Chẳng biết từ bao giờ việc mời cưới, bao gồm cả đi mời và được mời lại trở thành nỗi “khiếp sợ” khó giải bày của nhiều người. Người đi mời thì đau đầu không biết nên mời ai, bỏ ai, mời rồi người ta có đi không, không mời thì người ta có giận không, mời người này mà không mời người kia có kỳ không, không thích nhưng phải mời vì cả nể mối quan hệ, mời bao nhiêu người mới “gỡ vốn”… Còn người được mời thì méo mặt vì muôn nỗi lo như sắp xếp thời gian, chuẩn bị quần áo, tóc tai… và nhất là khoản tiền mừng nhiều khi bằng tiền ăn cả tuần của họ. Chưa kể những trường hợp chẳng thân thiết gì với cô dâu và chú rể nhưng vì một lý do nào đó vẫn được mời và vẫn phải tham dự trong tâm lý gượng ép, khiên cưỡng đến khó chịu.
Những đám cưới với mục đích chia sẻ niềm vui và những lời chúc phúc thực sự đã dần biến mất và thay thế bằng những bữa tiệc mang nặng tính hình thức, xem trọng những mối quan hệ xã giao. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Anh Hoàng Trung Tín, một nhân viên văn phòng (quận 3) hóm hỉnh tâm sự: “Mỗi lần thấy có đồng nghiệp nào trong công ty đang rục rịch chuẩn bị đám cưới, tôi liền vái thầm trong bụng “Đừng có mời tôi! Đừng có mời tôi!” nhưng đồng nghiệp mà, chắc chắn rồi cũng “dính chưởng”. Làm khác phòng, nhiều khi cả tuần cả tháng không nói được với nhau một câu mà chẳng hiểu sao lại mời dự đám cưới. Nhưng nghĩ làm chung công ty mà không đi thì sau này khó nhìn mặt nhau nên tôi cũng bấm bụng đến dự cho phải phép”.
Hài hước hơn, nắm bắt tâm lý sợ bị mời cưới của nhiều người, nhất là đối tượng nhân viên văn phòng - những người vốn có nhiều mối quan hệ xã giao với các đồng nghiệp, đối tác, khách hàng… một doanh nghiệp khi đăng thông báo tuyển dụng nhân sự mới đã kèm theo bản mô tả công việc có đoạn: “Bạn không cần phải có mặt thường xuyên ở công ty nên không sợ sẽ nhận thiệp cưới của các đồng nghiệp”.
…
Linh Lê
http://saostar.vn/doi-song-xa-hoi/neu-khong-xin-dung-moi-cuoi-39892.html
Trên đây là một phần trong bài viết của tác giả Linh Lê. Bài viết đã nói lên những suy nghĩ rất thực của cả người mời và những người được mời dự tiệc cưới ngày nay. Trong Tin Mừng, khi được một thủ lãnh nhóm Pharisêu mời dự tiệc, Đức Giêsu đã đưa ra một lời khuyên về việc chọn khách mời dự tiệc...
Thứ Hai Tuần 31 Thường Niên
Lc 14,12-14
12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)
“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người. Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại đưa ra một lời khuyên ngược lại.
Nhiều trang Tin Mừng đã nói đến sự xung khắc giữa người Pharisêu với Đức Giêsu, nên thật ngạc nhiên khi hôm nay Đức Giêsu đến dự tiệc ở nhà của một thủ lãnh nhóm Pharisêu. Người thủ lãnh này đã khá cởi mở khi mời Đức Giêsu đến ăn chung với mình. Có lẽ giữa Đức Giêsu và người này có một tình cảm đặc biệt. Và chắc cũng vì thế, Đức Giêsu đã khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy mời những người có địa vị xã hội thấp kém, những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù đến cùng ăn uống với ông, đơn giản chỉ vì họ không thể mời lại ông để đáp lễ.
Thực hiện được như vậy ông sẽ là người có phúc, vì ông sẽ được chính Thiên Chúa đáp lễ thay cho họ trong ngày các kẻ lành sống lại.
Thế giới còn rất nhiều người đau khổ cần sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nghe tin đồng bào miền Trung bị lũ lụt, cơ cực, khốn khổ; gặp những người nghèo khó, tàn tật, đau khổ chúng ta thương cảm, muốn chia sẻ, giúp đỡ họ, nhưng nếu chỉ dừng lại ở những điều ước thì đó chỉ là tình yêu thương nằm nơi sách vở, lời nói. Tình yêu thương đích thực cần phải được đem ra thực hành.
Lạy Chúa Giêsu ! Xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, đau khổ để chúng con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn. Amen.