Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Xây nhà trên đá

      Do điều kiện tự nhiên, sa mạc chiếm đến 60% tổng số 20.000 km2 diện tích, nên đất đai canh tác còn lại của Israel rất ít và chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven biển.

Ảnh: Khu định cư Maaleh Adumim của người Do Thái gần Jerusalem
     Đất đai ở Israel được nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Nhà ở của dân thì xây trên các triền núi đá, khó cải tạo thành đất nông nghiệp, còn đất đồng bằng tuyệt đối sử dụng cho trồng trọt và canh tác. Thậm chí đất hoang mạc, nhưng tương đối bằng phẳng có thể cải tạo thành đất nông nghiệp thì cũng không được làm nhà ở trên đó.


    Đất đai của Israel như vậy, nên việc xây nhà trên đá là điều bắt buộc, nhưng việc “người khôn xây nhà trên đá” mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ nói tới việc xây nhà vật chất đơn thuần

     Mt 7, 21-29 

     Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !

    24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".

     28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”. Đức Giêsu không chỉ nói tới việc xây nhà vật chất đơn thuần, nhưng ám chỉ những tòa nhà thiêng liêng, những ngôi nhà tâm hồn dựng trên nề đá vững chắc là chính “Lời” của Ngài. 

     Có lẽ chẳng ai dại dột chọn bãi cát để xây nhà ở. Tuy nhiên, có khi ta lại xây ngôi nhà đời mình trên cát mà không hay biết. Học giáo lý đầy đủ, siêng năng tham dự Thánh lễ, đọc Kinh thánh, lắng nghe, suy niệm Lời Chúa… nhưng lại không thực hành điều Chúa dạy, có khác gì người ngu dại xây nhà trên cát, khi gió bão ập đến, nhà sẽ sụp đổ tan tành. 

     Phải đem những điều Chúa dạy thực hiện trong đời sống mới là làm đúng điều Chúa Giêsu dạy. Chỉ như vậy, chúng ta mới là người khôn ngoan xây nhà đời mình trên nền đá vững chắc, dù gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ngôi nhà vẫn an toàn, bền vững. 

    Nói thì đơn giản vậy, nhưng từ “nghe Lời Chúa” đến “thực hành Lời Chúa”, dù khoảng cách chỉ bằng “từ tai tới tay”, đôi khi lại xa vời vợi nếu chúng ta không để cho Lời Chúa đi vào cuộc sống. 

     Lời Chúa chỉ sinh hoa kết trái khi chúng ta suy gẫm, ghi nhớ và áp dụng trong đời sống hàng ngày. Lời Chúa có sức biến đổi và hướng dẫn chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hãy xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa và cố gắng thực hành dù gặp phải khó khăn, chịu thiệt thòi, phải hy sinh lợi ích trần thế.

    Lạy Chúa, nghe lời Ngài giảng dạy người Do thái đã phải nhìn nhận là Lời của “Đấng có thẩm quyền”, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa nói và thực hành điều Chúa dạy. Xin đừng để chúng con đã nghe Lời Chúa dạy hôm nay mà vẫn thờ ơ, lần lữa để trở thành những người ngu xây ngôi nhà đời mình trên cát. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Cho và nhận

     Thành phố Hồ Chí Minh trưa 25/5. Khách sạn REX Bến Thành được trang hoàng rực rỡ để đón một sự kiện. Dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Tổng thống Mỹ Barack Obama bận việc đột xuất không đến được) đã diễn ra lễ trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

     Tham dự lễ có nhiều quan chức Việt Nam và Mỹ, nhiều cộng sự đã bền bỉ theo đuổi và thúc đẩy việc hình thành một trường đại học đẳng cấp Mỹ tại Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua.

     Buổi lễ thêm trang trọng và ý nghĩa với sự có mặt của Ngoại trưởng John Kerry - người bảo trợ đầu tiên của Chương trình Học bổng Fulbright và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TPHCM tại Thượng viện Mỹ. Quá trình từ ý tưởng thành hiện thực được đẩy nhanh một cách ngoạn mục để hôm nay FUV chính thức ra đời. Truyền thông đã đề cập nhiều về FUV - cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận…

     Có thủ tục dành cho giới truyền thông. Một thoáng, chỉ một thoáng thôi, khoảng hai phút cho một cuộc hỏi và đáp. Có cảm giác không khí buổi lễ như chùng xuống khi một nhà báo trẻ hướng cái nhìn về phía cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey - người được lựa chọn cho ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. “Thưa ông Bob Kerrey, ở vị trí Chủ tịch FUV, ông có hối hận về cuộc thảm sát ông từng tham gia vào năm 1969 tại Bến Tre?”. Ông Kerry, tóc bạch kim dong dỏng đứng ngay lên, trả lời ngắn gọn “Có” và từ chối bình luận thêm. Cách vị trí REX không xa, khoảng mươi phút sau, Tổng thống Obama ngỏ lời cảm ơn cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey như “một trong những người chủ chốt giúp dẫn dắt nỗ lực” xây dựng FUV sẽ khai giảng vào mùa thu này.

    Sau sự kiện ở REX và khi Tổng thống Obama đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, một làn sóng bùng lên trên mạng xã hội với những quan điểm khác nhau.


Bob Kerrey, năm 1969 và nay. Ảnh: TTXVN.
     Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey chia sẻ với Financial Times rằng, ông “sẵn lòng rút lui” nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng cơ hội thành công của FUV. ““Tôi đã đối mặt với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và trung thực. Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

      Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói rằng, những ý kiến cho rằng không được để ông Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV vì những gì ông ấy đã gây ra ở Bến Tre năm 1969 là không nên. Có thể những người phản đối họ có suy nghĩ riêng hoặc từng chứng kiến những nỗi đau quá lớn. Nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai và nhìn việc lựa chọn người làm chủ tịch hội đồng một cách khoan dung hơn.

     Xứ Việt có câu ơn đền oán trả. Trả, chẳng phải kiểu trả thù vặt mà bằng những động thái ứng xử, hóa giải đượm chất nhân văn lấy ân cởi oán, chứ không lấy oán báo oán sẽ chồng chất oán. Nhiều thế hệ người Việt từng xúc động khi dõi ánh nhìn xa xăm vào lịch sử khi biết đoàn tù binh dài dặc những Nguyên, những Minh không những được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Bình Định vương Lê Lợi tha tội chết mà lại còn được cấp lương ăn cho về lại cố quận. Lại nhớ và gẫm thêm cái câu biết trồng tre để đợi ngày thành gậy/ đi trả thù mà không sợ dài lâu của một quan chức kiêm thi sĩ thời nay. Một cô giáo dạy văn đã giải mã câu ấy là dân tộc mình biết lo xa, biết tìm và nuôi dưỡng phương kế giữ nước để Tổ quốc không bị bất ngờ, chứ không phải dùng những gậy tre cụ thể nào đó để dành cho những thời điểm trả thù vặt.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lay-an-coi-oan-1012248.tpo

    47 năm trước, cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey đã làm một việc chắc chắn ông không muốn người khác làm cho mình. Ông đã đối mặt với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và trung thực và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Sự việc xảy ra đối nơi ông Bob Kerrey giúp chúng ta phần nào hiểu điều Đức Giêsu nói:

     Mt 7, 6. 12-14 

     Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: 6 "Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.

      12 Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.

     13 Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Thoạt mới nghe qua những lời Đức Giêsu dạy, chúng ta thấy chúng rất giống lời khôn ngoan của Khổng Tử: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Khi suy niệm lời Đức Giêsu dạy các môn đệ : “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”, chúng ta sẽ thấy lời dạy của Đức Giêsu mang một ý nghĩa tích cực hơn, khi chúng ta chủ động làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình. Điều này khó thực hiện vì nó phải xuất phát từ tình yêu thương.

     “Cho” và “nhận” là hai hành động gắn liền với đời sống của con người. Không ai sống mà không nhận lãnh điều gì, cũng như không ai keo kiệt đến nỗi chưa từng cho ai cái gì. Cả “cho” và “nhận” đúng nghĩa đều rất hạnh phúc vì yêu thương và được yêu thương. Người nhận càng nhiều, hạnh phúc càng lớn vì được yêu thương nhiều. Người biết cho đi, hạnh phúc nhân đôi khi thấy người nhận hạnh phúc. Vì vậy, “cho thì có phúc hơn là nhận” (x.Cv 20,35).

     Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Trong cuộc sống, chúng ta đã nhận được rất nhiều điều tốt lành, cao quý từ lòng quảng đại của người khác, nhưng lại dễ keo kiệt, ích kỷ, không cho anh chị em mình những của tốt của lành, thậm chí gây đau khổ cho họ bằng điều xấu. 

     Đối với các Kitô hữu, động lực để có thể “cho” nhiều chính là tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Người cho chúng ta và cũng chỉ vì yêu thương, Đức Giêsu đã nhận lấy khổ hình thập giá để cứu chuộc chúng ta…

     Học nơi tình yêu Thiên Chúa, chúng ta hãy biết cho đi, dù chỉ một ly nước, Chúa cũng chẳng quên: "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Những việc tốt lành chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

     Lạy Chúa, bài học yêu thương và hiến mạng Chúa dạy chúng con đã thuộc lòng, nhưng do bản tính tự nhiên chúng con đã “nhận nhiều song cho chẳng bao nhiêu”. Xin thương cho chúng con có được lòng thương xót như Chúa, để dám dấn thân vào “cửa hẹp và đường chật”, biết sống yêu thương và quảng đại với tha nhân. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Đoán xét

     Ông chủ của tôi lái một chiếc xe hơi sang trọng mỗi ngày và nhiệm vụ của tôi là mở cổng cho ông lái xe ra vào biệt thự. Nhưng ông ấy không bao giờ đáp lại lời chào của tôi.

Ông chủ không bao giờ đáp lại lời chào của người gác cổng (ảnh minh họa)

      Một ngày nọ, ông chủ bất ngờ nhìn thấy tôi đang lục lọi túi rác đặt bên ngoài biệt thự. Tôi thường làm vậy để kiếm chút thức ăn thừa về cho gia đình. Nhưng như thường lệ, ông chủ vẫn như chưa bao giờ nhìn thấy tôi.

     Ngày hôm sau, tôi phát hiện một túi giấy ở bên ngoài biệt thự, trong đó chứa rất nhiều thức ăn sạch và được gói ghém cẩn thận. Dường như nó vừa được mua về từ siêu thị. Tôi không bận tâm nó có nguồn gốc từ đâu, chỉ sung sướng cầm túi giấy đó về nhà. 

    Những ngày sau đó, tôi tiếp tục tìm thấy những túi giấy tương tự với nhiều thực phẩm tươi ngon. lâu dần điều này đã trở thành thói quen và tôi quên mất việc phải thắc mắc nó đến từ đâu. 

    Một ngày nọ, ông chủ của tôi đột ngột qua đời, có rất nhiều vị khách đến nhà đưa tiễn. Và ngày hôm đó, tôi đã không nhận được túi giấy đựng thức ăn nào. Tôi vội nghĩ một trong những người khách đã lấy nó đi. Nhưng không hiểu sao, đến ngày thứ 2, thứ 3 và nhiều tuần sau đó, vẫn không có túi thức ăn nào xuất hiện ở đó nữa. 

     Tôi cảm thấy rất kỳ lạ và càng buồn hơn khi gia đình tôi không còn đủ thức ăn. Tôi quyết định yêu cầu vợ ông chủ tăng lương, nếu không tôi sẽ buộc phải bỏ công việc gác cổng.

     Sau khi tôi nói ra với bà ấy, bà đã bị sốc và hỏi: “Tại sao anh không bao giờ phàn nàn về mức lương của anh trong 2 năm qua? Tại sao mức lương đó hiện giờ không đủ đối với anh?” Tôi đã đưa ra rất nhiều lý do nhưng dường như đều không thuyết phục được bà ấy.

    Cuối cùng, tôi đành nói sự thật. Tôi kể cho bà nghe toàn bộ câu chuyện về những chiếc túi giấy đựng thức ăn và việc gia đình tôi đã đỡ được một khoản tiền như thế nào nhờ những chiếc túi đó. Bà chủ hỏi tôi về thời điểm những chiếc túi giấy không còn xuất hiện.

     Tôi nói với bà rằng, đó là khi ông chủ qua đời. Ngay lúc này, tôi mới chợt chú ý đến chi tiết này. Tại sao tôi không bao giờ nghĩ về điều đó trước đây? Chính ông chủ đã đưa những túi giấy đó cho tôi? Tôi đã nghĩ một người chưa từng đáp lại lời chào của tôi sẽ không bao giờ hào phóng như thế!

     Chỉ kịp nghĩ đến đó, tôi thấy bà chủ bất đầu khóc. Tôi xin lỗi bà vì đã đòi tăng lương và không biết chính chồng bà đã đem thức ăn cho tôi trong suốt thời gian qua. 

     Vợ ông chủ nghẹn ngào nói: “Tôi khóc vì cuối cùng, tôi đã tìm được người thứ 7 ông ấy đem tặng thức ăn. Tôi biết, chồng tôi thường đem thức ăn cho 7 người vào mỗi ngày. Nhưng tôi mới chỉ tìm được 6 người và những ngày qua tôi luôn cố tìm ra người thứ 7. Giờ thì tìm ra rồi”.

     Từ ngày đó trở đi, tôi tiếp tục nhận được những chiếc túi đựng đầy thức ăn. Nhưng lần này, người đưa cho tôi là con trai ông chủ. Chúng tôi được nhận tận tay chứ không còn nhặt về từ cổng biệt thự nữa. Nhưng bất cứ khi nào tôi cảm ơn anh, anh đều không bao giờ trả lời, cũng giống như cha của anh.

     Một ngày nọ, tôi đã hét lên thật to: “Cảm ơn anh”. Cậu con trai trả lời lại rằng, tôi đừng phiền lòng khi anh ta không trả lời vì anh ta bị điếc giống cha mình.

    Thì ra, tôi đã sai lầm quá nhiều khi vội vàng phán xét người khác mà không hiểu kỹ những điều đằng sau. "Hãy tử tế và lịch sự với người khác vì biết đâu họ đang có một khó khăn lớn nào đó", là điều tôi rút ra được sau những gì trải qua. 

http://danviet.vn/song-tre/cau-chuyen-khien-ban-dung-ngay-viec-phan-xet-nguoi-khac-650248.html

     Câu chuyện đã đưa chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nó giúp ta thấy rõ sự sai lầm lớn khi vội vàng phán xét người khác. Thận trọng khi xét đoán người khác là điều cần, nhưng tốt hơn: “đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét”.

      Mt 7, 1-5 

     1 "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. 3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? 4 Sao anh lại nói với người anh em : "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn", trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? 5 Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     “Nhân vô thập toàn” – con người ta, dù ít hay nhiều đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Một người tài hoa ở phương diện này, lại có giới hạn ở phương diện khác.

     Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài, cũng là mời gọi mỗi người chúng ta từ bỏ việc lên án hay phán xét người khác. Ngài nói rõ: "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”.

    Không được phán xét tha nhân, vì theo thói thường, khi nhìn người khác phần nhiều chúng ta chỉ thấy điều xấu, còn nhìn chính mình thì lại chỉ thấy toàn điều tốt. 

    Nếu thực tâm nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy được những sai lỗi, thiếu sót của mình và chẳng bao giờ sửa cho hết được các thói hư tật xấu của mình. Do vậy, trước khi sửa lỗi người anh em, ta hãy cố gắng sửa lỗi của chính mình và chỉ nên sửa lỗi tha nhân khi việc ấy đem lại lợi ích cho họ, cho cộng đoàn.

     Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, vì “anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” Đức Giêsu không dạy chúng ta làm ngơ hay thoả hiệp với cái xấu, với sự dữ. Ngài muốn chúng ta gạt bỏ khỏi chính mình cái đà thiển cận, hẹp hòi, ích kỷ, chia rẽ và vô luân để thấy rõ hơn cái rác trong mắt tha nhân, cùng giúp nhau tôn trọng và yêu mến sự thật, sống sự thật và bảo vệ sự thật, hỗ trợ nhau thăng tiến để có thể “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết không ngừng thanh tẩy con mắt thể lý và tinh thần, để sáng suốt trong việc nhìn nhận, đánh giá sự việc. Xin cho chúng con biết đón nhận lòng nhân hậu thứ tha của Chúa, để chúng con cũng biết đối xử với tha nhân bằng tình yêu Chúa đã dành cho chúng con. Amen.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Đạo đức giả

     Dòng trạng thái của Mahmoud ElAwadi viết trong lúc đang hiến máu cứu những nạn nhân vụ xả súng đã lam truyền dữ dội trên các mạng xã hội ...

Bức ảnh đang hiến máu kèm tâm sự của Mahmoud về vụ xả súng kinh hoàng mới xảy ra.

     Rạng sáng ngày hôm qua (12/6), một vụ xả súng đẫm máu tại hộp đêm dành cho cộng đồng người đồng tính ở thành phố Orlando, Mỹ đã cướp đi ít nhất 50 sinh mạng vô tội và 53 người khác bị thương, khiến người dân nước này vô cùng hoang mang và đau đớn. Hàng nghìn tình nguyện viên kéo đến chật kín các trung tâm hiến máu của thành phố, với mong muốn được giúp đỡ một phần nào đó cho các nạn nhân.

    Mahmoud ElAwadi, một trong số những tình nguyện viên đến hiến máu là người Hồi Giáo, ngay trong lúc cho đi những giọt máu của mình, Mahmoud đã chia sẻ tâm sự của bản thân về nước Mỹ, về tình cảm con người khi thảm họa xảy ra.

     Những dòng tâm thư này đã nhanh chóng vượt khỏi khuôn khổ friendlist của anh và lan tỏa đi khắp thế giới, như một thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu mà nhân loại dành cho nhau, không khoảnh cách, không màu da.

     - Vâng, tên tôi là Mahmoud, Tôi tự hào là một người Mỹ theo đạo Hồi.

    - Tôi tình nguyện hiến máu để giúp đỡ các nạn nhân của vụ xả súng ngay cả khi tôi không được phép ăn uống gì. Với những người theo đạo Hồi chúng tôi thì tháng này là tháng ăn chay Ramadan. Thế nhưng, hãy nhìn xem, vẫn có hàng trăm người Hồi giáo khác đang có mặt ở Orlando ngày hôm nay, để hiến máu của mình. 
...

     - Cộng đồng Hồi giáo của chúng tôi ở miền trung Florida không ai là không đau buồn vì tin tức này. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy đặt màu da, tôn giáo, dân tộc, xu hướng tính dục, quan điểm chính trị sang một bên, để chúng ra có thể cùng nhau vững mạnh chống lại những người đang cố làm xáo trộn cuộc sống yên bình này.

    Tính đến thời điểm hiện tại, những dòng tâm sự đầy cảm hứng của Mahmoud ElAwadi đã có 132 nghìn lượt thích, gần 65 nghìn chia sẻ và con số này vẫn tiếp tục tăng từng phút. Hàng trăm người để lại bình luận ủng hộ và cảm ơn vì bức thư của ElAwadi là một trong những điều tốt đẹp nhất dành cho những nạn nhân của vụ xả súng đẫm máu. 


      Đang trong tháng ăn chay Ramadan, Mahmoud ElAwadi là một tín đồ Hồi giáo không được phép ăn uống gì, nhưng anh vẫn tình nguyện hiến máu để giúp đỡ các nạn nhân của vụ xả súng. Anh chia sẻ việc làm này trên mạng xã hội với một mục đích tốt đẹp, khác hẳn với việc làm có tính phô trương khoe khoang công đức mà Đức Giêsu phê phán trong bài Tin Mừng hôm nay: 

     Mt 6, 1-6.16-18 

   1 "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

   5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

     16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Muốn được khen, được người khác biết đến và thừa nhận là bản tính tự nhiên của con người, nhưng nếu làm việc phúc đức chỉ vì mục đích ấy thôi, mà không có ý hướng ngay lành, không có tâm tình đạo đức thì chẳng ích gì, vì hư danh thật chóng qua!

    Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu chỉ rõ cách thức thực hành ba việc đạo đức tiêu biểu của người Do thái là bố thí, cầu nguyện và ăn chay sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Ba việc đạo đức này nói lên mối tương quan của con người với Thiên Chúa và tha nhân, là những việc lành phúc đức nên làm. Nhưng theo bài Tin mừng, có nhiều người khi làm những việc này lại phô trương cho người khác thấy, chỉ để được người ta ca tụng, khen ngợi.

    Đức Giêsu phê phán thái độ này và gọi họ là những kẻ đạo đức giả. Đó là những kẻ thích khua chiêng đánh trống khi bố thí, đứng ở hội đường hay nơi ngã ba, ngã tư để cầu nguyện hay làm ra vẻ rầu rĩ, thiểu não khi ăn chay. Phê phán những hạng người này, Đức Giêsu nói họ đã được khen, được phần thưởng rồi. Ngài mời gọi các môn đệ phải có lòng chân thành khi thực hiện những việc đó, để “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

    Chúng ta đang sống trong một xã hội nghiêng chiều về những giá trị vật chất, chuộng hình thức bên ngoài hơn giá trị tinh thần; đời sống tâm lình nhiều khi được đặt sau lợi ích vật chất. Điều đó ảnh hưởng phần nào đến cách sống và suy nghĩ của nhiều Kitô hữu. Một số người khi làm những việc đạo đức cũng muốn cho người ta khác thấy để nhận được lời khen. Một số khác làm vì thói quen hay vì bổn phận chứ không có lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Bên cạnh đó, có người dùng những công việc này để mưu cầu lợi ích vật chất hay để che đậy một ý hướng xấu… 

     Chúa thấu suốt mọi sự, nên khi làm bất cứ việc đạo đức nào, chúng ta hãy đặt mình dưới con mắt Chúa và xin ơn Chúa giúp để chúng ta ý thức việc mình làm vì lòng yêu mến Chúa, vì phần rỗi của chính mình và của các linh hồn. Chúng ta cũng cần hết sức tránh sử dụng các cử chỉ bên ngoài trước mắt thiên hạ, trong việc thực hành tôn giáo với mục đích chỉ nhằm đề cao mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể sống xứng đáng là con cái Chúa.

     Lạy Chúa, danh vọng, địa vị luôn là điều có sức hấp dẫn chúng con. Xin cho chúng con biết chăm chuyên lo việc trần thế để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng xin cho chúng con khi phải chọn lựa, luôn chọn làm vui lòng Chúa, để xứng đáng với tình Ngài yêu thương. Amen.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Yêu kẻ thù

      Truyện kể rằng: 

     Ðời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi… Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.

     Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: “Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất”.

    Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.

    Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.

     Chỉ vì muốn trả thù một người xúc phạm mình trong giấc mơ, người nằm mơ quyết đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình. Nếu học được bài học thầy Giêsu dạy các môn đệ, chắc người nằm mơ gặp kẻ thù đã không chết uất như vậy!

      Mt 5, 43-48 

     Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: 43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

    Theo bản tính tự nhiên của con người, chúng ta thường muốn đòi sự công bằng theo bản năng, dễ đáp trả lại bằng chính phương cách mà người khác đã đối xử với mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt.5,38). Đó cũng là điều bình thường, là luật công bằng trong cuộc sống đời thường, vì từ xưa luật Cựu ước đã ghi rõ: “Phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24,19b-20a).

    Cầm lòng, bình tĩnh suy xét hơn thiệt, để chọn cách ứng xử phù hợp khi bị xúc phạm đã là khó; tha thứ, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù là điều khó gấp bội. Bởi vậy, lời dạy của Đức Giêsu “hãy yêu kẻ thù” như một thách đố thật lớn lao, dường như là điều không thể. 

    Chúng ta có thể bỏ qua một sự dữ, sự ác người khác gây ra khi nó không ảnh hưởng nhiều đến ta, Nhưng nếu sự dữ, sự ác ấy đụng chạm trực tiếp đến ta, gây đau khổ cho ta, làm sao ta có thể đáp lại bằng sự yêu thương? 

   Tha thứ đã khó, yêu thương càng khó hơn. Hãy tập tha thứ, yêu thương bằng cầu nguyện. Cầu nguyện cho kẻ thù ghét mình và cho chính mình nữa. Việc cầu nguyện trước hết sẽ giúp chúng ta bình tâm, có thời gian suy xét và nhất là khi nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu, chiêm ngưỡng vinh quang Thập Giá của Đấng chịu khổ hình vì yêu thương cho đến cùng chính những kẻ đã phản bội tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được Chúa chỉ dạy cách phải làm. 

   Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã tự nguyện mang lấy tội lỗi của chúng ta, tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương để cứu chuộc chúng ta, chỉ mong mỗi người chúng ta: “hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. 

   Cảm nghiệm tình Chúa yêu thương, chúng ta hãy cảm thông tha thứ những lỗi lầm của tha nhân, để chúng ta cũng được tha thứ. Hãy biết nhìn nhận sự yếu đuối, bất toàn của mình, khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy của anh em, để mỗi ngày chúng ta một nên giống Chúa hơn. 

    Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết sống một cuộc đời yêu thương và tha thứ như Chúa. Amen.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Yêu thương, tha thứ xóa bỏ thù hận

      (NLĐO) - Một quan chức thực thi pháp luật Mexico hôm 11-6 cho biết rất có thể vụ xả súng giết chết 11 người trong một gia đình tại TP Coxcatlan, bang Puebla - Mexico hai ngày trước đó là một cuộc trả thù. 

      Năm nhân chứng sống sót và được chính phủ bảo vệ kể với cơ quan chức năng rằng những kẻ tấn công đi bộ đến nhà, mở cửa, xả súng điên cuồng rồi tẩu thoát.

       Đã có 11 người bị sát hại, gồm 5 phụ nữ, 4 người đàn ông và 2 bé gái.

      Trước đó, giới chức trách nghi ngờ rằng vụ thảm sát này có thể xuất phát từ những mâu thuẫn tôn giáo. Nhưng giờ đây, họ cho rằng động cơ của kẻ thủ ác là trả thù.

      “Nhiều khả năng đây là một vụ tấn công vì những mâu thuẫn cá nhân,” – văn phòng công tố viên bang Puebla hôm 11-6 nhận định.

Thi thể các nạn nhân trong vụ thảm sát. Ảnh: AP
     Cũng theo nguồn tin từ văn phòng công tố bang Puebla, một trong những người phụ nữ thiệt mạng từng bị cưỡng hiếp và có một người con với một trong những kẻ tấn công cách đây vài năm.

    Kẻ này sau đó đã bị cô tố cáo và phải ngồi tù.

    Trước đó, giới chức trách cho biết hai kẻ sát nhân đã giết hại người phụ nữ trên và người nhà của cô. Hai tên sát nhân máu lạnh còn ý định chặt đầu một người đàn ông trong gia đình, được cho là chồng của người phụ nữ sau khi đã giết ông ta.

     Vụ thảm sát trên xảy ra tại San Jose el Mirador, một địa phương hẻo lánh ở TP Coxcatlan, bang Puebla miền Trung Mexico tối 10-6 (giờ địa phương). Hiện hai nghi phạm đang bị truy lùng và rất có thể chúng đang lẫn trốn ở vùng núi của bang Oaxaca gần đó.

     Nhà chức trách vẫn chưa công bố danh tính của 11 nạn nhân và 2 nghi phạm trong vụ án.
Cao Lực (Theo AP)

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bi-to-cao-cuong-hiep-giet-11-nguoi-de-tra-thu-20160612104349464.htm

      Phạm tội, bị tố cáo phải ngồi tù, nghi phạm không hối lỗi mà tìm cách trả thù đã gây ra vụ thảm sát đáng sợ. Việc trả thù này dẫn đến hậu quả đáng sợ hơn gấp nhiều lần so với luật “mắt đền mắt, răng đền răng” mà Đức Giêsu nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay:

     Mt 5, 38-42 

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.

      Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” theo một nguyên tắc thật rõ ràng và rất đơn giản: nếu ai làm cho người khác bị thiệt hại điều gì thì người ấy bị thiệt hại tương đương. Đây không phải là luật báo trả khát máu và man rợ, mà chính là khởi đầu của sự thương xót. Mục đích nguyên thủy của luật là để hạn chế sự báo thù. Luật này cũng không cho phép cá nhân thi hành, cũng không được thi hành theo nghĩa đen. Chính quan án phải ấn định hình phạt và khoản phạt do sự báo thù qui định (Đnl 19,18). Dẫu vậy, Đức Giêsu đã phá bỏ chính nguyên tắc của luật đó, vì sự báo thù dù có được hạn chế và kiểm soát kỹ đến đâu cũng không có chỗ đứng trong đời sống người môn đệ của Ngài.

     Đức Giêsu dạy những ai theo Ngài không được trả thù, không lấy sự dữ đáp lại sự dữ; trái lại, phải đáp lại sự dữ bằng sự lành. Khi một ai đó xúc phạm hay làm thiệt hại đến ta, ta không được trả thù, trái lại phải tha thứ và làm ơn cho họ. 

     Đức Giêsu muốn người môn đệ của Ngài phải biết hy sinh, chịu thiệt thòi và phải cho đi cách trọn vẹn khi hoàn cảnh đòi hỏi. Khi dạy “đừng chống cự lại người ác”, không phải Đức Giêsu muốn chúng ta nhu nhược hay đồng thuận với sự dữ và bất công. Trái lại, Ngài muốn chúng ta dùng tình yêu và sự tha thứ để cảm hoá con người, để biến đổi hận thù thành yêu thương. Khi ta không trả thù mà còn làm ơn cho kẻ thù ghét ta, ta đã gửi đến họ một thông điệp yêu thương, một lời mời gọi họ suy nghĩ và phục thiện. 

     Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy nhiều nơi vẫn xảy ra chiến tranh và bạo lực. Cuộc sống nơi nhiều gia đình vẫn còn sự thù hận, ghen ghét và loại trừ nhau. Người ta dễ dàng chửi nhau, đánh nhau và giết nhau chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ, những lời nói qua lại tưởng như vô hại… Tất cả những sự việc này xảy ra chỉ vì thiếu vắng tình yêu thương, sự cảm thông và lòng khoan dung, tha thứ. Sâu xa hơn, là thiếu hẳn sự hiện diện của Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ.

     Sống không trả thù đã là khó, làm ơn cho kẻ thù ghét mình lại càng khó hơn. Hãy học nơi Đức Giêsu bài học yêu thương, tha thứ đến tận cùng. Không chỉ hy sinh chết vì người mình yêu, trên thập tự Đức Giêsu đã cầu xin cho chính những người đã hành hạ và đóng đinh Ngài vào Thập tự giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). 

     Chúng ta chỉ có thể thực hành được bài học yêu thương, tha thứ này khi chúng ta có Đức Giêsu ở cùng.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, biết dùng những lời nói và hành động yêu thương để đáp trả những người thù ghét và làm hại chúng con. Xin cho chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn để có thể thực hành được bài học yêu thương, tha thứ Chúa đã dạy chúng con. Amen.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Yêu

              Dãy Hy Mã Lạp Sơn soi bóng trên mặt hồ Phewa
     Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

     Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.

    Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.

    Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.

     Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.

    Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

    Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.

    Trích từ “Yêu người như Chúa” của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

    Mến Chúa nhưng không không thực hành đúng Lời Chúa dạy, các tu sĩ đã làm khách hành hương thờ ơ, tu viện không có thêm người vào tu… Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, cũng đồng thời phải yêu mến tha nhân như chính mình mới đẹp lòng Chúa vì giữ đã đúng giới luật Yêu Thương của Ngài. 

    Mc 12, 28-34 

    28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi : "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : <MI>Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Khác với những nhiều nhóm trước đó đến tranh luận với Đức Giêsu về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại… nhằm băt bí, giăng bẫy Ngài, vị kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay, đã đến gặp Đức Giêsu với lòng chân thành và thái độ khiêm nhường, thật tâm muốn tìm kiếm chân lý.

     Thật khó chu toàn cả 613 điều trong Lề Luật Do Thái, nên vị kinh sư đã hỏi Ngài để được biết trong các điều phải giữ, điều nào quan trong nhất? 

      Thấy vị kinh sư chân thành muốn tìm hiểu, Đức Giêsu không dùng dụ ngôn, cũng không dùng một tình huống khiến người hỏi phải suy nghĩ mà nhanh chóng trả lời trực tiếp câu hỏi của ông. Ngài đưa ra một câu trả lời với hai vế: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” và “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. 

     Câu trả lời được lấy từ sách Luật (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18). Nhưng Đức Giêsu đã mặc cho Luật ấy một ý nghĩa mới, rộng và sâu hơn nhiều. Đó là Luật yêu thương mới, được thiết lập bằng một giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Giao ước được ký kết bằng chính giá máu Đức Giêsu. 

    Cả cuộc đời Đức Giêsu đã là một mẫu gương hoàn hảo cho câu trả lời ấy. Ngài đã nối kết hai vế của câu trả lời thành một. Cả hai vế đều quan trọng như nhau, không thể tách biệt, vì “Không thể nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình.” (1Ga, 4,20). 

    Đức Giêsu đã mở rộng chiều rộng của luật yêu thương đến mọi người qua việc giải thích từ “người thân cận” (Lc, 10,30-37) và thiết lập chiều sâu của tình thương là “hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga, 15,13).

   Hôm nay nếu chúng ta hỏi Chúa câu hỏi tương tự vị kinh sư: Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội? Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa. Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: YÊU.

   Trước những lựa chọn của cuộc sống, nếu chúng ta biết đặt luật yêu thương làm tiêu chuẩn, ta sẽ sống theo tinh thần của Nước Trời. Xin hãy để tình yêu chiếm lấy trái tim chúng ta, chi phối mọi chọn lựa và biến đời chúng ta thành tình yêu.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa và biết chạnh lòng thương xót như Chúa để không ngại dấn thân, đến với người nghèo khổ và biết dùng của cải chóng qua để đạt được sự sống đời đời. Amen.

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Sống lại

     Vào đầu năm 2015, một bé gái 2 tuổi Thái Lan trở thành người nhỏ tuổi nhất được đông lạnh não bộ sau khi chết với hy vọng hồi sinh trong một cơ thể khác vào một ngày nào đó. Matheryin Naovaratpong (được gia đình gọi là Einz) mắc phải một dạng ung thư não hiếm gặp sau khi tròn 2 tuổi. Bé gái chết ngày 8/1/2015 khi mới bước sang 3 tuổi. Cha mẹ cô bé, cả hai đều là chuyên gia y khoa, quyết định sử dụng kỹ thuật đông lạnh (cryonics) cho phép con họ có cơ hội hồi sinh. 

 
Sahatorn và con gái trên giường bệnh
   Sahatorn, cha cô bé, cho biết: “Vào ngày đầu tiên bé Einz mắc bệnh, chúng tôi có ý tưởng phải làm điều gì đó có ích cho con. Tôi cảm thấy phân vân trong lòng nhưng cũng phải quyết định thực hiện. Sau đó, tôi giải thích kế hoạch cho gia đình”. Ý tưởng của Sahatorn là bảo quản đông lạnh Einz bằng công nghệ cryonics. Thi thể, hay trong trường hợp của bé Einz chỉ là não bộ, được đông lạnh để chờ đến ngày xuất hiện những tiến bộ kỳ diệu trong y khoa cho phép Einz sống lại trong một cơ thể mới được tạo ra riêng cho cô bé.

      Sahatorn tỏ vẻ lạc quan: “Là nhà khoa học, vợ chồng tôi chắc chắn 100% rằng điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó nhưng không biết chính xác là khi nào. Trước đây, chúng tôi tính toán thời gian sẽ là 400 hay 500 năm nữa, nhưng bây giờ chúng tôi cho rằng có thể chỉ là 30 năm nữa thôi”. Sahatorn và vợ Nareerat có tất cả 4 đứa con. Nareerat bị cắt bỏ tử cung sau lần sinh nở đầu tiên cho nên Einz cùng với em trai và em gái chào đời sau đó bằng phương pháp thụ thinh nhân tạo (IVF). Sahatorn chọn Alcor để tiến hành bảo quản não bộ của Einz. Alcor là tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại bang Arizona (Mỹ) và là nhà cung cấp dịch vụ “kéo dài cuộc sống” hàng đầu thế giới.

    Gia đình Sahatorn tham gia bước chuẩn bị cực kỳ chu đáo, chọn quan tài thiết kế đặc biệt để vận chuyển Einz đến Mỹ một cách an toàn. Một đội chuyên gia Alcor bay đến Thái Lan để trực tiếp giám sát kỹ thuật đông lạnh sơ bộ thi thể Einz. Ngay vào lúc cái chết của Einz được các bác sĩ thông báo, đội chuyên gia Alcor bắt đầu tiến trình đông lạnh đúng kỹ thuật mà không gây tổn hại mô trên diện rộng. Sau khi đến Arizona, não bộ của Einz được lấy ra và bảo quản ở nhiệt độ -196ºC trong nitrogen lỏng. Einz là khách hàng thứ 134 và là khách hàng nhỏ tuổi nhất của Alcor.

     Trong tâm trí của Sahatorn, những suy nghĩ và tính nết của Einz được gìn giữ trong não bộ cô bé ở Alcor và chờ đến ngày cuộc sống được tái dựng. Vợ chồng Sahatorn cũng có ý định bảo quản thi thể họ ở Alcor, mặc dù Sahatorn thừa nhận có rất ít cơ hội gặp lại Einz lần nữa trong cuộc sống mới của họ. 

Bồn thép đông lạnh của Alcor
    Hai vợ chồng cũng có kế hoạch bay đến Mỹ tham quan Alcor để tận mắt nhìn thấy bồn thép bảo quản não bộ Einz trong trạng thái “tiềm sinh” (anabiosis). Gia đình Sahatorn cũng hiến tặng số tiền tương đương với chi phí bảo quản đông lạnh Einz cho sự nghiệp nghiên cứu ung thư ở Thái Lan. Alcor tuyên bố công ty không hứa hẹn cơ hội thứ 2 cho cuộc sống nhưng cam đoan công nghệ cryonics là “nỗ lực cứu hồi những cuộc sống”. 

    Theo Alcor, “cái chết thật sự” chỉ xảy ra khi cơ thể đang chết bắt đầu ngưng hoạt động và các cơ chế hóa học bắt đầu “rối loạn” không thể phục hồi được. Nhưng, công nghệ tương lai có thể làm đảo ngược tình thế. Ngay sau khi một khách hàng của Alcor được tuyên bố đã chết, cơ thể sẽ được sử dụng kỹ thuật hỗ trợ cuộc sống nhân tạo và máu được thay thế bằng những chất bảo quản để có thể vận chuyển từ bất cứ nơi nào trên thế giới đến trụ sở công ty ở bang Arizona của Mỹ. 

    Cô bé Einz được chẩn đoán mắc phải một dạng ung thư nặng hồi tháng 4-2014 sau khi không thức dậy nổi vào một buổi sáng. Một bệnh viện ở thủ đô Bangkok của Thái Lan tiến hành các xét nghiệm, phát hiện Einz có khối u kích thước 11cm ở bên não trái và được chẩn đoán u nguyên bào màng não thất (hay u nguyên bào màng ống nội tủy) – một dạng ung thư não hiếm gặp thường tấn công những đối tượng nhỏ tuổi và chỉ có 30% bệnh nhân có cơ may sống đến 5 năm. Sau nhiều tháng điều trị căng thẳng – bao gồm 12 ca phẫu thuật não, 20 đợt hóa trị liệu và 20 đợt xạ trị - các bác sĩ không còn hy vọng cứu chữa Einz. 

     Ngày 8/1/2015, cha mẹ quyết định ngưng vận hành máy hỗ trợ sự sống cho Einz. Lúc chết, Einz đã mất 80% bên trái não bộ, chủ yếu bị liệt phía bên phải cơ thể. Hai vợ chồng Sahatorn mong muốn các tế bào não cũng như các bộ phận cơ thể khác của Einz được bảo quản để giúp khoa học nghiên cứu căn bệnh đã giết chết cô bé. Aaron Drake, Giám đốc phản ứng y khoa của Alcor, bình luận: “Họ không muốn cuộc sống của con gái họ kết thúc trong vô nghĩa. Họ hy vọng việc bảo quản các tế bào mô của dạng ung thư đặc biệt này sẽ giúp khoa học tìm được cách chữa trị hiệu quả hơn hay thậm chí chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đây là lòng vị tha”. 

Diên San (tổng hợp) 
http://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/Be-gai-Thai-Lan-tro-thanh-nguoi-dau-tien-duoc-dong-lanh-sau-khi-chet-369758/ 

     Không chỉ cha mẹ bé Einz hi vọng những tiến bộ kỳ diệu trong y khoa sẽ cho phép Einz sống lại vào một ngày nào đó, mà từ ngàn xưa đã rất nhiều người đã cất công đi tìm linh dược, mong được trường sinh bất lão. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho rằng chết là hết, không có đời sau, đặc biệt là những người thuộc nhóm Xa-đốc trong bài Tin Mừng sau: 

     Mc 12, 18-27 

    18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : 19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng : "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ." 

     24 Đức Giê-su nói : "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao ? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao ? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to !" 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

      Nhóm Xađốc trong bài Tin Mừng hôm nay là những tư tế Do thái giáo bảo thủ, không tin có sự sống lại. Dựa vào luật về anh em chồng trong sách Đệ nhị luật (Đnl 25, 5-10), họ đưa ra một trường hợp bảy anh em phải lấy bà vợ góa để sinh con cho anh hoặc em mình có người nối dõi, nhưng rồi tất cả những người này đều chết mà không có con, để cho rằng sống lại là chuyện không thể có. 

      Từ sự việc này, Đức Giêsu đã mặc khải cho nhân loại biết một chân lý tràn đầy hy vọng: sau cuộc sống trần gian ngắn ngủi này, con người sẽ được phục sinh, được biến đổi nên giống các thiên thần và sống hạnh phúc với Thiên Chúa. 

     Đức Giêsu không chỉ rao giảng về sự sống đời sau, mà Ngài còn minh chứng điều đó bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. 

     Trong kinh Tin kính chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau, nhưng sống niềm tin ấy giữa một thế giới đề cao giá trị vật chất và vô tín ngày nay là điều không dễ dàng. 

     Ước mong niềm hy vọng phục sinh trở thành ánh sáng chiếu rọi vào toàn thể cuộc sống chúng ta để những vất vả lo toan đời này không làm chúng ta quên đời sau, ngược lại biết cởi bỏ những tội lỗi, những yếu đuối để sống tốt hơn mỗi ngày, để sau khi chết đi được phục sinh cùng Chúa Kitô. 

     Lạy Chúa, chúng con xác tín có sự sống đời sau, nhưng giữa cuộc sống đầy lo toan vất vả, quá nhiều bất công và khổ đau, niềm tin của chúng con không tránh khỏi những lúc dao động, chao đảo. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con kiên vững niềm tin và loan báo niềm tin ấy giữa đời. Amen