Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Ðám đông nói Tôi là ai ?




25.9.2015 – Thứ sáu Tuần 25 Thường niên
Anh em bảo Thầy là ai?

     
Armstrong sinh ngày 5/8/1930 tại tiểu bang Ohio, Mỹ.
      Vào khoảng những năm 1956, ông là một phi công lái thử tại Trạm Bay Tốc độ cao NACA ở Căn cứ Không quân Edwards, tiểu bang California.
      
         Armstrong và dấu chân huyền thoại trên mặt trăng
       Sau quãng thời gian làm một phi công lái thử, Armstrong có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp. Ông chuyển sang làm một nhà du hành vũ trụ.
      Năm 1969, Armstrong nhận nhiệm vụ tham gia chuyến bay Apollo 11 và sứ mệnh đại diện cho cả ngành hàng không vũ trụ Mỹ trong việc đặt chân lên Mặt Trăng. Người Mỹ rất khao khát làm được điều này, sau khi người Nga đã đi trước một bước với việc đưa được con người vào vũ trụ 8 năm trước đó.
      Sáng sớm ngày 21/7/1969, Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân xuống Mặt Trăng với câu nói nổi tiếng: "Đây là bước đi nhỏ của một con người, nhưng là bước tiến lớn của nhân loại". Sau đó Armstrong và bạn đồng hành Aldrin cùng căng lá quốc kỳ Mỹ trên Mặt Trăng. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới và có đến vài trăm triệu người đã theo dõi qua màn hình tivi đen trắng.
      Với việc trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, Armstrong vụt sáng để trở thành một biểu tưởng đáng tự hào của rất nhiều thế hệ người Mỹ. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều thanh niên Mỹ coi ông là một tấm gương sáng để noi theo.
      Sau khi thực hiện "bước tiến dài của nhân loại" trên Mặt Trăng vào năm 1969, nhà du hành Neil Armstrong duy trì cuộc sống bình lặng và tránh xa ánh hào quang của quá khứ.
      Ngay sau chuyến bay lên Mặt Trăng, Armstrong tuyên bố ông sẽ không bay lên vũ trụ nữa. Ông từ bỏ mọi chức vụ tại NASA vào năm 1971 và nhận công việc giảng dạy tại khoa Cơ khí Hàng không của Đại học Cincinnati ở tiểu bang Ohio. Mặc dù từng lái máy bay chiến đấu cho hải quân Mỹ, làm phi công thử nghiệm và phi hành gia cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Armstrong chưa bao giờ cho phép bản thân chìm đắm trong ánh hào quang sau chuyến bay lên Mặt Trăng vào năm 1969. Ông rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Vô số công ty muốn ông trở thành người phát ngôn của họ, nhưng ông liên tục từ chối và chỉ chấp nhận lời mời của một số doanh nghiệp.
      "Tôi, bây giờ và mãi mãi, chỉ là một kỹ sư bình thường", ông từng tuyên bố như vậy vào năm 2000.
      Khi xuất hiện tại thành phố Dayton vào năm 2003 để tham dự một sự kiện, Armstrong bước lên sân khấu nhưng chỉ phát biểu trước đám đông trong vài giây và không hề đề cập tới Mặt Trăng. Sau đó ông nhanh chóng rời sân khấu.
      Luôn lẩn tránh ống kính của báo giới, nhưng vào năm 2010, Armstrong xuất hiện trước công chúng để bày tỏ sự lo ngại về chính sách của Tổng thống Obama đối với chương trình thám hiểm vũ trụ. Sau khi nắm quyền, ông Obama không ưu tiên tới việc trở lại Mặt Trăng mà chú trọng vào việc tư nhân hóa hoạt động vận tải vũ trụ.
      Cùng với hơn 10 phi cựu phi hành gia của NASA, ông ký một thư kêu gọi chính phủ Mỹ hướng tới Mặt Trăng trong tương lai.
      Ngày 25/8/2012, Armstrong qua đời tại chính quê hương Ohio, vì những di chứng sau một ca phẫu thuật tim
      …
      Gia đình Armstrong tuyên bố trong cáo phó trong đám tang ông: "Neil Armstrong là một vị anh hùng bất đắc dĩ, bởi ông ấy nghĩ rằng đặt chân lên Mặt Trăng chỉ là một phần của công việc"
https://vi.wikipedia.org/wiki/Neil_Armstrong
     
       Không biết việc Armstrong ngay sau chuyến bay lên Mặt Trăng, tuyên bố sẽ không bay lên vũ trụ nữa, “duy trì cuộc sống bình lặng và tránh xa ánh hào quang của quá khứ” có liên quan gì đến sự việc sau đây không?
      “Khi còn là một sinh viên, ông đã ghi trong cuốn sổ tay câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh em bảo Thầy là ai?” và ông đã trả lời: “Ngài là người không hề phạm tội, là người vị tha, là người biết quan tâm săn sóc kẻ khác, là người gần gũi Thiên Chúa”. Như vậy, ông Amstrong đã không trả lời theo thần học hay giáo lý cho câu hỏi “Anh em bảo Thầy là ai?”, nhưng ông đã đưa ra câu trả lời của riêng mình, ông đã nhìn sâu vào tâm hồn mình và nói ra cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong cuộc sống riêng tư của ông”.

http://www.kinhmungmaria.com/

        Chúng ta cùng đọc lại đoạn Tin mừng của Thánh Luca:
        Lc 9, 18-22

      

  Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”

       “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
       Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
       Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
       Giống như ông Armstrong, chúng ta cũng phải nhìn sâu trong tâm hồn mình để nói ra cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong chính cuộc sống của mình, và cảm nghiệm này mang tính riêng tư không ai giống ai và điều quan trọng là ta phải sống câu trả lời của mình.
      “Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn. Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia. Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
      Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha. Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do, và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
      Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất, xin để cho đời mình đáp lại tình yêu”
 
                                                                                                         (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
     
       Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tự mình khám phá khuôn mặt Chúa trong suốt cuộc đời con. Xin ban cho con đôi mắt trong sáng để nhận ra Chúa mọi nơi mọi lúc; và đôi tai mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy, để người khác cũng nhận ra khuôn mặt đáng yêu của Chúa nơi chính cuộc đời con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét