Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Người cha nhân hậu

"Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng". Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy". Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..." Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Và họ bắt đầu ăn mừng.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ". Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!"
Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy".
Ủy ban Kinh Thánh/ HĐGM Việt Nam


Câu chuyện trên là một dụ ngôn Đức Giêsu đã kể cho dân chúng nghe, được trích từ sách Tin Mừng của thánh Luca (15, 11-32). Đức Giêsu kể dụ ngôn này vi: Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng" Luca (15, 1-2)
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói gì với những người Pharisêu, các kinh sư xưa và chúng ta hôm nay?

Khi người con thứ đòi chia gia tài và ra đi đến phương trời xa để ăn chơi trác táng, người cha ở lại nhà mong ngóng con trở về. Với tình thương và lòng nhân hậu, ông tin sẽ có ngày con trai của mình trở về. Vì thế, ngày ngày ông ra đứng ngóng trông con, nhận ra con ngay khi con còn ở xa, và rồi ông đã chạy tới ôm chầm lấy con, “hôn lấy hôn để”.

Hình ảnh càm động này không đơn thuần thể hiện tấm lòng cha yêu thương con, luôn mong con trở về, mà ẩn sâu trong cử chỉ ấy là lòng nhân hậu, luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm con mình đã phạm. Vì yêu thương, mong con từng ngày, từng giờ nên khi vừa gặp lại con, ông “hôn lấy hôn để”, dù đứa con hư hỏng chưa kịp nói một lời, ông đã sẵn lòng tha thứ.

Tâm lý chung của con người thường dễ thất vọng, buông xuôi khi thấy mình sai phạm, lầm lỗi quá nặng. Có mấy ai dám can đảm đứng dậy trở về để làm lại cuộc đời như người con thứ này? Hối tiếc về lầm lỗi của mình, tin vào tình thương của cha và mong chờ được anh cả tha thứ, anh đã đứng lên, quay bước trở về cùng cha.

Thiên Chúa chính là người cha nhân hậu. Người hiểu rõ con cái mình, hiểu sự yếu đuối của chúng và ơn tha thứ luôn chứa chan nơi Người: Người không bỏ rơi ai bao giờ. Người luôn đi tìm con chiên lạc để bồng ẵm về, băng bó vết thương và chữa trị cho lành.

Tin vào tình yêu thương tuyệt đối và lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta hãy đứng lên, trở về với Người, làm hòa với anh em và cũng hãy học nơi Người bài học yêu thương để hết lòng yêu thương, chăm sóc con cái mình, sẵn sàng tha thứ, giúp đỡ khi chúng cần và sẵn lòng đưa tay đón nhận, chia sẻ với những người anh em lầm lỗi hối cải quay về, không ác cảm, xem thường họ.


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết học theo lòng nhân hậu của Chúa, sống hiếu thảo với Chúa và cha mẹ mình, nhân hậu với con cái và bác ái với tha nhân.  Xin giúp chúng con biết nhìn ra lầm lỗi của mình và vững tin vào lòng Chúa nhân hậu, sẵn sàng thứ tha, để luôn can đảm trở về với Người sau những lần vấp ngã.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Yêu kẻ thù

     “Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.” Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma. Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh. Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá. Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.

    “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.

(Linh mục Antôn Nguyễn cao Siêu) 

    Các giới chức Vatican cho biết, tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ bắn trọng thương Đức Gioan Phaolô II vào năm 1981, đã kính cẩn đặt hoa màu trắng hôm thứ Bảy, 27 tháng 12, trên ngôi mộ thánh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

   Chuyến thăm của Mehmet Ali Agca thật bất ngờ, được cho là lần đầu tiên của anh ở Vatican kể từ vụ mưu sát, vài phút sau đó, một phát ngôn viên của Vatican, Đức cha Ciro Benedettini, cho biết. Cũng như các lãng hoa hoa khác của du khách đặt trên mộ, sau đó những hoa này đã được các công nhân Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô dời đi.

    Benedettini nói không có những vấn đề pháp lý chống lại việc giải quyết cho Agca ở trong Vatican và anh được tự do tham viếng. Chuyến đi của Agca tiếp theo kỷ niệm lần thứ 31 của cuộc gặp gỡ của anh với Đức Giáo Hoàng.

     Đức Gioan Phaolô II, người tha thứ cho kẻ tấn công mình, đã đến thăm Agca trong nhà tù Roma vào ngày 27 tháng 12 năm 1983, và sau đó ngài đã can thiệp để anh được phóng thích vào năm 2000. Agca đã bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Vì năm 1979 đã giết hại một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ và anh hoàn thành bản án 10 năm tù vào năm 2010.

    Truyền hình Ý chạy một đoạn video ngắn về cuộc viếng thăm mộ này, được trình chiếu bởi một nhà báo Ý cùng đi với Agca trong Vương cung Thánh đường. Và được nghe người Thổ Nhĩ Kỳ này nói thì thầm, “Muôn ngàn lời cảm ơn, thưa thánh nhân,” và “Chúa Giêsu Kitô hằng sống.”

   Anh cũng cho biết: “Hôm nay tôi đã đến, bởi vì vào ngày 27 tháng 12 năm 1983, tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng.”
http://www.thanhlinh.net/node/82857

    Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện theo từng lời Đức Giêsu dạy, nêu gương cho chúng ta và cảm hoá được chính người đã ám sát ngài.

    Mt 5, 43-48

   43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

     Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình, mà phải yêu cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.

    Yêu kẻ ghét mình, kẻ thù của mình chưa đủ, mà còn phải làm ơn cho họ, chào hỏi và chúc bình an cho họ và nhất là cầu nguyện cho họ nữa. 

    Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời, là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính. Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện. Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ.

    Rất khó để chúng ta thực hiện Lời Chúa dạy bằng tự sức mình, vì thế, cần đến sự trợ giúp của Chúa, đến ân sủng của Chúa Thánh Thần. 

    Hãy xin ơn Chúa giúp và tập yêu kẻ thù bằng cách nghĩ đến những kẻ làm mình khó chịu đang ở gần mình, những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa… Hãy làm một việc cụ thể để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này.

    Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tha thứ cho người ngược đãi mình bằng cách cầu nguyện cho họ trên thập giá. Xin cho chúng con, nhờ noi gương Chúa và học theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, không thù ghét, oán giận những người đã làm hại chúng con và luôn sẵn lòng tha thứ, cầu nguyện cho họ, để tất cả chúng con trở nên con cái Cha trên trời. Amen.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Của lễ con dâng

     Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. 
     Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”
     Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.
    Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
     Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống.
    “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
     Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn.
    Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường.
    Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
    Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.
    Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
    Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
   Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

    Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai.

   “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
    “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”

http://advice.vietnamworks.com/vi/career/bai-hoc-thanh-cong/bai-hoc-ve-su-nong-gian.html

     Câu chuyện là một bài học thật ý nghĩa về sự kiềm chế cơn nóng giận. Nó phần nào giúp chúng ta hiểu hơn bài học yêu thương Đức Giêsu đã dạy:

     Mt 5, 20-26

     20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
     21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

      Bài Tin Mừng hôm nay, từ giới luật: “Chớ giết người”, Đức Giêsu dạy chúng ta thực thi giới răn mến Chúa, yêu người. Việc tôn thờ Thiên Chúa, yêu thương tha nhân phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến chân thành và phải sống công chính, thánh thiện. 

     Luật sĩ và biệt phái là những người biết luật nhưng chẳng giữ luật, họ có thái độ sống mù quáng, giả hình, vụ hình thức, chú trọng đến cái phụ thuộc mà bỏ quên giáo lý làm linh hồn cho những hình thức bên ngoài. Lời Đức Giêsu nói với các môn đệ, cũng là lời Ngài đang nói với chúng ta. Nếu chúng ta không sống công chính, thánh thiện hơn những luật sĩ và biệt phái, thì chúng ta sẽ chẳng được vào Nước trời. 

    Sống thánh thiện, công chính không chỉ là tránh làm những điều dữ, điều xấu với tha nhân, hoặc không trả thù khi bị mưu hại mà phải có mối tương quan tốt đối với họ, nhìn nhận họ là một phần của cuộc sống mình, phải tôn trọng và sẵn lòng tha thứ; không xét đoán, không giận dữ, rủa xả, bới móc và bạo lực...

     Việc tôn thờ Thiên Chúa còn phải đi vào chiều sâu của nội tâm. Thiên Chúa chẳng nhận của lễ chúng ta dâng khi trong lòng còn chứa chất hận thù, ghen ghét, hoặc còn bất hoà với tha nhân. Chúa Giêsu chỉ dạy rất cụ thể: nếu trên đường đi dâng lễ mà còn giữ mối bất hòa với tha nhân, thì việc phải làm trước tiên là giao hòa với anh em rồi mới đến dâng của lễ cho Chúa. 

   Sống tinh thần Mùa Chay, không chống chế, biện hộ, hãy thành tâm tự vấn và xin Chúa giúp để biết của lễ chúng ta dâng có đẹp lòng Chúa không? Của lễ ấy có phải là tấm lòng chân thành, là tinh hoa của những chiến đấu thiêng liêng, những hoa trái của sự hy sinh và bác ái hay chỉ là hình thức bên ngoài, che dấu những ung nhọt bên trong?

   Lạy Chúa Giêsu, để sống thánh thiện, công chính, yêu thương và tha thứ cho anh em như Chúa muốn thật không dễ với chúng con. Xin ơn Chúa giúp để mỗi người chúng con biết dùng thời gian của Mùa Chay như là cơ hội thuận tiện, sau rốt để trở về với Chúa và cố gắng sống đẹp lòng Ngài. Amen

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Phép lạ và lòng tin

     Trên thực tế cầu vồng không phải là một vật thể xác định, mà nó là hình ảnh phản chiếu của ánh sáng Mặt Trời qua những giọt nước trong không khí, hiện tượng này còn được gọi là sự khúc xạ ánh sáng.


    Ánh sáng Mặt Trời là một hỗn hợp các màu sắc hòa trộn vào nhau mà mắt chúng ta không thể phát hiện ra các màu sắc này. Chỉ khi được chiếu qua một lăng kính thủy tinh, các tia ánh sáng bị bẻ cong hay còn gọi là khúc xạ để tạo thành một dải màu sắc liên tục mà ta gọi là quang phổ. Do các tia màu đỏ bị bẻ cong ít nhất, sau đó đến các tia màu cam, vàng, xanh lá cây, xanh lam và cuối cùng là tia màu tím bị bẻ cong nhiều nhất.

    Các giọt nước cũng có thể thay thế vai trò của một lăng kính. Khi ánh sáng Mặt Trời đi qua lăng kính, các tia sáng bị bẻ cong và sau đó bị phản xạ lại và đi ra ngoài giọt nước theo một góc 42 độ. Điều đó giải thích cho việc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cầu vồng khi quay lưng lại với Mặt Trời và nhìn theo một góc 42 độ so với ánh sáng Mặt Trời.

http://khoahoc.tv/vi-sao-co-cau-vong-24441

    Khoa học ngày nay giải thích cầu vồng là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Trong Cựu ước, cầu vồng là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ không còn dùng hồng thuỷ đến tiêu diệt trái đất (St 9, 8- 17). Trong Tân ước, người Do Thái đã xin Đức Giêsu một dấu lạ. Dấu lạ họ muốn là gì?

    Lc 11, 29-32 

   29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : "Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 

(Nhóm Phiên dịch CGKPV) 

     Tất cả mọi phép lạ đều đi kèm với lòng tin. Lòng tin là điều kiện để có phép lạ, hoặc chính phép lạ làm phát sinh lòng tin và củng cố lòng tin. Chỉ với lòng tin con người mới đón nhận được phép lạ của Chúa. 
     
     Trong bài Tin Mừng hôm nay, dân chúng xin Đức Giêsu dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ Ngài làm. Dấu lạ họ muốn thấy, phải chăng là một điềm báo cả thể từ trời để chứng thực Đức Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia như lời Ngài đã nói? 

      Đức Giêsu đã gọi họ là "một thế hệ gian ác” và dứt khoát từ chối: “Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna”. Ngài nhắc đến sự kiện ông Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày để ám chỉ Ngài cũng sẽ chết ba ngày rồi sống lại. Ông Giôna trở thành dấu lạ cho dân thành Niniver thế nào, Ngài cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 

     Trong ba năm hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, nhưng Ngài không làm bất cứ một phép lạ nào chỉ để thoả mãn lòng hiếu kỳ của con người. Ngài làm nhiều phép lạ chỉ để minh chứng cho lời Ngài nói là chân thật, việc Ngài làm đều đáng tin cậy. 

     Dân thành Ninivê ngày xưa đã từ bỏ lối sống sa đoạ để trở về với Chúa khi nghe ông Giona rao giảng. Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm và chính thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa. 

      Con người ngày nay, từ trong sâu thẳm vẫn tin có Thiên Chúa hoặc vẫn đủ khôn ngoan để phân định điều tốt điều xấu, điều nên làm hay không nên làm; vẫn thấy hổ thẹn khi làm điều xấu, nhưng rồi vẫn không chế ngự được bản thân, vẫn sa đi ngã lại trong lầm lỗi, trong đam mê lầm lạc, tội lỗi. 

     Lời Chúa hôm nay là lời thức tỉnh chúng ta. Ước chi hôm nay chúng ta nghe tiếng Chúa và quyết tâm trở về với Ngài, sống giới luật yêu thương Ngài dạy để được sống trong an bình, hạnh phúc ngay tại đời này và cả đời sau. 

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra mình là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn tin. Xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con và giúp chúng con biết trở về với Ngài sau những lần vấp ngã và biết canh tân đời sống trong tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Hãy tha thứ để được thứ tha

Ngày 21/1/2015, tại một bệnh viện ở Armenia, con trai đầu lòng Leo của ông bố người New Zealand chào đời. Niềm hạnh phúc làm cha chưa được trọn vẹn, Samuel sửng sốt nhận tối hậu thư của vợ là Ruzan Badalyan bắt buộc anh phải chọn lựa hoặc con trai hoặc vợ. 
Người phụ nữ sống cùng anh hơn một năm qua đã thẳng thừng đòi bỏ rơi Leo ngay sau khi bé ra đời. Đứa trẻ mắc hội chứng Down. Theo tờ Newstral, người mẹ này từ chối nhìn hay thậm chí chạm vào đứa trẻ mình mang nặng đẻ đau, bởi trong văn hóa Armenia, đứa trẻ như Leo là sự hổ thẹn cho cả gia đình.
Trái ngược với thái độ kỳ thị ấy, ông bố Samuel quyết định bằng mọi giá phải nuôi nấng con trai mình. Điều ấy đồng nghĩa với lá đơn ly hôn của người vợ và rất nhiều khó khăn phải đối diện khi làm bố đơn thân nuôi con khuyết tật.
Samuel hoàn toàn không hay biết thiên thần nhỏ của anh đã bị chính mẹ đẻ lạnh lùng chối bỏ và mọi việc diễn ra âm thầm sau lưng anh. Khi Samuel bế con trai tới thăm vợ, cô dọa sẽ ly hôn nếu anh giữ lại đứa bé. Bất ngờ trước phản ứng của vợ, Samuel vẫn đi theo lời mách bảo của tình phụ tử thiêng liêng. Cô vợ đệ đơn ly hôn một tuần sau đó.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ong-bo-quyet-khong-tu-bo-con-trai-benh-down-mac-vo-ly-hon-3145788.html

Ông bố quyết không từ bỏ con trai bệnh Down mặc vợ ly hôn. Con trai anh mới được sinh ra, lại bị bệnh down, không thể bày tỏ gì nhưng tình phụ tử thiêng liêng đã mách bảo Samuel, một người cha trần gian, biết phải làm gì cho con trai mình. Người Cha trên trời biết rõ hơn con cái mình cần gì trước khi con cái cầu xin.
       Mt 6, 7-15
7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này : "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11  Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12  xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con ; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,  nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 14 "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
(Nhóm Phiên dịch CGKPV)

       Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện. Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha - Abba và dạy họ khi cầu nguyện với Cha không lải nhải, nhiều lời vì Cha đã biết rõ con cần gì, trước khi con cầu xin.

Kinh Lạy Cha Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện có bảy lời cầu xin. Ba lời xin đầu tiên hướng đến Thiên Chúa Cha. Bốn lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ:  xin bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ.
Kinh Lạy Cha Đức Giêsu dạy các môn đệ là một mạc khải về Thiên Chúa Cha. Người  Thiên Chúa ở trên trời cao thẳm, nhưng lại thật gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Người là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.
Mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là người Cha yêu thương, Đức Giêsu cũng cho chúng ta được chia sẻ với Ngài chức vị làm con Thiên Chúa. Là con cùng một Cha trên trời, nên tất cả chúng ta là anh em với nhau.
Trong mối tương quan đối với anh em, Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh trong lời kinh: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
Khi có lỗi với Chúa, chúng ta đến với Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ. Thế nhưng, khi  có lỗi với anh em, hay khi anh em xúc phạm đến mình, chúng ta khó có thể tha thứ.
Chúa Giêsu dạy chúng ta: Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không tha cho những ai không biết tha thứ. Như thế, tha thứ cho anh em là điều kiện bắt buộc để được Thiên Chúa tha thứ, vì tất cả là anh em với nhau, là con một Cha trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi đọc lên lời kinh Lạy Cha Chúa đã dạy, chúng con được nhắc nhở về lòng nhân từ, xót thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ và thực hành Lời Chúa dạy, luôn sẵn lòng tha thứ cho anh em để chúng con xứng đáng được Chúa thứ tha. Amen.