Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Đừng tự mãn

     Sáng 30/9, trao đổi với PV về clip "Người mang sắc phục công an kéo lê phụ nữ bán hàng rong trên đường", một lãnh đạo Công an quận 3 xác nhận thiếu úy trong clip đang công tác tại Công an phường 6.


     Công an quận đang yêu cầu chiến sỹ trong clip làm tường trình về vụ việc. Trong sáng nay Công an quận đã có cuộc họp về vụ việc và đang chờ ý chiến chỉ đạo của ban chỉ huy Công an quận.

    Trước đó, vào tối 29/9, người dân sống tai khu vực hồ Con Rùa (phường 6, quận 3, TP.HCM) bức xúc khi thấy một phụ nữ bán hàng rong bị người đàn ông mang sắc phục công an đang túm đầu tóc, ghì chặt một người phụ nữ.

     Sau đó, người đàn ông này tiếp tục kéo lê người bán hàng rong trượt dài trên đường và chỉ dừng lại khi người dân vây kín can ngăn. 


Người phụ nữ bị người đàn ông mang sắc phục công an túm tóc kéo đi
     Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1977, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) còn người đàn ông đánh chị Thảo được cho là chiến sỹ công an công tác tại phường 6 (quận 3, TP.HCM).

     Sáng 30/9, PV VTC News đã tìm đến nhà chị Thảo để tìm hiểu rõ sự việc. Chị Thảo cho biết hiện vết thương của chị còn rất đau. Vì mất nhiều máu nên chị Thảo vẫn bị choáng, chiều nay chị sẽ tiếp tục đến bệnh viện để thăm khám.

     Chị Thảo kể, khoảng 19h30 tối 29/9, khi đang bán hàng chị phát hiện trên xe ô tô biển xanh có một người đàn ông mang sắc phục công an bước xuống dẹp hàng rong nên chị ôm hàng tháo chạy.

     Lúc này, người đàn ông mang sắc phục công an đạp bể thùng nước rồi theo chị đến quán cà phê tại đường Công Trường Quốc Tế (phường 6, quận 3).

     “Sau khi bắt được tôi, người đàn ông mang sắc phục công an túm áo, túm tóc tôi rồi quát “ai cho bán hàng rong ở đây”. Tôi trả lời “tôi làm ăn lương thiện, có phải cướp bóc gì đâu mà bắt” thì liền bị người này đánh nhiều phát vào đầu khiến tôi đau đớn, máu chảy rất nhiều. Lúc này, tôi cố giãy giụa thì bị người đàn ông mang sắc phục công an ghì chặt rồi kéo lê nhiều mét trên đường” - chị Thảo nói.

Chị Thảo cho biết, mình đang phải chăm sóc cha già ốm yếu
     Chị Thảo cho biết thêm, sau gần 30 phút bị người đàn ông mang sắc phục công an khống chế, kéo lê, có nhiều người vào can ngăn, khuyên nhủ người đàn ông thì chị mới được buông tha. Ngay sau chị Thảo được người dân đưa đến bệnh viện quận 1 điều trị và được chuẩn đoán là tổn thương, rách vùng đầu nên phải khâu 5 mũi, còn tay trái bị sưng khó cử động.

     Cũng theo chị Thảo, mình bán rong nhưng là sai nhưng lực lượng chức năng phải xử thế nào cho hợp lý chứ không được dùng nắm đấm với dân.

http://www.vtc.vn/nguoi-phu-nu-bi-keo-le-tren-duong-yeu-cau-mot-chien-sy-lam-tuong-trinh-d279024.html

    Được học hành, được đào tạo và được trao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho dân nhưng lại tự cho mình quyền hành xử với người dân như vậy, thật khó chấp nhận! Những người vùng Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum ngày xưa có thái độ kiêu căng, tự mãn đã bị Đức Giêsu đã quở trách rất nặng! 

30.9.2016 - Thứ Sáu tuần 26 mùa Thường Niên 
Lc 10,13-16

     13 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! 16 "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy." "Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời"

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

     Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum là những thành phố nằm ven biển hồ Galilê. Dân chúng ở đây tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác trên đất nước Israel. Nhưng chính sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng, tự mãn, không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiều lời rao giảng và phép lạ Đức Giêsu đã làm ở những nơi đó đều hầu như hoàn toàn vô ích. Bởi thế, Đức Giêsu đã quở trách họ rất nặng: “Khốn cho ngươi!”.

     Được học hành nhiều, có kiến thức, lại sống ở những nơi kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, có mức sống cao hơn… chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng như những người dân các thành bị Đức Giêsu chúc dữ. Đừng để những hiểu biết, những tiện nghi vật chất làm chúng ta ra kiêu căng, tự mãn, chỉ biết sống cho mình!

     Cũng có thể chúng ta là những người siêng năng đến nhà thờ, nghe giảng nhiều lại năng đọc sách đạo đức… nên trong những buổi chia sẻ Lời Chúa, chúng ta nghĩ rằng mình đã biết rồi, không cần nghe thêm nữa; những ngày hành hương, những buổi tĩnh tâm chúng ta thơ ơ vì còn bao việc khác phải lo, phải làm!

    Dù chúng ta là ai, Chúa vẫn còn gửi các sứ giả của Ngài đến để dạy dỗ hay chỉ để khuyên bảo, nhắc nhở chúng ta. Những người đó có thể là một người bạn, có thể là cấp trên, là bề trên, nhưng cũng có thể họ là người dưới của chúng ta, hoặc là những người hèn kém, những người đơn sơ, bé nhỏ… Hãy nghe họ để tim ý Chúa, không biết nghe họ là không muốn nghe Chúa!

     “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy (Lc 10,16). Những lời này Đức Giêsu không chỉ nói với các môn đệ và các đấng kế vị các ngài, mà còn nói với tất cả những ai tin vào Ngài. Thật là một vinh dự đáng tự hào, một trách nhiệm lớn lao nhưng chúng ta đã nghe Lời Chúa đủ để có thể nói Lời Ngài chưa? Chúng ta có dám chịu khước từ vì Ngài không?

    Lạy Chúa Giêsu, đã bao lần chúng con thờ ơ, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay những lời giảng dạy của các chủ chăn, những lời chia sẻ của anh em... Xin giúp chúng con biết nhìn nhận sự mỏng giòn, yếu kém của mình để biết nghe Lời Chúa giáo huấn và nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn sống tình bác ái, yêu thương. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Chọn lựa thích hợp

     Trong một động thái khá bất ngờ, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 11/8 thừa nhận ông có thể thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và trở về với công việc điều hành kinh doanh.


Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump
     Trả lời phỏng vấn CNBC, tỉ phú New York này nói: "Tôi là người thích nói thật. Tất cả những gì tôi làm là nói sự thật. Nếu trong 90 ngày cuối cùng, tôi thất bại, không sao, tôi vẫn sống tốt khi trở lại cuộc sống bình thường".

     Khi được hỏi liệu ông có dự định gì để đảo ngược thế cờ khi luôn bị bà Clinton dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Trump nói rằng: “Đơn giản tôi sẽ chỉ làm những gì như tôi đang làm hiện nay. Cuối cùng, tôi sẽ trở lại công việc và bạn biết đó tôi sẽ có một kì nghỉ rất rất dài”.

     Trước đó, trong một buổi vận động tranh cử ở bang Ohio, ông Trump từng nói rằng ông lo sợ một kì bầu cử "gian lận". Tuy nhiên, với bình luận hôm qua, ông Trump dường như đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho thất bại với một thái độ trung hòa hơn.

     Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Real Clear Politics cho thấy, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton hiện dẫn trước ông Trump 8 điểm. Duy trì “phong cách” trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, gần đây ông Trump liên tục đưa ra những phát ngôn “gây sốc” trong đó có bình luận cho rằng chỉ những người ủng hộ sở hữu súng đạn có thể ngăn bà Clinton xóa bỏ Tu chính án thứ hai hay Tổng thống Barack Obama là người sáng lập ra tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

     Giấc mộng vào Nhà Trắng không thành, ông Trump có thể sẽ trở lại công việc điều hành kinh doanh bất động sản của mình với khối tài sản khoảng 4,5 tỷ USD hoặc tới 10 tỷ USD như ông Trump từng khoe với báo giới.

     Mặc dù vậy, cho đến hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ chủ động rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngay cả khi có thông tin cho rằng nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ nhóm họp để tìm người thay thế Trump nếu ông này bỏ cuộc.

Minh Phương (tổng hợp)

http://dantri.com.vn/the-gioi/donald-trump-thua-nhan-co-the-that-bai-trong-cuoc-dua-vao-nha-trang-20160812070631329.htm

      Dù thừa nhận có thể thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và có thể sẽ trở lại công việc điều hành kinh doanh bất động sản của mình, nhưng ông Donald Trump vẫn “sẽ chỉ làm những gì như tôi đang làm hiện nay”. Không thay đổi chiến lược để đạt mục đích, có phần nào giống với những ai muốn theo Thầy Giêsu nhưng lại do dự không dứt khoát với tình cảm, với quá khứ…

28.9.2016 - Thứ Tư tuần XXVI Thường Niên 
Lc 9, 57-62 

     57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." 58 Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." 59 Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." 60 Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." 61 Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." 62 Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."


(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)


     Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, qua ba câu trả lời ba người muốn đi theo Ngài, Đức Giêsu giáo huấn về những điều kiện để làm môn đệ Ngài - Những điều kiện thật khắt khe:

      Điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải trở nên giống Ngài ở chỗ chịu bỏ mọi an toàn, chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định (không có nơi tựa đầu), chấp nhận bị từ chối (như dân làng Samaria đã từ chối tiếp đón Ngài), chấp nhận sống thân phận lữ khách, luôn trong tư thế lên đường. 

     Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Đức Giêsu không coi nhẹ, cũng không dạy những ai theo Ngài coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng dạy rằng: trong trường hợp có xung đột giữa hai bổn phận ấy, thì người môn đệ phải biết coi trọng Nước Thiên Chúa hơn (cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ).

     Điều kiện thứ ba, Ngài đòi những ai muốn làm môn đệ Ngài phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị...), phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi (đã cầm cày, không được ngoái lại đàng sau).

    Thật khó để có một thái độ dứt khoát như Đức Giêsu đòi buộc. Là người tin theo Chúa, nhiều lần trong lúc sốt sắng, chúng ta cũng có thể quyết tâm sống theo giáo huấn của Chúa, nhưng rồi vì những thành kiến, vì nuối tiếc những bảo đảm vật chất, vì quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ… chúng ta chùn bước.

     Rồi khi phục vụ anh chị em, khi hành hương, hoặc khi tham gia các khóa huấn luyện xa nhà, gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản, chúng ta không rút lui ngay, nhưng tinh thần đã có chao đảo, nhiệt tình có giảm sút, nguội lạnh đi. 

    Bên cạnh đó, tuy thấm nhuần giáo huấn của Chúa, nhưng đầu óc vẫn không thể thóat khỏi những vấn vương, những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân… 

     Chúa dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ, chắc chắc Ngài không cấm chúng ta nghĩ đến gia đình, người thân và lo chu toàn bổn phận trần thế nhưng Chúa khuyên chúng ta đừng để những lo lắng ấy xâm lấn bổn phận của người làm con cái Nước Thiên Chúa và còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.

     Muốn trở thành môn đệ Chúa phải quên đi những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa và khi phải chọn lựa thì phải dứt khoát chọn Chúa, vì: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

      Lạy Chúa Giêsu, thật khó để chúng con có thái độ dứt khoát như giáo huấn của Chúa. Xin Chúa thương ban thêm đức tin và lòng mến, giúp chúng con luôn biết chọn lựa những gì thích hợp với Nước Thiên Chúa. Amen.

Tình yêu xóa bất đồng, thù hận

     Mối bất hoà giữa dân Do thái và dân Samaria bắt nguồn từ một câu truyện rất xa xưa. Khoảng năm 720 TCN, người Assyri xâm chiếm và thống trị vương quốc Samaria ở phía bắc. Người Samari bắt đầu cưới gả với người ngoại bang mới đến. Người Do thái coi đó là trọng tội, không thể tha thứ. Vì họ đã làm mất thuần chủng Do thái. Cho đến nay, trong gia đình Dothái có một luật hết sức nghiêm khắc là, nếu có một đứa con trai hay con gái cưới vợ lấy chồng ngoại bang, thì người ta lập tức làm lễ an táng người con ấy, vì bị xem như đã chết rồi. Như vậy, đa số dân xứ Samaria thuộc vương quốc miền bắc bị đầy sang Mêđi và không bao giờ trở về nữa, họ bị đồng hóa với các dân tộc thống trị họ. Số người còn trong xứ lại cưới gả với dân ngoại bang được đưa đến đó, nên họ cũng mất luôn quyền làm công dân Do thái.

     Về sau, vương quốc miền Nam, là Giuđêa cũng bị xâm lăng và bại trận. Dân chúng bị đày sang Babylon, nhưng không mất gốc, họ vẫn còn là dân Do thái ngoan cố. Sau thời lưu đày trở về, công việc đầu tiên của họ là tu sửa lại Đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Người Samaria đến giúp đỡ, vì muốn được cùng làm công việc thánh thiêng ấy, nhưng họ bị khinh miệt và khước từ. Nhục vì bị từ khước, người Samaria quay lại chống đối kịch liệt dân Giuđêa.


     Sự bất hòa còn gay gắt hơn, khi người Do thái phản đạo là Manasê tìm cách xây một đền thờ đối lập trên núi Garizim, nằm trung tâm xứ Samaria. Về sau, năm 129 tcn, quân Do thái mở cuộc tấn công người Samaria và huỷ diệt ngôi Đền thờ tại Garizim. Người Dothái và Samaria lại càng thù ghét nhau hơn. Cuộc bất hòa giữa hai dân tộc, Do thái và Samaria, đã có từ hơn bốn trăm năm, nhưng vẫn gay gắt vào thời Chúa Giêsu.

Nguồn: http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=285

     Tìm hiểu về sự bất hòa giữa dân Do thái và dân Samaria chúng ta mới hiểu được vì sao hai ông Giacôbê và Gioan lại nổi nóng, xin Đức Giê su cho các ông khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng Samaria

27.9.2016 - Thứ ba tuần XXVI Thường Niên
Lc 9, 51-56 

     51 Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" 55 Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

     Đức Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem, vì Người biết rõ sắp tới ngày chịu nạn chịu chết. Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha.

     Khi bị dân Samaria từ khước, không đón tiếp Thầy, hai ông Giacôbê và Gioan nổi khùng, muốn dùng biện pháp mạnh thiêu đốt làng đó ngay lập tức. Đức Giêsu đã khiển trách hai ông và chọn cách đi sang làng khác.

    Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của mình, Đức Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương, nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.

     Ngày nay, người Kitô hữu cũng dễ dàng chọn cách cư xử như Giacôbê và Gioan. Chúng ta xa lánh, cô lập, loại trừ những người không cùng chung niềm tin và không cùng suy nghĩ, đặc biệt là người chống đối đạo Chúa. Chúng ta lên án, muốn chúc dữ cho những người dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa... 

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học cách yêu thương những người không tiếp đón Chúa và quay lưng với Giáo hội. Hãy kiên nhẫn cầu xin Lửa Tình Yêu từ trời xuống thánh hóa và biến đổi họ. Hãy kiên nhẫn tìm cách gặp gỡ, đối thoại với họ bằng trái tim hiền hậu để giới thiệu cho họ về một Thiên Chúa là Tình Yêu và hãy kiên nhẫn thuyết phục họ bằng chính đời sống chứng nhân mến Chúa hết lòng; yêu thương, phục vụ những người thấp kém, bé mọn như Lời Chúa dạy.

     Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn học nơi Chúa, biết dùng tình yêu để xóa bỏ hận thù, để chữa lành vết thương tan vỡ tình người. Xin cho chúng con biết cách mang lại tình hiệp nhất, tình liên đới yêu thương nơi cộng đoàn chúng con hoạt động, sinh sống. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Ai lớn nhất ?

     Khi lượt chạy thứ hai vòng loại nội dung 5.000 m tại Olympic 2016 diễn ra được khoảng 3.000 m, vận động viên Abbey D'Agostino bị đau chân và ngã lăn ra đường piste. VĐV điền kinh người Mỹ thậm chí còn bật khóc nức nở.

     Chứng kiến đối thủ bị chấn thương, VĐV Nikki Hamblin quyết định quay lại giúp đỡ người đồng nghiệp. Và cả 2 VĐV đều không bỏ cuộc, tiếp tục thực hiện 2.000 m còn lại của chặng đua. 


     Abbey D'Agostino cũng hoàn thành phần chạy của mình với cái chân đau dù cô về cuối cùng trong tổng số 29 VĐV tham dự vòng loại. Dù có thành tích không đủ vào top 8 VĐV dẫn đầu, nhưng Nikki Hamblin vẫn có mặt ở chung kết vào sáng 20/8 tới (theo giờ Việt Nam) sau khi đội tuyển điền kinh New Zealand kiến nghị và được ban tổ chức xem xét.

     Sau khi hoàn thành phần thi của mình, Nikki Hamblin đã chờ để ôm Abbey D'Agostino ở vạch đích và đỡ VĐV người Mỹ lên xe lăn trước khi rời sân.


     Hình ảnh Nikki Hamblin giúp đỡ Abbey D'Agostino và 2 VĐV ôm nhau ở vạch đích có lẽ sẽ là một trong những khoảnh khắc đẹp và xúc động nhất ở Olympic Rio 2016. Bởi đơn giản nó tôn vinh tinh thần của Thế vận hội, tinh thần thể thao cao thượng.

Q.C
Ảnh: Getty Images


     Đạt thành tích cao, giành huy chương là điều bất cứ vận động viên nào khi tham gia thi đấu cũng ước mong giành được. Hành động của Nikki Hamblin đã vượt lên trên ước mơ ấy, nó khác với suy nghĩ và hành động của các môn đệ Đức Giêsu trước khi các ông được Thầy chỉ dạy.

26.9.2016 - Thứ Hai tuần XXVI Thường Niên
Lc 9, 46-50 

     46 Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? 47 Đức Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48 và nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất." 49 Ông Gioan lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." 50 Đức Giêsu bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! "


     Để dạy các môn đệ bài học về sự khiêm nhường, về tinh thần phục vụ, khi các ông đang loay hoay với một câu hỏi trong lòng: “Trong các ông, ai là người lớn nhất?”, nghĩa là ai trong các ông có khả năng trở thành thủ lĩnh, Thầy Giêsu đã đem một em nhỏ đến đặt em đứng bên cạnh mình, đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” và khẳng định: “ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” 

     Sự so sánh địa vị lớn - nhỏ, có thể dẫn đến điều tiêu cực là sự ganh ghét, tranh giành, bực tức, đố kỵ. Những yếu tố này không phải là tố chất của người môn đệ Thầy Giêsu. Sự “lớn”, “nhỏ” Thầy Giêsu nói đến ở đây không phải là sự “lớn”, “nhỏ” về thể lý, về ngoại hình và cả về địa vị xã hội nhưng là sự “lớn”, “nhỏ” về tinh thần và thái độ phục vụ. Ai càng khiêm nhường phục vụ mọi người, kể cả những người hèn kém và không có địa vị gì trong xã hội, người đó càng trở nên người lớn nhất trong Đức Giêsu.

     Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm, các môn đệ lại đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm. “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.” Các ông cảm thấy khó chịu và cố ngăn cản khi thấy một người ở ngoài nhóm, không có công “đi theo Thầy” lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ! Thầy Giêsu đã dạy các ông đừng ngăn cản họ và chỉ rõ cho các ông: “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! "

     Rõ ràng không ai vừa lấy Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ, lại có thể nói xấu Thầy hay làm gì hại đến Danh Thầy. Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ. Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia, chỉ mong Danh Thánh Chúa Giêsu được tôn vinh!

    Có những lúc buồn chán, đau khổ, thất vọng, cũng có thể chúng ta đã so sánh và hỏi Chúa: sao Chúa lại cho những người khô khan, nguội lạnh; những người sống trong tội lỗi lại giàu có, sung sướng, “hạnh phúc” hơn chúng con? 

     Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, Chúa đòi chúng ta phải dám bỏ mình đi, trung kiên vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa; phải biết hy sinh quên mình đi trong đời sống phục vụ, như hạt lúa chịu mục nát đi để sinh được nhiều bông hạt và nhất là phải biết chấp nhận để Chúa lớn lên còn mình thì nhỏ lại trong lòng anh em.. Những đòi hỏi dường như quá khó ấy vẫn có biết bao lớp quảng đại đáp lại, vui mừng khi làm xong việc, không ngại ngần tự nhủ: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nghe Lời Chúa dạy và noi gương các thánh nhân của Chúa, trung kiên theo Chúa đến cùng và dám chấp nhận hao mòn như ngọn nến cháy để toả lan ánh sáng tình yêu Chúa đến với những người chung quanh chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đấng chúng ta tin là ai ?

     (VTC News) - Những điểm tương đồng đến kỳ lạ giữa ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump với các chi tiết trong bài thơ của nhà tiên tri Pháp Nostradamus khiến không ít người cho rằng, tỷ phú người Mỹ sẽ trở thành ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng.

    Trong bài thơ của mình, tiên tri người Pháp có đề cập tới 'trumpet', một người đưa ra những tuyên bố sai lầm và quyết định khó hiểu.

    Theo trang mạng Buzzfeed, điều này khiến người ta liên tưởng đến những phát ngôn gây sốc và những hành động không giống ai của tỷ phú người Mỹ.

Bài thơ 'sấm truyền' của tiên tri người Pháp nổi tiếng Nostradamus
     Chưa hết, bài thơ còn nhắc đến việc 'trumpet' sẽ gây nên một sự chia rẽ nghiêm trọng, kéo theo đó là một loạt các hiệp ước quan trọng sẽ bị gỡ bỏ.

     Điều này gần như trùng khớp với những tuyên bố về việc xóa bỏ hiệp ước NAFTA, hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TTP và thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris của Trump một khi ông đắc cử.

     Bên cạnh đó, nhà tiên tri người Pháp cũng đề cập đến việc 'trumpet' sẽ trục xuất kẻ thù của mình. Thực tế, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa từng dọa trục xuất tất cả người nhập cư trái phép và bãi bỏ những sắc lệnh của Tổng thống Barack Obama liên quan đến vấn đề này nếu ông trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Những câu thơ được cho là dự đoán về Donald Trump
     Những điểm trùng hợp đến kỳ lạ đó khiến không ít người tin rằng, Donald Trump chứ không phải ai khác sẽ ngồi vào chiếc ghế quyền lực của Nhà Trắng.

     Nhưng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại tin vào lời sấm truyền của nhà tiên tri người Pháp nhiều đến vậy. 

     Bởi đơn giản ngay cả đển các nhà sử gia cũng phải công nhận rằng, quá nửa trong số hơn 1.000 những lời tiên đoán của Nostradamus đã trở thành sự thật.

      Nổi tiếng và xác thực nhất trong số đó phải kể đến thảm họa 11/9 và sự trỗi dậy của IS, qua những lời tiên đoán: “Hai con chim thép sẽ rơi trên bầu trời Metropolis. Bầu trời sẽ bùng cháy ở vĩ độ 45. Ngọn lửa sẽ thiêu hủy thành phố.”

     Những câu thơ trên của Nostradamus làm cho người đọc liên tưởng tới những gì đã diễn ra ở NewYork cách đây gần 15 năm khi hai trong số 4 máy bay khủng bố đâm vào toà tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, gây ra thảm kịch ngày 11/9/2001.

     Không chỉ có vậy, nhà tiên tri người Pháp còn dự đoán một 'đội quân Hồi giáo' tiến vào châu Âu, những kẻ khủng bố này sẽ chiếm cứ nhiều nơi ở châu lục địa già và chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sớm bắt đầu và kết thúc trong thời gian 27 năm.

     Người ta tin rằng đội quân Hồi giáo mà Nostradamus nhắc tới là IS và những gì ông tiên đoán chính xác là những gì tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới đang làm ở châu Âu sau những vụ khủng bố ở Bỉ và Pháp thời gian qua.

Song Hy (Nguồn: BuzzFeed) 

http://www.vtc.vn/loi-tien-doan-dang-so-cua-tien-tri-nguoi-phap-ve-donald-trump-d271841.html

     Những phát ngôn gây sốc và những hành động không giống ai của tỷ phú người Mỹ làm người ta đồn đoán nhiều và có người dựa vào những điểm tương đồng giữa ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump với các chi tiết trong bài thơ của Nostradamus để cho rằng, tỷ phú người Mỹ sẽ trở thành ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Những người Do thái cùng thời với Đức Giêsu khi nghe những giáo huấn mới lạ của Ngài và chứng kiến các phép lạ Ngài làm rất ngạc nhiên và bàn tán xôn xao về Ngài, đồn đoán về Ngài…

23/9/2016 - Thứ Sáu Tuần thứ 25 TN 
Lc 9,18-22 

     18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" 19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."


      Với những giáo huấn mới lạ và các phép lạ Ngài làm, Đức Giêsu đã làm cho người Do thái cùng thời phải ngạc nhiên và bàn tán xôn xao về Ngài. Người thì cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào đó. 

     Sau khi nghe các môn đệ cho biết ý kiến của dân chúng về mình, Đức Giêsu đã hỏi chính các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20). Chúa Giêsu muốn các môn đệ bày tỏ điều họ đang nghĩ về Ngài. Ông Phêrô được ơn soi sáng đặc biệt, nên biết Đức Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. 

      Tuy nhiên, Phêrô vẫn chưa hiểu đúng sứ vụ của Đấng Kitô. Ông nghĩ đó là Đấng Mêsia được tôn vinh, sẽ chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến để giải phóng dân Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng mạnh. Đức Giêsu đã vén mở cho các ông biết: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn, chịu chết rồi mới sống lại.

     Chúng ta cũng được mời gọi làm môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta hãnh diện về một Giáo hội tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, có đông tín đồ, có tổ chức quy mô… Khác với các môn đệ xưa, “không được nói điều ấy với ai”, ngày nay chúng ta được phép rao giảng về một Đức Kitô là một Thiên Chúa quyền phép vinh quang, nhưng trước hết và trên hết chúng ta phải rao giảng về Ngài là một Đức Chúa chết trên Thập Giá vì tội lỗi loài người và vì yêu thương loài người.

      Chúng ta tin vào một Đức Kitô "phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết”. Mỗi khi gặp đau khổ, bị từ bỏ, chúng ta hãy ý thức rằng chúng ta đang được chia sẻ thân phận của Chúa chúng ta.

     Hãy ngoan ngoãn vâng nghe Lời Chúa hướng dẫn, hiểu biết đúng về Chúa và can đảm thực thi thánh ý của Ngài. 

     Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng Chúa là Ðấng Kitô. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để dám dấn thân cho niềm tin của mình, dù phải vượt qua chông gai, thử thách, dù phải đối diện trước nghi nan, thất vọng vẫn một niềm son sắt vác thập gía mình mà theo Chúa. Amen.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Lòng nhân trọng hơn lễ tế

     Khoảng đầu tháng 7/2016, ông O., một chủ doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ thương mại và vận chuyển tại huyện Bến Lức cho biết doanh nghiệp của ông nhận được quyết định về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp do Chi cục thuế huyện Bến Lức ban hành vào ngày 21/6. Theo quyết định này, Nguyễn Trọng Tính làm trưởng đoàn kiểm tra doanh nghiệp của ông O.


     Khi kết thúc kiểm tra, ông Tính cho rằng doanh nghiệp của ông O. có sai phạm và mức đóng thuế khoảng hơn 1,4 tỉ đồng. Lúc này, ông O. đã liên tục giải trình về những điểm bất hợp lý của Chi cục Thuế huyện Bến Lức nhưng ông Tính không chấp nhận.

    Sau một hồi thương lượng, ông Tính cho biết nếu ông O. muốn giảm chi phí đóng thuế xuống còn 600 triệu thì phải “lót tay” cho cá nhân mình 400 triệu đồng.


Ông Tính bị bắt quả tang khi đang nhận tiền 
của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
  Nghi ngờ ông Tính tư lợi cá nhân, tống tiền doanh nghiệp của mình nên ông O. đã lén ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai người lại. Đồng thời, ông O. cũng thương lượng với ông Tính để giảm bớt số tiền “lót tay” xuống còn 200 triệu đồng và ông Tính đã đồng ý.

Ngay sau đó, ông O. đã mang file ghi âm đến cơ quan công an điều tra huyện Bến Lức để tố cáo hành vi tống tiền của ông Tính.

      Ngày 8/7, khi ông Tính đang nhận 200 triệu từ vợ ông O. thì bị cơ quan chức năng ập vào bắt quả tang.

       Hiện sự việc đang được cơ quan điều tra huyện Bến Lức điều tra làm rõ.
Xuân Hinh

http://dantri.com.vn/phap-luat/bat-mot-can-bo-thue-nhan-hoi-lo-200-trieu-dong-20160715144015887.htm

      Không chỉ thời nay những người làm nghề thu thuế dễ bị đồng tiền cám dỗ, dẫn đến sa ngã, từ xưa cũng đã như vậy, đến mức giới lãnh đạo Do thái giáo liệt những người làm nghề này là hạng người tội lỗi.

21.9.2016 - Thứ Tư Tuần thứ 25 Thường Niên.
Mt 9,9-13

     9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : "Anh hãy theo tôi !" Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?" 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."


     Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông. Ông làm nghề thu thuế, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thuế ông đang ngồi và gọi ông. Ông vui mừng, nhanh chóng đứng dậy và đi theo Ngài. Sau đó ông mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.

      Chính trong bữa tiệc này, ông đã hiểu vì sao Thầy Giêsu chọn gọi ông làm môn đệ của Ngài: Thầy Giêsu là vị thầy thuốc nhân lành, Ngài đi tìm để cứu chữa những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

      Là người làm một nghề bị giới lãnh đạo Do thái giáo loại trừ và xem là hạng người tội lỗi, nhưng thánh Matthêu không mặc cảm, không do dự, từ khước lời mời gọi của Thầy Giêsu. Ngược lại, ông đã mau mắn, chân thành đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài, vì ông tin rằng Thầy Giêsu thấu rõ con người ông hơn bất kỳ ai.

      Chúng ta cũng là những người tội lỗi đã được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Hãy đáp lại tình thương của Chúa bằng lòng mến chân thành, vì điều Thiên Chúa cần nơi con người là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. 

     Chúng ta dễ rơi vào tình trạng giữ đạo vì theo đạo của cha ông, vì thói quen hay cao hơn là vì bổn phận chứ không phải vì lòng mến Chúa chân thành. Có khi chúng ta cố gắng giữ đúng lề luật Chúa để được Chúa thương ban cho được sống bình an, hạnh phúc, hoặc mong được Chúa ban cho những ơn chúng ta đang cầu xin hơn là để đẹp lòng Chúa. Và, cũng có khi chúng ta tự coi mình là công chính rồi cảm thấy khó chịu hoặc xa lánh những người chúng ta coi là kẻ tội lỗi, xấu xa…

     Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình để biết đến với Chúa với cả tấm lòng, để dành cho Chúa chỗ nhất trong cuộc đời mình. 

     Lạy Chúa, xin ban cho chúng con được lòng mến Chúa chân thành, để luôn can đảm sống theo những đòi hỏi của Chúa, để biết cảm thông và yêu thương những người anh em bên cạnh mình, xứng đáng với lòng Chúa thương yêu kêu gọi chúng con. Amen.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Gia đình và người thân

    Thấy lưng bố đẫm mồ hôi vì sửa xe bán hàng, cô bé Trung Quốc đã lấy chiếc khăn mặt cũ, đứng che nắng cho bố.


    Theo womanofchina, bức ảnh được chụp tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đang gây sốt mạng xã hội nước này. Trong ảnh, cô bé 14 tuổi tên Yang Meng đang đứng giơ khăn, che nắng cho bố.

      "Tôi đã chụp bức ảnh này khi trên đường đến siêu thị vào cuối tuần trước. Tôi quyết định không thể bỏ lỡ khoảnh khắc đó. Cô bé khiến tôi rất cảm động. Con trai tôi thậm chí còn chẳng vui mừng khi tôi trở về nhà", chủ nhân bức ảnh, người đàn ông tên Xu cho hay.

Con gái 14 tuổi đứng che nắng cho bố gây sốt mạng xã hội Trung Quốc. 
Ảnh: womanofchina. 
     Khi được hỏi về việc làm của mình đang khiến nhiều người cảm phục, cô bé tỏ ra khá ngạc nhiên: "Đó là những gì cháu nên làm. Cháu nghĩ điều đó là chuyện hết sức bình thường. Ngày hôm đó, chiếc xe chở hàng của bố cháu bị hỏng nên bố phải sửa rất lâu. Lưng bố ướt đẫm vì nắng nóng. Lúc đầu cháu định lấy ô che cho bố nhưng mà nó bị hỏng mất rồi. Thế nên cháu mới dùng tạm một chiếc khăn. Bố liên tục giục cháu vào trong, thậm chí la mắng vì sợ cháu say nắng nhưng cháu vẫn muốn làm vậy".

    Người mẹ cho biết Yang thường xuyên chia sẻ công việc gia đình và giúp bố mẹ chăm sóc em trai 6 tuổi và em gái 7 tuổi.
Mộc Miên

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/buc-anh-co-be-lay-khan-che-nang-cho-bo-sua-xe-gay-xuc-dong-3455766.html

     Một cô bé 14 tuổi dùng một chiếc khăn che nắng cho bố vất vả sửa xe, khác với hình ảnh một thanh niên thấy mẹ vất vả tìm mình lại có một câu trả lời làm người nghe khó hiểu…

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên
Lc 8, 19 – 21 

     19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." 21 Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Những người nghe Đức Giêsu giảng đang ở gần Ngài, họ được Đức Giêsu nhận là Mẹ và anh em của mình, là gia đình của mình vì họ là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Có vẻ như Ngài phủ nhận mối quan hệ với Mẹ Maria và anh em họ của Ngài?

     Nếu chỉ đọc lướt qua đoạn Tin Mừng hay nghe thoáng qua câu trả lời của Đức Giêsu, người nghe sẽ thấy khó hiểu, thậm chí khó chịu vì Đức Giêsu có vẻ xem nhẹ mối quan hệ với những người ruột thịt, trong đó có chính người sinh thành, dưỡng dục Ngài.

     Thực ra, Đức Giêsu không có ý chối bỏ gia đình huyết tộc của mình, mà Ngài muốn bày tỏ cho đám đông thấy rằng, gia đình của Ngài không chỉ bao gồm “Mẹ và anh em” Ngài, nhưng còn là tất cả những ai “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” thì đều là mẹ và anh chị em của Ngài. 

     Đức Giêsu không hề phủ nhận tư cách làm Mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại, đây chính là một cách Ngài đề cao Mẹ Maria. Hơn ai hết, Mẹ là người luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa, Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ không chỉ sinh ra Chúa Giêsu mà còn là Mẹ vì đã thực thi trọn vẹn ý Chúa.

    Nghe Lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta không chỉ quan tâm đến gia đình ruột thịt của mình, nhưng còn phải xây dựng tình huynh đệ trong gia đình Thiên Chúa, chân thành lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy trong mỗi ngày sống của mình.

     Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã trọn hảo trong việc lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng con đức tin tinh tuyền để chúng con can đảm, chân thành thực thi Lời Chúa trong mỗi ngày sống của chúng con. Amen !

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Hãy giữ cho đèn cháy sáng

     Hơn hai thập kỷ trôi qua, Linh mục Nguyễn Hữu Triết vẫn say mê thú vui sưu tập đèn cổ với ước nguyện các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng lại những thứ mà cha ông đi trước đã tạo lập. Có người đã ví ông như một vị “thần đèn” hay Người “chép sử” bằng đèn cổ 



Linh mục Nguyễn Hữu Triết

      Cơ duyên với sưu tập đèn cổ

     Linh mục Nguyễn Hữu Triết (SN 1945) hiện là Chánh xứ Tân Sa Châu, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM. Hỏi cơ duyên nào đưa linh mục Triết đến với thú sưu tầm đèn dầu cổ, ông cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, khi vị giáo xứ già qua đời, tôi dọn dẹp phòng của ông thì vô tình nhìn thấy có sáu chiếc đèn dầu cũ. Quý trọng những hiện vật của người đã khuất, tôi bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về đèn dầu cổ”.

     Linh mục Nguyễn Hữu Triết tìm đến với những ngọn đèn dầu vì nó đã thắp lên ánh sáng cho đời và cũng chính là tìm đến dòng ánh sáng vẫn cháy trong tâm tưởng. Ông bảo: “Tôi có ý sưu tập đèn bởi đèn gần gũi với đời sống con người. Dân tộc nào cũng cần đèn, cần đến ánh sáng mà ngọn đèn mang lại”.

Một góc bộ sưu tập đèn cổ
     Bắt đầu từ năm 1994, Cha Triết bắt đầu sưu tập những chiếc đèn cổ. Đi đến đâu, dù trong hay ngoài nước, hễ tìm được chiếc đèn xưa cũ ông lại mua mang về. Có cái giá rẻ, nhưng cũng có cái hàng chục triệu đồng. Góp nhặt những đồng tiền tiết kiệm được, linh mục Triết mua đèn dầu cổ về trưng bày trong “bảo tàng” do chính ông gây dựng. Suốt hơn 20 năm đam mê và tìm tòi, ông đã có một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 1.500 đèn dầu cổ. Chúng được xem như kho tàng quý lưu giữ nét văn hóa truyền thống vùng miền của Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nổi bật là cây đèn gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.

     Ngoài ra có nhiều chiếc đèn được làm từ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần, Lê, Mạc... lại có chiếc xuất xứ từ nền văn minh Ả Rập. Những chiếc đèn bằng sứ thời nhà Lý chỉ là một chiếc đĩa đơn giản, đến những chiếc đèn Pháp chứa được 7,5 lít dầu, chiếc đèn Ấn Độ cao 1,5m, có tới 5 ngọn. Rồi có chiếc đèn bằng sứ thời vua Đạo Quang (nhà Thanh, Trung Quốc) và cả những chiếc đèn Chăm-pa của các thế kỷ VII, VIII. Đó còn là những chiếc đèn cổ của các nước Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia... Những chiếc đèn cổ trong và ngoài nước đều góp mặt nơi đây làm phong phú cho bộ sưu tập đèn cổ này. Những chiếc đèn dầu với nhiều kiểu dáng lạ mắt, chạm trổ tinh xảo và độc đáo không chỉ thu hút được khách trong nước mà còn làm say mê du khách nước ngoài.

     Tôi chỉ là người “nhặt nhạnh những thứ mà người ta đã bỏ đi”

     Không nhận mình là nhà sưu tập, linh mục Triết cho rằng, mình chỉ là một người đi nhặt những chiếc đèn cũ và mang về, đơn giản đó như là một thói quen. Một thói quen theo cả một hành trình. Đơn giản vậy thôi. “Với tôi, sưu tập là một niềm vui, nhất là khi sưu tập được một hiện vật mình ưa thích, niềm vui đó được nhân lên gấp đôi. Khi cổ vật được đưa ra cho mọi người thưởng lãm thì niềm vui đó lại được nhân lên gấp ba, bốn lần”.

     Ông cho biết, đối với những cây đen "Càng cũ lại càng quý hiếm, càng vỡ lại càng đáng để trân trọng". Dù bắt đầu sưu tập đèn từ những năm 90, Linh mục Triết vẫn thấy nuối tiếc vì mình sưu tập đèn muộn quá để lỡ đi nhiều chiếc đèn cổ và quý. Đam mê đèn, vị linh mục còn nghiên cứu để tự đặt tên, tìm nguồn gốc, xuất xứ của từng cây và định vị chúng trong những khoảng thời gian ra đời.

    Dù mất bao công sức sưu tầm, bỏ không ít tiền của và thời gian, nhưng linh mục Triết không giữ cho riêng mình mà có nguyện vọng đem bộ sưu tập của mình phục vụ mọi người. Theo linh mục, những chiếc đèn cũng ẩn chứa trong đó những góc khuất của cuộc sống ngày xưa và cả nếp nghĩ của người xưa. Hiện giờ, gần 1.000 cây đèn trong số hơn 1.500 cây đã được ông chuyển cho giáo phận TP. HCM và thánh địa La Vang để mọi người có thể thưởng ngoạn. 

    Hiện nay, Cha Triết vẫn tiếp tục tìm kiếm để bộ sưu tập đèn cổ của mình ngày càng phong phú. Nhìn vào bộ sưu tập đèn cổ của Linh mục Nguyễn Hữu Triết, mọi người đều cảm nhận nỗ lực rất lớn của ông trong hành trình tìm lại những công cụ, vật dụng thắp sáng của người xưa còn tồn tại cho đến hôm nay. 

Quỳnh Ngọc - Kyluc.vn (Hình: Internet)

http://kyluc.vn/tin-tuc/bo-su-tap/vi-linh-muc-va-bo-suu-tap-den-co-ky-luc

     Những cây đèn, những dụng cụ thắp sáng của người xưa cha Triết sưu tập đã được chuyển đến nhiều nơi trưng bày để mọi người có thể thưởng ngoạn. Những cây đèn này tuy không còn chức năng thắp sáng như khi nó được tạo ra, nhưng không thể giấu chúng đi, vì nó lại “soi sáng” giúp người thời nay biết được cách người xưa đã dùng để thắp sáng.

19.9.2016 – Thứ hai Tuần 25 Thường niên
Lc 8, 16-18

     Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng: 16 "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."

 (Nhóm phiên dịch CGKPV)

     Bài Tin Mừng này chỉ có ba câu, được Thánh sử Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống, một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa (Lc 8,5-15). 

    Ngọn đèn được thắp lên để soi sáng nên nó phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Đời sống đức tin của người Kitô hữu cũng như chiếc đèn, cần phải được đốt lên và chiếu sáng. Ngọn đèn đời sống đức tin phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày mới có khả năng chiếu sáng, vì chính Chúa Giêsu đã xác quyết: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5, 14a,16).

     Trở nên ánh sáng là ơn Chúa ban cho tất cả những ai chấp nhận tuân theo Chúa Kitô, chấp nhận ánh sáng của Ngài. Ánh sáng của Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta để được cháy sáng. Mỗi Kitô hữu chúng ta có bổn phận làm cho ánh sáng ấy lan rộng mãi bằng những “công việc tốt đẹp”.

    "Hãy để ý tới cách thức anh em nghe, vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất". Đức tin được trao ban cho cũng sẽ bị mất đi, nếu chúng ta chỉ nghe mà không thực hành Lời Chúa giáo huấn.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy để chúng con luôn luôn lớn lên trong Chúa và trở thành ánh sáng trong ánh sáng của Chúa để có thể chiếu giãi ra như lòng Chúa ước mong. Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Loan báo Tin Mừng

Mẹ Têrêxa, khi Mẹ chết, cái gì sẽ thay đổi?

     Câu trả lời của Mẹ Thánh Têrêxa với một ký giả đã soi sáng cho hàng triệu đời sống

     Năm 1979, Mẹ Têrêxa đến Oslo, thủ đô nước Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình. Mẹ cầm tràng hạt trong tay. Không một ai ở đất nước theo giáo phái luther dám chỉ trích Mẹ về tình yêu của Mẹ dành cho Mẹ Maria.

     Trên đường về Mẹ ghé Rôma, nơi có rất nhiều ký giả chen chúc chờ Mẹ trong sân của căn nhà khiêm tốn Dòng Thừa sai Bác ái, Mẹ đón họ như con cái mình. Mẹ để trong tay mỗi ký giả một bức hình Đức Mẹ Vô Nhiễm. Một ký giả hỏi Mẹ một câu hơi khiêu khích:

     – Mẹ Têrêxa, Mẹ đã 70 tuổi. Khi Mẹ chết, thế giới sẽ nhanh chóng trở lại giống như trước. Cái gì sẽ thay đổi với bao nhiêu cố gắng như thế?

     Mẹ có thể bực bội trả lời, nhưng ngược lại, Mẹ có một nụ cười thật tươi giống như Mẹ vừa được ôm yêu thương một cách trìu mến. Mẹ trả lời:

     – Ông biết đó, tôi không bao giờ nghĩ tôi có thể làm thay đổi thế giới! Tôi chỉ cố gắng làm một giọt nước sạch, một giọt nước trong suốt trong đó có thể làm rạng lên tình yêu của Chúa. Ông thấy như vậy là ít sao?

     Ông ký giả không biết trả lời như thế nào. Chung quanh Mẹ ai cũng im lặng, một im lặng đầy xúc động và bắt người khác phải lắng nghe. Mẹ Têrêxa tiếp tục nói và hỏi người ký giả:

    – Vậy ông cũng cố gắng làm một giọt nước sạch và trong suốt, như thế chúng ta sẽ là hai giọt nước. Ông lập gia đình chưa?

     – Dạ thưa Mẹ rồi.

     – Vậy ông về nói với vợ ông, chúng ta sẽ là ba giọt nước. Ông có con chưa?

     – Dạ thưa Mẹ có, ba đứa…

     – Vậy ông cũng nói với các con, như thế chúng ta có sáu giọt nước.

http://phanxico.vn/2016/09/16/me-terexa-khi-me-chet-cai-gi-se-thay-doi/

     Mẹ Thánh Têrêsa đã dâng hiến trọn cuộc đời phục vụ Chúa qua những người nghèo khổ nhất. Như các vị thánh trong Tin Mừng Mẹ đã đi theo và phục vụ Chúa và anh em của Ngài đến cùng.

     16.9.2016 - Thứ Sáu tuần 24 thường niên 
     Lc 8, 1-3 

    1 Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

     Trong suốt hành trình tại thế đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chọn gọi nhiều người cộng tác với Ngài. Ngày nay, Giáo hội cũng mời gọi mọi thành phần dân Chúa cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu uỷ thác cho Giáo Hội trước khi Ngài về trời. 

     Mỗi người chúng ta, tuỳ theo khả năng và điều kiện của mình, dù là việc đơn sơ nhỏ bé, hãy ý thức mình làm để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh, nhất là những người chưa nhận biết hay chưa nghe nói về Thiên Chúa. 

    Hãy nên chứng nhân cho Chúa giữa đời thường bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong xã hội; sống liên đới, công bình và thực thi bác ái với mọi người chúng ta gặp gỡ.

    Hãy luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, không ai trong chúng ta là người ngoài cuộc và vô giá trị, ngược lại mỗi người chúng ta đều là những thụ tạo tuyệt vời và riêng biệt của Thiên Chúa. 

   Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được cộng tác với Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng là một hồng ân Chúa ban để chúng con luôn giữ được lòng vui tươi, hăng say và nhiệt thành sống chứng tá cho Chúa giữa lòng nhân loại. Amen.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Đau khổ sinh ơn cứu độ

    Chị Lương Thị Hồng Giang, Hai Bà Trưng, Hà Nội với dáng người mảnh khảnh, trông chị rất trẻ nhưng ít ai biết rằng chị đã làm mẹ của hai đứa con.

     Quyết giữ con dù bị rubella thai kỳ

     Chị Giang tâm sự: năm 2011, chị mang thai đứa con đầu lòng. Lúc ấy chị mới 21 tuổi. Khi mang thai vào tháng thứ 3, chị thấy người nổi nhiều nốt lạ. Chị cặp nhiệt độ và thấy sốt nhẹ. Chị nghĩ mình mắc sởi. Một tuần sau, chị Giang đi xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ và kết quả dương tính yếu với vi rút rubella. Lúc ấy, tại bệnh viện Phụ sản trung ương cũng có nhiều người phải bỏ con vì rubella. Chị đã làm thủ tục nhưng sau đó chị quyết định quay về giữ lại con.

     Tuy nhiên, trong suốt quá trình thai kỳ dù chị tuân thủ nghiêm ngặt các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhưng đến tuần 22 chị phải treo chân 2 tháng vì dọa sinh non.

     Khi sinh bé, cháu bé trắng trẻo, khỏe mạnh. Chị Giang theo dõi bé ngoan ăn no rồi ngủ. Sang tháng thứ 2 cho tới lúc cháu được 3 tháng 10 ngày bé vẫn chỉ khóc, rồi ngủ. Khi được 6 tháng, chị Giang nhận được kết quả đo thính lực của con với mức điếc sâu hai tai, bác sĩ giải thích rằng ngoài tiếng động cơ máy bay ở bên cạnh ra thì con không nghe được âm thanh nào bé hơn thế…

    Dù chị không tin vào kết quả này nhưng vẫn phải chấp nhận vì thực sự bé không có phản xạ nào với âm thanh kể cả những tiếng vỗ tay mà chị Giang vẫn cho rằng cháu cảm nhận được. Lúc ấy, chị Giang chỉ còn biết tự trách mình làm con khổ.

Chị Giang và con trai của mình
     Từ khi biết con là trẻ bị điếc sâu bẩm sinh, chị Giang lao vào mạng tìm kiếm kiến thức về khiếm thính. Tuy nhiên, mỗi buổi học cho trẻ mất 150 nghìn đồng/2 tiếng, chị Giang lại chưa có công việc ổn định. 15 tháng, cháu chưa ngồi vững, chưa biết đi, chị ôm con về quê với hi vọng dạy cho con cách tập đi. Chị Giang kiên trì nói chuyện với con dù biết điều đó là vô nghĩa.

     Quyết tâm cứu con

     Khi con biết đi, chị lại đưa con đi gặp cô giáo và chị biết về việc cấy ốc tai điện từ để bé có thể nghe và nói được. Tuy nhiên, một bộ ốc tai điện từ lên đến 21 nghìn đô la còn chưa kể tiền phẫu thuật. Chị Giang hoang mang và lo lắng vô cùng. Với chị, số tiền 100 triều đồng đã là quá lớn nói gì đến 700 triệu đồng. 

     Chị kể lúc ấy chỉ có suy nghĩ "1 là có tiền, con sẽ được nghe, được nói, được trở thành đứa trẻ bình thường. 2 là không có tiền, con sẽ là đứa trẻ câm, điếc, đi kèm đó là sự chậm phát triển về trí tuệ, bởi việc nghe được là vô cùng quan trọng để trẻ phát triển. Không được hòa nhập bình thường không biết tương lai của con ra sao. Ranh giới mong manh giữa có tiền hay không có tiền..."

     Chị Giang bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình trên các diễn đàn mạng xã hội và được rất nhiều người chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ. Lúc ấy, có một trung tâm chăm sóc hỗ trợ trẻ khiếm thính cho biết họ có thể giúp đỡ chị bằng số tiền cấy ốc tai 200 triệu đồng. Chị Giang coi đây là cơ hội hiếm có không thể bỏ qua tuy nhiên vợ chồng chị không có tiền.

     Vay họ hàng đều không được, chồng chị rút được 50 triệu tiền vốn làm ăn để đặt cọc. Chị lên các trang mạng kêu gọi sự giúp đỡ và số tiền giúp đỡ chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng với chị đó là cả một bầu trời tình thương chia sẻ. 

     Có một mạnh thường quân đồng ý cho chị vay 100 triệu đồng không lấy lãi để chị có thể giúp con. Nhờ đó, chị Giang đã có tiền làm phẫu thuật cấy ốc tai điện từ cho con. Lần đầu tiên chị thấy con nghe được lời mẹ gọi. Hạnh phúc dâng trào khiến chị nghẹn ngào không nói nên lời.

     Đến nay, bé đã 4 tuổi. Với chị, đó là cả một quãng thời gian không thể nào quên. Nhìn con trai có thể đi học, nói được, nghe được âm thanh của cuộc sống, bà mẹ trẻ chỉ còn biết cười to vì hạnh phúc.

      Chị Giang cùng với Tiến sĩ - bác Nguyễn Tuyết Xương – trưởng khoa tai mũi họng – mắt – răng hàm mặt Bệnh viện Nhi trung ương - người đã từng giúp đỡ bà mẹ trẻ, mang tiếng nói chung để thành lập nên câu lạc bộ cha mẹ trẻ khiếm thính bây giờ, luôn song hành và giúp đỡ mọi trẻ khiếm thính.

     Hành trình đưa con từ thế giới câm lặng đến được nghe thấy tiếng mẹ nói, tiếng cười vui của bà mẹ 9x và cậu con trai khiến nhiều người không thể không rớt nước mắt.

Theo Khánh Ngọc (Infonet) 

http://www.24h.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/hanh-trinh-nguoi-me-9x-tim-duong-cuu-con-c306a743647.html

      Dương tính yếu với vi rút rubella, thay vì bỏ con để điều trị, chị Giang quyết định quay về để giữ lại con. Chị đã tìm mọi cách để con trai khiếm thính có thể nghe được, rồi cùng một bác sĩ chuyên khoa thành lập nên câu lạc bộ cha mẹ trẻ khiếm thính để song hành và giúp đỡ mọi trẻ khiếm thính. Hành trình giúp con nghe được của chị Giang có phần nào giống hành trình Mẹ Maria đã đi.

      Ngày 15.9.2016 - Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
      Ga 19, 25-27

      25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ : "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Đứng gần thập giá Đức Giêsu, chứng kiến con mình đang chết đau đớn, Mẹ Maria không vật vã, rũ rượi nhưng “đứng” rất kiên vững để lãnh nhận sứ vụ là Mẹ nhân loại - “Thưa Bà, đây là con Bà”.

      Hôm nay chúng ta tôn kính những đau khổ của Mẹ Maria vì đó là những đau khổ sinh ơn cứu độ cho chúng ta và cho cả nhân loại.

     Cả cuộc đời Mẹ Maria là một lời “Xin vâng” trọn vẹn. Mẹ đã vâng phục ý Chúa khi sứ thần truyền tin. Mẹ dõi theo Đức Giêsu từng bước trên con đường sứ vụ của Ngài và hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc khổ nạn. Dưới chân thập giá, Mẹ Maria đau xót nhìn những vết thương đang rỉ máu trên thân thể con yêu và chứng kiến cái chết đau đớn, khổ nhục của người con yêu dấu Mẹ đã sinh hạ. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mà Mẹ đang chịu đựng! 

     Mẹ Maria chấp nhận tất cả. Mẹ phó thác mọi điều đang xảy ra trong chương trình của Thiên Chúa. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, Mẹ cảm nghiệm trọn vẹn thực tại ơn cứu độ. Vì vậy, Đức Mẹ dưới chân Thập giá được gọi là Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc, vì những đau khổ của Mẹ do kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu chuộc nhân loại.

     Đức Giêsu mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài phải vác thập giá, đi theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan thử thách và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Mẹ Maria đã đi trọn vẹn con đường này và cùng với Chúa Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên Chúa. 

     Mỗi người chúng ta hãy học theo Mẹ Maria, tin tưởng, phó dâng cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, dẫu có phải chấp nhận những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày.

     Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ngự trị trong ngôi nhà lòng chúng con và cùng sống với chúng con trong cuộc đời vui, buồn, sướng, khổ này. Xin Mẹ dạy chúng con biết cách chịu đau khổ thế nào để những khổ đau ấy trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng con và cho tha nhân. Amen.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Chiến thắng trọn vẹn

     Ngày 11 tháng 9 năm 2001: Một linh mục hy sinh.

    Cha là người Samaritanô nhân hậu, ngài cho không đo đếm. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, Linh mục Mychal Judge đã hy sinh mạng sống mình để cứu một trong các bạn nhân viên chữa lửa của mình ở khu vực Tòa Tháp Đôi. Cha được ghi vào sổ là nạn nhân số 0001.

    Ngày 11 tháng 9-2001, lúc 8h46. Chuyến bay số 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào Tháp phía Bắc. Vài chục phút sau, chiếc boeing thứ nhì đâm vào Tháp phía Nam; một khung cảnh kinh hoàng. Lực lượng an ninh đến ngay lập tức: 2000 nhân viên chữa lửa thành phố New York được huy động, 343 người đã hy sinh. Trong số họ có Linh mục Mychal Judge, tuyên úy của Ban Chữa cháy thành phố New York.

     “Đó là Cha Mike”

     Ông Jimmy Boyle thường hay gặp cha vì cha ở với nhiều nhân viên chữa lửa mà cha đi theo họ. Trong một lời chứng, ông nói đến cha là người đơn giản, chú tâm, để ý lắng nghe từng người một, một người say mê. “Nhưng khi cha dâng thánh lễ ở trong doanh trại, tôi luôn cảm nhận có một sự biến đổi nơi cha lúc cha dâng Mình Thánh Chúa. Cha trở nên như Chúa Kitô.” Chúa Kitô, người bạn đồng hành trung thành, cha đã thể hiện Ngài cho đến hơi thở cuối cùng.

     Cha thuộc trong nhóm các nhân viên chữa lửa đầu tiên được huy động đến nơi khủng bố. Người ta kể khi cha đang chạy vào tháp đầu tiên, ông Rudy Giuliani thị trưởng thành phố New York chận cha lại và nói: “Cha Judge, xin cha cầu nguyện cho chúng tôi!”. Cha trả lời: “Tôi luôn cầu nguyện cho ông và tôi sẽ cầu nguyện cho ông mãi”. Nói xong, linh mục Dòng Phanxicô mất hút trong tòa nhà.

    Ngày hôm đó cha Mychal không chữa lửa. Thay vì ở tổng hành dinh cứu cấp do thành phố lập ra, cha theo các đồng nghiệp chữa lửa của mình. Cha chết khi xức dầu cho một nhân viên chữa lửa bị thương. Cha cất mũ kết để cầu nguyện và bị đập đầu vào đống gạch đổ nát. Vài phút sau, chính các bạn của cha thấy thi thể cha bất động, họ kêu lên: “Đó là Cha Mike!”

    Một vị thánh mới?

    Sau khi câu chuyện của cha được loan ra khắp thế giới, một vài chi tiết về cuộc đời của cha đã được tiết lộ, cha có một giá trị thiêng liêng cao cả, câu chuyện cha được phục hồi sau khi bị rơi vào tình trạng nghiện rượu, vai trò của cha trong việc xây dựng nhóm đầu tiên lo cho những người bị nhiễm sida ở New York, vv… Cha Mychal trở nên một trong những hình ảnh của vụ tấn công 11 tháng 9, một hình ảnh anh hùng, một vị thánh.

    Rất nhiều giáo dân của cha, nhân viên chữa lửa và người dân đã đến Rôma để tặng chiếc mũ kết trắng của cha Mychal cho Đức Gioan-Phaolô II, họ hy vọng một ngày họ sẽ được dự lễ phong thánh cha Mychal, người hy sinh đời sống mình cho người khác, cho đến cùng.

    “Tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến cùng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

http://phanxico.vn/2016/09/14/11-thang-9-nam-2001-mot-linh-muc-hy-sinh/

     Thay vì ở tổng hành dinh cứu cấp của thành phố, Cha Mychal Judge đã theo các đồng nghiệp chữa lửa của mình đến đến nơi khủng bố. Theo gương Thầy chí thánh Giêsu, cha không ngại dấn thân, hi sinh mạng sống của mình vì phần rỗi các linh hồn. 

     Ngày 14/9/2016 - Lễ Suy Tôn Thánh Giá
     Ga 3, 13-17 

     Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

     16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Thời Chúa Giêsu, người Do Thái đang bị đô hộ bởi ách thống trị của Roma. Họ luôn mong chờ Đấng Messiah sẽ giải phóng dân tộc và thiết lập một vương quyền mới, vương quyền thịnh vượng như vương quyền vua Đavit xưa. Thế nhưng, Chúa Giêsu không phải đến trong quyền năng mà đến trong sự khiêm hạ âm thầm, trong những điều bình dị của cuộc sống.

     Con người ngày nay cũng luôn mong đợi một chiến thắng vẻ vang trọn vẹn của Thiên Chúa trên sự dữ. Nhưng Thiên Chúa lại lựa chọn phương cách chiến thắng khác với ý muốn của con người. Người chọn chiến thắng âm thầm khiêm tốn bằng cách gánh lấy tội lỗi và sự chết của con người lên chính mình như con chiên chuộc tội. Ngài đã chiến thắng trọn vẹn qua Mầu Nhiệm Thập Giá. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng sự hy sinh, chiến thắng nỗi đau của kiếp nhân sinh bằng chính nỗi đau của Ngài. Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã phản ánh mọi đau khổ của con người trong kiếp nhân sinh và ở đó, cũng đánh dấu sự chữa lành mọi vết đau thương. 

     Ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá, ta được mời gọi đi sâu vào mầu nhiệm hy sinh, dâng hiến, được đúc kết bằng lòng khiêm nhường và tình yêu cao đẹp. Từ đó, ta dám yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu chân chính như tình yêu của Chúa Giêsu. Ngõ hầu, tâm hồn ta được đổ đầy tình yêu Thiên Chúa để tình yêu ấy nên như dòng suối tưới mát cho tâm hồn những ai đang khao khát tình yêu và Lời Hằng sống, những ai đang phải sống trong cảnh “trưa hè nóng bức” giữa chốn nhân sinh. 

    Lạy Chúa, Chúa đã yêu nhân loại đến nỗi trao ban chính Con một của Ngài để cứu chúng con khỏi nô lệ tội lỗi. Xin cho chúng con biết gìn giữ tâm hồn mình xa lánh các tội lỗi và ý thức được giá trị của ơn cứu độ Chúa mang lại cho chúng con. Amen.