Hơn hai thập kỷ trôi qua, Linh mục Nguyễn Hữu Triết vẫn say mê thú vui sưu tập đèn cổ với ước nguyện các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng lại những thứ mà cha ông đi trước đã tạo lập. Có người đã ví ông như một vị “thần đèn” hay Người “chép sử” bằng đèn cổ
Linh mục Nguyễn Hữu Triết |
Cơ duyên với sưu tập đèn cổ
Linh mục Nguyễn Hữu Triết (SN 1945) hiện là Chánh xứ Tân Sa Châu, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM. Hỏi cơ duyên nào đưa linh mục Triết đến với thú sưu tầm đèn dầu cổ, ông cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, khi vị giáo xứ già qua đời, tôi dọn dẹp phòng của ông thì vô tình nhìn thấy có sáu chiếc đèn dầu cũ. Quý trọng những hiện vật của người đã khuất, tôi bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về đèn dầu cổ”.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết tìm đến với những ngọn đèn dầu vì nó đã thắp lên ánh sáng cho đời và cũng chính là tìm đến dòng ánh sáng vẫn cháy trong tâm tưởng. Ông bảo: “Tôi có ý sưu tập đèn bởi đèn gần gũi với đời sống con người. Dân tộc nào cũng cần đèn, cần đến ánh sáng mà ngọn đèn mang lại”.
Một góc bộ sưu tập đèn cổ |
Bắt đầu từ năm 1994, Cha Triết bắt đầu sưu tập những chiếc đèn cổ. Đi đến đâu, dù trong hay ngoài nước, hễ tìm được chiếc đèn xưa cũ ông lại mua mang về. Có cái giá rẻ, nhưng cũng có cái hàng chục triệu đồng. Góp nhặt những đồng tiền tiết kiệm được, linh mục Triết mua đèn dầu cổ về trưng bày trong “bảo tàng” do chính ông gây dựng. Suốt hơn 20 năm đam mê và tìm tòi, ông đã có một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 1.500 đèn dầu cổ. Chúng được xem như kho tàng quý lưu giữ nét văn hóa truyền thống vùng miền của Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nổi bật là cây đèn gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.
Ngoài ra có nhiều chiếc đèn được làm từ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần, Lê, Mạc... lại có chiếc xuất xứ từ nền văn minh Ả Rập. Những chiếc đèn bằng sứ thời nhà Lý chỉ là một chiếc đĩa đơn giản, đến những chiếc đèn Pháp chứa được 7,5 lít dầu, chiếc đèn Ấn Độ cao 1,5m, có tới 5 ngọn. Rồi có chiếc đèn bằng sứ thời vua Đạo Quang (nhà Thanh, Trung Quốc) và cả những chiếc đèn Chăm-pa của các thế kỷ VII, VIII. Đó còn là những chiếc đèn cổ của các nước Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia... Những chiếc đèn cổ trong và ngoài nước đều góp mặt nơi đây làm phong phú cho bộ sưu tập đèn cổ này. Những chiếc đèn dầu với nhiều kiểu dáng lạ mắt, chạm trổ tinh xảo và độc đáo không chỉ thu hút được khách trong nước mà còn làm say mê du khách nước ngoài.
Tôi chỉ là người “nhặt nhạnh những thứ mà người ta đã bỏ đi”
Không nhận mình là nhà sưu tập, linh mục Triết cho rằng, mình chỉ là một người đi nhặt những chiếc đèn cũ và mang về, đơn giản đó như là một thói quen. Một thói quen theo cả một hành trình. Đơn giản vậy thôi. “Với tôi, sưu tập là một niềm vui, nhất là khi sưu tập được một hiện vật mình ưa thích, niềm vui đó được nhân lên gấp đôi. Khi cổ vật được đưa ra cho mọi người thưởng lãm thì niềm vui đó lại được nhân lên gấp ba, bốn lần”.
Ông cho biết, đối với những cây đen "Càng cũ lại càng quý hiếm, càng vỡ lại càng đáng để trân trọng". Dù bắt đầu sưu tập đèn từ những năm 90, Linh mục Triết vẫn thấy nuối tiếc vì mình sưu tập đèn muộn quá để lỡ đi nhiều chiếc đèn cổ và quý. Đam mê đèn, vị linh mục còn nghiên cứu để tự đặt tên, tìm nguồn gốc, xuất xứ của từng cây và định vị chúng trong những khoảng thời gian ra đời.
Dù mất bao công sức sưu tầm, bỏ không ít tiền của và thời gian, nhưng linh mục Triết không giữ cho riêng mình mà có nguyện vọng đem bộ sưu tập của mình phục vụ mọi người. Theo linh mục, những chiếc đèn cũng ẩn chứa trong đó những góc khuất của cuộc sống ngày xưa và cả nếp nghĩ của người xưa. Hiện giờ, gần 1.000 cây đèn trong số hơn 1.500 cây đã được ông chuyển cho giáo phận TP. HCM và thánh địa La Vang để mọi người có thể thưởng ngoạn.
Hiện nay, Cha Triết vẫn tiếp tục tìm kiếm để bộ sưu tập đèn cổ của mình ngày càng phong phú. Nhìn vào bộ sưu tập đèn cổ của Linh mục Nguyễn Hữu Triết, mọi người đều cảm nhận nỗ lực rất lớn của ông trong hành trình tìm lại những công cụ, vật dụng thắp sáng của người xưa còn tồn tại cho đến hôm nay.
Quỳnh Ngọc - Kyluc.vn (Hình: Internet)
http://kyluc.vn/tin-tuc/bo-su-tap/vi-linh-muc-va-bo-suu-tap-den-co-ky-luc
Những cây đèn, những dụng cụ thắp sáng của người xưa cha Triết sưu tập đã được chuyển đến nhiều nơi trưng bày để mọi người có thể thưởng ngoạn. Những cây đèn này tuy không còn chức năng thắp sáng như khi nó được tạo ra, nhưng không thể giấu chúng đi, vì nó lại “soi sáng” giúp người thời nay biết được cách người xưa đã dùng để thắp sáng.
19.9.2016 – Thứ hai Tuần 25 Thường niên
Lc 8, 16-18
Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng: 16 "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
(Nhóm phiên dịch CGKPV)
Bài Tin Mừng này chỉ có ba câu, được Thánh sử Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống, một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa (Lc 8,5-15).
Ngọn đèn được thắp lên để soi sáng nên nó phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Đời sống đức tin của người Kitô hữu cũng như chiếc đèn, cần phải được đốt lên và chiếu sáng. Ngọn đèn đời sống đức tin phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày mới có khả năng chiếu sáng, vì chính Chúa Giêsu đã xác quyết: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5, 14a,16).
Trở nên ánh sáng là ơn Chúa ban cho tất cả những ai chấp nhận tuân theo Chúa Kitô, chấp nhận ánh sáng của Ngài. Ánh sáng của Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta để được cháy sáng. Mỗi Kitô hữu chúng ta có bổn phận làm cho ánh sáng ấy lan rộng mãi bằng những “công việc tốt đẹp”.
"Hãy để ý tới cách thức anh em nghe, vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất". Đức tin được trao ban cho cũng sẽ bị mất đi, nếu chúng ta chỉ nghe mà không thực hành Lời Chúa giáo huấn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy để chúng con luôn luôn lớn lên trong Chúa và trở thành ánh sáng trong ánh sáng của Chúa để có thể chiếu giãi ra như lòng Chúa ước mong. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét