Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Nghe mà không hiểu

26.9.2015 – Thứ bảy Tuần 25 Thường niên
Không hiểu lời đó

'Ở Việt Nam, tôi tự hào vì IELTS 7.5, Speaking 7.0, nhưng sau một tháng du học ở châu Âu, tôi mới tẽn tò nhận ra mình nói tiếng Anh rất tệ, chả ai hiểu được', 
Bạn Lê Thị Mỵ có kể Chuyện bi hài khi Ta nói Tây không hiểu như sau:
Lúc còn ở Việt Nam, tôi có niềm tin sắc đá là tiếng Anh của tôi rất ngon lành. Tôi rất tự hào vì là dân tỉnh lẻ, không tốn một đồng luyện thi nhưng vẫn được IELTS 7.5. Nhưng sau một tháng du học ở châu Âu, tôi mớ i tẽn tò nhận ra, tôi nói tiếng Anh rất tệ.
Lúc đầu, tôi thích nói tiếng Anh nhanh, vậy cho có phong thái của người giỏi tiếng Anh. Nhưng sau một tháng, tôi cay đắng thừa nhận, chỉ có bạn Scotland là hiểu tôi nói gì. Còn các bạn Đức, Pháp, Thụy Điển... thì chỉ gật đầu giả bộ hiểu!
Khi đã thân hơn, bạn người Italy mới tiết lộ: “Mỗi lần mày nói, tụi tao gật đầu lia lịa vậy thôi. Thiệt ra, tụi tao hổng có hiểu gì hết. Mày phát âm lạ quá hà. Tụi tao sợ mày giận nên hổng dám nói”.
Cả ngày hôm đó, tôi bàng hoàng nhận ra nhiều điều. Bạn Scotland từng qua Việt Nam 6 tháng nên đã quen với tiếng Anh kiểu Việt Nam. Đối với các bạn khác, tôi nói tiếng Anh như nói ngọng.
Nỗi buồn của người thi IELTS 7.5, Speaking 7.0 chưa dừng lại ở đây mà thậm chí trở nên trầm trọng hơn khi tôi gặp các bạn Phillipines. Niềm vui nho nhỏ của hội Phillipines này là nhái giọng Việt Nam. Tới lúc xách cặp đi học nước ngoài tôi mới thấm thía câu "Chửi cha không bằng pha tiếng".
Thay vì lên Facebook than vãn, tôi quyết tâm cải thiện phát âm tiếng Anh. Tôi le te ra chợ mua cuốn sổ thật đẹp, đặt tên nó là “Những câu chuyện rùng rợn về lỗi phát âm của một người Việt”, tên ngắn gọn là “Ta nói Tây không hiểu”.
Chuyện số 1: Thầy hướng dẫn và tôi thảo luận cách bố trí thí nghiệm. Nhưng tôi nói mãi chữ “food” mà thầy không hiểu tôi nói cái chi. Tối hôm đó, tôi lủi thủi lên youtube coi người bản xứ nói chữ “food” thế nào.
Sau 30 phút vật vã, tôi mới bần thần phát hiện, hơn 10 năm nay, tôi toàn phát âm bậy chữ “food”. Nói chữ “food”, phải nói âm “u dài” mới đúng. Trong khi đó, tôi lại quen miệng nói thành “u ngắn”, như chữ “u” trong tiếng Việt. Đau lòng thay.
Chuyện số 2: Gần hết giờ học, nhưng tôi hậu đậu làm mất sheet trong Excel. Hết cả hồn, tôi mới nói với cô giáo “I can’t find my sheet”. Cô giáo sững sờ nhìn, tôi càng run hơn. Hít một hơi tôi mới lắp bắp “Can you help me find my sheet”.
30 giây im lặng trôi qua, không ai nói gì. Giây 31, cả lớp cười ầm lên. Nhờ công các bạn, tôi đau khổ nhận ra, tôi đã nói bậy chữ “sheet” thành “shit”! Sheet và Shit, quê độ thay. Những chuyện rùng rợn về lỗi phát âm vẫn còn nhiều, nhưng tôi chỉ kể 2 chuyện làm tôi xấu hổ nhất.
….
Bạn Mỵ kể chuyện Ta nói Tây không hiểu do bất đồng ngôn ngữ, nhưng có những môn đệ gần ba năm theo Thầy, Thầy và trò cùng dùng chung một ngôn ngữ nhưng Trò cũng không hiểu Thầy muốn nói gì… Chúng ta cùng đọc đoạn Tin Mừng sau và cùng tìm hiểu xem tại sao như vậy
Lc 9, 43b-45
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Bài Tin Mừng này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ nhưng chính vào giây phút thành công vẻ vang này, Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện các môn đệ không hiểu: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” .
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu. Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Chúng ta cùng suy niệm về mầu nhiệm đau khổ với Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ:
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình. Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên. Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha, và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại. Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người, và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa. Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh. Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa. Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này, chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài, cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Lạy Chúa Giê-su, Chúa có quyền chọn lựa tất cả nhưng Chúa vẫn “nộp mình” cho Thiên Chúa Cha định liệu. Xin cho con biết noi gương Ngài cố gắng tín thác cuộc đời con cho Chúa qua từng biến cố đời con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét