trước câu trả lời của anh, nhưng sau đó tôi suy nghĩ kỹ và "ngộ" ra rằng đó mới chính là lời nói thật. Anh bảo người đàn ông thật ra rất yếu đuối và sợ cô đơn. Họ cũng không tự chăm sóc được bản thân mà luôn luôn muốn dựa dẫm vào một ai đó. Trong thực tế, không phải không có những người đàn ông sau khi vợ chết vẫn ở vậy suốt đời vì tình yêu mà họ dành cho người đã khuất quá lớn và không thể thay thế. Nhưng anh nói với tôi rằng số người như vậy không nhiều và họ là những "bậc vĩ nhân".

     Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người nói với tôi: "Mày ngu quá. Cứ làm như trâu vậy rồi mai mốt chết bất đắc kỳ tử, thằng chồng nó cũng đi lấy vợ khác. Lúc đó ở dưới mồ khóc hận". Tôi chỉ cười. Nếu đúng như vậy thì tôi cũng chẳng việc gì phải khóc hận bởi khi thật lòng yêu thương một ai đó thì hạnh phúc của người đó cũng chính là của mình. Nếu một mai tôi mất đi mà có người phụ nữ nào khác cũng yêu thương chồng tôi như tôi đã từng yêu thương thì ở dưới mồ, tôi phải vui chứ sao lại khóc hận?

     Đàn ông vốn yếu đuối và sợ cô đơn; phải có ai đó để bầu bạn, chăm sóc lúc ấm lạnh. Họ có người phụ nữ khác khi vợ mất đi không phải vì trước đó tình yêu dành cho vợ không đủ lớn, không đủ sâu sắc mà bởi vì họ cần tiếp tục sống chứ không thể chôn vùi cuộc sống dưới nấm mồ của vợ.

     Tôi đang suy nghĩ như vậy. Nhưng tôi thấy mình có vẻ lạc lõng trước suy nghĩ được xem là thực tế của nhiều người hiện nay. Xin hãy nói với tôi: Có nên tiếp tục suy nghĩ như thế hay là dừng lại và đổi thay?

Thảo Minh

http://nld.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/mac-mo-gi-phai-yeu-den-quen-minh-20141005095025331.htm

      Một ý kiến rất hay về tình yêu chồng vợ, tình yêu dâng hiến. Tiếc rằng khi kết thúc bài viết, tác giả lại băn khoăn, nghi ngờ về chính những suy nghĩ và cách sống 20 năm qua của mình. Nếu học được bài học yêu đến thí mạng của Đức Giêsu, có lẽ bạn sẽ không băn khoăn như thế…

        Ga 13, 31-33a.34-35

       31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 



     “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

     Ðức Giêsu không nhắc các môn đệ yêu thương người ngoài, nhưng đòi buộc các ông phải yêu thương nhau.

    Yêu thương nhau theo điều răn mới của Đức Giêsu là phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

    Để yêu như Thầy đã yêu, vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Thầy. Vì yêu nhân loại, Ngài đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu hèn của kiếp người để ở với loài người. Và, trước khi công bố điều răn mới này, chính Thầy đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, trong đó có cả Giuđa là người mà Thầy biết trước sẽ phản bội mình.

     Ðức Giêsu biết rõ những gì đang chờ mình, nhưng Ngài yêu thương những kẻ thuộc về mình, yêu thương họ đến cùng, sẵn sàng hiến mạng trên thập giá làm giá chuộc muôn dân.

     Ðức Giêsu đã yêu chúng ta trước khi truyền dạy chúng ta yêu nhau. Nếu không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho mỗi người chúng ta, thì chúng ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn. Nhận mình là môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại... 

     Trong cuộc sống cộng đoàn không thể không có những dị biệt, đó chính là những hàng rào cản ngăn sự hiệp nhất yêu thương giữa những người trong cùng một cộng đoàn và giữa những cộng đoàn với nhau. Phải yêu thương nhau, trước khi nói đến yêu người khác.

     Trong năm Phụng vụ, Giáo hội dành một tuần để cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Để có sự hiệp nhất phải có ơn Chúa tác động nhưng đồng thời cũng phải xuất phát từ chính mỗi tín hữu.

     Lạy Chúa Giêsu, chúng con rất thích bài học yêu thương Chúa dạy, nhưng để thực hiện được giới luật này, quả là điều rất khó đối với chúng con. Chúng con vẫn muốn giữ cái riêng và vẫn cứ thích đề cao cái tôi của mình, vì chúng con chưa yêu mến Chúa. Xin đổ tràn tình yêu Chúa trong lòng chúng con, để chúng con biết yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Chọn lựa một Con đường

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Ðức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Ðức Cha Jean Cassaigne.
Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng. Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.
Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là Phó Giám Ðốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”
Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.
Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung - như lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!
Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”
….


   Đón nhận Tin Mừng qua đời sống của các chứng nhân của Đức Kitô, giữa muôn ngàn nẻo đường, vị Bác sỹ Phật giáo đã vượt qua biết bao rào cản để chọn Con đường Giêsu và trở nên chứng nhân của Ngài.

     Ga 14, 1-6

    Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : 1 Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."

    5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?"  6 Đức Giê-su đáp : "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu nói: “Chính Tôi là Đường”.

     Đức Giêsu quả thật là con đường dẫn đến sự thật toàn vẹn và sự sống thần linh khi Ngài công bố và minh chứng cho con người biết Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Ngài đã minh chứng con đường này bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, những dấu lạ, bằng cái chết trên thập giá và cuộc sống lại của Ngài. 

     Đối với Kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường. Con đường mang tên Giêsu. Con đường ấy không phải chỉ là những tín điều, những giáo thuyết, những nghi lễ hay luật lệ, thậm chí cả cách sống của Kitô hữu (x. Cv 9,2; 18,25; 24,22) nhưng là một con người sống động và cũng là Con Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu Kitô. 

     Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường. Chính Ngài là Đường, là Đạo. Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.

     Nhiều người đã đồng hoá con đường Giêsu với Kitô giáo hay Công giáo. Nhưng những gì đang diễn ra trên thế giới này, cho chúng ta thấy Kitô giáo hay Công giáo lại không phải là toàn bộ con đường của Đức Giêsu, vì Ngài vẫn đang dẫn dắt nhiều người ngoài Kitô giáo để họ đi trong sự thật và sự sống của Ngài. 

     Thay vì "theo đạo hay giữ đạo", hãy đi theo Đức Giêsu Kitô, tuân giữ những điều Ngài dạy và sống với Đức Giêsu Kitô trong từng giây phút đời người. Con đường tình yêu giữa Giêsu và mỗi người chúng ta sẽ kéo dài vô tận và mở rộng tới vô biên trong suốt cõi vĩnh hằng. 


     Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn dắt chúng con đi trên Con đường của Chúa, xin ở bên chúng con những lúc niềm tin của chúng con lung lay, những khi các “thầy dạy” làm chúng con thất vọng, để chúng con thêm vững bước trên Con đường Giêsu, cùng với Ngài tiến về chỗ Ngài đã dọn cho chúng con. Amen.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Chết đi và Sống lại

     Một nhà văn khoa học viễn tưởng người Trung Quốc quyết định đông lạnh não với hy vọng công nghệ trong tương lai có thể giúp bà sống lại.

Nhà văn Đỗ Hồng. Ảnh: People Daily
     Trước khi qua đời do ung thư tuyến tụy, nhà văn 61 tuổi Đỗ Hồng đã quyết định đồng ý hiến não cho các thí nghiệm sau khi chết. Sau khi bà qua đời hôm 30/5, các bác sĩ Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển não của bà tới Mỹ để đông lạnh. 

     Bà Đỗ đã phải trả 120.000 USD cho việc chuyển não từ Trung Quốc sang Scottsdale, Arizona, Mỹ để Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor làm đông lạnh. Bà tin rằng dù công nghệ hiện tại không thể làm não mình hoạt động lại, các tiến bộ trong kỹ thuật đông lạnh tương lai sẽ giúp bà hồi sinh. Tuy nhiên, Alcor cũng cho biết họ chỉ có trách nhiệm làm đông lạnh não, không chịu trách nhiệm làm bà sống lại trong tương lai.

      Bà Đỗ bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật đông lạnh khi đang điều trị ung thư tuyến tụy. Sau đó, bà có viết một cuốn sách tựa đề "The Three-Body Problem" (Vấn đề ba cơ thể), nói về bảo quản đông lạnh. Tuy nhiên, trước khi biết tới Alcor, bà chưa từng nghĩ có thể ứng dụng kỹ thuật đông lạnh đó trong thực tế.

     Với sự giúp đỡ của con rể Lỗ Thần và gặp gỡ chuyên gia của Alcor, nhà văn đã đi đến quyết định bảo quản não bằng phương pháp đông lạnh sau khi qua đời.

    "Mẹ vợ tôi nói rằng kỹ thuật đông lạnh có thể có đột phá trong vòng 50 năm tới hay không vẫn là một bí ẩn, nhưng bà vẫn muốn tham gia thí nghiệm", Lỗ Thần chia sẻ với People’s Daily.

     Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc mang một người từ cõi chết trở về là điều không thể, dù ở thời đại nào, gia đình bà Đỗ vẫn lạc quan hy vọng. Con gái bà thể hiện sự lạc quan đó bằng một dòng trạng thái trên mạng xã hội, ít lâu sau khi bà qua đời "Hẹn gặp lại mẹ trong tương lai".

Nguyễn Thành Minh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/ky-thuat-moi/dong-lanh-nao-cho-hoi-sinh-trong-tuong-lai-3284140.html

     Được sống lại sau khi chết không chỉ là hy vọng của Nhà văn Đỗ Hồng, mà của rất nhiều người đang sống trên trái đất này. Sự sống lại này, nếu khoa học có thể thực hiện được, cũng không phải là sự sống và sự sống lại Đức Giêsu hứa cho những ai tin vào Ngài. 

     Ga 6, 35-40

     35 Đức Giê-su bảo họ : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Để trả lời cho dân chúng về bánh bởi trời, Đức Giêsu tự giới thiệu: “Chính Tôi là bánh trường sinh”. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, khi nói như vậy, Đức Giêsu muốn tự mạc khải Ngài là nguồn ơn cứu độ và Ngài đã dùng nhiều kiểu nói khác nhau để tỏ rõ chân lý này:

     - Tôi là Bánh Hằng Sống (Ga 6,35 – 50)

     - Tôi là Ánh sáng thế gian (Ga 8, 12 – 9, 5)

     - Tôi là Cửa, chiên ra vào (Ga 10, 7 – 9)

     - Tôi là người Mục Tử tốt lành (Ga 11, 11-14)

     - Tôi là Sự Sống lại và là sự sống (Ga 11, 25)

     - Tôi là Cây Nho đích thực (Ga 15, 1-5)

     - Tôi là Đường, Sự thật và là Sự Sống ( Ga 14, 6 )

      Đức Giêsu khẳng định: "Ai đến với Tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi không khát bao giờ".

     Ngài khiển trách dân chúng đã được thấy nhiều phép lạ Ngài làm, đã nghe lời Ngài giảng mà vẫn không tin vào Ngài. Ngài kiên nhẫn giải thích để họ hiểu sứ vụ Chúa Cha giao phó cho Ngài và hiểu ý của Chúa Cha: “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

     Vì yêu thương, Thiên Chúa Cha đã khởi xướng công trình cứu độ nhân loại "Những người Chúa Cha ban cho tôi…". Nhưng để thực hiện công trình này, Người cũng cần đến sự đáp trả tương xứng của con người bằng đức tin mà Đức Giêsu đã diễn tả qua cách nói: "đến với tôi"

     Đức Giêsu nhấn mạnh: Thiên Chúa muốn con người được cứu rỗi. Nhưng muốn được như vậy, con người phải “Đến” và "Tin" vào chính Đức Giêsu, nghĩa là phải sống liên kết chặt chẽ với con người Đức Kitô, chứ không chỉ đơn thuần chấp nhận một số tín điều.

     Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu toàn thể nhân loại và Người cũng ban cho con người có tự do. Con người được mời gọi để chọn lựa: tin hay không tin vào Chúa Giêsu, "đến" hay "không đến" với Chúa Giêsu. Nói cách khác, giữa cộng đoàn nhân loại, có người tự do đáp trả "vâng" với ân huệ đức tin và đến với Chúa Giêsu, và đã có những người trả lời "không", họ đã từ chối Chúa Giêsu.

     Không được trực tiếp chứng kiến việc Chúa Giêsu đã làm và nghe Lời Chúa nói như những người Do thái xưa, nhưng qua Tin Mừng và qua các chứng nhân đích thực của Đức Giêsu trên khắp thế gian này, bạn hãy cảm nghiệm tình yêu của Chúa bằng quả tim chân thành và đến với Ngài để được sự sống đời đời.

     Lạy Chúa Giêsu, tin vào Ngài là một ân huệ thiêng liêng Chúa ban, nhưng để được đón nhận ân huệ cao quý này, chúng con cần có một tâm hồn rộng mở, một trái tim chân thành, sẵn sàng đón nhận chân lý. Xin Chúa soi lòng, mở trí giúp chúng con biết đón nhận, để Chúa không mất một ai trong chúng con, như lòng Chúa muốn. Amen.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Lương thực trường sinh

     Tại hội nghị “Một thế giới không còn nạn đói” diễn ra ở thủ đô Berlin ngày 25-3-2015, Chính phủ Đức đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xóa bỏ nạn đói hoàn toàn vào năm 2030 thông qua việc phát triển nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hàng năm có khoảng 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết
do suy dinh dưỡng.
     Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức Gerd Müller cho biết, mục tiêu chung của các nước là tạo một thế giới không còn nạn đói trong bối cảnh toàn cầu đang có khoảng 850 triệu người bị đói, khoảng 2 tỷ người bị thiếu ăn kinh niên và hàng năm có khoảng 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng. Ông Müller cho rằng thế giới có thể loại bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030 và mục tiêu này sẽ được tập trung thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7), cũng như trong các cuộc đàm phán tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

     Theo ông Müller, nguyên nhân chính của đói và thiếu ăn trên thế giới xuất phát từ tình trạng không đủ cung ứng về lương thực, thực phẩm và do nghèo đói, người dân không có tiền để mua các lương thực thiết yếu cho bản thân. Chính phủ Đức coi một trong những trọng tâm của chính sách phát triển là hỗ trợ các hộ nông dân cũng như phát triển khu vực nông thôn. Đức cũng dự định tăng chi phí hàng năm cho phát triển nông thôn và an ninh lương thực từ mức khoảng 1 tỷ euro hiện nay lên 1,4 tỷ euro.

    Sáng kiến “Một thế giới không còn đói nghèo” của Chính phủ Đức bao gồm 10 trọng điểm, trong đó có chống nạn đói kinh niên, chống thiếu ăn; mọi người đều có đủ thực phẩm sạch; khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp và thực phẩm, trong phát triển nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi cấu trúc kinh tế-xã hội khu vực nông thôn; bảo vệ và kêu gọi sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…

(Theo AFP)

http://baobariavungtau.com.vn/the-gioi/201503/cong-bo-sang-kien-xoa-bo-nan-doi-tren-the-gioi-vao-nam-2030-596615/

     Lương thực luôn là mối bận tâm của con người mọi thời đại, nhất là đối với những người nghèo đói. Khi xưa, người Do thái nghe Đức Giêsu nói đến bánh đem lại sự sống cho thế gian, họ nghĩ ngay đến lương thực trần thế và xin Ngài cho họ được ăn bánh ấy mãi mãi. 

    Ga 6, 30-35

    30 Họ lại hỏi (người Do thái hỏi Đức Giêsu) : "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."

    32 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." 34 Họ liền nói : "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức Giê-su bảo họ : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Manna là thứ bánh, qua ông Môsê, Thiên Chúa đã ban xuống từ trời, để nuôi dân của Ngài trong suốt cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.

     Những người ở Caphácnaum rõ ràng muốn thách đố Đức Giêsu làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ ông Môsê đã làm. Đó là điều kiện để họ tin Ngài đích thực là một vị ngôn sứ họ mong đợi.

     Đức Giêsu khẳng định không phải ông Môsê đã cho cha ông họ ăn bánh bởi trời, nhưng chính Thiên Chúa là Cha của Ngài đã ban cho dân Israel bánh từ trời xuống để nuôi họ trong sa mạc và nay Thiên Chúa sẽ ban bánh một thứ bánh mới từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho cả thế gian, chứ không chỉ riêng cho dân Israel như xưa.

     Nghe Đức Giêsu nói vậy, người Do thái đã xin Ngài cho họ được ăn mãi thứ bánh ấy để không phải đói khổ nữa. Họ đã hiểu lầm. Bánh Đức Giêsu nói đến ở đây không phải là tấm bánh vật chất, chỉ ăn để giải quyết cái đói tạm thời, nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi tâm hồn : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”.

     Đến với và tin vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần. Lời dạy của Ngài, là bánh đích thực từ trời ban xuống. Ngài chính con Thiên Chúa hằng sống, nên Lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin. Ngài là Tấm Bánh được bẻ ra và trao cho muôn người thế gian. Nếu chúng ta biết tìm đến với Ngài, lắng nghe Lời Ngài mỗi ngày, chúng ta sẽ được no đủ.

     Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng, sốt sắng tham dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể Chúa dọn sẵn cho chúng con mỗi ngày, để chúng con được phúc sống trường sinh như Lời Chúa hứa ban cho những người tin và biết chạy đến với Ngài. Amen.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu

     Theo bản báo cáo thường niên của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, công bố ngày 27/05/2015, số lượng người bị đói trên thế giới đã giảm xuống mức dưới 800 triệu. Đây là lần đầu tiên từ khi FAO tiến hành thống kê.

     Theo thống kê của FAO, hiện có 795 triệu người còn bị thiếu ăn trên thế giới, và như thế đã giảm đi 216 triệu người so với thập niên 1990. Tỷ lệ người thiếu ăn chiếm 23% vào năm 1990, nhưng đến năm 2015 xuống dưới 13%, trong lúc mà dân số thế giới tăng thêm 1,9 tỷ.

     Tóm lại trong 25 năm, số người thiếu ăn giảm đi ¼.

   Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận tình hình khả quan không đồng đều trên thế giới : được cải thiện rõ ở Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam..) và ở Châu Mỹ La tinh (Brazil, Bolivia, Chilê, Venezuela..), nhưng tại Châu Phi thì vẫn rất chậm.

    Theo báo cáo của FAO, hơn một nửa các nước đang phát triển (72/129) đã đạt mục tiêu đề ra ở New York vào năm 2000, đó là giảm một nửa người bị đói, thiếu ăn trong 15 năm. Trước kết quả trên Liên Hiệp Quốc tỏ ra lạc quan : việc xóa đói đang ở trong tầm tay.

    Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, muốn duy trì kết quả phải bảo vệ nông thôn, giúp các nông dân sản xuất tốt hơn, nâng cao năng suất, tạo điều kiện để họ tiếp cận được thị trường tốt hơn.

     80% nông sản tiêu thụ ở các nước đang phát triển là do các nông dân cá thể làm ra trong các nông trại nhỏ, nhưng họ đều thiếu điều kiện. Cải thiện điều kiện sinh hoạt của họ tốn đến 3.000 tỷ đô la, theo các ước tính.

     Các chuyên gia còn nêu những hiện tượng cần phải đối đầu: thiên tai nhiều hơn trước, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế tài chính, cộng thêm biến đổi khí hậu. Trong năm 2012, có 366 triệu người sống trong hoàn cảnh này, trong đó có 129 triệu người thiếu ăn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150528-lan-dau-tien-nan-doi-tren-the-gioi-lui-buoc

     Thế giới ngày nay vẫn còn quá nhiều người đói nghèo, cần được giúp đỡ để có thể cải thiện được đời sống, thoát cảnh đói khổ. Những người Do thái xưa, cũng do nghèo đói, muốn được bảo đảm về mặt vật chất, lúc nào cũng có bánh ăn no nê nên họ đã đi theo Đức Giêsu với ý định tôn Ngài lên làm vua… 

     Ga 6, 22-29

     22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?" 26 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." 28 Họ liền hỏi Người : "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." 
(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Sau khi Đức Giêsu phép lạ bánh hóa nhiều, đám đông được ăn no nê, họ định tôn Ngài lên làm vua, dù không hề nghe Ngài nói gì đến việc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị của Roma.

     Có lẽ vì nghèo đói, được tận mắt chứng kiến phép lạ Đức Giêsu đã làm, được ăn bánh no nê, chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài sẽ mang đến cho họ. Theo Ngài, lúc nào họ cũng có bánh ăn no, không phải khổ sở vì đói.

    Nhưng, Đức Giêsu không phải là một Mêsia làm chính trị. Ngài mong nuôi được nhiều người hơn và nuôi được mọi người. Ngài muốn nuôi họ không phải chỉ về thân xác, mà cả về tinh thần; không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá, mà nuôi bằng giáo huấn và bằng chính con người của Ngài.

    Ngài khuyên những người đang đi theo Ngài: “Hãy ra sức làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Lương thực đó, sẽ do chính Ngài, Ðấng đã được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận sẽ ban cho họ. Lương thực đó là lương thực thường tồn, lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu.

    Những người nghèo hôm nay rất cần cơm bánh, rất cần thức ăn trần thế để sống, nhưng họ cũng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa, đó là công bằng, hạnh phúc; là tình yêu thương và cả sự kính trọng. 

    Tin vào Đấng được Thiên Chúa đã sai đến và sống theo lời Ngài dạy, chúng ta sẽ biết cách để giúp đỡ những người nghèo khó, khổ đau. 

    Lạy Chúa Giêsu, thế giới ngày nay còn rất nhiều người đang sống đói khổ. Xin cho chúng con thực sự biết cảm thông, chia sẻ với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng con cả về vật chất, lẫn tinh thần. Amen.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Mẻ cá lớn

      Hai tuần sau khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ mới lấy lại tinh thần - bớt sợ người Do Thái, trở về vùng Galilê sinh sống bằng nghề lưới cá như lúc trước khi theo Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng.

    Khác với 2 lần hiện ra trong nhà - cửa đóng kín (Ga 20,19-31) ở Jerusalem, lần này Chúa Giêsu hiện ra ngoài trời ở vùng Tây Bắc biển Tibêria (Ga 21,1) - cách Capharnaum 2 km, trung tâm mục vụ của Chúa Giêsu ngày xưa.

    Tại đây có một nhà thờ gọi là Church of Primacy of Peter - nhà thờ Quyền Tối Cao Phêrô, được xây dựng từ cuối thế kỷ IV, bị phá hủy năm 1263. Năm 1933, dòng Phanxicô cho xây cất lại trên nền cũ và tồn tại đến nay.


      Bên trong nhà thờ, ngay trước cung thánh là nơi Chúa đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho các môn đệ "các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa." (Ga 21, 9)

Mensa Christi: Bàn của Chúa Kitô

http://40giayloichua.net/Locations/PrimacyChurch.html

       Chúng ta đã được chiêm ngưỡng di tích thánh. Chúng ta hãy đọc Tin Mừng để xem việc cụ thể đã xảy ra tại đây như thế nào…

     Ga 21, 1-14

     1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp : "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
   4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời : "Thưa không." 6 Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
     9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : "Đem ít cá mới bắt được tới đây !" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : "Anh em đến mà ăn !" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêria, xứ Galiê, nơi các môn đệ đã quen thuộc với nghề đánh cá. 

     Suốt đêm hôm ấy, bảy môn đệ đã vất vả, cực nhọc mà chẳng đánh bắt được gì. Đến sáng, theo sự chỉ dẫn của một người lạ mặt trên bờ hồ, các ông đã đánh được một mẻ cá lớn. Nhờ mẻ cá lạ lùng này, các ông đã nhận ra Chúa Giêsu, Thầy của các ông. Người nhận ra Chúa đầu tiên cũng chính là Gioan, vị môn đệ được Ngài yêu thương.

     Thánh Hiêrônimô nói rằng các nhà nghiên cứu sinh học thời cổ đại tính trong thiên nhiên phân biệt được 153 loại cá. Theo nhiều nhà chú giải Kinh Thánh, mẻ cá lạ lùng này chính là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo hội. Mẻ lưới của các tông đồ sẽ quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.

    Công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh không phải chỉ là bổn phận dành riêng cho linh mục, tu sĩ, mà là bổn phận chung của mọi người tín hữu. Chu toàn được bổn phận ấy không phải là một việc dễ dàng, trái lại ở mọi nơi và trong mọi lúc, người tông đồ đều có thể gặp phải những khó khăn, những phản kháng…

    Trong những hoàn cảnh như thế, nếu chỉ cậy dựa vào sức lực và tài năng của mình, chúng ta sẽ dễ nản chí và chắc chắn sẽ đi tới chỗ thất bại. Trái lại, như các môn đệ đã vâng lời Chúa thả lưới, nếu chúng ta biết cậy dựa vào tình thương và ơn sủng của Chúa, chúng ta sẽ luôn có được một lòng hăng hay và nhiệt thành, bền chí để đi tới thành công. Bởi vì đối với Chúa, không có điều gì mà Ngài không thể làm được.

     Noi gương các môn đệ, chúng ta hãy vâng theo lời Chúa, ra khơi và thả lưới, để nhờ đó chúng ta sẽ đem về cho Chúa những tâm hồn sám hối.

     Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, trong cuộc sống và cả trong các hoạt động tông đồ, nhiều lúc chúng con “vất vả suốt đêm mà không được gì”, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ. Xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.